[Sổ tay thợ đóng sách] Trang 15 : Manual of Bookbinding - Arthur Johnson
Chào các bạn, trong bài viết hôm nay mình sẽ thuật lại quá trình đóng cuốn sách Manual of Bookbinding (Thames & Hudson Manual of...
Chào các bạn, trong bài viết hôm nay mình sẽ thuật lại quá trình đóng cuốn sách Manual of Bookbinding (Thames & Hudson Manual of Bookbinding) của Arthur Johnson.
I. Thông tin cuốn sách
Một chút về cuốn sách nha. Khác với các cuốn sách trong bài viết trước, đều là của các khách hàng đặt thì đây là cuốn sách mình tự làm cho bản thân. Nó chính là cuốn sách viết về đóng sách đầu tiên mà mình sở hữu, một phần kỷ niệm khi còn tập tễnh với nghề. Mình được biết tới cuốn sách nhờ bác Darryn (DAS Bookbinding). Bác đề cập đến nó khá nhiều trong các video hướng dẫn của bác trên Youtube, và cũng trực tiếp đề xuất nó trong email trả lời mình. Đây là một cuốn sách có độ khó trung bình, các kỹ thuật được diễn giải tốt với nhiều hình minh họa đẹp. Nó giới thiệu hầu hết các lối đóng cơ bản : case binding, library binding, laced-in binding, springback binding,... rất hữu ích cho ai muốn bước chân vào các kỹ thuật đóng sách truyền thống.
Ngoài lý do đây là cuốn sách đặc biệt với mình thì dĩ nhiên có lý do khác khiến mình quyết định đóng lại nó. Đó là phần bìa cuốn sách (đóng kiểu paperback - bìa mềm) hiện đã cũ và rách, còn ở gáy cuốn sách thì phần keo đã khô và bắt đầu nứt vỡ ra.
II. Thi công
1. Forwarding
Cuốn sách được đóng theo lối laced-in tapes, khâu trên 3 đai vải. Bìa được mình sử dụng cho cuốn sách là loại grey board dày 1,5mm. Vào thời điểm đó thì đây cũng là một trong những lần đầu tiên mình thực hiện phương pháp này.
Thêm vào đó, mình có khâu cho cuốn sách chỉ đầu 2 tầng kiểu Pháp (French double-core endbands), với 3 màu chỉ là xanh da trời, hồng và xanh lá mạ. Mình cũng không thành thạo trong kiểu khâu này lắm, và có lẽ đã hơn 1 năm rồi mình mới làm lại theo cách này. Kết quả không có ổn lắm tuy nhiên thì mình rất thích combo 3 màu này.
Gáy của cuốn sách được bồi cứng, tạo thành rigid spine. Sau này mình thấy có phần hối hận vì chọn theo kiểu làm này. Cái này mình sẽ nói sau.
Phần tờ gác (endpaper) mình định làm theo hướng dẫn này của Arthur Johnson, nó gọi là leather jointed endpaper :
Mặc dù làm và khâu vào với sách nhưng cuối cùng mình lại chọn bỏ nó đi, vì màu da mình chọn lúc đó không đủ để bọc sách. Tiếp theo, mình khâu chỉ đầu (headband) theo kiểu 2 tầng của Pháp. Mình chọn 3 màu chỉ : xanh da trời, xanh lá, hồng.
Dự định ban đầu của mình là bọc cuốn sách với da dê màu xanh ngọc, cùng loại với cuốn Lục Vân Tiên trong bài viết trước đây. Vậy nên mình chọn màu đỏ, vốn đã có sẵn tại xưởng để làm. Sau khi hoàn thiện việc bọc, mình bổ sung thêm khớp da cùng loại cho cuốn sách (lý do tại sao mình bỏ khớp sách đã làm trước đi).
2. Phác thảo, thiết kế
Vì đây là cuốn sách của bản thân nên mình thiết kế cuốn sách lấy ý tưởng từ chính các dụng cụ mình sẵn có trong xưởng. Mình có phác thảo chúng trên điện thoại và làm một cái vote trên instagram như sau.
Mình rất thích thiết kế đầu tiên và đã chọn nó để triển khai cho bìa trước của cuốn sách. Nó sẽ có onlay màu tím để bổ trợ cho màu đỏ, sử dụng da mà mình cũng sẵn có ở xưởng.
3. Trang trí
Ở các lần trước mình thường trang trí onlay cho sách với kỹ thuật back-pared onlay. Tuy nhiên lần này mình muốn thử kỹ thuật mới, do bác Mark Kirchner dạy, với giáo án là sách của cô Tini Miura. Đây là kỹ thuật làm onlay phổ biến ở Pháp và rất được tôn trọng. Khác với kỹ thuật khác mà mình biết là back-pared onlay, phương pháp này thực hiện sau khi đã hoàn thiện việc bọc sách. Nó được thực hiện theo các bước như sau :
- Thiết kế được dập chìm (blind tooling) theo tờ mẫu (template)
- Bây giờ, phần bề mặt da cần được đắp onlay sẽ phải được mài nhám, bằng không sẽ rất khó để có thể dính tấm da khác lên.
- Các tấm da dùng để đắp được lạng mỏng (0.3-0.2mm), phủ mặt dưới với hồ loãng và đắp nhẹ lên bề mặt bìa sách, chỗ mà miếng da đó sẽ nằm lên. Sử dụng vuốt form (bone folder) để ấn miếng da xuống các vết lõm tạo ra từ công đoạn dập chìm.
- Với các dụng cụ đã sử dụng, dập chìm 1 lần nữa, lần này trên bề mặt miếng da đã đắp lên. Lúc này nhiệt độ của dụng cụ kết hợp với lực nhấn sẽ tạo vết vĩnh viễn trên tấm da.
- Sau khi việc tạo hình trên tấm da onlay đã hoàn tất, bóc nó ra khỏi bề mặt bìa sách. Hồ dùng để dính tấm da này loãng nên việc bóc rất dễ dàng. Các tấm da onlay hoàn thành được kẹp nhẹ vào trong ruột của một cuốn sách dày để hút ẩm.
- Lấy các tấm da onlay đã khô ra khỏi cuốn sách. Cắt viền của chúng (đã được tạo ra qua công đoạn dập chìm) bằng dao mổ.
- Tấm onlay đã hoàn thiện và chỉ chờ để dán lên. Mình sẽ sử dụng bột hồ (paste) để dán chúng.
- Sau khi tấm onlay đã nằm lên vị trí, mình dùng lại các dụng cụ để dập mép của chúng. Lưu ý phải là các dụng cụ đúng kích thước trong thiết kế để tất cả phần mép của onlay chìm hoàn toàn xuống rãnh đã dập chìm trước đó.
- Cuốn sách bây giờ sẽ được ép chặt ở trong máy ép để các tấm onlay được khô và nén chặt xuống.
Với công đoạn làm onlay giờ đã hoàn thiện, điều tiếp theo mình cần làm đó là mạ vàng cho cuốn sách. Để mạ vàng trên da ta cần lá vàng, keo mạ (glaire), các dụng cụ trang trí (finishing tools) được làm nóng tới nhiệt độ cần thiết. Trong đó có 2 loại keo mạ thường được sử dụng đó là keo lòng trắng trứng (egg glaire) và keo cánh kiến (shellac). Loại keo mà mình sử dụng lần này cũng là loại keo mình thành thạo hơn - Keo cánh kiến.
Tiếp theo, có 2 kỹ thuật mạ khi dùng loại keo này, và nó khác nhau ở cách tương tác với lá vàng. Thay vì đắp lá vàng trực tiếp lên da rồi dập nhũ (trước đó có thể dập chìm hoặc không), thì với kỹ thuật mình sử dụng lần này bạn nhặt lá vàng trực tiếp bằng dụng cụ (1), sau đó dập lên hình thiết kế đã dập chìm sẵn (2). Vàng thừa trong công đoạn sẽ được gấp lại vào vị trí tương ứng (3) và dập lần 2 (4), phần thừa của lá vàng sẽ được phủi đi. Kết quả cho ra sẽ gọn gàng hơn, không phải dùng hóa chất để tẩy vàng thừa trên da, đồng thời tiết kiệm lá vàng.
Tuy nhiên nhược điểm của nó lại chính là sự tỉ mỉ cần dành cho mỗi lần mạ. Từng con chữ, từng nét dập đều cần phải trải qua các công đoạn như trên, khiến cho việc trang trí nhiều chi tiết trở nên cực nhọc.
4. Tờ gác
Phần tờ gác ở bên trong cuốn sách sẽ không phải là giấy như thông thường, cũng không phải là vải lụa mà là doublure bằng da. Tấm da dê màu tím cùng loại với onlays được mình đem đi lạng máy xuống độ dày 0.4mm, sau đó lạng mép bằng dao một cách thủ công. Mình thấy thực hiện bằng cách này không tốt lắm, khi rất khó để không làm biến dạng tấm da, nếu có lần tới mình sẽ thử với cách khác.
Tấm doublure sẽ được dán bằng hồ, tương tự như bìa. Gần như tất cả các loại da dùng để đóng sách đều dán bằng hồ. Nhưng sử dụng hồ có những trở ngại khá khó chịu. Các tấm da khi thấm đẫm hồ (vốn chứa rất nhiều nước) sẽ mềm đi đáng kể và rất dễ biến dạng. Sẽ khó để căn chỉnh thành 1 đường thẳng nếu bạn không biết kỹ thuật. Và hiện mình chưa có kỹ thuật đó :)). Một điều quan trọng cần lưu ý nữa đó là lực kéo của da sau khi hồ đã khô. Trong trường hợp này mình đã làm hơi quá ở lớp lót phía trong bìa, nên khi dán tấm doublure lên thì bìa bị kéo vào trong nhiều hơn dự định (do lực kéo của tấm da lớn hơn của giấy nhiều).
III. Kết thúc
Một lần nữa mình xin cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Dạo gần đây mình gặp vấn đề với việc tìm hứng thú để tiếp tục seri nên bài mới ra chậm nửa năm như này :<. Cuốn sách này vẫn là một trong những cuốn mình rất tâm đắc, và thường xuyên lôi ra để tham khảo. Nếu bạn là một người muốn tìm hiểu về nghề đóng sách và các kỹ thuật cơ bản thì đây sẽ là cuốn sách gối đầu trong ngành.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất