Cụ thể hơn, mấy người thu mua phế liệu như trong ảnh này này, còn nhà mình thì thu mua lại của họ, gọi nôm na là đại lý phế liệu. Thu mua những đồ có thể tái chế như sắt, đồng, nhôm, nhựa, giấy, bì rách,.... Hôm nay, mình sẽ nói cụ thể về sự hay ho và thú vị của nghề này sau mười mấy năm có kinh nghiệm xem bố mẹ buôn bán và những thứ mình đã học được.

  1. Học được cách phân loại các đồ dùng bỏ đi để tái chế.

 Khi bạn dùng xong một món đồ gì đó và bị hư, nếu không dùng được nữa bạn chỉ đơn giản là vứt vào thùng rác hoặc kêu mấy cô đồng nát vô thu mua đúng không? Thật đơn giản mà. Nhưng khi các cô ấy đi bán lại cho đại lý, các cô ấy sẽ có một bài toán phân loại rất kinh khủng. Ví dụ như này nhé, một quyển vở viết, phải xé bọc nilong vứt đi vì không thu mua bọc nilong, xé bìa vở để riêng để bán vô bìa, rồi giấy bên trong sẽ bán vô giấy trắng, giá giấy trắng cao hơn giá bìa. Nhựa thì nhựa cứng để riêng, nhựa mềm để riêng, và nhựa dẻo để riêng, ví dụ vỏ chai nước khoáng mình uống là nhựa mềm, nắp chai là nhựa cứng, và mấy đôi dép tổ ong là nhựa dẻo, giá mỗi loại nhựa sẽ khác nhau nên phải phân loại riêng. Về sắt đi, phải phân biệt được sắt với gang, gang sẽ đắt hơn sắt, thường là dùng nam châm để thử, nhưng những người có chuyên môn nhìn qua là biết luôn ( như mẹ mình chẳng hạn). Rồi đồng nữa, đồng đen, đồng đỏ, đồng vàng này, khi các bạn chỉ đơn giản bán đi một cuộn dây điện đi, thì các cô đồng nát sẽ phải dùng dao ngồi tước hết phần cao su bên ngoài vứt đi để bán lõi đồng bên trong, giá mỗi loại đồng lại càng khác nhau nữa, đồng đen đắt nhất, sau đó là đồng đỏ và đồng vàng. Còn  lông vịt và lông ngan nữa, khi thu mua những bộ lông ướt sũng nước thì các cô đồng nát thường phải về rửa lại rồi phơi mấy nắng cho khô đi để đem bán được giá hơn, lông trắng bán được đắt hơn lông đen, và khô thì bán đắt hơn ướt, mà không thu mua lông gà nhé. Mình mới thắc mắc người ta thu mua lông làm gì, mẹ mình bảo để làm áo choàng lông thú, túi xách linh tinh, nên giá lông đắt lắm, hơn trăm nghìn một kg đấy, đắt tiền hơn cmn thịt vịt luôn.
Rồi nhôm rồi chì rồi bì xi măng bì rách và hầm bà lằng rất nhiều thứ nữa cần phân loại để bán được đồng nát đấy. Tưởng đi buôn đồng nát mà dễ à, ai định bỏ học đi buôn phế liệu thì cân nhắc kĩ nhé, có trí tuệ lắm mới làm được đấy, sau bao năm nhớ lại mình vẫn xoắn cmn não đây.

Đọc thêm:

2. Học cách tính nhẩm thần sầu.

Nhà mình buôn phế liệu từ lúc mình bé tí xíu, 2 hay 3 tuổi gì đó, lúc đó cứ ngồi kê cái ghế bên cạnh mẹ xem mẹ tính tiền cho các cô thôi, cứ 5,7 cô cân một lúc, rồi mẹ tính tiền từng phần một cho từng cô một và không dùng máy tính đâu. Vì sao không dùng à, vì các cô ý cân vào buổi trưa, mọi người đói cả rồi mệt lắm rồi không ngồi đợi mình mò mẫm bấm máy từng tí được đâu, mỗi người cân mười mấy hai mươi thứ dài như sớ táo quân ấy, cứ chăm chăm bấm máy thì mất khách hết. Bí quyết giữ chân khách của nhà mình là mẹ mình tính nhẩm siêu nhanh, các cô ý uống xong cốc nước là đã tính xong rồi, và đó là điều mình hâm mộ mẹ suốt một thời tuổi thơ, chắc là gieo mầm cho niềm yêu thích học toán sau này của mình, bởi từ nhỏ mình đã luôn nghĩ tính toán giỏi là một thứ gì đó rất siêu nhân, rất thú vị. Vậy nên ai mà tính nhẩm không giỏi thì từ bỏ mission buôn phế liệu đi nhé, tìm hướng khác để làm, bởi buôn phế liệu có thể không giỏi nhiều thứ nhưng mà nhất định phải giỏi tính nhẩm. Thấy chưa, yêu cầu nghề nghiệp cao lắm chứ đùa.

3. Đạo đức nghề nghiệp.

Đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực buôn phế liệu nó như thế này, nếu hôm nay giá sắt thu mua giảm đi so với hôm trước chẳng hạn, khi có người đi bán lại, mẹ mình sẽ thông báo điều đó cho họ. Nhưng vẫn phải cân sắt cho họ hôm đó với giá như cũ, hôm sau thì mới cân giảm để họ điều chỉnh giá mua vào, chứ không được giảm giá trực tiếp hôm đó luôn, đó là quy luật bất thành văn của nghề này. Tương tự, người mua lại phế liệu của nhà mình cũng phải làm y hệt thế, để đảm bảo làm ăn lâu dài và an tâm. Thứ hai, là phải pha sẵn nước để cho các cô mua phế liệu uống, bù nước bù khoáng, có hoa quả trái cây càng tốt, bởi làm nghề này các cô ấy rất hao tổn công sức, nên cần được chăm sóc để hồi phục sức khỏe, cái này marketing gọi là chăm sóc khách hàng, nước pha thường là chanh đường vào mùa hè và trà ấm vào mùa đông, có cả quạt và ghế để ngồi nghỉ ngơi nữa. Sẽ thuận lợi hơn nữa khi nhà có mấy cây xanh to to để có bóng mát, khi đó lượng khách có thể tăng lên nhiều hơn nữa. Đây là kinh nghiệm và những thứ cần làm của nghề buôn phế liệu, rất nhỏ nhặt nhưng quyết định sự thành bại đấy, ai có ý định startup thì tham khảo chút nhé.

Đọc thêm:

  4. Đam mê đọc sách.

 Từ hồi bé tí, mình đã thích sách. Trẻ con mà, hồi đó nghèo cũng chẳng có đồ chơi gì, nên lấy đồ của mẹ ra chơi, sắt, nhôm nhựa các thứ thì không chơi được rồi, chỉ có sách là vừa mềm vừa ấm vừa thơm nên mình thích lắm. Từ hồi chưa biết đọc, mình đã chơi với sách, ngửi mùi sách, có hôm còn ngủ quên buổi trưa trên mấy bì sách trong kho. Mỗi quyển sách có một mùi khác nhau, ngửi nhiều nghiện cmn luôn , quyển sách đầu tiên có mùi dừa khô này, rồi có cả mùi chuối nữa, hôm nào đen lắm vớ phải quyển có mùi nước đái chuột, rồi mùi ẩm mốc này, mùi hoa nhài người ta kẹp vào sách này, mùa vỏ bưởi rồi hương nhu nữa, mỗi quyển sách lúc đó khi chưa biết đọc mình lại háo hức ngửi mùi, háo hức tưởng tượng chủ nhân trước đó của quyển sách. Như quyển có mùi hoa nhài này, mình luôn nghĩ chủ nhân trước đó là một cô gái rất rất xinh đẹp và tốt nên sách mới thơm thế. Và mình dựa vào mùi hương của quyển sách để đoán người đọc trước đó là tốt hay xấu. Người xấu thường có sách hôi và ngược lại, giờ nghĩ lại thấy hồi trẻ con mình đáng yêu vch. Sau này nhà mình không buôn phế liệu nữa, những quyển sách mình cần thì đã đi mua, nhưng không còn cảm giác háo hức ngửi mùi như ngày xưa nữa, bởi sách mới không mang dấu ấn của người đọc trước đó, không có kỉ niệm, ít có nâng niu nên hương phai nhạt lắm...
Từ hồi bé tí, mình đã muốn trở thành một đứa trẻ con đặc biệt và hạnh phúc, và mình thật may mắn khi được sinh ra trong một gia đình buôn phế liệu, được trải qua tuổi thơ êm đềm và đáng nhớ, mình nhớ mình đã sướng sướng khi cả cái khối lớp 1 ngày ấy chẳng có đứa trẻ con nào có bố mẹ buôn phế liệu giống mình cả, lúc đó tự tin và tự hào lắm. Bây giờ vẫn vậy, mình nghĩ trải nghiệm như vậy rất rất trọn vẹn cho tuổi thơ của mình...