Thế nào là sống cho, sống theo? Sống cho người hay cho mình, theo người hay theo mình? Phải chăng, điều này tùy thuộc vào quan điểm sống, nhân sinh quan của mỗi người? Thiết nghĩ, dù nhân sinh quan mỗi người thế nào chăng nữa, căn bản nhất, hẳn, vẫn là phải biết sống cho mình trước.
Sống cho mình, vì mình, có vẻ cá nhân, ích kỷ. Nhưng thực chất, điều này cần thiết và cho thấy đây là người bình thường, tức người rất người. Học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần cho rằng:
“Muốn thương người, trước hết ta phải biết thương ta, làm sao cho cái người của ta đây, đáng cho ta yêu. Vậy, bước đường đầu không thể khởi nơi sự thương người, mà chính phải khởi nơi sự thương mình. Thương mình, trước phải biết mình, mà biết mình, không phải kẻ vô tâm ám muội mà làm càn được. Chữ biết phải đứng trước chữ thương.”[1]
Thực vậy, không biết sống cho mình, vì mình, sao sống cho người, vì người? Ngay bản thân ta, “cái tôi hiện hữu” của ta, hay niềm vui, hạnh phúc, lý tưởng sống cuộc đời ta, mà ta còn không màng, thử hỏi ta sống cho người, yêu người thế nào được? Yêu người, quên mình, đó thực là lý tưởng cao đẹp. Nhưng trên thực tế, hỏi đã mấy ai làm được? Và nếu có, thì trước hết, hẳn những người ấy đã khởi đi từ việc yêu mình. Yêu mình để yêu người, không phải yêu theo kiểu chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết đến mình. Đừng chỉ sống cho người mà đánh mất chính mình. Đánh mất chính mình thì đương nhiên, mình không còn là mình nữa. Khi ấy, cái tôi cá thể, cái tôi độc lập đã mất, đã bị hòa tan vào cái tôi phổ quát của cộng đồng. Sống cho người, vì người là tốt, là đẹp và cao thượng, nhưng cần nhớ, phải biết chăm sóc, quan tâm, nâng niu và trân trọng chính bản thân mình trước.
Sống cho là như vậy. Thế sống theo nghĩa là làm sao? Cũng vậy, nếu chỉ biết sống theo người, nhìn người, mà quên mất sự tồn tại, tính độc lập của bản thân thì thật đáng tiếc, thậm chí đáng trách. Chẳng phải thế mà Thu Giang phải thốt lên:
“Hãy trở nên cái người của ngươi và chỉ có thế thôi. Hãy mọc như cây bông kia, tầm lấy chỗ sáng sủa mà phát triển đời sống mình, đừng bao giờ núp bóng ai, cũng đừng để cho bóng ai án cái ánh sáng mặt trời của mình.”[2]
Quả vậy, người chỉ biết theo, dựa vào người khác thì thật tầm thường, thiếu nghị lực, lập trường sống. Thân lúc nào cũng chỉ như tầm gửi, nương theo, nhờ vả, núp bóng. Sống vậy, thật chẳng đáng gọi là sống. Đã sống phải sống cho ra người, nên người thực là người. Thực là người ở chỗ, có lý tưởng, mục đích sống, có ước mơ, hoài bão của riêng mình để vươn tới, chứ không phải chỉ ôm mộng của người khác mà ảo tưởng, hão huyền. Hơn nữa, cần có lý trí sáng suốt, ý chí can trường, lập trường sống vững chắc, khảng khái, để dám đứng, dám bước trên đôi chân chính mình, chứ không phải của người. Chính vì vậy, đừng mải theo người mà quên mình. Cũng đừng quá cho người mà đánh mất chính mình. Hãy sống thật là mình, để sống thực là người. Vậy nên, triết gia người Mỹ, Henry David nói:
“Kẻ dám sống thật với mình, thường có một trí óc giản dị, độc lập, không chịu vất vả, luồn cúi vì mệnh lệnh của bất cứ ông hoàng, bà chúa nào mà đánh mất chính mình.”[3]
Thực vậy, theo người, chỉ nên theo ở chỗ để học, để góp nhặt cái hay, loại trừ cái dở của người, để làm hành trang, kiến thức, kinh ngiệm, ngõ hầu phát triển thăng tiến con người mình hơn. Đừng nên theo luôn, theo như hình với bóng, theo kiểu sao chép y nguyên, mà không còn thấy, còn nhìn được chính mình, cái riêng của mình. Nếu theo như vậy, thì thật tai hại.
Ở đời, thực nhiều hạng người. Mỗi người hay, dở khác nhau. Hẳn, không ai hoàn thiện, toàn mỹ cả. Vậy nên, ta cần khôn ngoan cân nhắc, sáng suốt phân định, để chọn lựa cho mình lối sống phù hợp, cao thượng, tấm gương xứng đáng để noi theo, học hỏi. Cho phải biết cách cho. Theo cũng phải sàng lọc, chọn lựa kỹ lưỡng để theo. Điều gì cũng vậy, đừng nhắm mắt làm càn, làm bậy. Đặc biệt hơn nữa, hãy dám sống là mình, để làm nên bản chất, sắc thái riêng mình. Đừng đánh mất chính mình, giữa cuộc đời mà cái tôi độc lập luôn dễ dàng bị phủ bóng, lu mờ.
- Hạ Sơn -
[1] Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Thanh Dạ Văn Chung. Tr 12. Nxb trẻ, 2019.
[2] Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Thanh Dạ Văn Chung. Tr 91. Nxb trẻ, 2019.
[3] Henry David Thoreau. Walden. Tr 66. Dịch giả: Hiếu Tân.  Nxb tri thức, 2018.