Sống như một trò chơi
Tôi hay nói đùa rằng cuộc sống này vốn dĩ là một trò chơi thôi. Và để chiến thắng trò chơi cuộc sống thì cũng như một nhân vật trong...
Tôi hay nói đùa rằng cuộc sống này vốn dĩ là một trò chơi thôi. Và để chiến thắng trò chơi cuộc sống thì cũng như một nhân vật trong game chúng ta bắt buộc phải 'cày' và 'nắm các quy luật'. Thế giới trò chơi rất hay khi nó phản chiếu gần như chính xác tính cách và tâm lý của chúng ta. Bạn như thế nào thì sẽ có xu hướng tạo ra một nhân vật na ná mình. Để thiết kế một trò chơi, các nhà sản xuất đã phải dày công nghiên cứu về tâm lý, kinh tế, kỹ năng, và rất nhiều thứ khác nữa. Chúng ta có thể vận dụng được kiến thức của mình để áp dụng trong game, vậy thì tại sao không làm ngược lại khi áp dụng những kiến thức từ trong game để chơi một trò chơi lớn hơn đó là cuộc sống?
Những ví dụ trong bài này được lấy từ 2 tựa game tôi yêu thích đó là Harvest Moon và Stardew Valley.
1/ Các mối quan hệ:
Nhiệm vụ đầu tiên khi nhân vật trong 2 game tôi nói đến khi họ vô tình phải tới một nông trại để sống chính là làm quen với tất cả các dân làng. Tiếp đó là tặng quà cho họ. Làm quen thì cần phải trò chuyện, cần gặp các dân làng để trao đổi nhằm hiểu thêm về nhau. Biết được rằng sẽ có người thích món này, không thích món kia. Thỉnh thoảng lại nhận được một nhiệm vụ giúp đỡ người này một điều gì đó. Và ngược lại chúng ta cũng nhận được sự giúp đỡ từ họ. Như việc bà cụ gửi thư nhắn rằng các nông sản của mùa xuân mà để qua hè thì sẽ hỏng. Lần đầu chơi tôi không biết nên mua một mớ hạt giống mà mình thích về trồng, không hề chú ý tới 'hướng dẫn sử dụng' cũng như lời tư vấn của những người xung quanh. Và thế là một mớ tiền đã ra đi, hạt giống không nảy mầm, cây chết.
Mối quan hệ thứ hai khó hơn là những người bạn thân để có thể tiến tới kết hôn. Bắt buộc phải chú ý tới sở thích và thói quen của họ để sắp xếp gặp mặt. Ví dụ như cô gái sống ở mé rừng có sở thích ra đứng bên hồ ngắm cảnh, đi khám bệnh vào ngày 15 mỗi tháng, thích hoa và thiên nhiên. Bạn không thể cho người ta cái mà bạn muốn rồi mong họ sẽ thích, bạn phải cho họ cái mà họ muốn. Một nguyên tắc đơn giản.
2/ Bài toán kinh tế:
Mới đầu thì cái nông trại chẳng có gì cả, tiền cũng chỉ có vài đồng để khởi đầu. Một mùa thì gói gọn trong khoảng 30 ngày. Mỗi loại hạt giống cần thời gian để có thể thu hoạch. Nếu không sắp xếp thì chúng ta sẽ lỡ vụ và thất thu. Ngoài những giờ làm vườn thì ta còn cần sắp xếp thời gian để kiếm thêm như vào rừng nhặt các vật phẩm, chặt củi, khai thác đá, đào mỏ, câu cá, làm các nhiệm vụ hỗ trợ các nhân vật khác. Bất cứ hoạt động nào cũng tốn năng lượng nên sự phân phối hợp lý đóng một vai trò khá quan trọng. Rồi phải tính tới chuyện để dành vật phẩm và tiền bạc như thế nào để có hướng nâng cấp.
3/ Luyện tập các kỹ năng:
Bất cứ trò chơi nào cũng có các kỹ năng. Bất cứ kỹ năng nào cũng cần một sự luyện tập bền bỉ để thành thạo. Nhưng nếu chỉ chăm chăm vào một kỹ năng thì rất khó để đạt được sự cân bằng. Ví dụ như bạn thành thạo kỹ năng chặt củi nhưng lại thiếu kỹ năng khai thác đá sẽ dẫn tới việc bạn mất rất nhiều thời gian khi nhận ra mình cần một vật phẩm mà phải có kỹ năng khác để đạt được. Và kỹ năng nó khác với vật phẩm ở chỗ là kỹ năng không phải đùng một cái bỏ tiền ra mua được. Nên vật phẩm sẽ rất đắt đỏ so với việc mình luyện tập kỹ năng đó và có thể tự làm ra được.
4/ Bản đồ và tìm đường:
Thông thường thì các trò chơi sẽ hỗ trợ chúng ta trong việc này bằng cách cung cấp một cái bản đồ. Ngoài đời thì chúng ta có nhiều ứng dụng nhưng cái bản đồ đó có quá nhiều chi tiết mà nhu cầu của chúng ta chưa dùng đến. Thế nên việc nhớ đường và định hình một cái bản đồ phù hợp trong đầu là một điều khiến chúng ta tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
5/ Chuẩn bị và quản lý rủi ro:
Đời không phải lúc nào cũng hoàn hảo, luôn có sự bất ngờ. Chính vì vậy mà việc tiên đoán một số điều có thể xảy ra, và chuẩn bị ngay từ trước luôn là một bước rất hay. Ví dụ như một nhân vật đang cần củ cải và cá để nấu súp, thật may là bạn đã dự trữ sẵn trong kho. Hoặc như đang đi đào hầm, sắp tới tầng có kho báu mà năng lượng cạn kiệt thì vài vật phẩm phục hồi năng lượng vô cùng quý giá lúc này.
Còn rất nhiều kỹ năng mà chúng ta có thể học được từ trò chơi như việc phối hợp với người khác, lên kế hoạch dài hạn, phân tích chiến thuật, đọc tình huống nhằm có thay đổi hợp lý, phân tích vấn đề để đưa ra các giải pháp tối ưu, vân vân và vân vân.
Tôi thích trồng cây nên chơi game nông trại và biến cái việc trồng cây ngoài đời thành một trò chơi mình đang tham gia. Tất nhiên là ở đời thực sẽ khó hơn rất nhiều so với chơi game nhưng dù sao đi nữa thì cứ chơi thôi. Đặt ra kỳ vọng, bám theo những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Luyện tập các kỹ năng cần thiết. Học hỏi mỗi ngày. Đó là những thứ mà game đã dạy cho tôi.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất