Nguồn: cafesach.org
"Một đời như kẻ tìm đường"

Mặc dù công việc chính của tôi nhiều phần thiên về số liệu, tính toán, cân đo đong đếm, một góc nào đó trong tôi là một kẻ duy tâm. Một kẻ duy tâm như tôi tin rằng mọi con người, mọi sự kiện và những thứ khác xảy đến với mình đều là một thông điệp, một lời nhắc nhở nào đó đến từ một thứ không rõ hình rõ tiếng: vũ trụ. Và đôi khi, những thông điệp đó đến dưới hình dạng một cuốn sách.

Tôi khép lại những trang cuối cùng của “Một đời như kẻ tìm đường” của bác Phan Văn Trường với nhiều tâm tư, nhiều ngẫm nghĩ về con đường của chính bản thân mình, trong cuối giờ chiều thứ Sáu, sau ngày làm việc cuối cùng của tuần. Tôi đọc cuốn sách này hết 1 tuần rưỡi, tôi tự gọi nó là “một tuần rưỡi gột rửa”.

Trước khi viết những dòng này, tôi đã nghĩ: mình phải khuyên nhủ bạn bè đọc nó, nhắc nhở gia đình đọc nó, rằng ai cũng nên như mình, trải nghiệm cuốn sách này một lần. Nhưng một điều gì đó đã nhắc nhở tôi rằng sẽ có những người tại những thời điểm phù hợp cần cuốn sách này (như tôi chẳng hạn). Và cũng sẽ có những người vẫn sống tốt, vẫn hạnh phúc và “thành công” mà không cần nó, thậm chí không cần sách. Điều đó giải thoát tôi khỏi cái áp lực vô hình và vô lí lên bản thân phải diễn tả cuốn sách này hay như thế nào, để thoải mái giãi bày những dòng suy nghĩ và cảm xúc của mình.

Tác giả cuốn sách, bác Phan Văn Trường là một người thành công và xuất chúng về nhiều mặt: sự nghiệp, tiền tài, danh vọng. Nhưng tôi nghĩ mình không cần viết về điều đó và bác cũng không cần nói về điều đó. Hơn hết, cuộc đời bác là một chuỗi những trải nghiệm đáng giá, không phải vì chúng luôn dễ chịu và tốt đẹp, mà vì những bài học và lời dạy quý báu bác nhận được từ đó.

Cuốn sách có một năng lượng dễ chịu: tựa như vào một buổi chiều mát mẻ, bạn ngồi xuống cùng người bạn vong niên 70 tuổi của mình, lắng nghe người ấy chậm rãi và khiêm tốn tâm tình về những tháng ngày đã quá, về những điều được và mất trong mấy chục năm bươn chải nơi xứ người, về nhân tình thế thái và về lòng cảm tạ chân thành của người ấy dành cho cõi đời này. Đó là một cuộc trò chuyện dễ chịu, vì bạn không cảm nhận được áp lực nào cả, không có lời khuyên nào mà bạn PHẢI làm theo. Người bạn vong niên ấy nói những lời rất thật, nói từ những thứ tâm can và từ chính những điều người ấy đã được gột rửa qua, không phù phiếm, không giả tạo, không mơ mộng.

“Một đời như kẻ tìm đường” - lấy cảm hứng từ câu chuyện của Từ Thức, một người mơ mộng cõi tiên, để rồi mộng tưởng thành hiện thức nhưng vẫn vô định và lạc lối dù sống trong hưởng thụ và nhung lụa. Những trang sách khép lại với đầy lời chất chứa về ý nghĩa thạt sự của hạnh phúc và mục đích cuộc đời. Ta cần phải giàu? Ta cần phải sống trong tình yêu và êm ấm? Ta phải được trọng vọng? Hay ta cần phải đóng góp cho đời? Tác giả không biết, và tôi cũng không biết. Phải chăng đó chính là hạnh phúc của số phận làm người chúng ta, tìm kiếm một con đường cho chính mình, vừa độc lập mà cũng hòa quyện với dòng chảy chung của thế giới này.

Cuối tuần vui.