Có lẽ là cuốn sách hay nhất về sức mạnh âm thầm, bền bỉ, chẳng gì có thể khuất phục của người phụ nữ, mà chắc chỉ có chiến tranh - thứ khốc liệt nhất, đau thương nhất – mới có thể làm hiển lộ ra một cách sáng ngời đến vậy!
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
"Sơn ca vẫn hót" là câu chuyện về chiến tranh, nhưng là ở nơi hậu phương.
Nó đưa người đọc theo chân một gia đình nhỏ, với người cha bị hủy hoại bởi thế chiến thứ nhất, đến nỗi không thể trở về làm người đàn ông của gia đình như trước nữa. Cộng thêm nỗi đau mất vợ vì ung thư, ông chỉ còn biết tìm đến rượu để vượt qua những ngày tháng khủng hoảng của đời mình. Vì vậy mà vô tình bỏ mặc 2 đứa con gái bơ vơ không chỗ dựa: Vianne – một mẫu hình phụ nữ của gia đình, dành hết yêu thương cho chồng con để lấp đầy những thiếu hụt tình thân của chính mình, và một Isabelle – trái ngược hoàn toàn, không chấp nhận việc bị bỏ rơi, đấu tranh đến cùng để có lại được tình yêu thương của cha, dù là trong vô vọng.
Thế chiến thứ 2 nổ ra. Những ngày tháng chìm trong lo sợ, đau thương, cực khổ.
Nhưng thật lạ, đó lại là hoàn cảnh mà nghị lực của người phụ nữ tỏa sáng nhất. Nó khiến cho Vianne đủ sức để vượt qua mọi khó khăn - cả về vật chất lẫn tinh thần - để che chở cho đứa con gái Sophie của cô và cậu con trai Ari (người Do Thái) của bạn thân, rồi từ đó mà dấn thân vào việc che giấu thêm 18 đứa trẻ Do Thái khác nữa. Và nó là thứ sức mạnh bên trong đã hướng Isabelle xinh đẹp, cá tính đi theo ánh sáng cách mạng ngay từ những ngày đầu tiên, rồi trưởng thành lên qua từng nhiệm vụ: từ phát truyền đơn, đến đưa thư, đến nhiệm vụ lớn nhất, và tạo tên tuổi cho cuộc đời cô – con đường "Sơn ca" qua những ngọn núi hiểm trở, khắc nghiệt nơi biên giới để đưa hơn 100 người phi công quân đồng minh bị bắn hạ trên đất Pháp trốn qua Tây Ban Nha và về nước họ. Nghị lực ấy phải lớn đến mức nào, mới khiến Isabelle có thể vượt qua con đường núi ấy hàng chục lần cùng những phi công, rồi khi bị bắt kiên quyết không khai, rồi chịu đựng cái chết của cha mình, rồi những ngày tháng đày ải trong trại tập trung, để cuối cùng được trở về và chết trong vòng tay chị Vianne cùng chàng trai của cô - Gaeton.
Có lẽ lâu lắm rồi mình mới phải dùng từ tuyệt vời để nói về một ngòi bút thế này. Rất, rất ít những thủ pháp văn học để cuốn hút, để dẫn dắt cảm xúc suy nghĩ của người đọc. Chỉ bằng lối kể chuyện tài tình - cực kỳ giản dị, trần thuật, chân thực đến ngỡ ngàng - mà tác giả có thể làm bật lên được gần như tất cả những cảm xúc của con người trong bom đạn chiến tranh
_ sự lo sợ: cho mình, cho người thân – người chồng đi lính rồi bị bắt, cùng con cái;
_ sự tuyệt vọng: vì cảm giác chiến tranh từ tháng này sang tháng khác, năm nọ đến năm kia, gần như không thể nói hay nghĩ về tương lai;
_ và nỗi đau thương: của người mẹ khi con gái bị xả súng bắn chết, của những người đàn bà bị dứt bỏ khỏi con cái mình, bị làm nhục.
Thực sự nhiều lúc đọc mà chết lặng. Mình ngồi đây giữa thời bình, chỉ đọc truyện thôi mà còn thế. Vậy họ thực sự đã thế nào?
Men tell stories. Women get on with it. For us it was a shadow war. There were no parades for us when it was over, no medals or mentions in history books. We did what we had to during the war, and when it was over, we picked up the pieces and started our lives over Dịch: Đàn ông kể những câu chuyện. Phụ nữ chỉ âm thầm sống với chúng. Với phụ nữ, đó là cuộc chiến trong bóng tối, trong thầm lặng. Không có diễu hành ghi công, không huân chương, hay được nhắc đến trong những cuốn sách lịch sử. Chúng tôi (phụ nữ) chỉ làm những điều chúng tôi phải làm trong chiến tranh, rồi khi nó kết thúc, chúng tôi thu nhặt những mảnh vụn tàn dư và tiếp tục cuộc sống của mình.
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Và phải nói, "Sơn ca vẫn hót" là một tác phẩm về chiến tranh nhưng vô cùng nhân văn. Cách tác giả xây dựng hai nhân vật sĩ quan Đức trú đóng tại nhà của Vianne hoàn toàn trái ngược, cho thấy ở ngay trong đoàn quân phát xít độc ác đến cầm thú ấy, vẫn có những con người, thực sự là con người.
Và cách tác giả để cho Vianne giữ lại cái thai của tên sĩ quan đê tiện, súc vật - kẻ đã cưỡng hiếp bà, để rồi đứa con trai ấy lớn lên trở thành một bác sĩ giúp đời, một chàng trai hết lòng yêu thương mẹ, thực sự quá đỗi nhân văn.
Vì có lẽ, sau tất cả:
But love has to be stronger than hate, or there is no future for us Dịch: Nhưng tình yêu phải mạnh hơn sự căm hận, vì nếu không chúng ta sẽ không có tương lai.
A Dreamer