Chào các bạn, bài viết hôm nay sẽ nói về các công đoạn, quá trình đóng cuốn 2 cuốn sách Hòn Tuyết lăn của Alice Schroeder, nói về cuộc đời và sự nghiệp của ông Warren Buffett. Trong lúc làm cuốn sách mình có thử nghiệm một số cách làm mới mà mình được học từ cuốn sách vô cùng tuyệt vời "My biblophile binding" của cô Tini Miura, một nữ thợ đóng sách có tầm ảnh hưởng quốc tế.
I. Thông tin sách
Hai cuốn sách được in mới trên giấy Romance của Hàn Quốc với định lượng 105gsm. Đây là một loại giấy mình cho là khá tốt, với chất giấy đanh cứng và bề mặt cực kỳ nhẵn mịn. Tuy giá khá là đắt tiền (tổng chi phí cho ruột của cuốn sách lên tới 1,5 triệu) nhưng quả thực là rất xứng đáng.
Cuốn sách có kích cỡ 28x 18,5cm, tay 16 trang. Một kích cỡ khá là lớn, ảnh hưởng tới lựa chọn của mình trong các công đoạn về sau.
II. Thi công
Vì đây là một cuốn sách mới toanh, chưa qua xử lý gì, nên mình bắt đầu với việc gấp các tay sách từ các tờ đơn.
Gấp các tay sách với dụng cụ bonefolder - que vuốt form
Gấp các tay sách với dụng cụ bonefolder - que vuốt form
Trong lúc gấp tay sách thì mình tiện kiểm tra thứ tự của các trang sách luôn. Công đoạn này rất cần chú ý nếu bạn muốn các dòng chữ trong sách ngay ngắn và thẳng hàng. Sau khi gấp và tách biệt 2 cuốn sách ra, mình bắt đầu đo và làm "tờ mẫu" (punching template) để đục lỗ cho các tay sách này. Với kích thước này, mình quyết định nó sẽ được khâu trên 3 đai hỗ trợ bằng dây cói.
Đục từng lỗ một...
Đục từng lỗ một...
Khi tất cả các tay sách đã được đục lỗ rồi thì chúng cần được ép phẳng trong máy ép. Các cuốn sách trước mình ít khi làm công đoạn này kỹ càng, thậm chí không làm. Nhưng gần đây mình bắt đầu nhận ra sự quan trong của nó. Các tay sách được tách ra và xếp lên bảng ép, 5 tay sách, bảng ép, 5 tay sách,... cứ thế cho đến lúc hết và bạn bê nguyên chồng đó vào máy ép, vặn chặt và để ít nhất 24h. Điều này sẽ giúp đẩy hết không khí ra, cho tay sách vào nếp, để lúc khâu bạn có một chồng giấy phẳng tuyệt đối. Bạn sẽ đo được chuẩn xác độ dày của sách là bao nhiêu, và từ đó chọn loại chỉ phù hợp để khâu. Vấn đề của mình ở đây thực ra là chiếc máy ép bé nhỏ của mình không tạo ra được đủ lực, và cũng không chịu được quá nhiều sức nặng, nên sẽ cần một chiếc máy ép cỡ lớn (cao hơn mình và bạn). Mình hiện đã đặt làm một chiếc máy ép này với kiểu dáng Pháp, sắp tới sẽ khoe các bạn.
Ép chồng các tay sách.
Ép chồng các tay sách.
Giờ đến việc khâu sách. Vì 2 cuốn sách có cùng kích cỡ và sử dụng cùng đai gia cố nên mình sẽ khâu 2 cuốn được cùng lúc. Nghĩa là sau khi mình khâu xong 1 cuốn mình có thể tiếp tục chồng cuốn khác lên khâu, mà không phải dỡ ra, chứ không phải 1 lúc 2 cuốn thật đâu nha :).
Hai cuốn sách được khâu trên bàn khâu chuyên dụng, mua từ bên Đức.
Hai cuốn sách được khâu trên bàn khâu chuyên dụng, mua từ bên Đức.
Chiếc bàn khâu này có mặt bàn rất rộng và chắc chắn, cùng với cơ chế căng dây, chặn dây cũng rất tiện lợi. Hay nhất là nó có thể được dỡ ra một cách đơn giản, giúp tiết kiệm không gian. Mình thường tháo ra và cho vào ngăn bàn sau khi sử dụng xong.
Cất đi thôi.
Cất đi thôi.
Bây giờ mình bắt đầu làm giấy trang trí, pastepaper để làm tờ gác. Mình chọn màu xanh nhạt và mảng trắng kết hợp để tạo ra màu tuyết. Các đường nét uốn lượn chạy theo chiều dài tờ giấy và các hình tròn (mình tạo bằng cách xoay ngón tay) gợi ý hình hòn tuyết.
Sau công đoạn này là xén bụng trước và tạo nấm cho sách. Vì chất giấy đanh và cứng nên cuốn sách có một gáy nấm tuyệt đẹp. Mình để vai sách 4mm để vừa với độ dày của 2 tấm bìa ghép lại, như vậy sẽ tăng thêm độ cứng cho bìa, đồng thời sức nặng của cuốn sách sẽ được phân bố tốt hơn.
Hai cuốn sách sau khi được đóng nấm và xén cạnh.
Hai cuốn sách sau khi được đóng nấm và xén cạnh.
Vì da bọc của cuốn sách màu xanh navy, nên mình chọn khâu chỉ đầu (endbands) cho chúng với màu xanh và tím pastel. Loại chỉ này mình mới biết đến (quên mất tên rồi), họ có rất nhiều màu, chắc phải đến 50 màu, và có cỡ 0,35mm.
Chỉ đầu một lõi, hai màu.
Chỉ đầu một lõi, hai màu.
Công đoạn tiếp theo quan trọng nè. Mình mới được sở hữu cuốn sách "My Bilbophile bindings" của cô Tini Miura. Cô là một thợ đóng sách người Mỹ, học kỹ thuật truyền thống của Pháp, hiện sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Các tác phẩm của cô mang chất lượng và gu thẩm mỹ cực kỳ cao, được săn đón trên toàn thế giới. Cô còn là một trong những người sáng lập ra Học viện Đóng sách (American Academy of Bookbinding) tại Mỹ. Hơn nữa, cô lại chính là cô giáo của bác Mark Kirchner, người thầy của mình qua mạng.
Mình đọc sách của cô và cải tiến một số kỹ thuật, phương thức trước đó của mình, áp dụng ngay trên 2 cuốn sách này. Trước hết là kỹ thuật nối bìa (lacing-in). Bình thường mình sử dụng cách học được với thầy Khiêm ở trong Sài Gòn, đó là bóc đi 1 lớp bìa, xỏ dây vào, rồi dán miếng đã bóc lại để có bề mặt phẳng. Cách của cô Tini là theo phương thức của người Pháp. Cô dùng dùi đục một lỗ xuyên qua tấm bìa với góc 45 độ (nghiêng ra phía bên gáy), rồi khoét một miếng bìa hình tam giác chạy từ lỗ vừa đục ra phía bên gáy. Với cách đục này thì dây sẽ bám chắc hơn.
Nhược điểm của cách làm cũ kia có lẽ là các sợi dây có rất ít sức căng, và mình thấy nó dán cũng không được chắc chắn lắm, lớp keo cố định không đủ sức để cố định phần bên ngoài của dây, mình thường thấy nó bị bật lên khi trong công đoạn gia công tiếp. Với cách này, khi mình bôi hồ vào dây và ép bìa sách thì sợi dây đã được nén chặt vào trong.
Một cải tiến nữa cho việc nối bìa đó là mình sử dụng một lớp giấy nữa để lót lên phía trên mặt bìa, như chỉ dẫn của bác Mark. Lớp giấy này sẽ là giấy loại dày và xốp, thích hợp nhất là giấy màu nước loại tốt. Mình dán nó lên bằng keo PVA, để ít thay đổi độ cong của bìa. Khi lớp giấy này đã khô, mình dùng giấy nhám mài hết những gì lồi lên từ sợi dây cói nối bìa kia. Để tăng thẩm mỹ cho sách thì mình vát và bo tròn các góc cạnh của 2 tấm bìa.
Tấm bìa 4mm giờ chỉ trông như tấm bìa 2,5mm
Tấm bìa 4mm giờ chỉ trông như tấm bìa 2,5mm
Giờ đến công đoạn bọc bìa. Như mình đã nói lúc đầu, kích cỡ cuốn sách có gây cản trở cho việc bọc sách, đó là ở việc tìm được miếng da để vừa cho chúng. Chủ nhân cuốn sách muốn nó được bọc da toàn phần, tuy nhiên do không tìm được miếng da vừa vặn nào nằm trong tầm giá, nên mình thuyết phục anh ấy bọc sách theo kiểu 1/2, tức là bọc gáy và 4 cạnh sách bằng da, phần còn lại mình bọc vải Buckram.
Thiết kế phác thảo ban đầu của nó đây (trên).
Thiết kế phác thảo ban đầu của nó đây (trên).
Chất liệu bọc sẽ là da dê Relma mau xanh navy, và vải Buckram màu xám tro. Mình sẽ trạo trang trí chủ yếu ở gáy của cuốn sách, với hình minh họa hòn tuyết trắng đang lăn xuống đồi, như hình minh họa có sẵn trong sách.
Bọc xong phần gáy và cạnh da cho sách.
Bọc xong phần gáy và cạnh da cho sách.
Bọc xong nốt phần vải.
Bọc xong nốt phần vải.
Phần da bọc mình có học hỏi từ cuốn sách mà bác Peter Caine (Pháp) làm gần đây. Bác để cho chỗ bọc cạnh hình tam giác kia có một đầu lớn hơn đầu kia, thay vì để là tam giác cân. Tuy tốn khá nhiều thời gian để làm nhưng việc này sẽ giúp bạn cảm giác cuốn sách trông "cân đối" hơn một cách kỳ lạ. Mình không để chênh nhiều như bác làm, mà chỉ nhích 1cm. Chắc chỉ có ai tinh mắt mới để ý chuyện này.
Có một sai sót xảy ra khi mình bọc da cho gáy của một trong 2 cuốn sách. Lớp da gấp vào trong đã bị nhàu đi, hoặc biến dạng một cách nào đó, và khiến cho gáy của cuốn sách có một vết lồi lên, trông thiếu thẩm mỹ. Sau này mình đã bị khách hàng phản ánh và phải tìm cách "vá" lỗi này.
Khi mà tất cả đã hoàn tất thì công đoạn còn lại đó là trang trí cho cuốn sách. Đây là công đoạn mình hồi hộp nhất vì có thật nhiều thứ mình đã được học mà đến giờ mới có thể đưa vào thực tiễn (cơ bản là những gì mình rút kinh nghiệm từ lần cuối cùng mạ nhũ, và cả sau khi được bác Mark chỉ dẫn). Gáy cuốn sách bao gồm ô tên tác phẩm, ô tên tác giả và ô nằm giữa có hình minh họa. Họa tiết sử dụng đa phần là đường nét thẳng, tạo thành các ô chữ nhật, và họa tiết nét cong cùng với nét tự do để tạo nên hình minh họa. Tại đây mình áp dụng cách thức mới để căn đường mạ, đó là sử dụng giấy Nhật để làm tờ mẫu.
Giấy Nhật được kẻ các đường dẫn lên để chuẩn bị mạ tiêu đề sách.
Giấy Nhật được kẻ các đường dẫn lên để chuẩn bị mạ tiêu đề sách.
Giấy Nhật này là một loại giấy rất mỏng (cỡ 15-20gsm), mỏng đến mức có thể nhìn thấu qua, nhưng vẫn rất dai và bền do các sợi giấy vô cùng dài. Loại giấy này phổ biến nhất dùng trong việc vá sách. Mình lợi dụng tính chất dai và độ mỏng trong suốt của giấy để làm tờ mẫu. Bằng cách này mình không phải căn bằng cảm nhận (vốn chưa tốt) của mình. Các hình vẽ cầu kỳ cũng có thể được chuyển qua giấy Nhật dễ hơn (vì có thể nhìn xuyên xuống phía dưới).
Các bạn có thể xem thêm một số hình ảnh công đoạn :
Và đây là sách khi hoàn thiện :
Yep, có cái vết đó, và sau khi chụp bức hình này nó đã được sửa.
Yep, có cái vết đó, và sau khi chụp bức hình này nó đã được sửa.