Sáng tớ ngủ dậy lúc 5 rưỡi. Cầm cốc nước ấm ra chõng thềm ngồi. Nhìn cái cổng, nhìn luôn cả bức tường rêu và mấy cái cây leo, tớ lặng lẽ uống hết cốc nước. Cửa cổng chưa mở. Tớ cũng không có ý làm điều đó. Đó là hành động đầu tiên (và tối cao) của bố khi ngủ dậy. Như một nghi thức tâm linh. Như rằng bố mở cửa cổng mà không cần phải mở hết mắt. Cánh cửa đóng cũng có một ý nghĩa nhất định, với tớ. Nó ngăn cách tớ với thế giới bên ngoài, dù qua cánh cửa thì hai thế giới thấy tỏng nhau hết cả. Tớ thấy rõ mọi người đi ngang qua, nhìn hoặc không nhìn vào. Nếu nhìn vào họ cũng sẽ thấy rõ ràng một tớ đang ngồi cầm cốc nước trên thềm. Nhưng như vì có cánh cửa đóng, tớ cảm giác như mình chẳng phải chào một ai hay cất lên một lời nào cả. Nếu cần thiết tớ chỉ cần cười mỉm nhẹ một chút. Nụ cười nhẹ đến nỗi chưa cần phải hé một tí lòng mình. Cũng chưa đủ mạnh để dao động một gợn gì từ bên trong tớ cả. Bỗng dưng tớ ước giá như mình có thể dùng cánh cửa này bất cứ lúc nào, sáng chiều hay tối. Khi tớ cần nó chỉ việc hiện ra để tớ vẫn ngồi đó, không phải chui vào trốn chạy ở góc nào, vẫn rõ ràng nhìn thấy thế giới ngoài mà chẳng phải mở tí lòng và tí mồm nào. Rõ ràng như cách tớ vừa thấy đàn gà nhà ai vừa được thả ra và đi ngang qua đây. Tự hỏi bây giờ diều hâu mà sà xuống thì con nào sẽ che cho con nào khi con nào cũng to uỳnh mà nhìn ngớ ngẩn như nhau cả.
6h kém mấy phút. Tớ túm gọn tóc, búi cao lên mà không cần dây cột. Tớ nhớ ngày xưa mỗi khi búi như thế này ai đó nói trông tớ giống một nữ biên kịch. Tớ nhớ thế mà chưa nhớ nổi ra là ai và chẳng kiếm nổi tí liên quan hay tương đồng gì giữa hai hình ảnh đấy. Rồi tớ đi xuống phía bếp lấy chổi quét nhà. Tự dưng muốn quét nhà lau nhà sớm. Tớ muốn mọi thứ thật tươm tất trước 7h. Xong đó mới làm mấy thứ linh tinh. Tầm 7h kém 15 là tớ lau xong nhà. Mệt lả. Và nóng. Nhưng có cảm giác thoải mái. Tớ đốt một cây hương thơm thơm. Trời nóng mà đốt hương thì có vẻ không vui lắm. Nhưng kệ. Sàn nhà mát và tớ cần một mùi hương ấm.
Lên góc giường ngồi nghỉ một lúc. Góc giường bộn bề đồ của tớ ấy. Nó cách TV có chừng 2 mét thôi chứ không phải 3 mét như lần trước tớ kể. Tớ rất rất kém khoản lường chừng cân nặng độ dài hay các thứ. Nó liên quan đến các con số. Chắc thế. Tớ nghĩ lại rồi. Khéo chỉ mét rưỡi không chừng. Khoảng cách giữa cái giường và TV ấy.
7h tớ xuống bếp. Làm đồ ăn sáng cho bố. Pha một cốc cafe cho mình rồi ra rửa mặt. Bố ăn xong tớ dọn rửa. 7h rưỡi. Tớ đọc sách tiếp. Mấy cuốn định tặng Hải Anh ấy. Tớ tự nghĩ mình nên biết qua thứ mình muốn tặng cho người khác một chút. Đến 10h thì tớ lại xuống bếp, chuẩn bị đồ ăn trưa sẵn đó cho bố rồi đi xe máy lên nhà bà. Mẹ đã mấy tuần rồi ở trển không về. Tầm 11h15 tớ lên đến đó. Mọi người đã bắt đầu vào mâm và ới réo rắt tớ vào ăn. 
12h hơn thì cơm xong. Tớ giúp mẹ dọn dọn nhưng không ra rửa bát. Chỉ nằm lì trong phòng ôm quyển truyện. Ở trên nhà bà luôn nóng hơn nhà tớ. Mẹ nói ngày xưa chở tớ lên đây được một chốc thì tớ lại đòi về. Vì nóng. Chắc ngoài những người được trải nghiệm nó ra thì  nghe vậy không hiểu hết được. Cái nóng 39, 40 độ lại bonus thêm quả gió Lào. Người ta nhìn cái mặt nhau thôi là cũng hiểu Ngậm mồm lại. Đừng nói gì cả. Nhất là việc kêu nóng. Thực ra căn nhà dưới tớ đang nằm thì mát hơn. Có một phòng điều hòa thì nhường cho ông Thùy- em ruột bà về thăm. Cậu Hoài thích nằm dưới nhà, gian bếp, trước cái tủ lạnh. Cũng ổn. Cậu Thịnh nằm phòng điều hòa với ông Thùy. Ông ngoại tớ nằm nhà trên. Một trong hai chiếc giường đôi của gian nhà trên đó. Mẹ tớ nằm trực cùng bà. Gian nhà trên nóng nực đó. 
Tớ đọc tiếp cuốn truyện, sau khi búi lại tóc thật cao thật gọn. Lần này tớ cần đến một dây thun cột tóc. Tớ muốn đảm bảo tóc tớ vẫn gọn như thế cho đến chiều. Và không- một- sợi-tóc, không- một- sợi- tóc nào được phép rơi xuống mà chạm vào mặt tớ. Cứ như nếu một sợi tóc dính vào mặt tớ sẽ nổi điên lên với bất kỳ ai vậy. Tớ mặc chiếc áo thun màu xanh rêu nhạt, cổ rộng. Nhìn qua gương tớ thấy được một phần xương quai xanh và chiếc vòng cổ. Đó là chi tiết an ủi tớ rằng mình cũng chưa giống một cây xúc xích lắm. Cùng chiếc quần alibaba đỏ. Chiếc quần có màu đỏ, thật tệ là màu xúc xích, vải mỏng, rộng thùng thình nên tớ chuộng mặc lắm. Xoăn cho tớ quần này đâu chừng dăm hay bảy năm trước. Vải nó nhão đều ra rồi. Dây thun dạc cả rồi. Có một lỗ rách nhỏ trên đùi nữa. Thế mà tớ vẫn thích mặc. Nó thật sự tuyệt cho những những lúc cần chạy vội ra đầu ngõ mua rau mà tớ cần mặc thứ gì dài quá gối. Hôm nay nóng như thế mặc cũng rất tuyệt. Tớ ngồi bó gối, sách để lên chân, vai và đầu tựa vào cửa sổ, và đọc. Tớ tự tưởng tượng ra là nhìn từ ngoài vào đó là một hình ảnh đẹp. Tự dưng nhớ ra mấy lần cafe, bạn tớ nói T mà là họa sĩ thì t vẽ Hạnh nhiều đó. Hoặc T mà là nhà văn thì Hạnh sẽ là nhân vật chính trong truyện của t. Nghe cũng an ủi lòng, nếu bỏ qua sự thực là mấy tên đó toàn là mấy thằng kỹ sư, tay cầm ốc vít hay bút thử điện nhiều hơn bút bi, Facebook thì viết status không quá hai dòng. Mỗi lần tớ post tút dài thì chạy thẳng vào inbox Hạnh viết dài quá t không đọc được hết nhưng vẫn thấy hay. Tuy thở dài nhưng vẫn thấy, nếu đang tự tưởng tượng ra mình là họa sĩ hoặc nhà văn thì chắc đầu mấy đứa này vẫn chưa đến mức được test bằng bút thử điện.
Khung cửa sổ.
Trưa quê.
Đứa con gái.
Tóc búi cao.
Tựa đầu vào song cửa.
Đọc gì mà mẩn mê.
Cửa sổ đó nhìn thẳng ra phía cổng. Cứ thi thoảng có tiếng lạch cạch ngoài đó tớ lại hạ cuốn sách xuống nhìn ra. Có một ai vào thì tớ mong họ không nhìn thấy tớ. Tớ không thích mở lời tí gì. Thường là lẩn vô góc giường tránh xa khung cửa sổ để đọc tiếp. Tớ biết tớ chẳng ngoan ngoãn gì. Tớ biết rõ điều đó.
2h rưỡi chiều. Tớ đã thiếp đi ngủ trưa chừng 20 phút. Nhưng nóng quá mà tỉnh. Sờ tóc lên thấy vẫn ổn. Ít nhất là ổn hơn cảnh bây giờ tháo ra rồi vuốt vuốt lại để cột. Tưởng tượng ra mớ tóc xòa xuống dính vào cổ và mặt mà tớ đã muốn giết một ai đó. Tớ biết tớ chẳng ngoan lành gì. Tớ biết rõ điều đó. Rồi tớ đi lên nhà, nơi bà nằm. Bà tớ đang nằm la liệt dưới sàn. Mấy hôm nay bà đòi nằm sàn mới chịu. Người ta bảo đó là “dấu hiệu”. Mẹ tớ cũng nằm cạnh đó. Vẻ hơi mệt. Mẹ tớ nói thẳng luôn chứ không dấu hiệu gì sất. Bà không còn biết gì nữa rồi. Mặt bà không nói lên thứ cảm xúc gì cả. Đứng đó chừng một phút, thở dài và nhẹ, tớ lại ngồi chỗ giường của ông. Im lặng nhìn ra phía sân và vườn trước mặt.
Hình ảnh mảnh vườn cũng đủ làm cổ họng tớ khô khốc. Miếng đất là tổ hợp của những hạt cát sắp xếp gần nhau như đang tơi vụn cả ra vì khô. Những cái cây mới trồng thì nhỏ thấp. Chẳng có một cái cây to lớn nào có tán lá đủ tiêu chuẩn để tớ gọi tên là một khu vườn cả. Chỉ có xa tít ngoài kia là một cây phượng nở đỏ rực. Quả phượng giống quả gì nhỉ. Quả bồ kết chăng? Nó có cấu trúc hơi giống quả của cây thèn thẹn mà tụi tớ xưa vẫn tách ra lấy nhân ăn. Quả lõng thõng buông xen trong màu hoa đỏ rực. Lại đứng một mình trơ trọi giữa khoảng đồng. Một hình ảnh cũng chẳng đem lại sự mát mẻ gì lắm. Tớ phải nhấp ngay một ngụm nước trước khi mình bị chết héo. Là nước chè cậu Hoài om. Tớ thấy màu da mình còn đen hơn màu nước chè đặc cũ. Nó không chỉ  rám nắng bên ngoài. Mà cảm giác như đen đồng đều luôn cả ba lớp biểu bì trung bì và hạ bị. Đoạn này không phải tớ giỏi sinh học. Mà hơi nhiễm kiến thức đọc về dưỡng da bôi kem chống nắng các thứ đó mà.
May thay tớ nhìn thấy cái dây phơi và những chiếc khăn mặt. Đủ màu. Xanh có cam có hồng có. Ngay ngắn ngoan ngoãn nằm xen kẽ màu cạnh nhau. Đó là một hình ảnh dễ thương. Không khiến tớ thấy mát lên nhưng ngồ ngộ. Tớ cảm thấy vui vui. Một nhịp vui bắt nhịp lên trong lòng tớ. Chỉ đúng mỗi một nhịp. Não tớ tự chuyển cảnh và nhớ về dãy khăn mặt của chiếc nhà trẻ ngày xưa. Những chiếc khăn chữ nhật nhỏ, vải mềm, màu trắng, một đường xanh ở giữa. Dùng một thời gian sẽ bị xơ ra. Đó là một loại vải không tốt. Điều tớ nhớ nhất là những chiếc tên được các cô thêu ở góc khăn, thường là bằng chỉ đỏ. Tớ thèm quá cảm giác được nhìn lại rõ ràng chiếc khăn, và sờ vào nó. Cảm giác vải mềm mềm, chỗ thì nhão nhão bị dạc chỗ thì nhám nhám những xơ bông trồi lên. Dễ giặt nhưng không thấm nước. Đã lâu tớ không thấy kiểu khăn đó nữa ở các nhà trẻ. Dù gì thì bây giờ người ta cũng dùng đồ tốt hơn cho các bé. Chi phí học mầm non cũng cao ngất ngưởng ra so với việc người ta làm hay dạy chúng trong đó. Cũng chẳng lạ lắm. Lạ là tớ search Google cũng không ra hình chiếc khăn đó nữa.
Tầm 3h. Tớ lại quay về góc giường cũ và đọc tiếp cuốn truyện. Tớ không nghĩ nhiều về cái nóng nữa. Tầm giờ này mà vẫn ngồi than nóng thì đời tớ not làm nổi được cái gì nữa. Giống như 40 tuổi mà vẫn trẻ con thì không dám mong người ta sẽ lớn. Có thì chắc là cũng  biến chuyển nhỏ nhưng không rõ ràng. Không xứng đáng để  vẽ ra một cái biểu đồ mà thể hiện.
Đến chừng 4 rưỡi, tớ lại đi lên chỗ bà, sau khi mấy người đến thăm đi về. Mẹ tớ ngồi tập thể dục tại chỗ. Tớ ngồi xuống, cách bà chừng một cánh tay. Lưng dựa vào cánh tủ cạnh giường. Chân duỗi dài, cổ chân phải để lên cổ chân trái, như thói quen. Tớ đặt cuốn truyện lên đùi. Đầu dựa vào tủ, nói chuyện với mẹ. Mẹ tớ vẫn tiếp tục bài yoga. Tớ hào phóng gọi tên mấy động tác ấy là như thế.
“Chắc thứ 2 này bà vẫn chưa sao đâu mẹ nhỉ?” Tớ hỏi.
“Sao con hỏi thế?”, mẹ tớ cười cười hỏi lại. Tớ không hiểu ý mẹ nghĩ gì mà có vẻ cười cười.
“Con tính thứ 2 vào Vinh, chụp hình với Xoăn”. Tớ trả lời. Mẹ tớ nhìn tớ chưa hiểu ý lắm.
“Xoăn tháng 7 này cưới. Nó khao khát, đúng hơn là trăn trở chụp với con một bộ ảnh đôi”. Tớ nói thật, cũng hơi cười. Mẹ tớ đang làm động tác gập lưng và vẫn tiếp tục lắng nghe.
“Xoăn cứ trăn trở muốn đi chơi một chuyến xa với con mà chưa được. Lần này trước khi cưới nó muốn chụp ảnh với con. Nó mong muốn lắm lắm á. Con thấy đó là điều duy nhất con làm được cho nó bây giờ”.
Mẹ tớ ngước lên. “Xoăn tháng 7 là cưới rồi à?”
“Con cũng không hiểu sao con có một bộ sưu tập những con người muốn sống với con cùng một căn chung cư như thế. Sáng chiều đi làm tối vè thổi cơm nói chuyên linh tinh”. Tớ vẫn tiếp tục dòng chuyện của mình. Mà đúng là thế thật. Chẳng hiểu sao mấy đứa con gái đó lại muốn sống chung với tớ đến già trong cùng một căn hộ. Thật buồn cười. Lúc chúng có người yêu thì lại để tớ lại một mình đây mà. Chúng còn không biết lúc ở chung tớ rất khó tính xấu xa và ghê gớm. Chơi với nhau ngày mấy tiếng thì dễ chứ ở với nhau ngày 24 tiếng thì phản ứng hóa học sẽ khác. Thứ ba nữa là, chúng còn không thèm hỏi ý kiến tớ. Tức là chúng mặc định tớ sẽ một mình mãi theo cách tớ sống (vui vẻ) 26 năm qua. Tớ nhớ chú Thuận với em Ngọc nói Tớ là thứ nên được bỏ ở viện bảo tàng để khi cần là sẽ đến gặp. Nếu vậy là đúng thật thì chỉ có Bảo tàng thất bại là hợp nhất rồi.
“Hỏi chúng xem chúng thích ở mãi với người yêu hay ở mãi với Hạnh?” Mẹ tớ cả nói cả cười. Có một điều gần đây tớ cảm nhận được rõ ràng, là mẹ tớ nhiễm một chút hài hước khi nói chuyện của tớ. Tớ không phải là một cây gây cười hài hước gì lắm, nhưng tớ nghĩ trong một số hoàn cảnh nhất định tớ có cách nhìn đỡ thảm hại hơn so với một số người cùng nhìn. Tớ thấy mừng vì nó ảnh hưởng tích cực lên mẹ tớ, ít nhất là quãng ngày tháng vừa rồi.
“ Một số đứa chưa có người yêu thì không nói. Một số đang có cũng chọn con đó. Một số sắp cưới còn chọn con kìa”. Tớ nói giọng có vẻ tự hào. Rồi tớ nhớ đến Xoăn mà buồn. Xoăn sắp cưới, nhưng có vẻ chưa sẵn sàng. Tin nhắn gần đây Xoăn gửi:  Thực sự t muốn bỏ hết đi xa té m ạ. 

Tở chậm rãi và thành thật kể với mẹ thế, khi tay lăn lăn cây bút chì trên bìa sách.
“Con nói nếu Xoăn muốn bỏ thì con vẫn ủng hộ. Con muốn Xoăn một lần được sống cho chính mình”. Tớ như đang nói với chính tớ.
“Con nói Xoăn cứ ra chỗ phòng con mà ở. Có gạo với đồ ăn sạch ở quê gửi ra. Free tiền phòng. Cho nó mượn xe đạp. Con sẽ không nói với ai hết. Nhưng phải khóa Facebook với IG vì con sợ lỡ post hình lên là lộ. Con nói việc nó phải làm là chuyện viết thư. Con không thể thay nó viết thư được”. 
Tớ nhớ lời đó hôm nói với Xoăn. Tớ nghĩ tớ mà viết thư thì lại xưng nhầm ngôi mất. Kiểu “Mon xin lỗi. Con muốn một lần được bỏ đi và sống cuộc sống cho chính mình. Mon xin lỗi vì đã cảm thấy khó chịu và tù túng ngay trong căn nhà của mình. Hãy thông cảm và tha thứ cho con. Ký tên: Mon xinh đẹp”. Xoăn nghe xong bảo “ T có thể tưởng tượng được cảnh đó”. Giống câu Toru nói với Midori nhỉ? Tớ hơi sực mình lúc Xoăn nói thế. Xoăn còn nói “ T sẽ đem em SH đi”. Lạy trời. Có ai trốn nhà ra đi mà đem theo SH không? Gửi xe máy ra HN cũng rất phiền nữa giời ạ.

Tớ sực tỉnh. Nhận ra mẹ vẫn đang trong cuộc nói chuyện với tớ. Rồi tớ kể tiếp về chuyện Xoăn lấy chồng đính kèm những nỗi lo lắng không dứt. Cả những áp lực nó gánh. Tớ kể về căn nhà cũ nay được cho thuê mà mỗi lần đi ngang qua là bao kỷ niệm vui vẻ trong đó lại ùa về ào ạt trong tớ. Tớ kể về quãng thời gian Xoăn làm ở Ecopark và cuối tuần tớ phóng xe qua. Mùa đông. Xoăn chở tớ đi giao hàng đến từng nhà bằng chiếc xe đạp xinh chết người. Tớ ngồi sau xe, nhìn những hàng cây cao xanh thấp thoáng trên vai Xoăn, nghe Xoăn kể về những ngôi nhà, những người khách nó gặp, những chỗ nó hay ăn… Rất cả hiển thị rõ mồn một trong tớ, cùng với tiếng Xoăn cười.

“Đã lâu rồi con không thấy Xoăn vui vẻ như thế”. Tớ nói với mẹ để chứng tỏ mình đang không tự nói chuyện một mình.

Mẹ tớ hỏi thêm những câu hỏi nhỏ. Bồi thêm cho dòng cảm xúc đang tuôn trào của tớ. Tớ co chân lại. Cất cuốn sách sang một bên. Rồi nằm xuống cạnh bà, dưới sàn nhà. Tay vẫn cầm chiếc bút chì. Đầu nghĩ về Xoăn. Tớ không dám chắc Xoăn thích đọc mấy dòng này, dù lần trước Xoăn nói Được làm nhân vật chính trong một câu chuyện thật là thích. Cái lần tớ chúc mừng sinh nhật nó đó. Nó bảo: T đã đọc đi đọc lại mấy lần. Đọc cả comment. Đọc luôn cả điều khoản sử dụng Spiderum.

Nhưng lần này hoàn toàn khác. Tớ không biết mình có đang ích kỷ khi viết ra không, vì nếu đọc được Xoăn chắc sẽ buồn. Nhưng tớ lại ngụy biện nghĩ, chúng ta phải tiếp nhận nỗi buồn thôi. Càng né tránh những vết thương càng hở và thêm rách rưới. Chúng ta nên cảm nhận sự đau ngay từ đầu khi nó mới vốn thế. Khi né tránh một thời gian, thời điểm tiếp nhận phía sau kẻ bị thương đã yếu đi một phần, vì bị nỗi buồn đánh bại. Chúng ta sẽ lại càng yếu và buồn hơn. Giống như việc hàng ngày Xoăn vẫn đi ngang qua ngôi nhà cũ, Xoăn chắc vẫn buồn nhưng phải vượt qua chúng. Chúng ta sống trong thực tại. Một thực tại pha trộn những nỗi buồn và niềm vui mà không theo một công thức hay tỷ lệ nào cho trước cả. Cũng không cần phân loại chúng. Điều đó chỉ làm giảm đi tỷ lệ niềm vui. Tớ không biết nữa. Tớ chỉ nghĩ và bịa ra thế. Tớ ghét cách mình phải khuyên hay nghĩ những điều mà mình chưa từng trải qua hoặc quá tầm hiểu biết. Nó làm tớ cảm thấy mình như một mớ học thức giả tạo và rẻ tiền.

“Con không thể nào khuyên Xoăn chạy trốn để sống cuộc đời mà Xoăn ao ước. Con cũng không thể nói Xoăn ơi cố lên mọi chuyện sẽ qua. Nhỡ không qua nó đòi nợ con thì sao? Con thương Xoăn kinh khủng”.

Tớ nằm ngả. Nhìn lên mẹ đang ngồi buồn buồn. Mẹ chuyển sang ngồi tư thế bán già. Tớ giơ giơ tay lên. Khua khua cây bút trong không gian tối tối. Ngắm nhìn bàn tay mình. Tớ thích nhìn bàn tay khi làm mọi việc. Như lúc mở cửa bếp. Lúc pha café. Lúc lấy tay giữ trang sách. Lúc cuốn lá cơm nếp rồi nhét xuống đám gạo khi nấu cơm. Cả lúc rung rung treo đồ cho Diệu lên móc cửa. Tay tớ không đẹp. Tớ phải nhấn mạnh thế. Nhưng tớ thích nhìn ngắm nó.

Mẹ tớ thở dài. Hỏi thăm tình hình mẹ Xoăn. Mẹ hỏi thêm về Phúc, cùng gia đình chồng sắp cưới. Tớ tranh thủ: Con thấy sung sướng và may mắn vì bây giờ vẫn đang (chỉ) như thế này.

Ừm. Chỉ như thế này. Tức là khi bạn bè đang lo những chuyện lớn lao đại sự, đang buồn những nỗi nhân tình thế thái, tớ hàng ngày vẫn giật mình vì tưởng chiếc vòng trên cổ rơi đi đâu mất. Cứ vài ngày tớ lại dành cả buổi chiều để nghĩ có nên gội đầu không khi đã 3 ngày rồi nhưng tóc vẫn còn mượt. Cuối tuần vẫn miệt mài dọn xếp chai lọ trong bếp một lần rồi bật nhạc lên thả chân trần nhảy nhót khi nấu ăn. Có nhiều lúc tớ tự hỏi cuộc đời đang quên tớ hay tớ đang chưa biết cách sống của một người bình thường? Ý tớ là cách chạm những cột mốc chung mà thường ai cũng có. Nhưng bởi vì chỉ như thế này, mấy tháng nay tớ được về chăm bà. Sáng vẫn nghe nhạc uống café và chiều nằm trên sàn nhà nói chuyện bâng quơ với mẹ. Tớ đã luôn nghĩ thế. Rằng khi đang nhận một thứ này là mình đang đồng thời từ bỏ một thứ kia. Có người chỉ thấy thứ mình được nhận. Có người chỉ chăm chăm vào thứ mình mất. Tốt nhất thì nên thấy cả hai. Hoặc là thấy quy luật đấy. Vì có thấy thứ mình mất mình mới biết trân trọng thứ mình đang có. Và ngược lại.

Tớ bắt đầu thấy tự ti. Tớ không dám nói câu truyền hết năng lượng may mắn và hạnh phúc cho Xoăn nữa. Không phải vì tớ tiếc. Lòng nhiệt thành của tớ vẫn còn nồng nhiệt lắm. Tớ đã thầm truyền cho nửa thế giới này rồi mà thấy mình vẫn còn dư để cho đi nữa. Tớ nhường hết đám em đàn chị rằng cho họ có người yêu trước ( Nghe như kiểu tớ được tự mình quyết định quá chừng). Gặp ai thương cảm chẳng biết làm được gì tớ lại nguyện cầu và truyền may mắn hạnh phúc của mình sang họ. Trong tớ như có một cái hũ nhỏ nhưng tớ sẵn sàng cầm lên mà trút hết sang. Tin tớ đi tớ vẫn còn nồng nhiệt lắm. Chỉ là những lúc thấy người ta bất lực, tớ cảm giác như thấy may mắn với hạnh phúc của mình bị lọt thỏm và tan biến trong hố đen đấy mà không giúp được gì cả. Người ta thì vẫn đang trông chờ phép màu xuất hiện.
“Con nói nếu Xoăn muốn bỏ thì con vẫn ủng hộ. Con muốn Xoăn một lần được sống cho chính mình”. Tớ như đang nói với chính tớ.
Tóc đã xoã ra cả sàn nhà và dính hết lên khuôn mặt mồ hôi nhơ nhớp. Tớ chẳng buồn nghĩ đến chuyện giết một ai...