Chào các bạn, thật bất ngờ và vui mừng vì đây đã là bài viết thứ 10 của mình ở đây. Không quá nhiều nhưng cũng không còn quá ít nữa, mình mong rằng việc ghi chép và chia sẻ này sẽ thành thói quen đi hết sự nghiệp của mình.
Lại nói về khởi điểm, các bạn có nhớ rằng bắt đầu học đóng sách qua một kênh trên Youtube, với cái tên là Chronicle Bookbinder không? Mãi cho tới tận gần đây thì mình mới biết chủ của kênh, và người làm những video hướng dẫn đó - với bí danh M.H.R, là một cô chứ không phải là bác, thật tuyệt ha. Và chỉ mới tuần trước thôi, thì mình mới tình cờ tìm được một bài viết rất lâu, (năm 2012) ở trên blog của cô, tên là "To be or not to be...". Bài viết là một bức thư để gửi tới những người, có ý định từ bỏ công việc hiện tại của họ và đến với thế giới của nghề đóng sách. Mình thấy đề tài này rất thú vị, không chỉ nói về nghề đóng sách, mà về các ngành thủ công nói chung. Dấn thân sang một ngành nghề hoàn toàn khác vốn đã không đơn giản, và để sống được với cái nghề đó hẳn sẽ còn khó hơn. Hôm nay mình sẽ thuật lại lời trong thư của cô MHR, hy vọng sẽ đem đến cho các bạn cái nhìn của một người đã có thâm niên rất lâu trong nghề như cô.

TO BE OR NOT TO BE...

Gần đây tôi có nhận được một email từ một người, cô ấy hiện đang nghĩ tới việc từ bỏ công việc chính hiện tại của mình để bắt đầu một sự nghiệp mới với ngành thủ công mà trước giờ cô chỉ làm ngoài giờ nhưng thật sự đem lòng yêu mến. Cô ấy tới để xin tới lời khuyên. Thật lòng, tôi nghĩ mình không phải là người tốt nhất để đưa lời khuyên cho chuyện hệ trọng thế này, nhưng rồi đây cũng không phải lần đầu tiên tôi nhận được câu hỏi thế này trong năm nay. Chính vì vậy tôi nghĩ mình nên sao chép những gì tôi viết để trả lời cô ấy lên trên blog, để cho cả những người khác cũng đang trong giai đoạn chuyển giao quan trọng này. Dù sao thì, bức thư sẽ dài, nên bạn có thể bỏ qua nếu chủ đề này không phù hợp với bản thân.
------------------------------------------
Xin chào,
Thứ lỗi vì tôi đã viết lại cho bạn muộn thế này, - Tôi hiện đang có rất nhiều email từ Youtube và blog, khiến tôi chậm trễ trong việc trả lời câu hỏi của tất cả mọi người.
Vậy, làm sao mà tôi lại tới với ngành nghề này? Hmm, để câu chuyện trở nên ngắn gọn, thì tôi tình cờ biết được nghề này khi còn đang là sinh viên năm nhất đại học, và bắt đầu làm học việc ở một xưởng đóng sách mà hiện tôi vẫn đang làm cho. Không, tôi không được học ở "trường đóng sách" nào hết, hay cũng không có bằng cấp trong việc phục chế. Kiến thức và kỹ năng của tôi hoàn toàn đến từ phương thức truyền thống - Học nghề. Tôi sinh ra trong một ra đình kiểu mẫu của Nhật Bản với niềm tin rằng "nghệ thuật chỉ dành cho những người mơ mộng và bất tài", vì vậy ở trường hợp của mình, tôi không thể có được điều kiện mà theo đuổi bằng cấp ở các trường lớp đóng sách/bảo tồn thực thụ. Và cũng vì thấy bản thân không có chút hứng thú trở thành luật sư, bác sĩ hay bất cứ thứ gì mà gia đình muốn tôi trở thành, tôi tách ra sinh sống độc lập khỏi gia đình, đi con đường dài và khó khăn hơn tới nơi hiện tại. Qua điều này, tôi đã chọn hạnh phúc về tình cảm thay vì sự thỏa mãn về vật chất mà chúng ta thường coi là sự thiết yếu để có được hạnh phúc. Điều này đồng nghĩa với việc tôi biết mình sẽ không thể sở hữu một căn biệt thự triệu đô hay một chiếc du thuyền trong tương lai. Nhưng đổi lại, tôi có được một cuộc sống đầy những "hạnh phúc hữu hình" theo đúng nghĩa. Tôi có một mái nhà trên đầu, một công việc tôi yêu thích và tôn trọng. Tôi cần thêm gì nữa?
Qua nhiều năm, tôi đã thấy cả tá những người "muốn trở thành thợ đóng sách" tới và lui tại xưởng này. Họ đều không bước được tới lĩnh vực chuyên nghiệp, ngoại trừ một người duy nhất mà hiện đã chuyển tới California, tiếp tục việc học của cô ấy với tư cách là một thợ phục chế. Đa phần mọi người đều rất trẻ, ở đầu tuổi 20 mủa mình và đang tìm hướng đi cho cuộc sống. Những người còn lại, ở độ tuổi 40 -50, muốn xem xét ý nghĩa thực sự của hạnh phúc và bắt đầu phản ánh cuộc sống quá khứ của họ, sợ hãi sự vô thường của tương lai phía trước. Tôi tin rằng những người đã có một sự nghiệp dài và vững chắc, như bạn, sẽ có khả năng chi trả cho thời gian và nguồn lực để khởi đầu "công việc đam mê". Tôi tin rằng một phụ nữ như bạn có thể sống tốt với nghề nếu bạn cống hiến cho nó 150% sức lực của mình. Tôi đã sống rất ổn trong 16 năm nay mà không gặp bất cứ vấn đề tài chính nào, tuy nhiên tôi không thể khẳng định là nó sẽ giúp bạn kiếm nhiều tiền hơn mức lương cũ của mình. Phần thưởng với lựa chọn này, đó là nó đem đến cho bạn những niềm háo hức và giúp cuộc sống của bạn trở nên ý nghĩa hơn. Đây hoàn toàn là lựa chọn của bạn.
Dẫu vậy, nếu bạn đã chọn ngã rẽ mới này, thì chắc chắn bạn phải tốt hơn là "giỏi" để có thể sống thoải mái với nghề. Tôi biết bạn vốn đã rất tuyệt với những gì mình làm rồi, nhưng khi đã bắt đầu thu phí các sản phẩm, thì bạn còn phải tốt hơn thế nữa. Phía trên tôi đã có nói rằng đa số các thực tập sinh không bao giờ trở thành một thợ đóng sách chuyên nghiệp. Điều đó xảy ra bởi họ thường đánh giá quá cao khả năng của mình dẫn đến việc họ nhận định rằng kỹ năgn trung bình của họ đã "đủ tốt" rồi. Họ đều thiếu tính kiên nhẫn và tính nhận thức trong công việc. Như một trường hợp cực đoan, tôi có nhớ một người trong số họ, điều hành của công ty nào đó, quyết định từ bỏ cuộc sống thượng lưu và bắt đầu học nghề đóng sách. Chỉ sau một vài tháng thực tập ở xưởng, cô ấy đã nghĩ rằng mình đã quá tốt trong công việc này (điều xa so với thực tế... *thở dài*... là cô ấy đang rất ảo tưởng). Và bởi vì cô ấy đã biết cách để vận hành một công ty, cô mua tất cả những dụng cụ đắt tiền mà cô còn chưa hiểu rõ cách chúng hoạt động, và mở một xưởng đóng sách cho riêng mình từ căn nhà kho thừa. Cũng không phải nói nhiều, cái "khởi nghiệp" đó đã thất bại.
Theo tôi, tâm lý cần có trong bất kỳ ngành nghệ thuật và thủ công nào là liên tục tìm kiếm sự hoàn hảo, do đó không bao giờ hài lòng với công việc của mình. Và nếu ưu tiên của bạn là kiếm tiền hơn là sự xuất sắc trong tay nghề của bạn, thì cuối cùng bạn sẽ thất bại. Hãy ghi nhớ điều này.
Những người quen của tôi có ngành nghề chính là thủ công thường hoạt động tốt khi họ đã kết hôn. Khi công việc của bạn gặp khó khăn, thì sẽ luôn có người ở bên để giữ cho bạn không vấp ngã, cho dù đó là trong tài chính hay là trong cảm xúc. Nếu bạn còn đơn thân, thì tôi nghĩ bạn sẽ phải nỗ lực gấp đôi để có thể đạt được cuộc sống mà mình mong muốn.
Và, bởi vì tôi không sở hữu xưởng đóng sách này, nên cũng không phải lo về cách vận hành việc kinh doanh. Tất cả những gì tôi cần làm, đơn giản đó là đóng tất cả những cuốn sách này!! Không phải làm việc với đống giấy tờ, không phải nhập thêm vật liệu, cúng không phải đối phó với các khách hàng khó tính !! Bởi vậy cho nên, trường hợp của tôi cũng khác một chút so với bạn. Nhưng nhìn vào mà những gì thầy tôi đã gây dựng nên, tôi tin rằng bạn cũng làm được!
Thân gửi,
MHR
-----------------------------------------------