[Sổ tay thợ đóng sách] Trang 9 : Da thuộc dùng để đóng sách có gì đặc biệt?
Chào các bạn, cũng khá lâu rồi từ bài viết cuối cùng của mình. Cuối tuần vừa qua mình có tham dự một buổi trò chuyện về quy trình sản...
Chào các bạn, cũng khá lâu rồi từ bài viết cuối cùng của mình. Cuối tuần vừa qua mình có tham dự một buổi trò chuyện về quy trình sản xuất da thuộc (chuyên dụng cho sách) từ anh David Lanning - giám đốc bán hàng và truyền thông của hãng J Hewit & Sons Ltd, một trong những nhà thuộc da nổi tiếng nhất làng sách Châu Âu.
Qua buổi nói chuyện, mình học được rất nhiều kiến thức mới, không chỉ về các quy trình thuộc da, mà còn hiểu thêm về các tính chất đặc biệt của loại da đặc biệt của nghề đóng sách thủ công. Phần đầu của cuộc nói chuyện anh David có giải thích về cấu trúc, thành phần cấu tạo của 1 lớp da động vật, và da sau khi đã thuộc. Tiếp theo đó là về các quy trình, máy móc và dụng cụ ở xưởng của Hewit tại nước Anh. Cuối cùng là phần Q&A, là lúc mình được trả lời một số các câu hỏi mà mình vẫn luôn thắc mắc về loại da dành cho sách. Dưới đây mình sẽ thuật lại, và giải thích thêm theo cách hiểu của mình những gì anh David và hãng Hewit đã truyền đạt. (Trong lúc gõ bài mình vẫn chưa nhận được bản thu của buổi trò chuyện, nên chủ yếu sẽ dùng trí nhớ và một số bài báo của Hewit để viết bài)
A. Kết cấu của da thuộc
1. Đặc điểm của các bộ phận trên tấm da
Hình ảnh phía trên là các bộ phận nhìn thấy trên bề mặt của một tấm da. Vì da được lấy từ các loài động vật, nên có các vùng khác nhau, tương ứng với bộ phận của cơ thể con vật đó. Tùy vào từng vùng mà chất lượng hay tính chất của da sẽ khác biệt, cụ thể như sau :
- 1/ Phần mông : Đây là phần có độ dày và kết cấu khỏe nhất trên tấm da. Điều này khiến đây trở thành phần có chất lượng cao cấp nhất.
- 2/Phần cổ : Cũng rất dày và chắc chắn tuy nhiên nó thường có diện tích sử dụng rất nhỏ, và cũng khó sử dụng do chứa nhiều vết nhăn và rạn.
- 3/Phần vai : Mỏng và yếu hơn mông và cổ.
- 4/Phần sống lưng : Mỏng và yếu hơn phần mông, tuy nhiên ở đây lại thường sở hữu mật độ vân dày và bắt mắt nhất trên toàn bộ tấm da.
- 5/Phần bụng : Mỏng, yếu và có mật độ cấu trúc thưa. Co giãn khá nhiều.
- 6/Phần bắp đùi : Nơi mỏng và yếu nhất trên toàn bộ tấm da (là nơi mà con vật cử động nên có thể hiểu được lý do tại sao). Co giãn rất nhiều và vì đó không phù hợp để sử dụng.
- 7/Phần đuôi
=> Chính vì vậy nên để bọc da toàn bộ cho một cuốn sách là rất tốn kém. Bạn có thể thấy là không có quá nhiều phần trên tấm da có thể thực sự được sử dụng (dĩ nhiên là nếu bạn đang tìm sản phẩm chất lượng cao nhất). Để có được tấm da bọc phù hợp nhất cho một cuốn sách thì người thợ sẽ phải chọn sao cho phần sống lưng của tấm da nằm đúng với gáy sách.
2. Cấu tạo chi tiết - Cắt lớp bề mặt da
- Hair/wool (Lông và len) : Gốc lông và phần biểu bì được tạo ra bởi keratin. Đây là phần cứng và ổn định nhất tuy nhiên phải được loại bỏ hết để lộ ra được lớp vân phía bên dưới.
- Epidermis (Biểu bì) : Lớp tế bào chết cứng nằm trên bề mặt da. Nó được loại bỏ đi cùng với lông của con vật.
- Flesh (Lớp thịt) : Lớp nằm sâu dưới cùng này là lớp thịt. Nó chứa hàm lượng thịt và chất béo cao và do đó không có ích cho quá trình thuộc da.
- Dermis (Hạ bì) : Đây là lớp quan trọng nhất đối với người thuộc da. Phần này có tên là hạ bì và nó có thành phần chủ yếu là các thớ tế bào đan xen một cách rất dày đặc. Các bó sợi này được làm từ loại protein có tên là Collagen. Nếu bạn nhìn qua kính hiển vi, thì sẽ thấy rõ tất các các bó sợi đó. Và chính kết cấu này khiến cho da thuộc trở thành một vật liệu có tính chất bền, dai, dẻo độc nhất. Phần hạ bì này lại được chia ra thành 3 phần :
+ Corium (Chân bì) : Tại đây các bó sợi to lớn và chắc chắn. Các sợi này nằm đan xen với vô số các góc khác nhau, tùy thuộc vào lớp vân ở bên trên. Độ lớn nhỏ của các góc này tùy thuộc vào từng loài vật, tuy nhiên chúng có thể được tùy chỉnh một cách tương đối ở trong các công đoạn sản xuất da thuộc. Góc này có tên gọi là "góc dệt" và nó ảnh hưởng trực tiếp tới đặc tính vật lý của tấm da. Góc dệt thấp sẽ cho ra tấm da mềm, yếu và ít độ đàn hồi hơn bình thường.
+ Grain (Lớp vân) : Lớp vân được cấu tạo bởi các bó sợi nhỏ và dày đặc hơn so với lớp chân bì, khiến cho nó có cấu trúc mịn. Phần trên cùng của lớp vân này, các bó sợi vô cùng mịn và hình thành dạng hạt mà chúng ta gọi là vân da.
+ Junction (Lớp liên kết) : Đây là phần nằm giữa Lớp Vân và Chân Bì. Ở da một số loài vật thì đây là vị trí gây ra nhiều vấn đề. Ví dụ như ở da cừu thì Lớp liên kết yếu sẽ khiến lớp vân và chân bì bị tách ra (lý do khiến da cừu không được ưa chuộng khi sử dụng cho sách). Thêm nữa, nơi đây còn có thể chưa loại protein "liên sợi" (interfibre protein). Khác với loại protein tạo nên các bó sợi, khi khô đi chúng có thể đông cứng lại và làm tắc nghẽn da. Điều này dẫn đến tấm da trở nên cứng và thiếu linh hoạt. Các yếu tố này sẽ phụ thuộc vào :
- Loại con vật
- Loại giống
- Chất lượng thức ăn sử dụng cho con vật
- Thời gian giết mổ trong năm
Các chất béo ở đây có thể được lọc bỏ đi, tuy nhiên với việc chiếm 30% tổng khối lượng như ở loài cừu thì chúng sẽ để lại khoảng không trống ở các bó sợi, khiến các tấm da như cừu rất cảm thấy rất nhẹ và trống rỗng.
B. Các quy trình thuộc da tại xưởng Hewit
* Chưa ghi chép được
J Hewit & Sons là một nhà thuộc da có tuổi đời đã hơn 200 năm. Vào năm 2010 họ chuyển tới xưởng mới tại Houstoun Industrial Estate, Livingston, United Kingdom. Chuyên sản xuất, thuộc các loại da dê, bê và hươu, họ nổi tiếng nhất với các sản phẩm dành cho ngành đóng sách thủ công.
1. Nguyên liệu thô
Nguyên liệu thô (da động vật) của họ được lấy từ các nước như New Zealand, tiểu lục địa Ấn Độ và đôi khi trực tiếp tại Anh. David có nói đến việc khí hậu của một vùng có thể ảnh hưởng đến chất lượng da của con vật, ví dụ như tại Anh lớp da của động vật có nhiều % mỡ hơn, do đó sẽ không phù hợp để làm da đóng sách.
Họ có 3 lựa chọn trong việc nhập nguyên liệu thô (3 trạng thái xử lý khác nhau) :
- Wet sorted (Trạng thái ướt) : Các tấm da thô, vẫn còn lông được chồng lên nhau, ngăn cách giữa từng tấm bằng lớp muối.
Ưu điểm của trạng thái này đó là nhà thuộc có thể kiểm soát hoàn toàn các quá trình thuộc, dựa trên điều mà họ muốn làm. Còn nhược điểm là mặc dù giữa các tấm da đã được xử lý thô bằng lớp muối nhưng nếu khâu vận chuyển không nhanh chóng thì chúng sẽ dần thối rữa, nhất là khi đi qua các khu vực có khí hậu nóng nực. Ngày nay Hewit ít nhập nguyên liệu trong trạng thái này vì có ít nơi có thể cung cấp da đạt yêu cầu.
- Pickled (Ngâm chua) : Loại da này đã được qua xử lý trước khi vận chuyển. Chúng được loại bỏ lớp lông, và ngâm trong dung dịch "pickling solution", một loại dung dịch chua, khá giống như khi sử dụng để ngâm hành.
Ưu điểm của da đã được qua chế biến này đó là giúp cho nhà máy tiết kiệm khoảng 2 tuần chuẩn bị. Chúng có thể được đưa trực tiếp vào các công đoạn thuộc da. Nhược điểm lớn của da trong tình trạng này đó chính là chúng sẽ rất dễ không đạt tiêu chuẩn thuộc nếu không được nhà cung cấp sơ chế đúng cách. Thứ hai là chi phí chúng rất đắt tiền, do các tấm da này đều nặng trĩu nước.
- Native tan (Thuộc thô) : Dạng nguyên liệu thứ 3 mà họ nhập là Native tan. Loại da này được nhà cung cấp thuộc một cách rất nhanh chóng với các loại dung dịch thuộc đậm đặc.
Ưu điểm của phương pháp này đó là chúng có chi phí vận chuyển thấp, do da đã ở trạng thái khô, và cũng không phải lo chuyện thối rữa do chúng đã được thuộc rồi.
Nhược điểm của phương pháp này đó là chúng là một loại da chất lượng thấp hơn, được mua bằng kg, chứ không phải theo tấm. Vì vậy đó là chuyện thường tình nếu bắt gặp bề mặt của chúng bị xước do dính đầy sạn hoặc bùn. Lý do là các bên sản xuất ở Ấn Độ, Bangladesh này thường đổ thêm đất vào để chúng nặng hơn :(. Thêm nữa, loại dung dịch thuộc đậm đặc được đưa vào da này không phù hợp để làm nguyên liệu đóng sách. Chính vì vậy khi nhập loại da này về thì nhà thuộc phải loại bỏ hết các chất đó đi, đảo ngược quá trình thuộc da ban đầu và thuộc lại chúng với chất thuộc cao cấp hơn (sẽ nói ở phần dưới).
2. Các công đoạn trước khi thuộc da
Bắt đầu với việc sơ chế lại nguồn nguyên liệu thô. Các tấm da trong trạng thái ướt (wet sorted) được đưa và buồng quay (drum) - một buồng hình trụ lớn được quay chậm và đều trong 24h để loại bỏ hết các tạp chất ở trong tấm da tươi. Các tấm da được đưa vào và xả nước, và rồi thay nước dần dần cho đến khi nào sạch. Bằng cách này các tạp chất như đất, máu, và cả muối đều được rửa trôi. Giai đoạn này được gọi là Soaking.
Sau đó lớp lông mới được loại bỏ, để có thể làm lộ ra lớp vân trên bề mặt tấm da. Chất Sodium sulfide hoặc Hydrosulfide được đưa vào để phân hủy chất keratin ở lông. Chất có tính kiềm được cho vào tiếp theo để phân hủy lớp lông, chân lông và biểu bì hơn nữa. Điều đặc biệt là chất kiềm sẽ không gây tổn hại đến lớp hạ bì (dermis, trong mục A2). Việc ngâm kiềm cũng sẽ gây ra sự thay đổi cho cấu trúc bên trong của tấm da. Tấm da sẽ phồng lên do chứa đầy nước, và khiến các bó sợi ở phần hạ bì giãn ra hoàn toàn. Điều này sẽ hỗ trợ cho công đoạn thuộc tiếp theo, khi mà các chất thuộc da cần thấm sâu vào mọi ngõ ngách trong lớp da. Các bước này gọi là Liming.
Bước tiếp theo là loại bỏ lớp thịt và chất béo nằm ở mặt dưới của tấm da, do chúng là lớp rào ngăn các hóa chất thuộc thấm vào. Đây là quá trình Fleshing.
Trên ảnh là phần thịt thừa sau khi máy đã loại bỏ, và anh David có nói rằng ở thời xưa chúng được sử dụng trong ngành mỹ phẩm (kem dưỡng da và son môi). Ewww!
Tấm da hiện tại đang chứa rất nhiều kiềm, và để có thể tiếp tục quá trình thuộc, chúng cần chứa tính axit nhiều hơn. Và để làm điều đó chất Ammonium chloride được sử dụng. Quá trình này gọi là De-liming. Các chất keratin ở lông và protein ở các bó liên sợi (A2, mục Juntion) vốn đã yếu nay được rửa đi hoàn toàn. Sau khi đã hoàn thành tất cả các bước trên thì đây là mặt cắt của tấm da :
Giờ đây bạn đã có tấm da tương tự như với da được ngâm muối (Pickled leather, phần B1).
Baiting là công đoạn tiếp theo, khi mà các enzim đặc biệt được đưa vào để loại bỏ các thớ cơ có trong da, giúp cho tấm da trở nên mềm mại hơn. Qua giai đoạn này thì lớp vân trên bề mặt da sẽ phẳng và thư giãn.
David kể ở trong quá khứ, công đoạn này là công đoạn gây khó chịu cho người làm nhất, bởi phân của các loài động vật như chó sẽ được sử dụng làm nguồn cung cấp enzim, do hệ thống tiêu hóa của động vật này tiết ra rất nhiều chất này. Tưởng tượng xem mùi ở đây sẽ kinh khủng thế nào... Ngày nay thì các nhà thuộc sử dụng hóa chất nhân tạo để thay thế cho chúng nên quả thực là may mắn.
Scudding là công đoạn chuẩn bị cuối cùng trước khi da được thuộc. Bằng cách đặt tấm da lên bề mặt phẳng, phần vân nằm lên trên, một con dao cong và cùn được kéo qua bề mặt da, giúp ép ra các chất mỡ, chân lông ra khỏi tấm da. Hewit nói họ có lẽ là nhà thuộc da cuối cùng sót lại ở Anh vẫn làm công đoạn này thủ công.
Dưới đây là tóm gọn các công đoạn của khâu chuẩn bị trước khi thuộc da :
2. Thuộc da (Tanning)
Để tóm gọn lại thì công đoạn thuộc da (tanning) thì đây là công đoạn đưa các hóa chất thuộc vào trong da. Các hóa chất này tạo liên kết hóa học với các chất collegen ở trong da. Công đoạn diễn ra bằng hóa chất này chuyển từ da ở trạng thái tươi sang thành da. Có 4 kiểu thuộc da như sau :
- Vegtable tan (Thuộc thảo mộc) : Thuộc bằng các tannin có từ thực vật.
- Mineral tan (Thuộc khoáng chất) : có bao gồm thuộc Chrome, Aluminum, Titanium.
- Aldehyde tan (Thuộc Aldehyde) : thuộc bằng glutaraldehyde hoặc oxazolidine, cho ra sản phẩm da thuộc có thể giặt bằng tay hoặc máy (nguồn : Aldehyde Tanning | Definition of Aldehyde Tanning by Knowledge Bank™ (materialbank.com)
- Synthetic tan (Thuộc hóa chất tổng hợp) : Phương pháp có tính chất tương tự thuộc Chrome, được phát triển trong thế chiến thứ 2, khi mà vật liệu tự nhiên khan hiếm.
Các kiểu thuộc này có thể sử dụng độc lập hoặc kết hợp cùng với nhau, tùy thuộc vào sản phẩm mong muốn.
Da dùng cho đóng sách chủ yếu được thuộc bằng thảo mộc và các sản phẩm của Hewit cũng . Thuộc thảo mộc được chia ra làm 2 loại :
- Catechol là phương pháp không bền dưới ánh sáng (non-light fast), và dễ bị biến thành "bụi đỏ" (red rot - một dạng mục rữa ở da thuộc).
- Pyrogallol là kiểu thuộc thảo mộc tốt và ổn định hơn.
Tại Hewit loại thảo mộc được dùng để thuộc da là Sumac (nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ và Sicily, Ý) và Tara Pods (từ Venezuela). Cả 2 loại thảo mộc này thuộc nhóm Pyrogallol, được nhận xét là có tính lưu trữ tốt (archival). Các tấm da sẽ được ngâm trong dung dịch thuộc trong 72 tới 96 tiếng, sau đó đem đi phơi khô.
Sau giai đoạn này các tấm da có thể được cất vào kho mà không lo ngại về việc thối rữa. Chúng được gọi là "Crust", và nó tương tự với loại da thuộc thô - native tan (ở mục B1) từ Ấn Độ.
Tiếp theo họ phân loại da theo chất lượng bề mặt của chúng. Họ tìm các vết lỗi như sẹo và nhăn, etc... sau đó quyết định những phần lỗi nào có thể được che đi ở các công đoạn sau, khi mà da thuộc lại được kiểm tra thêm 4 tới 5 lần nữa.
Bây giờ đến công đoạn nhuộm da (Dyeing). Vì thuốc nhuộm rất đắt nên tốt nhất là lạng bỏ đi các độ dày không cần thiết, xuống còn 1,3 - 1,4mm. Các tấm da được nhuộm trong các máy drum tương tự như ở công đoạn Soaking.
Nhuộm xong, các tấm da sẽ được phơi khô, bắt đầu trên 1 tấm kính lớn, và sau này căng trên tấm bảng có lỗ. Khi khô các tấm da này sẽ rất cứng, chính vì vậy nên chúng sẽ được đưa đi để làm mềm. Với da dê thì có thể sử dụng máy cuốn, tuy nhiên với da bê dễ bị tổn thương hơn thì phải làm mềm bằng tay.
3. Hoàn thiện (Finishing)
Cuối cùng, các tấm da được bước vào công đoạn hoàn thiện. Tại đây chúng được trải qua các bước giúp cải thiện thêm thẩm mỹ cho bề mặt, như sơn thêm thuốc nhuộm để màu được tươi hơn, đánh bóng bề mặt, và dập vân cho tấm da (vân morroco, vân sọc, chargin, vv...).
C. Phần hỏi đáp (Q&A)
- Tôi : Loại da dành cho đóng sách và dành cho thời trang khác gì nhau?
- David : Các loại da phù hợp cho ngành thời trang thường được thuộc Chrome, và da thuộc chrome có những thuộc tính đặc biệt : Chúng không thấm nước, chúng kháng xước và bụi bẩn rất tốt. Tuy nhiên nếu bạn mà thử sử dụng một tấm da như vậy để bọc sách thì sẽ sớm nhận ra nó khó như nào : nó quá đàn hồi và không bao giờ chịu nằm yên để bạn làm các công đoạn như dán, gấp mép. Trong khi da thuộc thảo mộc có thể tạo hình theo mong muốn.
Chất chống thấm nước, đây là điều mà bạn không mong muốn nhất ở da bọc sách. Các thợ đóng sách thường mong muốn có thể có các loại trang trí trên da và với da được phủ chống thấm thì không thể làm được chuyện đó. Một điều nữa, các da dùng để đóng sách cần độ mỏng chỉ trong dưới 1mm trong khi da dùng trong ngành thời trang thường rất dày (3-4mm, phổ biến nhất là da bò).
- Tôi : Vậy độ mỏng của da (dê và bê) nào là thích hợp nhất trong việc đóng sách? Theo tỉ lệ độ dày/sức mạnh của lớp da? Ở độ dày nào thì tấm da mất đi đa phần sức mạnh/độ bền của nó?
- David : Câu hỏi rất hay! Ở da bê, đó là không ít hơn 0,6mm , còn ở da dê thì không ít hơn 0,8mm. Điều này dẫn đến lý do tại sao chúng ta rất ít dùng da bò trong ngành đóng sách. Các thợ đóng sách thường ưa chuộng sử dụng da với độ dày từ 0,6-1mm. Với độ dày đó, thì ở da dê và bê, chúng ta sẽ vẫn có đủ 3 phần : Chân bì, lớp liên kết và lớp vân (như đã nói ở phần A.2), vốn khiến cho một tấm da giữ được độ chắc chắn. Tuy nhiên ở trong trường hợp da bò, vì đây là con vật trưởng thành, nên nó có lớp vân rất dày. Nếu mà chúng ta lạng xuống dù chỉ 1mm (hoặc thấp hơn) thì nó cũng đã khiến cho toàn bộ 2 lớp còn lại bị mất hết, chỉ còn lại lớp vân. Lớp vân này của da bò rất yếu và bạn có thể xé rách nó như một tờ giấy :D. Đây chính là lý do chúng ta hay chọn các con vật trẻ, hay nhỏ hơn để làm da thuộc.
D. Kinh nghiệm cá nhân của mình khi dùng da để bọc sách
Mình cũng đã trải qua một quãng thời gian thử nghiệm và tìm loại da tốt nhất để bọc cho các cuốn sách mình đóng. Ban đầu mình được giới thiệu ra một của hàng da thuộc, vốn bán vô số loại da bò nhưng đa phần là da thuộc chrome và dành cho may mặc, thời trang. Các loại chrome ban đầu mình sử dụng đó đều dán bằng keo chó (rất tệ, mình biết), và rồi sử dụng PVA. Các loại này thường có bề mặt nhựa nhựa, trông không đẹp lắm, sờ vào cũng không thích và rất khó để dán chúng.
Một loại nữa mà ban đầu mình sử dụng đó là da bò thuộc thảo mộc chưa nhuộm, chưa chốt, thường được sử dụng để chạm khắc họa tiết. Loại này tuy có thể dán được tốt hơn so với da thuộc chrome, do có thể thấm nước và tạo hình, tuy nhiên chúng khá dày (các nơi bán lúc đấy bảo không nên lạng loại da này). Tiếp theo đó là chúng cứng, rất cứng. Sờ vào sách khó có thể thấy sự mềm mại nào, hay như ở khớp sách sẽ rất khó để mở ra (mình tin rằng sử dụng lâu nó sẽ đỡ hơn). Dĩ nhiên ưu điểm là loại này có thể nhuộm với màu tùy thích, nhưng theo mình khó mà nhuộm đẹp được như da nhà máy làm. Chúng cũng không có vân trên bề mặt, chỉ có các lỗ chân kim vô cùng nhỏ. Về độ bền thì mình vẫn tin da dê sẽ bền hơn. Tóm lại là mình không dùng loại này từ rất lâu rồi.
Tất cả các cuốn sách mình đóng bây giờ đều bọc bằng da dê. Da dê thuộc thảo mộc mềm mại, mỏng, dai, dễ sử dụng. Mình dùng cả các loại da cấp thấp từ Ấn Độ, Trung Quốc và cả loại cao cấp từ Pháp (và sắp tới là Anh). Mình có thể nói là dùng chúng đều thích như nhau, tuy nhiên với loại da rẻ hơn kia mình sẽ phải lựa chọn kỹ. Mình tìm các loại da có tính "đanh" một chút, tức nó không giãn nhiều, và cứng cáp một tý. Các loại da giãn nhiều đều sẽ rách khi lạng mỏng (loại dê đểu, da cừu, da kangaroo). Tuy nhiên để mà nói, các cuốn sách có giá trị cao mà muốn được lưu trữ thì PHẢI dùng da có chất lượng cao. Bạn không muốn thấy red rot, hay các cuốn sách bị hỏng ở khớp chỉ sau có chục năm đâu.
Kết : Như mình đã nói ở đầu, tất các các thông tin trong bài này là từ trang Skindeep của Hewit chia sẻ, và từ buổi giảng online (trừ mục D dĩ nhiên rồi) được mình ghi chép rồi dịch lại. Nếu muốn đọc thêm về Hewit thì hãy ghé qua Skindeep .
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất