Người đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa ắt hẳn biết đến câu nói nổi tiếng của Tào Tháo: 
Mỹ nhân trong thiên hạ đều tầm thường, với ta, duy nhất chỉ có vợ của kẻ thù làm ta thích thú.
[Note: Cám ơn sự đóng góp của một số độc giả. Tác giả xin đính chính lại câu trích dẫn ở dưới có thể không do Tào Tháo trực tiếp nói ra. ]
Thật ra khi ta phân tích kỹ, ta thấy hành động mê vợ của kẻ thù rất ư nhân văn, đấm đượm tình người vì những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, phụ nữ thời cổ đại thường bị ghẻ lạnh.
Ờ thời đại của Tào Tháo, quần hùng nổi lên khắp nơi, ai cũng muốn xưng hùng xưng bá. Bất cứ vị chủ công nào cũng muốn làm chủ bá nghiệp, thu phục nhân tài, lập mưu bàn kế, chinh Nam dẹp Bắc, ít ai có thời gian dành cho “chuyện nhi nữ thường tình.”
Một meme có quote của Tào Tháo 
Ví dụ như Gia Cát Lượng, ông được người đương thời ví như “ngọa long,” tức là một con rồng đang nằm (ông cùng một người nữa cũng tài năng không kém tên là Bàng Thống, ông này được ví như “phượng sồ”- tức chim phượng hoàng nhỏ).
Gia Cát Lượng theo sách mô tả là người này đẹp trai, cao lớn, phong độ hơn người, nhưng kì lạ là ông lại lấy một người con gái rất xấu xí về làm vợ.
Nói tới đây nhiều người lại bảo là anh Gia Cát Lượng bạn tôi lấy cô Hoàng Nguyệt Anh là do cổ có tài. Ừ thì có tài là một phần. Một phần khác là vì lí do chánh trị. Cha của Nguyệt Anh, ông Hoàng Thừa Ngạn là một danh sĩ nổi tiếng. Được kết giao với Ngạn cũng giống như ca sĩ bây giờ có show đi hát Paris by Night vậy.
Lượng lấy vợ âu chỉ vì muốn nhờ nhà ngoại mà tiến thân là chính. Với lại, chuyện bà Nguyệt Anh là một nhà sáng chế đại tài (có nguồn cho rằng bà chế ra ngựa gỗ, trâu máy), thực hư thế nào cũng chưa thể xác minh. Vậy nên Lượng cưới vợ là để lợi dụng, chứ có yêu thương hay không thì tính sau.
Lưu Bị cũng thế, ngoài mặt là nhân nhân nghĩa nghĩa, nhưng ông chỉ xem đàn bà là vật ngoại thân, hầu như phụ nữ mà Lưu Bị lấy chỉ nhằm hai mục đích chính là chánh trị và duy trì nòi giống. Lưu Bị lấy Tôn Thượng Hương, em gái của Tôn Quyền vì muốn thiết lập quan hệ đồng minh với Đông Ngô. Ngoài ra, trước khi Tôn tiểu thư được gả cho Bị, Bị đã có hai người vợ: My phu nhân và Cam phu nhân. Hai người này theo Lưu Bị lưu lạc bốn phương, nhưng cuối cùng cũng bị ông xem như quần áo mà bỏ lại nơi tên rơi đạn lạc.
Tôn Thượng Hương trong phim Tân Tam Quốc
Có thời gian Bị còn giao hai người vợ của mình cho Quan Vũ trông coi. Về kết cục thì Tôn Thượng Hương và My phu nhân là khổ nhất, một người trầm mình xuống sông tự vẫn, một người cũng nhảy xuống giếng quyên sanh để khỏi vướng chân Triệu Tử Long khi cứu Lưu A Đẩu, con của Bị. Thế mới thấy, cái mạng của nữ nhân thời đó nó rẻ đến mức nào!
Vậy nên, chiếm lấy vợ của kẻ thù để chăm sóc tốt hơn, cũng là một lý do chính đáng. Xét về tiềm lực quân sự và tài chánh, Tháo cũng được xem là một “đại gia” với hầu bao rủng rỉnh.
Thứ nhì, anh hùng thời xưa thường sống không thọ
Anh hùng thì tranh giang sơn, mà giang sơn chỉ có một, anh hùng đấu với anh hùng, ắt có người phải ngã xuống. Ngoài để lại mộng lớn chưa thành, những anh hùng chiến bại còn để lại những góa phụ không biết ngày mai, ôm thanh xuân vùi dập trong chiến loạn.
Không khó để điểm mặt chỉ tên những tướng công yểu mệnh. Ta có Điêu Thuyền gặp Lữ Bố không lâu thì Bố tử nạn ở tuổi 39. Nhị Kiều Giang Đông sắc nước hương trời được trao thân cho hai anh hùng đương thế là Tôn Sách và Du Chu. Tôn Sách khởi binh không lâu thì tử nạn, hưởng dương 25 tuổi, còn Chu Du cũng sống hơn Sách có 10 năm.
Tiếp đến ta có Phượng Sồ Bàng Thống thác ở gò Lạc Phượng năm 36 tuổi khi chưa cống hiến được gì nhiều cho phe Thục; Tử Kiến Tào Thực, một người có khả năng thi ca kiệt xuất (nghe đồn hắn có thể 7 bước làm một bài thơ), người này chết ở tuổi 40. Thương Thư Tào Xung, người còn tài năng hơn Tào Thực, có thể gọi là thần đồng đương thế, lại yểu mệnh khi vừa bước vào tuổi thiếu niên. Phụng Hiếu Quách Gia được Tào Tháo nhất mực tin tưởng cũng ra đi ở tuổi 37. Có người nói rằng, nếu Quách Gia còn sống, Tào Tháo đã an được thiên hạ.
Tường truyền, Ngọa Long và Phượng Sồ, nếu có một trong hai sẽ an thiên hạ
Tóm lại, anh hùng thời chiến rất dễ chết, khi chết rồi thì bỏ lại những góa phụ tuổi xuân còn phơi phới.
Vậy nên, những người này cần phải tìm bến đỗ mới, an toàn hơn, vững chắc hơn. Trong thời đại phân tranh liên miên, muốn tìm được một đấng phu quân vừa giỏi việc nước, vừa giỏi việc phòng the, lại có thể sống lâu để tranh thiên hạ, tính ra cũng chỉ có vài người, mà Mạnh Đức Tào Tháo đây là một ứng cử viên sáng giá.
Chu Du - Đại Đô Đốc của phe Đông Ngô (ảnh trong Tân Tam Quốc)
Thứ ba, Tào Tháo rất giỏi chìu chuộng nữ nhân; là người tài hoa tài tử và có lối sống thực hành tiết kiệm
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung đã khắc họa một Tào Tháo nổi tiếng với tính cách tiểu nhân. Một kẻ tham tài hiếu sắc và đặc biệt thích chi tiêu hoang. 
La Quán Trung còn biên rằng: Tào Tháo rất thích người đẹp, nên ông đã cho người xây dựng Đồng Tước Đài, rồi tuyển mỹ nữ nức tiếng trong thiên hạ đem về thưởng thức, nghe nhạc, làm thơ, và thoải mái dâm loạn.
Tiểu thuyết gia họ La còn dặm vào: Tháo có ý định xây Đồng Tước đài là để sau này dẹp yên thiên hạ, ông sẽ bắt Tiểu Kiều và Đại Kiều về cùng an hưởng tuổi già. Tháo sai con trai mình là Tào Thực làm một bài thơ đề tựa là Đồng Tước Đài Phú, trong đó có đoạn:
“Lập song đài ư tả hữu hề,
Hữu Ngọc Long dữ Kim Phụng.
Liên nhị kiều ư đông tây hề,
Nhược trường không chi đế đống.”
Đoạn trên có nghĩa là dựng hai đài ở hai bên trái phải, có đài Ngọc Long, có đài Kim Phụng, nhốt hai nàng Kiều ở hướng Đông Nam, để sớm chiều cùng vui vẻ. Thật ra có nhiều người lập luận: “nhị kiều” trong bài thơ không có ý chỉ Nhị Kiều ở Giang Đông.
Hơn nữa, tin đồn Tào Tháo muốn chiếm hai nàng Kiều là do Gia Cát Lượng bịa ra để khích tướng Chu Du. Ở Chương 44 của cuốn tiểu thuyết, có một cuộc hội thoại giữa Gia Cát Lượng và Chu Du. Lượng nói rằng ông có một kế sách có thể buộc quân Tào để rút lui, đó chính là cống nạp Tiểu Kiều và Đại Kiều cho Tháo. Du nghe xong liền nổi giận, bèn đồng ý liên minh cùng Lượng để kháng Tào.
Tuy nhiên, trái với tiểu thuyết, nhiều sử liệu lại khắc họa Tào Tháo là một vị quân chủ có lối sống tiết kiệm và giản dị. Ngụy Quốc Chí, một cuốn sử chính thống của thời này, kể rằng ông sống tiết kiệm ở mức tối đa, ngay cả trong việc hỷ và tang. Còn ở trong Nội giới lệnh, Tháo ra lệnh gia nhân trong phủ không được ăn vận quá lộng lẫy, phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Về mặt pháp lý, Tào Tháo có ít nhất 10 người vợ (chưa tính người tình) và 25 người người con. Trong số vợ của ông, có người từng làm kỹ nữ. Tuy nhiên ông vẫn hết mực thương yêu các bà vợ và dành thời gian để nuôi dạy con cái. Điển hình là hậu cung tương đối an yên; các con của ông đều được cho học thầy giỏi và trở thành nhân tài xuất chúng. Trong đó Ngụy Văn Đế Tào Phi, người kế nghiệp ông.
Trong lĩnh vực phòng the, ông còn ra sức học hỏi kinh nghiệm ân ái. Tháo đã sai người tìm trong thiên hạ những bí quyết làm tình có thể làm hài lòng những người phụ nữ của ông– tập hợp chúng lại, gọi là “Phòng trung thuật.” Với Tào Tháo, làm tình là một nghệ thuật.  
Một cuốn sách về "phòng trung thuật" trong văn hóa Ấn Độ (Kamasutra)
Ngoài ra, vị quân chủ này còn là một nhà thơ tài năng. Những sáng tác của ông vẫn còn lưu truyền đến ngày nay như: Đoản Ca Hành, Đối Tửu Ca, Độ Quan San... Ai đọc qua thơ của ông mới thấy cái tính hào sảng, sự khẳng khái, một thi nhân ẩn mình trong một vị tướng. Thế mới thấy ngoài là một nhà quân sự, Tháo còn là một thi nhân đáng được ngưỡng vọng, một tài tử thực sự.
Tóm lại, ông là một nam nhân vừa giỏi tề gia, trị nước, hài lòng phụ nữ, vừa là một nhà thơ mặn mòi. Liệu với những phẩm hạnh này, có đáng để các chị em theo đuổi?
 Cuối cùng, cưới vợ của kẻ thù mà một hình thức tri ân, báo đáp
Trong sự nghiệp quân sự của mình, Tào Tháo đã thể hiện cho hậu thế thấy khả năng cầm quân kiệt xuất. Ông đã bá chiếm trung nguyên bằng cách dẹp yên Trương tú, thu Lưu Bị, bắt Lã Bố, diệt Viên Thuật, đuổi Lưu Bị (anh Bị rất nhọ), rồi đánh bại 70 vạn của của Viên thiệu ở trận Quan Độ.
Trong công cuộc Nam tiến, ông đã lấy được Kinh Châu từ tay Lưu Bị (mặc dù thua Xích Bích). Bắc tiến thì ông đã chinh phạt quân Tây Lương, đánh chiếm Đông Xuyên…
Nói tóm lại, cuộc đời của Tháo đã hạ biết bao nhiêu anh hùng. Đây là sự thường tình của binh gia, thắng làm vua, thua làm giặc. Vậy nên, chuyện lấy vợ của kẻ thù, ngoài là chiến lợi phẩm, thì đây cũng là một hình thức thể hiện tình nghĩa của anh hùng với nhau. Một nghĩa cử tương thân tương ái, lá lành đùm… à mà thôi.
Người chinh phu ra trận không may bị bại dưới tay Tháo, cũng không trách ông được, suy cho cùng, cuộc chiến này là do cơ chế, tức là Tháo không dẹp họ thì họ cũng dẹp ông. 
Người chinh phụ bỗng chốc lạc lối, không nơi nương tựa. Thì lúc đó, Tào Tháo ra tay bang trợ, mang vợ của đối thủ về chăm sóc, tính ra cũng khá là chí tình, chí nghĩa. Phải nói rằng, chỉ có người hào sảng và đại lượng như ông mới làm được.
Tóm lại, thời xưa người ta xem phụ nữ như món hàng, anh hùng thì sống không thọ, kẻ hiểu được thiên mệnh như Tháo không nhiều, ra tay bang trợ những người anh em chết trận bằng cách chăm sóc vợ của họ, đâu cũng là hành động xuất phát từ tình yêu thương với phụ nữ, với những vị anh hùng đã ngã xuống. Mặc dù nó trái với luân thường đạo lý, nhưng suy cho cùng, họ vào tay Tháo ít ra thọ mệnh còn thêm được vài năm.
“Thân em như hạt mưa rào,
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa.
Thân em như hạt mưa sa,
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.”
 
Cách viết này hơi cực đoan để nhằm bảo vệ thanh danh idol Tào Mạnh Đức của Lưu mỗ, các anh em comment nhẹ tay. 
Nửa đêm xa xứ, nấu nước pha trà.
Lưu Phong Trường