Bởi hình dáng của cuốn sách hiện đại vốn đã tồn tại từ vài trăm năm trước và đã trở nên quá quen thuộc trong mắt chúng ta, nên có thể có khá nhiều điều mà ta có thể bỏ qua, không chú ý đến. Khi mình mới bắt đầu học đóng sách, có rất nhiều câu hỏi xoay quanh những tiểu tiết trên cấu trúc của một cuốn sách. Nhiều khi không phải là làm thế nào để thực hiện kỹ thuật này mà là tại sao nó tồn tại? nó có tác dụng gì? Và biết được những điều đó khiến cho công việc tạo dựng cuốn sách trở nên thú vị hơn rất nhiều.

1. Cạnh sách được mạ vàng (Gilt edges)

Cạnh trước (fore-edge) của cuốn sách được mạ vàng.
Cạnh trước (fore-edge) của cuốn sách được mạ vàng.
Một đặc điểm của cuốn sách mà chắc chắn sẽ tạo thu hút cho người đọc đó chính là những cạnh được mạ vàng, sáng lộng lẫy và quyến rũ.
Mạ vàng cạnh sách là phương pháp làm phẳng bề mặt cạnh của lõi sách, phủ chất kết dính, phủ lá vàng lên và đánh bóng. Kỹ thuật này được cho là phát triển vào những năm 70 của thế kỷ 15, sau này được sử dụng rộng rãi tại Anh vào những năm 1530s (theo từ điển Etherington & Roberts).
Có thể bạn không tin, nhưng mục đích ban đầu cho việc mạ vàng cạnh sách không phải để tăng tính thẩm mỹ. Mạ vàng khiến cho cạnh sách có khả năng chống bụi và độ ẩm từ bên ngoài môi trường. Chủ yếu dành cho cạnh trên (top-edge) của cuốn sách, vì đó là phần tiếp xúc với không khí nhiều nhất khi sách đứng ở trên kệ, các cạnh còn lại đôi khi cũng được mạ, vì mục đích trang trí là chủ yếu.
Cạnh của cuốn sách đang trong công đoạn mạ vàng. Nguồn : Papercut bindery
Cạnh của cuốn sách đang trong công đoạn mạ vàng. Nguồn : Papercut bindery
Có 2 kiểu mạ vàng một cuốn sách : Solid gild và Rough gild, tạm dịch là mạ nhẵn và mạ thô. Ở cuốn sách được mạ nhẵn (solid gild), cuốn sách được khâu, xén rồi mạ. Kết quả cho ra cạnh sách phẳng, bóng như một khối vàng thật. Kiểu còn lại, mạ thô (rough gild) thì các tay cuốn sách được mạ trước khi khâu, khiến sau khi cuốn sách được khâu và đóng có các cạnh mạ vàng nằm không đồng đều với nhau. Rất nhiều người ưa chuộng cách mạ thô, bởi bằng cách nào đó nó có sự duyên dáng hơn so với bề mặt phẳng. Cái này mình nói theo sở thích của người bên nước ngoài. Còn dĩ nhiên một bề mặt mạ vàng phẳng bóng như gương cũng rất có thẩm mỹ.

2. Cổ áo/Chỉ đầu (Headbands)

Bạn có biết sợi chỉ đan nằm nhô lên ở phía trên và dưới cuốn sách này không? Chúng được gọi là Headbands, headband nằm ở phía trên, còn tailband nằm ở phía dưới. Ở các cuốn sách được sản xuất hàng loạt, bộ phần này được tạo nên bằng cách đơn giản là dán dải dây được sản xuất sẵn lên. Chúng chỉ có tác dụng trang trí thêm cho sách.
Tuy nhiên ít người biết rằng đây ban đầu là một bộ phần gắn liền với cấu trúc của cuốn sách. Chúng được làm với lõi bằng sợi da parchment, tương đồng với đai hỗ trợ ở gáy sách, sau khi khâu vào với lõi sách, hai đầu sợi da được nối vào với bìa sách (thời đó thường dùng tấm gỗ). Chúng có chức năng song hành với nút thắt Kettle stitch - giữ phần đầu và cuối của tay sách lại với nhau. Điều đó có lẽ giải thích tại sao chúng được khâu ở cả hai bên như vậy.
Một số loại headbands. Nguồn : Karen Hanmer
Một số loại headbands. Nguồn : Karen Hanmer
Kỹ thuật làm heabands dần được cải tiến theo sự thay đổi của cấu trúc sách, cho tới loại mà chúng ta quen thuộc hơn mà được dùng ngày nay (xem ảnh trên). Được phát triển từ đầu thế kỷ 16, khác với tiền nhiệm, chúng không được nối với bìa sách nữa. Tuy nhiên việc khâu cùng với lõi sách khiến chúng vẫn giữ được một chức năng quan trọng, đó là tạo điểm tựa chắc chắn để kéo cuốn sách ra khỏi kệ.

3. Gáy sách được làm tròn và đóng nấm (Rounded & Backed)

Có bạn giờ bạn đã từng hỏi tại sao những cuốn sách tốt lại hay có hình dạng cong ở gáy thay vì phẳng không? Và tại sao phần lưng các tay sách lại được bẻ cong sang một bên như vậy? Đây là một kỹ thuật được phát triển vào nửa sau của thế kỷ 15, có tên gọi là làm tròn và nấm gáy.
Gáy của một cuốn sách sau khi khâu sẽ bị độn lên một khoảng do độ dày của chỉ nằm trong mỗi tay sách. Điều này dẫn đến sự chênh lệch giữa chiều cao của gáy và bụng trước của lõi sách. Nếu không được giải quyết, trong lực sẽ khiến hình dáng cuốn sách biến đổi theo hướng tự nhiên nhất, đó là cong về phía trước. Đây là điều rất tệ, bởi dần nó sẽ làm cuốn sách rất lỏng lẻo và rời ra. Vậy nên người thợ phải tìm cách cố định hình dáng một cuốn sách, và giúp nó chống chịu lực kéo từ trọng lực. Như nói ở trên, kỹ thuật đóng nấm cho gáy được phát triển vào thế kỷ 15, tuy nhiên việc làm tròn cho gáy sách thì xuất hiện lâu trước đó rồi. Nhiều người nghĩ rằng việc tạo nấm cho cuốn sách diễn ra rất tự nhiên, bởi đó là hình dáng mà sách sẽ tự biến thành khi được ép bởi hai tấm bìa gỗ.
Ba giai đoạn, trước và sau khi làm nấm gáy
Ba giai đoạn, trước và sau khi làm nấm gáy
Ảnh phía trên mô tả các công đoạn tạo hình cho cuốn sách :
- Fig1: Sau khi khâu, gáy sách phồng lên do độ dày của các sợi chỉ.
- Fig2: Làm tròn. Từ tay sách chính giữa các tay sách được dàn đều sang hai bên. Điều này làm giảm đi một phần độ phồng trước đó.
- Fig3: Đóng nấm. Bắt đầu từ tay sách chính giữa, phần đỉnh của các tay sách được đánh dàn sang 2 bên tạo thành các nếp gấp nhỏ, với nếp gấp lớn nhất nằm ở hai phía ngoài cùng. Các nếp gấp này chồng lên nhau và giảm tải áp lực cho gáy sách, cũng như tạo cho nó một hình dáng cố định. Cách hoạt động của nó cũng tương tự như các cây cầu đá vậy (minh họa bên dưới).
Tương đồng giữa cấu trúc cầu đá vòng cung (Arch bridge) và nấm gáy sách.
Tương đồng giữa cấu trúc cầu đá vòng cung (Arch bridge) và nấm gáy sách.
Cây cầu dạng này vô cùng chắc chắn bởi thay vì dồn hết cân nặng theo hướng của trọng lực, thì lực được phân bố chạy theo từng khối đá, sau đó được đưa xuống bệ đỡ nằm dưới cùng. Giống như vậy, cân nặng của các tay sách được truyền tải xuống bệ đỡ mà trong trường hợp này là 2 tấm bìa.
Mình cảm thấy rất thích thú và cũng học được rất nhiều khi tìm tư liệu cho bài viết này. Hy vọng các bạn thấy bài viết bổ ích. Nếu mình có đề cập sai một vấn đề nào đó, rất mong các bạn có thể góp ý qua comment. Cảm ơn
-T.T.H-