So sánh làm gì khi xuất phát điểm mỗi người là khác nhau?
Mình có một người bạn nữ, dáng người bạn nhỏ, hay nở nụ cười hiền, cha mẹ li dị từ nhỏ, học với mình từ cấp 1 lên cấp 2, đến lớp 7...
Mình có một người bạn nữ, dáng người bạn nhỏ, hay nở nụ cười hiền, cha mẹ li dị từ nhỏ, học với mình từ cấp 1 lên cấp 2, đến lớp 7 thì bạn ấy nghỉ học giữa chừng. Trong đầu óc non nớt của mình chỉ biết bạn ấy chuyển trường hoặc học kém quá nên chắc không học nữa. Lên lớp 9 thì nghe phong phanh nguồn tin trong lớp thì do nhà bạn nghèo quá nghỉ học giữa chừng, ra giúp mẹ bán trứng vịt lộn ở đường ray. Mình lớp 9 thì bạn đã cưới chồng rồi, khi mình lên lớp 12 thì bạn ấy đã có 2 đứa con.
Mình cũng có một người bạn nam, bạn ấy rất cao, chuyển vô cùng mình hồi lớp 5, nghe nói bạn ấy ở lại lớp 2 lần vì không theo kịp được chương trình học, rất may đến đợt học cùng lớp mình thì bạn không còn ở lại nữa nữa mà cứ vậy học hết cấp 2. Mẹ bạn bán nước sâm ở trước cổng trường, cứ mỗi lần tan học bạn lại tranh thủ chạy ra giúp mẹ hoặc về nhà làm việc nhà với chăm em. Lên cấp 3 bạn ấy vào trường giáo dục thường xuyên (công lập > dân lập > giáo dục thường xuyên) do không đủ năng lực để thi hoặc không có tiền đi học cấp 3.
Vậy 2 bạn ấy có cố gắng không?
Bạn nữ cũng rất cố gắng nhưng cuộc sống không thể thay đổi vì bạn không có tiền, gia đình cũng không hạnh phúc do cha mẹ li dị, bạn rất hiền và ngoan trong lớp, không bị ảnh hưởng bởi cuộc sống mà khó chịu với ai.
Bạn nam cũng rất cố gắng và nỗ lực để không bị ở lại lớp nữa, tan học bạn còn chạy ra giúp mẹ bán hàng và về chăm em.
Không ai là không nỗ lực nhưng cuộc sống không hề cho họ lựa chọn tốt hơn bởi xuất phát điểm họ kém hơn rất nhiều người.
----
Còn mình thì ra sao?
Bản thân mình, cấp 1 chẳng phải lo nghĩ gì, học xong ba mẹ chở về, đưa ăn uống đến tận răng. Lên cấp 2 được học thêm đủ môn nên chương trình học rất nhẹ nhàng của mình hồi đó, vì toàn được học trước. Lên cấp 3 cũng vậy, cả ngày trên trường ngồi học, về có cái ăn, còn được có tiền tiêu vặt hàng tháng, chạy rong rong xe đạp điện trong khi nhiều bạn phải đạp xe.
Tuy nhiên, mình vẫn không ngừng so sánh bản thân mình với người khác, sao mình không được như này như kia, tại sao họ lại giỏi hơn mình? Tại sao bạn kia lại nhiều tiền tiêu vặt như vậy nhỉ? Tất cả câu hỏi tụm lại một lý do đơn giản “Mình chưa đủ cố gắng”.
Lên đại học thì cuộc sống khá thuận buồm xuôi gió với mình, vừa đi học đi tham gia CLB gặp mentor với người yêu. Người yêu thì giúp hết sức mình trong việc học, mình chỉ việc đi làm, cứ vậy mà thăng tiến trong công việc. Trong đầu mình từ đó đến gần như tận bây giờ câu hỏi đặt ra là “Làm cách nào để kiếm nhiều tiền hơn nhỉ?”
Mình cứ tiến về phía trước, ở tuổi 22, thỉnh thoảng ngoảnh lại nhìn lại con đường mình đi tiến được khá xa. Bạn bè cùng lứa có đứa chưa kiếm được việc nhưng mình kiếm được công việc lương rất cao, học IELTS, gặp được các đàn anh, đàn chị tài giỏi để học hỏi, biết được đủ kênh đầu tư này nọ…. Đôi lúc cũng tự hào vì mình đã cố gắng để đạt được như vậy.
Nhưng có thật sự hoàn toàn 2 chữ “cố gắng” mà mình đạt được như vậy không?
Nhiều người hỏi mình cách nào để có thể ổn định khi mới ra trường như vậy, mình cũng chẳng biết trả lời sao, ngoài 2 keyword phổ thông “Đam mê” và “Nỗ lực”. Nhưng thật ra chẳng phải vậy.
Mình chuyển vô TPHCM sống đã có căn nhà và bố mẹ hỗ trợ, chẳng phải nấu ăn hay giặt giũ gì, cứ vậy mà đi làm và đi học thôi, hồi năm nhất – năm 2 còn được thêm tiền tiêu vặt.
- Trong lúc mình ở nhà thì các bạn khác phải đau đầu đi kiếm trọ, thuê trọ
- Trong lúc mình có tiền tiêu vặt để đi cafe, ăn uống thì các bạn khác phải chắt chiu từng đồng để có các bữa ăn cân đối với khoản ngân sách
- Trong khi mình đi làm công việc chuyên môn thì các bạn phải kiếm các công việc chân tay để có tiền liền tiêu vặt, mua sắm
- Trong khi mình bắt đầu có khoản dư để đầu tư thì các bạn phải dồn tiền và tiết kiệm để đóng tiền học\
----
Việc so sánh thật vớ vẩn
Chỉ với vài điều là xuất phát điểm của mình tốt hơn rất nhiều thì đương nhiên việc mình tiến xa hơn họ. Tất nhiên mình không phủ nhận việc cố gắng là tốt nhưng nó chỉ là một yếu tố để dẫn tới việc đạt thành tựu tiến xa hơn so với nhiều người.
Cuộc đời mỗi người đều có rất nhiều yếu tố “nhiễu”, nếu thật sự muốn so sánh bản thân mình với người khác hoặc ai đó với mình thì bạn phải đặt lên một bàn cân ngang bằng và chọn một yếu tố để so sánh.
Không thể so sánh bản thân mình cố gắng hơn với người khác khi có yếu tố nhiễu là bạn không phải lo việc nấu ăn, việc nhà, thuê trọ,… và tập trung vào công việc được.
Vậy nên với mình, việc so sánh với ai khác gần như là vô nghĩa, mỗi ngày chúng ta học và làm việc, nếu ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua. Chúng ta đã thành công rồi.
Matthew Le
Đọc thêm tại đây:
Các bài viết mọi người có thể đọc thêm:
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất