Chào các bạn, trong bài viết hôm nay mình sẽ thuật lại quá trình phục chế và đóng lại bìa mới cho cuốn sách Về R của tác giả Kim Nhật, xuất bản năm 1973.
Bìa trước của cuốn sách.
Bìa trước của cuốn sách.
I. Thông tin, tình trạng sách
Về R, Kim Nhật, bản 1973.
Cuốn sách có kích cỡ 18,7x12,2cm, bìa mềm. Bìa chính và gáy đã bị hư hại, rách và rời ra khỏi cuốn sách, sau đó có lẽ được chủ cũ dán lại qua loa bằng băng. Ruột gồm 35 tay sách. Gáy cuốn sách lộ ra cấu trúc khâu tay chain stitching, với chỉ gai và các lỗ khâu cưa tay, khiến mình khá ngạc nhiên. Nhà sản xuất lúc đó không sử dụng máy khâu công nghiệp? Chất lượng giấy khá là thấp, chứa nhiều axit đã ngả vàng và trở nên giòn, dễ gẫy. Đáng lưu ý là giấy được sắp xếp theo chiều thớ không đồng đều, chỗ nằm ngang chỗ nằm dọc. Điều này làm mình nghĩ xưởng sản xuất này khá bất cẩn, không có nhiều kinh nghiệm, không đầu tư vào máy móc sản xuất, có thể do kinh phí chăng?
Bìa trước và gáy sách, bạn có thể thấy đường khâu chain-stiching.
Bìa trước và gáy sách, bạn có thể thấy đường khâu chain-stiching.
Bên trong cuốn sách có một thẻ thư viện cũ đi kèm. Không có tên của thư viện này, tuy nhiên có đi kèm thêm thông tin thú vị rằng cuốn sách được mượn lần duy nhất và cuối cùng vào năm 74 (47 năm trước). Cá nhân mình rất thích chi tiết đáng yêu này :3.
Chẳng hạn mà mượn từ năm 74 đến giờ thì buồn cười :)).
Chẳng hạn mà mượn từ năm 74 đến giờ thì buồn cười :)).
Sau đánh giá, cuốn sách được mang tới Hán Nôm Đường để phục chế và sửa chữa.
II. Thi công
1. Cấu trúc
Sau khi cuốn sách trở về từ chuyến chữa bệnh ở Sài Gòn, mình bắt đầu khâu và đóng cấu trúc. Mình lựa chọn khâu trên hai đai vải hỗ trợ (linen tapes). Do kết hợp giữa độ độn lên sau khi phục chế và độ dày khiến sách bị phồng lên kha khá, và phải sử dụng bìa dày 4mm để đáp ứng.
Trước khi lót gáy sách, mình nhận ra việc cuốn sách có nhiều phần sai thớ giấy và có lề khá sát. Cùng với kích cỡ khá nhỏ của sách chắc chắn sẽ khiến nó có độ mở không tốt, và sẽ có độ mở rất tệ nếu mình làm gáy rắn (rigid spine). Do đó nên mình chọn cho cuốn sách kiểu gáy rỗng (hollow back), với biến thể dạng ống (oxford hollow/tube).
Mình quên không chụp nên lấy ảnh của chị Kate!
Mình quên không chụp nên lấy ảnh của chị Kate!
2. Thiết kế
Mình mất một thời gian kha khá mới chọn được cách thiết kế cho cuốn sách này. Lúc đầu định minh họa cảnh rừng giống như bài gốc của cuốn sách, sau đó thấy khó thực hiện và chi phí đắt đỏ nên thôi. Rồi mình lên mạng để tìm các thông tin về cuốn sách, xem có hình vẽ gì liên quan không, tuy nhiên không thấy gì. Cuối cùng mình tìm các thông tin về Cục R trong sách và thấy một hình bản đồ ở khu di tích (mà có lẽ là hình duy nhất trên mạng). Trông rất đẹp và phù hợp luôn với vật liệu mình đang có ở xưởng nên mình quyết định chọn hình này luôn.
Mình sử dụng lớp da nền, để bọc toàn bộ cuốn sách bằng loại dê Patnat từ nhà thuộc Alran SAS, Pháp. Nó có màu xanh lá trầm rất giống màu lá trong rừng rậm và sở hữu bề mặt vân rất cầu kỳ và nổi bật. Các chi tiết sông và đường đi mình sử dụng loại da cùng màu như hình để làm onlay, với kỹ thuật backpared onlay. Lớp da chính dày 0,6mm và các miếng onlays dày 0,3mm.
Các miếng đắp onlay được dán lên tấm da.
Các miếng đắp onlay được dán lên tấm da.
Các chi tiết đường đi nhỏ hơn chưa được thực hiện vào lúc này, mà phải sau khi cuốn sách được bọc.
Mình đánh dấu, tính toán kỹ lưỡng kích thước của tấm da, ướm nó với cuốn sách rồi lạng mép bằng dụng cụ Scharffix. Ở đây mình gặp một vấn đề khá hiểm hóc. Do đưa độ dày mép của tấm da xuống thấp quá, mình đã làm rách nó ở đoạn miếng onlay nằm trên. Đây là điều rất đáng tiếc tuy nhiên may mắn thay nó không quá lớn, và sẽ bị che khuất khi bọc vào cuốn sách.
Trong lần bọc này mình có cải thiện được phần headcap (phần da nằm trên và che chắn cho cổ áo/headband) hơn so với các lần trước, nhờ việc lạng cẩn thận ở mép da chỗ đó.
Phần trên cùng đó gọi là headcap.
Phần trên cùng đó gọi là headcap.
Tiếp theo đến việc xử lý phần tiêu đề cho cuốn sách. Do không có bộ chữ nào có cỡ phù hợp để mạ lên (và cả việc chúng không có dấu nữa) nên mình phải tìm cách làm nào đó khác biệt. Mình lục lại trí nhớ và nhớ ra một bài đăng của bác Luigi Castiglioni - một bậc thầy người Ý. Tại đây bác sử dụng kỹ thuật onlay, với bước đầu là định hình chữ trên gáy sách bằng các dụng cụ nét thẳng (filets), rồi cạo các phần trống bên trong của từng con chữ. Bằng cách này bác có bề mặt dính rất tốt để đắp miếng onlay lên. Đây là cơ hội tuyệt vời để mình thử sức với kỹ năng này.
Mình kẻ tay một template tiêu đề bằng giấy mỏng (52gsm), rồi căn chỉnh, dán nó vào gáy sách. Tờ giấy này sẽ giúp mình đặt tạo các đường nét bao quanh chữ bằng các dụng cụ nóng.
Mình kẻ tay một template tiêu đề bằng giấy mỏng (52gsm), rồi căn chỉnh, dán nó vào gáy sách. Tờ giấy này sẽ giúp mình đặt tạo các đường nét bao quanh chữ bằng các dụng cụ nóng.
Sau khi mọi thứ được chuẩn bị, các dụng cụ được làm nóng nhẹ và dập vào bề mặt giấy với lực vừa phải. Mình chỉ cần filet 3mm và 10mm cho công đoạn này.
Và đây là kết quả. Các nét chữ được nhấn chìm xuống đủ để mình định vị chúng một cách dễ dàng. Sau đó mình nhấn lại các nét này vẫn bởi các dụng cụ đó nhưng với lực mạnh hơn một chút. Bước tiếp theo là cạo bề mặt lớp da bên trong các chữ đi. Mình thấy sử dụng dao mổ lưỡi cong (số 15) rất là thích hợp. Bề mặt da bay đi, để lộ lớp thịt ở dưới với màu sắc nhạt và sáng hơn. Bỗng dưng mình lại thấy rất ưng ý với màu sắc và kiểu chất liệu này. Mặc dù đã cắt và chuẩn bị hết các miếng chữ onlay, nhưng mình lại quyết định để nguyên bề mặt đó mà không dán chữ lên.
Điều tiếp theo cần thực hiện đó là trang trí nốt bìa trước của cuốn sách. Kỹ thuật onlay leather lines mình được học vài tháng trước trong lớp học của cô Karen Hanmer. Đó là việc đắp một đường chỉ da rất mỏng, ở đây mình cắt đường khoảng 0,7mm và dày 0,2mm để dán lên bề mặt da đã được chuẩn bị sẵn. Chuẩn bị ở đây nghĩa là tạo rãnh để cho đường chỉ đó nằm gọn gàng vào.
Tờ giấy scan từ thiết kế nằm bên trên, được đặt và cố định vào đúng vị trí trên bìa cuốn sách.
Tờ giấy scan từ thiết kế nằm bên trên, được đặt và cố định vào đúng vị trí trên bìa cuốn sách.
Vậy là mình phải tiếp tục sử dụng các dụng cụ để dập lên bề mặt da, tuy nhiên lần này không dùng các nét thẳng filet nữa, mà chuyển sang dùng các nét cong, gọi là gouge. Để sử dụng các nét cong này cần các khâu chuẩn bị phức tạp và khó khăn hơn với nét thẳng rất nhiều. Đó là bởi mỗi dụng cụ chỉ có thể tạo ra một nét cong cố định, mà như hình họa bản đồ của mình thì lại có rất nhiều các đường cong biến đổi. Trước khi làm bạn phải ướm thử các dụng cụ vào từng đường cong của bản vẽ để chọn cái phù hợp nhất. Để làm được toàn bộ các nét trong hình, mình phải sử dụng 9 dụng cụ khác nhau, cộng với chiếc bút stylus là 10.
Sau khi dập các nét. Lúc đấy mình nhìn nó chìm vậy cũng khá đẹp nhưng không :))) phải theo kế hoạch. Kỹ thuật onlay này không phải lúc nào cũng được ứng dụng đâu :)).
Sau khi dập các nét. Lúc đấy mình nhìn nó chìm vậy cũng khá đẹp nhưng không :))) phải theo kế hoạch. Kỹ thuật onlay này không phải lúc nào cũng được ứng dụng đâu :)).
Sau khi mọi đường nét đã được chỉ định cho các dụng cụ tương ứng thì việc dập chì chúng không quá phức tạp, tuy nhiên vẫn cần rất nhiều sự chú tâm, và cả thời gian nữa. Để hoàn thiện công đoạn này thì mình đi lại các nét bằng bút stylus (có từ anh Dimitris bên Hy Lạp). Và cuối cùng mình đã sẵn sàng đính các đường chỉ da lên. Đáng tiếc do lúc đó mải làm nên mình không chụp lại quá trình làm.
Các đường chỉ da sau khi được đắp lên bề mặt sách, và các ký hiệu trên bản đồ được mình tạo hình rồi cạo đi như làm với tiêu đề.
Các đường chỉ da sau khi được đắp lên bề mặt sách, và các ký hiệu trên bản đồ được mình tạo hình rồi cạo đi như làm với tiêu đề.
Để hoàn thiện sản phẩm, mình phủ bề mặt da với một lớp dưỡng da (leather dressing) từ Talas - một hỗn hợp gồm lanolin và dầu neatsfoot. Tờ gác thủy ấn được phủ một lớp sáp ong mỏng và đánh bóng bằng đá mã não (agate burnisher) nhằm tăng khả năng chống ẩm và tạo cảm giác mượt mà khi chạm và
Cục sáp ong và dụng cụ đá mã não agate burnisher.
Cục sáp ong và dụng cụ đá mã não agate burnisher.
Dưới đây mình xin chia sẻ một vài bức ảnh hoàn thiện của cuốn sách. Để xem thêm các sản phẩm mình thực hiện, các bạn hãy tới trang facebook của mình : Papel y Tinta | Facebook . Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết.
Bìa trước.
Bìa trước.
Bìa trước cùng gáy sách.
Bìa trước cùng gáy sách.
Gouges & stylus.
Gouges & stylus.
Tờ gác thủy ấn tự tay mình làm.
Tờ gác thủy ấn tự tay mình làm.
Ồ mình tìm thấy tên thư viện rồi nhé hehe.
Ồ mình tìm thấy tên thư viện rồi nhé hehe.