[Sổ tay thợ đóng sách] Trang 13 : Dụng cụ trong ngành đóng sách - Các dụng cụ nhỏ
Ở bài viết trước, mình có nói về các loại máy thường xuất hiện ở một xưởng đóng sách thủ công. Hôm nay mình sẽ kể thêm về các dụng...
Ở bài viết trước, mình có nói về các loại máy thường xuất hiện ở một xưởng đóng sách thủ công. Hôm nay mình sẽ kể thêm về các dụng cụ nhỏ hơn, được cầm trên tay để thao tác. Những dụng cụ này, như bác Arthur Johnson nói :
..Đây là những dụng cụ dễ kiếm hơn, hoặc có thể tự làm tại nhà. Chúng thường trở nên rất cá nhân với người sử dụng, đem đến sự thỏa mãn và tự hào cho họ khi làm việc . — Athur Johnson - Manual of Bookbinding.
Do có rất nhiều dụng cụ cần được kể tên, nên mình sẽ chia các dụng cụ ra thành nhiều mục, dựa vào chức năng của chúng. Tuy vậy vẫn có nhiều loại có thể đảm nhiệm rất nhiều công việc.
I. Dụng cụ để làm việc với giấy, bìa
1. Que xương/ Vuốt form (Bonefolder) : Dụng cụ để hỗ trợ cho việc gấp giấy, vuốt phẳng bề mặt. Chúng có thể được làm từ xương, sừng, gỗ cứng hoặc nhựa. Có rất nhiều kiểu dáng khác nhau, với hình dáng, độ dài, ngắn, độ dày và độ sắc, mỗi loại sẽ được tối ưu cho việc cần dùng.
2. Dùi lớn (Awl): Một chiếc dùi có tay cầm bằng gỗ và mũi thép, dùng để đục bìa carton cho việc xỏ dây qua. Đầu của chiếc dùi cần có độ tù để lỗ đục đẩy vật liệu ra chứ không chỉ chọc thủng.
3. Dùi đục giấy (Hole puncher): Dùi này có mũi nhỏ hơn, dùng để đục các lỗ khâu trên tay sách. Loại phù hợp nhất có cơ chế mở và thay mũi đục, nên bạn có thể chọn loại mũi to nhỏ khác nhau (thường sử dụng kim khâu).
4. Kim, chỉ khâu : Các loại chỉ linen với nhiều kích cỡ và loại kim tương ứng.
5. Dao rọc phong thư (Letter opener): Một con dao với lưỡi mỏng, dài với mũi tròn, dùng để rọc qua các nếp gấp giấy.
6. Búa : Búa gõ nấm (6a,b); búa đục lỗ (6c). Búa gõ nấm dùng để tạo hình nấm ở gáy sách. Búa đục lỗ kết hợp với dùi lớn dùng để đục lỗ qua bìa.
7. Bảng gõ nấm (Backing board): Là 1 cặp bảng gỗ dùng để ép sách vào trong máy ép nằm. Gáy sách sẽ xoay lên trên, và người thợ đóng sách sẽ dùng búa để gõ lên gáy, tạo hình nấm. Phần cạnh trên của bảng được vát chéo góc 60 độ để cho vai sách (phần nhô ra do quá trình gõ) được vuông góc.
8. Dao rọc giấy (Ultility knife) : Con dao với lưỡi có thể thay thế được, dùng với rất nhiều mục đích : cắt giấy, da, bìa, vải,...
9. Kéo : Một cây kéo kim loại khỏe có thể dùng để cắt giấy, bìa mỏng hoặc da.
9. Bút lông phết keo (Glue/paste brush) : Bút lông có cán gỗ dùng để phết keo/hồ.
II. Dụng cụ để đo đạc
1. Thước kẻ (Steel rulers) : Thước bằng kim loại không rỉ với số đo khắc laze chuẩn xác. Mình sở hữu một bộ sưu tập từ 15-30-60cm, dày mỏng khác nhau. Loại dày thì rất chuẩn xác và chắc chắn khi cầm, nhưng lại không thuận tiện bằng loại mỏng có thể uốn cong.
2. Compa (Divider) : Một loại compa dùng để đo đạc, nó không có bút như compa vẽ đường tròn. Được sử dụng để lấy số đo và đánh dấu số đo đó lên vật liệu khác.
3. Thước vuông (Machinist square) : Loại thước chữ L bằng kim loại dày này có thêm một đế vuông góc ở dưới.
4. Ê ke (Triangle) : Thước vuông hình tam giác dùng để lấy góc vuông khi làm hộp cho sách.
5. Bảng cắt (Cutting mat) : Là một tấm thảm phẳng với các ô kẻ đơn vị đo, đặt lên trên mặt bàn dùng để làm mặt phẳng để cắt lên, mà không làm mòn dao.
III. Dụng cụ để làm việc với da
1. Dao lạng (Paring knife) : Dao dùng để làm mỏng độ dày của da. Có một số loại dao với hình dáng và tên gọi khác nhau - thường theo đất nước mà nó được sinh ra. Mình hiện có dao kiểu Pháp(1a), kiểu Anh (1b) và dao kiểu Leipzig (1c).
2. Bào da (Spokeshave) : Là một chiếc bào Stanley 151 độ thêm. Vốn là một dụng cụ làm mộc, nó được người thợ chỉnh sửa để có thể lạng da. Nó gồm 1 thân kim loại để đặt dao nằm lên theo 1 góc cố định và một hệ thống điều chỉnh độ dày-mỏng mà dao sẽ cắt.
3. Mặt đá (Paring stone) : Mặt phẳng để làm các thao tác lạng da bằng tay với dao. Bề mặt tốt nhất để sử dụng là một loại đá vôi dùng để khắc các bản in, gọi là Litho stone. Tuy nhiên loại đá này rất khó sở hữu ở Việt Nam, nên bạn có thể sử dụng bề mặt đá cẩm thạch (marble stone) để thay thế, miễn là bề mặt phẳng và loại đá không quá cứng. Thủy tinh có thể sử dụng nhưng không được khuyên dùng vì nó làm mòn dao rất nhanh.
4. Máy lạng da thủ công (Leather paring machine) : Một loại máy chạy thủ công hoàn toàn, sử dụng lưỡi dao lam có thể thay thế được để lạng da. Loại nổi tiếng nhất trong ngành đóng sách tên là Scharffix của hãng Schmedt, Đức. Máy gồm thân máy bằng kim loại đúc, khay để dao, đường trượt và một hệ thống rất thông minh để điều chỉnh dao lên xuống/độ nghiêng. Máy chỉ có thể lạng 1 khoảng rộng tối đa là 3.5cm. Một khoản đầu tư kha khá nhưng sẽ giúp bạn rất nhiều khi lạng các mép và làm các miếng onlay.
5. Thanh chuốt lơ (Honing strop) : Một thanh gỗ với mặt được phủ da (phần dưới của da) và bôi hỗn hợp đánh bóng dao (honing compound) lên. Nó dùng để mài hoàn thiện và đánh bóng cho dao lạng.
6. Nẹp gân (Band nippers) : một căoj kìm đặc biệt dùng để tạo hình gân gáy khi bọc sách bằng da.
IV. Dụng cụ để trang trí bìa (Finishing Tools)
1. Chữ cầm tay (Handle letters) : Các thanh đồng với đầu khắc các ký tự bảng chữ cái và số được lắp vào cán gỗ. Các chữ cầm tay có thể được dập lần lượt để tạo thành nội dung mong muốn.
2. Chữ thỏi (Types) : Các thỏi đồng được cắt và khắc các ký tự trên bảng chữ cái và số lên. Chúng được xếp lên khay xếp chữ rồi dập lên bìa và gáy sách. Phải có nhiều thỏi cho mỗi ký tự, thường là x4 trở lên thì một bộ chữ mới có thể làm việc tốt. Trung bình một bộ chữ tiêu chuẩn sẽ có khoảng 200 thỏi. Các thỏi nên có chiều cao tiêu chuẩn là 2,5cm để giữ nhiệt nhiều hơn và giúp thao tác dập chuẩn xác. Các bộ chữ ở nước mình sản xuất thường rất thấp, ~7mm và rất khó để căn khi dập bằng tay. Các loại chữ đó chỉ nên dùng với máy dập.
3. Khay xếp chữ (Type holder) : Là một khay đồng được lắp trên cán gỗ để xếp các chữ thỏi lên. Nó có hệ thống ốc vít để cố định tạm thời các chữ cái đó, và thay ra khi đổi sang đoạn văn/tiêu đề khác. Có một số loại khay xếp chữ cầm tay : kiểu Anh, kiểu Pháp và kiểu Đức. Trong đó kiểu Đức được đánh giá cao nhất. Trong ảnh mình chụp là kiểu Anh và kiểu Pháp (tự chế nhưng cũng tương tự).
4. Dụng cụ nét thẳng (Pallets) : Một bộ các dụng cụ đồng với đầu là nét thẳng với độ dài khác nhau được lắp cán để cầm tay. Chúng có thể là 1, 2 hoặc 3 nét thẳng (Single line/Double lines/Triple lines pallet). Kết hợp với nhau các dụng cụ này có thể tạo ra tất cả các hình có nét thẳng.
5. Dụng cụ nét cong (Gouges) : Giống như pallet, nhưng đây là các dụng cụ với các đường cong. Mỗi dụng cụ là 1 phần của đường tròn với bán kính khác nhau. Và từ các dụng cụ này, kết hợp với pallet, ta có thể đáp ứng vô vàn thiết kế.
6. Họa tiết cầm tay (Fleuron)
6. Dụng cụ dải họa tiết ( Decorative Pallets) : Một dụng cụ giống với pallet nhưng có bề mặt được khắc họa tiết.
7. Con lăn nét thẳng (Fillets) : Một vòng tròn bằng đồng với rìa ngoài được cắt thành các nét thẳng (1,2,3 nét), gắn lên trên một chiếc "dĩa" kim loại (fork) và cắm vào cán gỗ. Vòng tròn sẽ quay trên dĩa và đi nét thẳng với bất cứ độ dài nào cần thiết.
8. Con lăn họa tiết (Decorative roll) : Tương tự như con lăn nét thẳng, nhưng với rìa được khắc các họa tiết lên.
9. Bút Stylus (Stylus) : Dụng cụ làm bằng đồng, với cán gỗ. Bút có đầu được thiết kế để đi nét tự do, giống như vẽ vậy. Bút chủ yếu dùng để mạ với nhũ.
10. Bếp dụng cụ (Finishing stove) : Là bếp với mặt bằng kim loại, dùng để làm nóng các dụng cụ. Có nhiều loại bếp khác nhau, một số chạy bằng cồn, ga và một số chạy bằng điện. Kích cỡ và số dụng cụ có thể đặt lên cũng khác nhau. Một số chỉ nung nóng 1 dụng cụ/bếp, số khác có thể chứa 20-30 dụng cụ cùng lúc.
11. Sắt đánh bóng (Polishing iron) : Một dụng cụ bằng sắt hoặc đồng được lắp vào cán gỗ. Nó có mặt rộng và bóng, khi nung nóng lên nó dùng để đánh bóng và là phẳng vân trên bề mặt bìa da.
V. Dụng cụ để mạ vàng (Gilding accessories)
1. Gối vàng (Gold cushion) : Một tấm ván gỗ được bọc da lên trên (da lộn hoặc mặt dưới của da) và phủ bột để khử dầu, mồi hôi tay... Nó sử dụng làm mặt phẳng để cắt các lá vàng với dao.
2. Dao cắt vàng (gilding knife) : Dao cắt vàng, như tên gọi, dùng để cắt vàng. Nó chỉ cần được mài với độ sắc vừa phải để không cắt xuyên qua lớp da của gối vàng. Luôn phải cẩn trọng trong việc giữ dao sạch sẽ khỏi các chất bám như dầu trên cơ thể vì nó sẽ dính các lá vàng lên. Có 2 loại dao phổ biến là dao Đức với đầu tròn và dao Anh với đầu vát chéo.
3. Chổi nhấc vàng (Gilders tip) : Được làm từ các sợi lông sóc và cố định trên 1 tấm bìa, chổi nhấc vàng chuyên dùng để di chuyển các lá vàng từ gối vàng sang các chỗ khác. Vàng bám vào chổi qua một lớp dầu mỏng - thường được lấy ngay trên tóc của người thợ bằng cách xoa chổi lên.
4. Bảng mạ vàng (Gilding boards) : Là 2 tấm gỗ dùng để ép bụng sách vào trong máy ép nằm. Từ đây các bụng sách sẽ được làm phẳng với nạo gỗ và các loại giấy nhám, sau đó mạ vàng hoặc sơn lên.
5. Nạo gỗ (Card scraper/Cabinet scraper) : Vốn là một dụng cụ của nghề mộc, nạo gỗ là một tấm kim loại được mài sắc dùng để nạo/bào bề mặt gỗ và giấy. Nó được sử dụng khi bụng sách đã được kẹp chặt trong máy ép nằm, và làm phẳng bề mặt của bụng sách. Nạo gỗ có nhiều hình dạng, với cạnh thẳng và cong khác nhau để nạo được cả cạnh phẳng lẫn cạnh lõm.
6. Thanh đá mã não (Agate burnisher) : Một viên đá mã não được gắn vào cán gỗ, đây là một dụng cụ chuyên để đánh bóng bề mặt, ví dụ như bề mặt cạnh sách. Viên mã não có độ mịn và bóng cao có thể dùng để làm bóng lớp vàng đã mạ, làm tăng thẩm mỹ và độ bền.
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất