Dịch Covid19 ập đến đem lại một phép thử đắt giá cho loài người. Một trong những điều tôi cảm thấy thú vị nhất, chính là nó làm nổi bật lên sự "thực chất" trong mỗi con người đang sống. "Sống không vật chất" là một điều chả mấy khi được đoái hoài, chứ đừng nói là coi trọng trong bối cảnh xã hội chạy theo thị trường. Giờ đây, đại dịch làm lộ ra, chính nó mới là thứ quyết định chất lượng cuộc sống của chúng ta.

"Sống không vật chất" nghĩa là gì?
Đương nhiên, "sống không vật chất" không mang nghĩa đen là không ăn, không uống, trần truồng không mặc quần áo. Bởi như thế thì làm sao ra người được? Khái niệm "sống không vật chất" trong mắt tôi, là sống không đặt nặng tiền bạc, địa vị, không tự định nghĩa bản thân bằng những thứ bề ngoài như ngoại hình, sự giàu có hay sự nổi tiếng, vân vân và mây mây. Một trong những đức tính xấu của con người là sự đố kỵ, và rất đông bộ phận người có xu hướng đánh giá mình theo việc mình "trên cơ" được ai trong những cái hình thức, chứ không tự trau dồi và phát huy con người bên trong. đối với tôi, đó là "sống vật chất".
Covid-19 đã làm gì với lối sống vật chất?
1. Không còn những bức ảnh đi "quẩy", phê pha rượu cồn, phì phèo khói thuốc:
Giờ đây, bar sàn đóng cửa, quán pub hay quán nhậu cũng chả còn. Thay vì cứ tối về là ra đường đàn đúm chơi bời, chúng ta buộc phải ở nhà để giữ an toàn cho mình và người thân. Vậy thì những người hàng ngày phê pha kia sống như nào ở trong nhà?
Không phải ai phê pha hay thích rượu chè cũng là xấu, cũng là hời hợt. Đi "quẩy" chỉ là một trong vô vàn sở thích của một con người. Tuy nhiên, tôi đang muốn nói đến một bộ phận người nếu tối không xập xình thì không biết làm gì khác để vui. Đằng sau những ngày tháng đông bạn đông bè, khi trở về với gia đình, anh chị có quan tâm và chăm sóc không? Đằng sau những bữa rượu quên ngày tháng, khi ở bên những người thân yêu nhất, anh chị có thể làm cho ai đó cười mà không cần phải "chuốc" hay "trăm phần trăm". Ngày thường, chúng ta nhìn những người đi chơi nhiều, có đông bạn là những người thân thiện, vui vẻ và năng động. Những ngày Covid giãn cách xã hội, những người đó hạn chế gặp bạn bè thì có hỏi han, có duy trì được mối quan hệ sâu sắc từ những cuộc chơi vô bờ vô bến đó không, lại là một chuyện khác. Cách bạn đối xử, mối quan hệ của bạn với những người thân cận nhất mới là cái "thực chất" để đánh giá con người bạn.
2. Không còn những bữa ăn sang chảnh, không còn la cà hàng quán:
Thú thật, bản thân tôi là một người rất thích đi ăn ngoài. Một tuần thì 2-3 ngày là tôi đi ăn, thử một món gì đó mới. Và tôi cũng biết nhiều người ngày nào cũng ăn những bữa vài trăm, thậm chí vài triệu. Điều này chả sai, nhưng không có nghĩa khi không được ăn ngoài là ta không có niềm vui ăn uống nữa.
Nhờ có dịch Covid, tôi chăm nấu ăn hơn. Tôi cố tình nguyên liệu những món mình thích, ví dụ như nấm porcini hay nấm truffle mà ta hay thấy trong những món ăn Pháp, Ý để làm ở nhà. Sau vài ngày thì tôi nhận thấy nấu ăn rất vui, và mình có thể tiết kiệm được khá nhiều tiền nữa. Không có ai phục vụ mình, thì mình vẫn phải "tự cung tự cấp" sao cho bản thân vẫn có thể tận hưởng cuộc sống một cách vui vẻ.
Có một bộ phận người (không biết là nhỏ hay lớn), cứ không được ra hàng là than thở, là kêu ca, tôi không đồng tình lắm. Nếu bạn là người thích thưởng thức thật sự, thích làm giàu cho cuộc sống thật sự, bạn sẽ tìm thấy cách để làm điều đó trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tôi không khéo tay, nhưng những ngày Covid19 tôi còn tự pha cho mình được 1 tách Latte. 
Dịch Covid có lẽ sẽ làm nhiều người khó khăn và điêu đứng, nên sau khi trở lại bình thường chưa chắc đã có thể ăn hàng nhiều như trước.  Những người có khả năng nuôi dưỡng cái bụng và cả tinh thần yêu đời của mình mới là những người sống thật sự. Tôi tin rằng, ai cũng có thể làm giàu cho cuộc sống của mình bằng cách trau dồi kỹ năng. Chỉ có bạn có đủ "thực chất" để làm nó hay không, hay chỉ muốn thu được nhiều "like" trên mạng khi đi ăn steak, uống champagne và ngắm nhìn thành phố từ trên trời cao?
À, đương nhiên là nếu hết dịch tôi vẫn phải đi ăn chứ, vì tôi thích thưởng thức ẩm thực. Nhưng không có nghĩa phải nấu ăn ở nhà là buồn, là "thiếu hụt".
3.  Không còn những bức ảnh "OOTD" đậm chất fashionista:
Tôi biết có nhiều người dù chỉ là dân văn phòng thôi, nhưng nước hoa 10 triệu, túi xách bằng một chiếc xe máy tầm trung, rồi đôi giày thì chắc bằng nửa năm tích góp của cơ số người khác. Đôi khi tôi tò mò lắm, rằng bỏ những lớp quần áo xa xỉ kia ra, khoác lên bộ ngủ bình thường ở nhà, họ còn những gì? 
Có những người yêu thích thời trang thật sự. Họ chăm chỉ cập nhật xu hướng, đọc sách báo về những bộ sưu tập mới trong năm, hay thậm chí còn học thêm về các chất liệu, cách phối đồ, v.v... Nhưng cũng có những người chỉ cần đắt là mua, để chứng minh rằng mình "sang, xịn, mịn", hay cứ thấy ai trên mạng mua gì "hot" là phải mua nấy. 
Cá nhân tôi tin rằng, khi bạn có một niềm thích thú mãnh liệt đủ để tìm hiểu về bất kỳ vấn đề gì, thì bạn không hề là người nông cạn. Chỉ có những kẻ chạy theo "mốt", đi theo "trend" một cách mù quáng thì mới nông cạn mà thôi. Giống như việc bạn thấy "phốt" là hùa vào chửi dù không biết nhân vật trong câu chuyện là ai vậy. Tôi tự hỏi, những người cả ngày chỉ biết thể hiện hay đếm like, chỉ biết khoe body, khoe quần áo, cuộc sống của họ những ngày này thế nào? Liệu bên cạnh việc up ảnh, họ có nói được những câu thú vị, có làm cho người xung quanh thật sự tôn trọng về tính cách của mình hay không.
ĐÂY KHÔNG PHẢI LÀ CÂU CHUYỆN HƯỚNG NỘI HAY HƯỚNG NGOẠI
Tôi biết rằng viết bài này, sẽ có nhiều người bất đồng, thậm chí ném đá hay chửi bới rằng "nhưng tao là người hướng ngoại, tao thích năng động, thích được sự chú ý của người khác thì sao?". Xin các bạn đừng hiểu lầm, bởi đây không phải là việc hướng nội hay ngoại.
Những người hướng ngoại có xu hướng "nạp" năng lượng từ việc tụ tập, hội hè với bạn bè sau những giờ phút căng thẳng. Ngược lại, người hướng nội được định nghĩa là những người muốn dành thời gian một mình để tích luỹ năng lượng đối đầu với thử thách. CÁI NÀY CHẢ LIÊN QUAN GÌ ĐẾN SỐNG THỰC CHẤT HAY KHÔNG HẾT.
Người sống thực chất, là người luôn biết tích luỹ, trau dồi kiến thức, biết hoàn thiện những kỹ năng mình còn thiếu để con người trở nên tốt hơn mỗi ngày. Họ không hoàn thiện bản thân theo chuẩn mực được đặt ra bởi mỗi "xã hội". Những người sống không vật chất, họ biết được bản thân mình ở đâu đằng sau vẻ bề ngoài mà người khác hay nhìn thấy. Họ cũng có thể là những người nổi tiếng, những hot boy, hot girl, hot mum, nhưng Youtuber được hâm mộ trên mạng. Nhưng họ không để một mình số lượng "like" hay "follow" đánh giá con người họ. "Sống không vật chất" không có nghĩa là sống "nghèo". Họ có thể giàu về vật chất, nhưng quan trọng hơn là họ giàu về kiến thức và tâm hồn.
Gần đây, một em hot girl mới nổi (Có phải từ Tiktok không nhỉ?) có nói một câu thế này: "Thà học dốt mà kiếm nhiều tiền còn hơn học giỏi mà không có tiền". Đó là một biểu hiện của sống vật chất, khi bạn đặt tất cả những giá trị của mình vào đồng tiền, chứ không phải về cốt cách, đạo đức và vốn sống của bạn. Để có vốn sống, nhất định phải có tri thức. "Tri thức" ở đây không chỉ đến từ học đường, mà còn đến từ trải nghiệm, đến từ những suy ngẫm hay va vấp của đời người.
Trước Covid, "sống không vật chất" là một khả năng chả ai để tâm. Nhưng sau đợt đại dịch này, có lẽ mỗi người trong chúng ta đều sẽ hiểu, đó thật sự là một năng lực mà ai cũng cần có. Bắt đầu "sống không vật chất", là bắt đầu nhìn vào bên trong mình, bắt đầu không tự đánh giá bản thân qua những gì người khác nói hay nghĩ, qua những tiêu chuẩn xã hội mà có thể chính mình cũng không hiểu. "Sống không vật chất", là lối sống giàu có về tri thức, về độ hiểu biết. "Sống không vật chất" đi từ những điều nhỏ nhất mà ta làm, từ từng câu nói và cách đối xử của ta với những người xung quanh.