Sống
Lược dịch từ bài gốc của Kirk Schneider trên Aeon --- Suốt 60 năm qua, tôi có đặc ân được chứng kiến rất nhiều sự chuyển...
Lược dịch từ bài gốc của Kirk Schneider trên Aeon
---
Suốt 60 năm qua, tôi có đặc ân được chứng kiến rất nhiều sự chuyển hóa sâu sắc. Là một nhà tâm lý đang hành nghề, tôi chứng kiến những chuyển hóa này ở bệnh viện tiểu bang, ở phòng khám cấp cứu trị liệu, ở các cơ sở hồi phục nghiện cồn và chất kích thích, ở phòng khám tư; và khi còn bé chính tôi cũng trải qua các trị liệu tâm lý chuyên sâu. Chẳng có mấy nét “đẹp đẽ” ở những cam go kia, nhưng hễ thành công chúng sẽ mang lại những tác động vô cùng to lớn: biên cải cuộc sống.
Những chuyển hóa sâu sắc đến từ đáy sâu tuyệt vọng, nhưng nếu may mắn, chúng lại kết thúc ở những đỉnh cao hồi sinh. Rõ ràng điều này đúng với bản thân tôi, và nhiều người mà tôi từng biết hoặc được làm việc cùng. Có gì lại quý giá hơn món quà được giải phóng khỏi tuyệt vọng trầm kha, được tự do lên đường tìm kiếm chân giá trị? Có gì có thể quan yếu hơn được tham gia vào - và thật sự giằng co cùng - việc giải cứu một linh hồn?
Ấy vậy mà điều tôi nhìn và thấy xuyên suốt nền văn hóa của chúng ta ngày nay là khuynh hướng ngày càng gia tăng thôi thúc muốn đốt cháy giai đoạn để đột ngột sang phần chuyển hóa. Chẳng phải tôi có chút nào phản đối trước mong mỏi được nhanh chóng chuyển hóa, điều này hoàn toàn bình thường. Khi đớn đau, người ta tìm kiếm thuốc chữa tức thời. Tôi cũng từng làm tương tự, bạn tôi cũng vậy, và cá là chính bạn cũng vậy; đó là một bản năng. Tuy nhiên có rất nhiều lý do xác đáng để chất vấn bản năng vào lúc này hay lúc khác. Chẳng hạn, hầu hết chúng ta không dộng vào mặt ai đó khi bị qua mặt. Cũng như vậy, hầu hết chúng ta không buột miệng bừa ra những gì mình cảm thấy chỉ vì trong dạ thấy thế. Trái lại, có rất nhiều thứ cần phải cân nhắc, từ những người mà ta có thể làm tổn thương, tới lương tâm, tới bối cảnh và hoàn cảnh xảy ra sự việc. Tôi từng chứng kiến rất nhiều thân chủ ban đầu muốn trả miếng người từng hành hung họ; tuy nhiên, rất ít người biến nó thành sự thật. Đó là bởi qua tiến trình điều trị, các thân chủ này nhận ra người tấn công họ thường là một người họ có thể cảm thông - thậm chí yêu thương - và rốt cuộc họ không muốn một con người khác cũng đau khổ như chính họ từng khổ đau. Có rất nhiều trường hợp trì hoãn tốt hơn là phản ứng, nhất là khi nó có yếu tố cảm xúc.
Cảm xúc là những tín hiệu tuyệt vời - cảm xúc cảnh báo chúng ta về những mối nguy và kêu gọi chúng ta hành động. Nhưng cảm xúc của con người cũng rất phức tạp, mang nhiều sắc thái. Chẳng hạn, nhiều người cảm thấy mình không đáng được tôn trọng hoặc không được ai cần tới, nhưng lại không chọn tự sát hay dùng chất kích thích. Họ cho rằng, dù tâm trạng u ám đến đâu, họ vẫn có quyền để sống và phát triển, như bất cứ người nào khác đang sống và phát triển, và để từ đó họ có thể trở thành một ai đó khác hơn những thông điệp quy chụp nói về họ, chẳng hạn cho rằng họ là một kẻ thất bại. Những thông điệp này, nhân đây, vốn thường đến từ những người cũng tự xem rằng mình không xứng đáng và không ai cần tới, và phóng chiếu những nhục mạ kia vào những nạn nhân vô thức của mình. Nhưng những đốn ngộ này, nhất là khi muốn chúng trở nên lâu dài, thường cần thời gian, cần đấu tranh, và cần sự đối diện với những phần lớn hơn trong chúng ta vượt khỏi sự tự áp đặt ta dành cho mình, để có thể hóa thành một sự ủi an nào đó. Rốt cuộc, trị liệu tâm lý chuyên sâu và hiện sinh cổ vũ một sự đồng hiện khó tìm thấy được giữa những phần đối chỏi trong chính bản thân ta, những phần đôi lúc quặn đau nhưng về lâu dài lại tỏ rọi ánh sáng lên chính trải nghiệm con người toàn diện: sống sót, sâu sắc và đề huề. Nói một cách nghiêm túc hơn, trị liệu hiện sinh nhấn mạnh ba chủ đề chính: tự do khám phá những gì quan yếu với bản thân; phản ánh bằng nếm trải hoặc bằng toàn bộ cơ thể những gì quan yếu; và trách nhiệm hoặc khả năng đáp lại, hành động và áp dụng những gì quan yếu với bản thân.
Nhưng ngày nay ta quá đỗi dễ dàng lướt qua thứ tự do này, thứ phản ánh từ kinh nghiệm, và khả năng chịu trách nhiệm - đối mặt với con người của chúng ta hiện nay và con người chúng ta mong muốn trở thành. Bởi ngày nay chúng ta bị quyện theo một cơn lũ thiết bị, những công thức và trao đổi thông qua máy móc khiến cho chuyện tìm người, hay máy, làm thay trọng trách trở nên vô cùng dễ dàng. Dù là sử dụng thuốc để trị liệu, các ứng dụng trị liệu tâm lý, các cuộc hẹn 12 lượt hay sự xao nhãng đến từ việc lướt net, có vô vàn cách để chúng ta đoán rằng nỗi đau của chúng ta đã được hóa giải, chúng ta đã được chuyển hóa, và cuộc sống vẫn lao nhanh về phía trước.
Nhưng câu hỏi bao trùm và ám ảnh chính là: cái giá phải trả là bao nhiêu? Cái giá nào phải trả để có một cuộc sống được bình thường hóa, dù trên bề mặt hay tận trong não bộ, một cuộc sống theo thói và điều độ, thay vì một cuộc sống co rút, dập dìu và thoi thóp? Cái giá nào cho một cuộc sống dịch chuyển qua những vi tế đa diện của cảm xúc và những cơn xung sóng bực tức? Rất thường, cái giá phải trả chính là cái chết, cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng, với những thống kê làm minh chứng. Hãy thử nhìn tỉ lệ trầm cảm và nghiện ngập gia tăng, và cái cảm giác cô độc thường gắn với smartphone.
Ký ức đầu đời của tôi là hình ảnh mỏng manh cha mẹ ngồi khóc trên ghế bành phòng khách. Lúc đó tôi hai tuổi rưỡi, và anh trai bảy tuổi Kelly của tôi vừa qua đời. Đó là năm 1959, và tác động kép của đậu mùa và viêm phổi chừng như quá sức với một đứa trẻ tươi tắn và giàu sức sống. Hậu quả sự kiện này gây ra trong tâm trí chung của gia đình chúng tôi không sao có thể đón nhận dễ dàng. Điều chắc chắn nhất tôi có thể nói là hai người cha mẹ mà tôi từng biết trước khi xảy ra cớ sự chỉ còn mơ hồ lắt lay ở hồi sau đau nhói đó. Người anh ấm áp, thích chơi đùa mà tôi từng biết - kẻ dẫn đầu luôn thích cười - đã bị dập tan, và thay vào đó là một khoảng trống không thể cưỡng lại, một cái hố của tức giận, buồn đau và khiếp hãi.
Lên ba tuổi, tôi bùng nổ. Các phòng vệ của tôi đã hết hạn không còn vận đến được. Tôi khiếp sợ vào ban đêm và nổi đóa. Tôi thất kinh và cảm thấy lạc lõng - loạng choạng, rơi tòm vào một thế giới vô vọng, hoang đường.
Với sự việc như thế, tôi khá chắc chắn rằng nếu ngày nay tôi có cùng một trải nghiệm tôi đã có năm 1959, tôi sẽ hấp tấp tự xoa dịu bằng thuốc. Trái lại, cha mẹ tôi khi đó ngồi xuống bên tôi. Họ làm hết sức để có thể khuyên nhủ tôi qua các cuộc nội-chiến tâm tưởng và, cuối cùng, lúc lên năm, họ giới thiệu tôi với một nhà tâm phân học. Ông giúp tôi xoay chuyển cuộc sống; bởi dù tôi vẫn còn đó những nỗi sợ và bộc phát dữ dội, ông giúp tôi vượt qua chúng, thay vì đậy che những chướng ác mang khả năng phục hồi trong tôi. Hơn hết, sự hiện diện của ông là một nền tựa vững chắc cho tôi nói lên hoặc cảm nhận bất cứ điều gì. Tôi đang đong đưa chòng chành, còn ông vẫn như một thạch trụ, vững chãi và nâng đỡ, cho tới khi tôi vượt qua cơn bão.
Vậy mà hôm nay, có bao nhiêu đứa trẻ được khuyến khích cố gắng vượt qua nỗi dày vò - hay thậm chí thay thế thuốc men bằng một lần gặp gỡ hỗ trợ cảm xúc? Có bao nhiêu người có thời gian và tiền của để tham gia? Rất ít, tôi trộm nghĩ. Thứ hay được khuyên sử dụng là thuốc trị trầm cảm, thuốc chống âu lo và những thứ thuốc bình ổn tâm trạng khác. Dù có thể nhiều lúc cứu được mạng sống, quá thường xuyên chúng lại được thúc đẩy bởi chính các công ty dược và nhà bảo hiểm để tâm vào lợi nhuận hơn là vào sự săn sóc kéo dài của con người và từ những tài nguyên của con người nhằm được sống cuộc sống mà họ tìm kiếm.
Tôi tự hỏi giả sử được chữa trị theo chuẩn ngày nay, tôi đã thành một người như thế nào. Tôi tự hỏi liệu tôi có thể trải qua những đớn đau khi chỉ có một mình, hay bị thách thức, như tôi được nhà tâm phân thử thách, để hình thành những nguồn lực nội tại như sức sáng tạo, sự tò mò và trí tưởng tượng. Ông khuyến khích tôi thuật lại những cơ sở của nỗi sợ và tự tôi chọn thoát ra chúng nhanh chậm thế nào. Ông tôn trọng tôi và khả năng của tôi, vốn càng khuyến khích tôi vẽ tranh, kể chuyện và tư duy về những câu đố của cuộc đời; hay tiến vào những vùng đất, những mối quan hệ và ý tưởng bất định, mà rốt cuộc tôi vẫn duy trì sau khi rất nhiều cãi vã và thậm trí trị liệu bổ sung.
Vấn đề chính của các phương thức can thiệp đương thời là chúng một chiều. Chẳng hạn, thuốc hướng tâm thần có mục tiêu làm người dùng cảm thấy bình an hơn nếu họ âu lo, hoặc gắn kết hơn khi họ bị trầm cảm. Trị liệu nhận thức muốn thay đổi cái gọi là những suy nghĩ phi lý (chẳng hạn sợ bay hay cảm giác vô giá trị) thành những ý nghĩ dựa trên chứng thực. Trị liệu hành vi nhắm tới việc củng cố các thói quen thích nghi nhằm thay đổi các thói quen xấu, vân vân. Tuy nhiên, vấn đề ở các hình thức trị liệu này chính là chúng chỉ có hiệu quả ở chừng mực nào đó. Nếu một người mong muốn được sống thuận theo những đường nét rạch ròi và được nền văn hóa chủ lưu chấp nhận, thì những kỹ thuật kia có thể hữu ích đáng kể. Nếu như họ muốn sống một cuộc sống tương đối quy củ và ít rủi ro, các liệu pháp này vẫn phù hợp. Thế nhưng nếu một người nằm trong bộ phận dân số đáng kể và có lẽ ngày càng tăng nhanh muốn tìm kiếm thêm chiều kích trong cuộc sống - nhiều ý nghĩa, giàu sức sống, phong phú nội tâm lẫn trong các mối quan hệ - thì có lẽ chúng ta cần tới một liệu pháp giàu thử thách hơn.
Sau một đời nghiên cứu, nhà tâm lý hiện sinh Rollo May kết luận rằng rất nhiều nhân vật cốt lõi và sáng tạo trong suốt lịch sử nhân loại trở nên mạnh mẽ nhất ngay tại những thời khắc mong manh nhất. Trong quyển Tâm lý của lẽ tồn tại (1995) mà tôi cùng chắp bút với May, ông ấy có một chương viết tên gọi “Kẻ chữa lành bị thương”, bàn về những gì làm nên một nhà trị liệu giỏi. Ở trong chương sách, May đưa ra ví dụ về nhà tâm lý nổi tiếng Abraham Maslow, người từ bé luôn cô đơn và bất hạnh nhưng cũng hình thành nên những lý thuyết về thế nào là trải nghiệm sống tối ưu, đỉnh cao. May còn mô tả một loạt những nhân vật nổi danh và kém tiếng hơn đã đối diện và tích hợp những khía cạnh mà họ e sợ và, thông qua quá trình trên, đã hun đúc nên những đời sống thật sáng tạo và phong phú.
Lý thuyết của May được bảo chứng bởi nhiều nhà nghiên cứu lỗi lạc, trong đó có Carl Jung, Silvano Arieti, Frank Barron, và chính Maslow, người tự nhận rằng mình đã tự thể hiện được bản thân - con người tối ưu đã thỏa được hết tiềm năng và giấc mơ đích thực trong đời. “Một nghiên cứu do tôi nghĩ ra đã làm tôi thắc mắc rất nhiều năm nhưng giờ đây mới bắt đầu trở nên đúng đắn,” Maslow đã viết trong Hướng tới tâm lý con người (1962). “Đó là cái tôi đã mô tả là giải pháp cho các đối cực ở những con người đang hiện thực hóa bản thân… Những cá nhân chững chạc nhất cũng là những cá nhân trẻ con nhất. Cũng chính họ, những cái tôi mãnh liệt nhất từng được mô tả và trù phú chất cá nhân nhất, cũng chính là những con người dễ dàng mất đi cái tôi, tự vượt, và tập trung tài tình nhất vào vấn đề.”
Nhà tâm lý lâm sàng và nhà nghiên cứu Kay Jamison - tác giả các nghiên cứu nền tảng về rối loạn lưỡng cực và quyển Touched With Fire: Manic-Depressive Illness and the Artistic Temperament (1993) - đồng ý với quan điểm này. Chính bà cũng là một bệnh nhân rối loạn lưỡng cực, Jamison mô tả hàng tá những nhân vật sáng lạng trong lĩnh vực nghệ thuật suốt chiều dài lịch sử hóa ra cũng thuộc nằm trong phổ lưỡng cực, nhưng vẫn tiếp tục gầy tạo ra những cống hiến mẫu mực cho xã hội.
Có thể đồ rằng, nhiều người trong số họ sống một cuộc sống vô cùng khốn khó, một số thậm chí còn tự sát, nhưng cũng nhiều người có được cuộc sống giàu sang và sống động với những kết quả vô cùng mỹ mãn. Do vậy, một trong những câu hỏi chính yếu của thời đại chúng ta là điều gì xảy ra nếu như chúng ta xóa bỏ những gian khó kia, nếu như chúng ta uốn dẹt sinh học, nếu như chúng ta tước bỏ những mép xù xì kia bằng công nghệ và thuốc men? Điều gì xảy ra nếu chúng ta bỏ qua nhu cầu của con người phải đối diện với những con quỷ trong tâm, với bí bách và nước mắt? Liệu thành quả nghệ thuật đạt được có tương đồng về cảm xúc với thứ nghệ thuật lấy cảm hứng từ đớn đau, hoang mang và chịu đựng của người nghệ sĩ?
Những chữa trị phổ biến nhất hiện nay, chẳng hạn thuốc và trị liệu nhận thức hành vi (CBT), thường triển hạn và không phải lúc nào cũng tỏ ra hiệu quả. Quan điểm ngày càng phổ biến hơn cho rằng chúng hiệu quả trong việc làm thuyên giảm các triệu chứng chẳng hạn suy nghĩ tiêu cực, chán ăn, các nỗi sợ vô cớ, nhưng không thể giải quyết các vấn đề phức tạp trong cuộc sống, chẳng hạn đi tìm ý nghĩa, mục đích sống, hay giằng xé trong tình yêu.
Các cách thức điều trị mới khác bao gồm tạo ra trị liệu tiếp cận thực tế ảo (VR) dành cho rối loạn hậu chấn thương, liệu pháp phản hồi sinh học thần kinh từ dữ liệu fMRI tới thực hành trị liệu có hướng dẫn, và các ứng dụng dành cho tất tần tật từ âu lo, trầm cảm, tới triệu chứng khó tiêu. Nghiên cứu dành cho các thiết bị này hiện vẫn đang đổi thay phát triển, nhưng tôi lại có một cảm giác rằng chúng ta đang tiến vào một thời đại mới tươi đẹp, nơi sự thao túng về thống kê và cơ học đang thay thế khám phá và rủi ro của mỗi cá nhân.
Liệu cuộc gặp gỡ trực tuyến với nỗi lo âu - hay khao khát, tương tự - có giống với cuộc gặp gỡ đời thực hay không? Có phải ứng dụng kia sẽ giống hệt với một người chữa lành (khoan nói đến người chữa lành từng bị tổn thương)? Có phải trải nghiệm của một nhà trị liệu hay một thiết bị trị liệu cũng đưa ra một phản hồi giàu cảm thông như chính họ ngoài đời thật đang thông cảm hay không? Có phải sự trình diễn của một mối quan hệ, dựa trên các cẩm nang và thống kê, hệt với một mối quan hệ con người đang tiến triển hay không, với mọi phẫn uất và mong manh, mọi thách thức và cả sự kinh ngạc?
Tôi nghi ngờ, và các nghiên cứu cũng ngày càng ủng hộ giá trị của các mối quan hệ nhân-đối-nhân, chân thành, trị liệu. Giờ đây, có thể tồn tại không ít giá trị cho các mối quan hệ “cơ giới hóa” ngắn hạn. Chúng có thể vươn tới những con người tại những nơi hãy còn rất ít những chuyên gia đang hoạt động, hoặc chúng có thể giúp đỡ người khuyết tật khó di chuyển, hoặc có thể giao tiếp với các bạn trẻ được dạy trên các thiết bị cầm tay. Nhưng liệu chúng có phải là giải pháp toàn diện, triệt để mà rất, rất nhiều người trong xã hội chúng ta thấy có giá trị hay không?
Với tôi dường như chúng ta đang lao đầu vào vũng lầy công nghệ mà rất nhiều nhà trị liệu nhân học luôn e sợ. Đây là một cách tiếp cận mà sự nhấn mạnh nằm ở thiết bị, ở kỹ thuật hoặc thuật toán, chứ không ở những khả năng hồi sinh thiên bẩm của bệnh nhân. Đó là một mô hình nhấn mạnh các chuẩn bình thường, sự điều hòa và tĩnh tại bị gán ép ngay từ đầu mà không hề phân biệt các năng lượng tương tác chủ quan giữa người với người. Rốt cục, đây là một mô hình cướp đi của chúng ta rất nhiều phẩm chất - chẳng dừng lại ở u uất - của tính đa diện trong ta.
Đây là một danh sách những rung cảm mà tôi sẽ được “từ chối” không trải qua nếu dùng thuốc và bị “dán” vào các thiết bị khi còn nhỏ:
Thử thách một mình;Nỗi đau khôn xiếtSức ì của tuyệt vọng khôn cùngRun rẩy khi sợ hãi cực độNỗi khiếp sợ của sự mong manhNỗi bứt rứt của khi chưa thể chắc chắnCay đắng của cơn giậnNỗi sợ hãi khi lạc lõng
Nhưng còn đây lại là danh sách những rung cảm mà tôi rất có thể không thể thiết lập nên nếu như “dùng thuốc” hoặc “cắm mặt vào thiết bị”:
Óc sáng tạo khi ở một mìnhSự nhạy cảm khi trải qua đau buồnSự trỗi dậy từ tuyệt vọngSự phản kháng do sợ hãi gây raSự khiêm nhường do mong manh tạo thànhNhững khả năng sự bất định mở raSức mạnh gây ra bởi phẫn uấtTính tò mò thôi thúc bởi ngổn ngangHành trình khám phá bản thân, trị liệu sâu và tham vấn sâu đến hoàn toàn từ thử thách kinh qua
Tôi thấy dường như có một thuộc tính bao quát phân biệt con người với các tồn tại cơ giới. Chẳng phải ý thức, bởi trí tuệ nhân tạo hiện đang cho chúng ta thấy các thực thể máy móc có thể đạt tới khả năng xác định tín hiệu mô phỏng nhận thức - hãy nghĩ tới các robot có thể ghi nhận thay đổi nhiệt độ môi trường. Nó cũng không phải tri thức suy ngẫm, vốn là khả năng của nhận thức có một mức độ ý thức nhất định tự thân, vì các nhà khoa học đang tạo ra các cỗ máy có thể điều chỉnh các tính toán dựa trên dữ liệu thu về; và thậm chí cũng chẳng phải khả năng có cảm xúc, vì đang có những chip thần kinh được sáng chế để một ngày nọ sẽ thay thế được các quá trình sinh hóa hình thành nên nỗi buồn hay sự thăng hoa. (Ở dạng thô thiển, ngày nay ta đã có chúng dưới dạng các thuốc hướng tâm thần.)
Trái lại, rào cản lớn nhất nếu không muốn nói là bất khả vượt của trí tuệ nhân tạo chính là một nan đề vô cùng phức tạp - trải nghiệm những nghịch lý của cuộc sống. Với chứng nhận về nỗi đau thời thơ ấu của tôi, chính cái trải nghiệm của không chỉ đơn nhất một bức ảnh, một suy nghĩ hay cảm xúc, mà chính cái hình ảnh, suy nghĩ và cảm xúc cực kỳ xoắn quyện lấy nhau; mỗi trong số chúng có thể vừa hun đúc lại vừa đối chọi với nhau.
Những nghịch lý này bao gồm một thoáng sợ hãi mối quan hệ yêu thương, một sắc thái đau buồn giữa khoảnh khắc hân hoan, hay vị ghen ghét ngay trong chính những tình bạn đáng ngưỡng mộ nhất; và còn rất nhiều kết hợp vô cùng tinh tế, khoan nhặt tạo nên cái tinh lõi của cuộc sống, nên nỗi đau và sự dữ dội của nó: sự vĩ đại của nó.
Hãy nghĩ xem các cảm xúc gọi là tiêu cực kia có thể âm vang những biên độ ý thức tuyệt diệu thế nào.
Nỗi buồn bao gồm buồn rầu và thất vọng, cái cảm giác luyến lưu và mất mát sâu thẳm. Nhưng các nghiên cứu diễn tiến tâm lý hậu chấn thương cũng chỉ ra rằng nỗi buồn cảnh tỉnh chúng ta về bản chất vô thường của cuộc sống, sự quý giá của thực tại hiện tiền, sự cần thiết cảm thông với niềm đau của tha nhân. Ngược lại, nỗi đau như một sự đối sánh - và do đó có thể giúp gia tăng - những cảm xúc tương phản như niềm vui vô bờ, sự thăng hoa và hào hứng. Cuối cùng, nỗi buồn có thể “vượt băng qua lõi” của chúng ta, như Rainer Maria Rilke từng viết trong Thư gửi thi sĩ trẻ (1929); nỗi buồn có thể mang lại một điều gì đó mới mẻ, một sự cải hoán. “Nếu có thể nhìn xa hơn hiểu biết hiện tại,” ông viết, “có lẽ chúng ta có thể tự tin chịu đựng nỗi buồn hơn niềm vui. Bởi lẽ chúng là những khoảnh khắc cho một cái gì mới mẻ chợt bước vào ta, một cái gì chưa biết.”
Dù cơn sợ hãi khiến chúng ta trở nên nhỏ bé và bị giam hãm, nó cũng tô đậm những gì trùm phủ chúng ta. Rõ ràng, sợ hãi có thể khiến ta thấy bẽ bàng, nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sợ hãi cũng khiến ta tỉnh táo về những gì ta có thể và không thể đạt được. Sợ hãi đóng vai trò như tấm phông của lòng dũng cảm. Bởi, nếu không có sợ hãi, sự can trường sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa, và hầu như chẳng thể gây ra ảnh hưởng nào tới suốt cuộc đời chúng ta. Liệu chúng ta có muốn trở nên can đảm hay không nếu ta chẳng hề biết sợ? Liệu chúng ta có tìm kiếm những lĩnh vực mới và những suy nghĩ tinh tươm, những cảm giác hay phát minh tươi mới mà không hề gặp phải chút nào e sợ? Các câu hỏi này hiếm khi được những người mê đắm cái gọi là công nghệ siêu-vượt đặt ra.
Tức giận gợi lên nguy hiểm, bùng nổ và thống trị. Đó là một cú phừng đáng sợ, một vụ nổ dọa sẽ tiêu diệt kẻ khác. Nhưng các nghiên cứu am tường cũng chỉ ra rằng tức giận chính đáng là một cách để tự đứng dậy bảo vệ bản thân; là một thúc đẩy dẫn tới sự can đảm và sự tái tạo của tinh thần. Các cuộc cách mạng long trời lở đất đều dâng trào từ căm phẫn, và các giải phóng cá nhân cũng tương tự. Không có tức giận, sự dịu dàng có lẽ quá mỏng manh, nét thâm trầm của sự tử tế chẳng ai đoái hoài.
Thèm thuồng phẩm chất của kẻ khác là mầm non của ghen tị; ám cưỡng và tơ tưởng được sở hữu những phẩm chất kia chính là cách ghen tị nảy nở sinh sôi. Ghen tị làm dậy lên cái mong mỏi được trở thành một cái gì khác với ta của hiện tại; một sự tra tấn thất kinh bạt vía. Nhưng trải nghiệm trị liệu của bản thân tôi, đồng thời trong tư cách một thân chủ, cho thấy ghen tị còn có thể là một nguyện ước, một triển vọng, thậm chí một bước ngoặt giàu khả năng hoán cải. Chúng ta nhìn thấy những tia lấp lánh của khao khát bản thân ở những kẻ chúng ta ghen tị, và từ đó có thể dung túng khao khát kia nơi chính ta. Ghen tị tương phản với sự bằng lòng, và do đó, trao cho sự bằng lòng một tầng sâu mang tính phục hồi.
Cảm giác tội lỗi cảnh báo chúng ta về lời lẽ hay hành động mà chúng ta nuối tiếc. Tội lỗi như một cây búa giáng vào các tầng sâu của ý thức, và nó giáng xuống hết thảy mọi sự bằng lòng. Tội lỗi làm lu mờ khả năng chấp nhận và giáng vào tự tôn của ta. Đồng thời, như các nghiên cứu về thái nhân cách chỉ ra, tội lỗi - và đối trọng của nó, sự xấu hổ - lay buộc chúng ta phải cải thiện, mách bảo chúng ta mình hoàn toàn có thể làm tốt hơn, và dắt chúng ta đến chỗ chữa lành vết thương của kẻ khác. Rất khó có thể khơi dậy thay đổi nếu như chúng ta không thể đối mặt với tội lỗi.
Chìa khóa trị liệu của chính tôi, và nằm tại trị liệu hiện sinh sâu nói chung, nằm ở chỗ hình thái trị liệu này ủng hộ sự song tồn của các đối nghịch về cảm xúc lẫn suy nghĩ. Tôi vừa yêu vừa ghét; tôi sợ chết, nhưng tôi cũng tò mò bởi bí ẩn của cái chết, bởi bí ẩn của cuộc sống. Tôi sợ phim kinh dị, nhưng chúng cũng mở ra cho tôi những tiếp cận khác về cuộc đời, những khả năng tưởng tượng khác của tôi trong tương lai.
k.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất