Có vẻ nghịch lý khi điều mà tôi muốn khuyên các bạn làm để có một cuộc sống ý nghĩa hơn là sở hữu ít đi. Và ít đi ở đây không chỉ là vật chất đơn thuần, mà còn nhiều hơn thế nữa và tôi sẽ chia sẻ với bạn trong bài viết này.
1.Tối giản về vật chất.
Trước hết hãy điểm qua một vài ngộ nhận khi nói đến lối sống tối giản ( Về vật chất ) .
-Sống tối giản là sống thiếu thốn. Nhiều người lầm tưởng sống tối giản là phải vứt bỏ đồ đạc, chi tiêu hà tiện, ăn uống dè sẻn, hay lối sống tối giản là tối cổ. Về mặt vật chất tối giản chỉ đơn thuần là giữ lại những gì thực sự quan trọng, có ích với mình, những thứ khác thì hãy cho đi hoặc vứt bỏ.
-Sống tối giản là phải vứt bỏ đồ đạc đến một mức, một con số cụ thể nào đó, nếu chưa chạm đến mức ấy thì bạn chưa đạt đến lối sống tối giản. Thực ra thì không có giới hạn, hay luật lệ nào cả. Đối với mỗi người sẽ có một sự tối giản riêng, quan trọng là loại bỏ những gì khiến bạn mất tập trung, phiền não và không hạnh phúc.
-Lối sống tối giản chỉ dành cho những người có điều kiện. chỉ có những người giàu có hoặc có điều kiện thì mới dám vứt bỏ đồ đạc mà không nuối tiếc. Nhưng thực tế là những người dân trong tầng lớp lao động hoặc tầng lớp thấp trong xã hội cũng sở hữu một lượng lớn đồ đạc không có ích trong việc nâng cao đời sống của họ.
-Vẫn còn những ngộ nhận khác như lối sống tối giản chỉ dùng hai màu trắng và đen hoặc là người sống tối giản thì không mua sắm, vân vân và mây mây.
Vậy qua những ngộ nhận này chúng ta hãy tổng kết, định nghĩa lại cơ bản lối sống tối giản là như thế nào theo người sáng lập Becoming Minimalist.
Tối giản không phải là bỏ đi những thứ mà bạn yêu quý, mà là bỏ đi thứ khiến bạn không thể tập trung vào những thứ bạn yêu quý -Joshua Becker
Đơn giản mà đúng không ?
2.Tối giản về thông tin.
Tin xấu, tin độc hại thường gây sự chú ý. Lượng người quan tâm đến một vụ drama trên mạng sẽ đông hơn nhiều so với một bài báo khoa học mới được công bố.
Hãy biết chọn lọc thông tin mà bạn tiếp thu mỗi ngày. Xác định mục tiêu rõ ràng trong tâm trí trước khi tham gia vào mạng lưới thông tin đồ sộ kia. Sử dụng nó như một công cụ phục vụ bạn thu thập thông tin, giúp bạn trở nên ngày càng không ngoan hơn, chứ không phải thứ để giết thời gian.
Một phương pháp mà Robin Sharma đề cập trong cuốn :"Ai sẽ khóc khi bạn lìa xa" là phương pháp :" Kiêng tin tức trong bảy ngày ". Hãy tự hứa với bản thân rằng bạn sẽ không đọc một câu chuyện tiêu cực nào trên báo, FaceBook, Twiter hoặc trên bất kỳ một nền tảng nào trong vòng một tuần tới. Và rồi bạn sẽ nhận ra 2 điều: Một là bạn không bị bỏ lỡ nhiều thông tin cho lắm, bạn vẫn sẽ biết những chuyện quan trọng nhất trong ngày thông qua cuộc nói chuyện với bạn bè, người thân. Hai là bạn sẽ cảm thấy bản thân thanh thản và bình an hơn. Đồng thời bạn có nhiều thời gian hơn làm những điều thực sự làm tăng chất lượng sống của bạn.
Hãy nhớ: chỉ lựa chọn thông tin hữu ích.
3.Tối giản trong các mối quan hệ
Bây giờ là thời điểm bạn ngồi xuống và tự hỏi bản thân mình:
-Bao nhiêu trong số những mối quan hệ mình có là mối quan hệ chất lượng ?
-Bao nhiêu trong số đó sẽ đến và ở lại bên bạn khi bạn gặp khó khăn ?
-Bao nhiêu trong số đó sống thật và chia sẻ những điều thật lòng của họ với bạn ?
Không việc gì phải đầu tư quá nhiều thời gian, công sức chỉ để giữ mối quan hệ ở mức xã giao. Bạn bè không cần nhiều, hãy tối giản hết mức các mối quan hệ bạn bè để tìm ra những người tốt nhất. Tương tự với những mối quan hệ tiêu cực, toxic, lợi dụng lẫn nhau, đừng ngần ngại gì khi xóa bỏ các mối quan hệ này.
Ghi nhớ: bạn tập trung vào điều gì trong cuộc sống, điều đó sẽ phát triển. Vậy nên chỉ tập trung vào những mối quan hệ chất lượng.
Khi bạn trở thành một người sống tối giản, xung quanh bạn sẽ là những điều bạn yêu quý, bạn trân trọng. Bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để quan tâm và phát triển những điều ấy.
Hạnh phúc không phải là đạt được tất cả những gì chúng ta muốn. Hạnh phúc là tận hưởng những gì ta có, những gì thực sự quan trọng với bản thân.
Chúc các bạn thành công trên con đường đi đến sự tối giản.