So sánh học đường là triệu chứng của xã hội hậu tư bản phân hóa sâu sắc
Hôm nay, tôi tình cờ được đọc bài viết “Tôi tài giỏi - Ừ kệ bạn” của của tác giả Nguyễn Bảo Trung trên Spiderum. Một bài viết mang...
Hôm nay, tôi tình cờ được đọc bài viết “Tôi tài giỏi - Ừ kệ bạn” của của tác giả Nguyễn Bảo Trung trên Spiderum. Một bài viết mang tính phản ứng, nổi loạn (việc nổi loạn chưa chắc đã là xấu), nhưng đáng tiếc lại trống rỗng. Tôi xin phép tóm tắt lại bài viết, sau đó đưa ra lập luận và phản hồi của tôi về các ý bài viết này đưa ra.
Tóm tắt
Bài viết mở đầu với một tuyên bố rằng “sự so sánh trong học đường đã giết chết bao nhiêu tâm hồn non nớt của chúng ta”, và đưa ra định nghĩa cùng một số ví dụ về cái gọi là “nạn so sánh học đường” này. Sau đó, tác giả chỉ ra các “động cơ thực sự” của nạn so sánh học đường, bao gồm: căn bệnh thi đua thành tích trong ngành giáo dục, sự áp đặt kỳ vọng của cha mẹ vào con cái của mình. Hậu quả của nạn so sánh học đường, theo tác giả, là sự đánh mất bản ngã, đánh mất tuổi thơ của một cơ số học sinh. Trích lời tác giả:
Học cho giỏi, để rồi làm rồi làm gì khi chẳng con biết mình là ai?! Mỉa mai thay!
Tác giả cho rằng, nạn so sánh học đường sẽ làm cho con trẻ mất đi sự tự tin, khiến cho chúng mất đi mục tiêu, định hướng sống, mất đi “cái tôi” của chúng. Còn những đứa trẻ “con nhà người ta” cũng sẽ bị đặt trong thế cưỡi lưng cọp, mãi mãi phải cố gắng trong vô vọng để giữ lấy cái lời nguyền danh hiệu “con nhà người ta” đó.
Để minh họa, tác giả vẽ ra một đồ thị chỉ ra con đường độc đạo dẫn đến 3 kết quả duy nhất có thể xảy ra khi bị so sánh. Rồi đặt tình huống giả định: Nếu như bỏ đi sự so sánh, chúng ta sẽ đạt được những gì? Kèm theo đó là một so sánh giữa học sinh trường công và học sinh trường quốc tế, với ngầm ý rằng: Học sinh trường quốc tế tự tin hơn và duy tôn cái tôi hơn. Bằng chứng là sự trải nghiệm thực tế “một tháng trời” của tác giả ở SIC. Để kết luận, tác giả kêu gọi hãy dừng ngay lập tức việc so sánh học đường lại, dù bất kỳ lý do hay mục đích nào. Kết bài là câu khẩu hiệu đầy thách thức:
Ừ, bạn tài giỏi, họ tài giỏi. Vậy mặc kệ bạn, mặc kệ họ, tôi không quan tâm!
Phản hồi
Thứ nhất, nạn so sánh học đường, theo định nghĩa của bạn, không phải là bản chất mà chỉ là triệu chứng (symptom) của những vấn đề khác sâu xa hơn trong một xã hội nửa mùa, nửa Đông nửa Tây, nửa Tư bản nửa Xã hội chủ nghĩa như Việt Nam.
Vì sao thầy cô phải so sánh học sinh này với học sinh kia? Vì họ cũng bị so sánh với nhau bởi hiệu trưởng. Và chính hiệu trưởng cũng bị so sánh với các trường khác, với một “chỉ tiêu” nào đó được áp từ trên xuống. Nhà trường hiện đại được xây dựng theo mô hình Panopticon, trong đó liên tục có sự kiểm soát (surveillance) và so sánh với một tiêu chuẩn mơ hồ nào đó (standardization and examination), được đặt ra bởi người thiết kế Panopticon.
Xem: The Panopticon version 4.0
Vì sao cha mẹ phải so sánh con cái với “con nhà người ta”? Vì cha mẹ cũng liên tục nhận được áp lực so sánh từ bạn bè, đồng nghiệp, người thân. Vì, bản thân phải cạnh tranh để tồn tại, họ lờ mờ nhận thức rằng xã họi hậu tư bản là một xã hội cạnh tranh khốc liệt. Họ chỉ đơn thuần là truyền đạt lại kinh nghiệm của họ cho thế hệ tương lai, thế thôi.
Thứ hai, người viết cho rằng nạn so sánh học đường sẽ dẫn đến cái chết của cái tôi và hủy diệt sự tự tin của con trẻ. Tôi sẽ tạm bỏ qua cho tác giả việc chứng minh rằng “bản ngã/ cái tôi là cần thiết”, chỉ muốn hỏi tác giả thế này: Làm sao bạn có thể đảm bảo rằng đó là nguyên nhân duy nhất (hoặc chủ yếu)? Đừng quên, xã hội hậu tư bản (late capitalism) đòi hỏi bạn phải biến mình thành một bánh răng cưa thay thế được (disposable) để phục vụ cho xã hội được vận hành trơn tru. Nhà trường, công sở, và vô số các định chế xã hội khác đều được thiết kế với mục tiêu rõ ràng (explicit goal) biến cá nhân thành những cỗ máy tự vận hành (automaton) phục vụ cho cỗ máy tư bản khổng lồ.
Thứ ba, tác giả vẽ ra một biểu đồ đẹp đẽ, nhưng áp đặt và vô nghĩa. Không hề có một lời giải thích nào vì sao kết quả DUY NHẤT của A là B, kết quả DUY NHẤT của B là C. Ví dụ: Được khen sẽ dẫn đến Hy sinh cái tôi. Vô cùng cảm tính và áp đặt, được viết ra chỉ để biện hộ cho lập luận lởm khởm của tác giả. Và chỉ có đúng 3 kết cục: Trầm cảm tự tử, Không bao giờ cảm thấy an toàn, Mất định hướng. Chẳng lẽ không còn kết cục nào khác ư? Chẳng lẽ 100% các đứa trẻ từ 50 năm trở lại đây đều nằm trong 3 kết cục đó sao?
Thứ tư, việc vẽ ra một viễn cảnh tốt đẹp ở trường quốc tế cho thấy định kiến hạn hẹp của tác giả. Chỉ với một tháng làm khảo sát và quan sát ở một trường quốc tế mà tác giả có thể khái quát hóa toàn bộ hệ thống giáo dục (sweeping generalization). Không có một chút lưu ý nào cho vấn đề chọn mẫu, ví dụ: Trẻ con học trường quốc tế ở Việt Nam thì thường có cha mẹ giàu, thu nhập cao --> Cha mẹ cho con học trường quốc tế ở Việt Nam có học vấn cao, cách giáo dục “Tây hóa” (từ này tôi rất ghét nhưng dùng tạm để bạn hiểu) --> Cách giáo dục con cái sẽ “Tây” hơn. Còn phần nói về học sinh trường công thì, ôi thôi. Tác giả chỉ toàn đưa ra định kiến, chứ thử hỏi đã thực tế thống kê được cái gì ra hồn chưa? Hay chỉ tiếp xúc một vài bạn “mất tự tin” rồi cho rằng đó là bệnh chung của trường công?
Về nạn so sánh học đường
Tôi không phủ nhận rằng, có tồn tại hiện tượng so sánh học đường, và rằng nó có mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực ở trẻ nhỏ. Nhưng kêu gọi “ngưng so sánh ngay lập tức” là một lời kêu gọi ấu trĩ, chỉ nhắm đến phần ngọn chứ chẳng màng gì đến phần gốc, rốt cuộc sẽ chẳng giải quyết được cái gì.
Thay vào đó, hãy trau dồi kiến thức để thay đổi được tư duy. Có nhất thiết phải có điểm số ở trong trường học không? Có nhất thiết phải có các kỳ thi tập trung được tiêu chuẩn hóa (standardized) hay không? Có nhất thiết phải đề cao sự cạnh tranh thay vì hợp tác hay không?
Đừng quên, xã hội Việt Nam là một xã hội nửa mùa, chỉ vừa chớm tư bản mà thôi. Hãy nhìn vào lịch sử phát triển tư bản ở các nước khác để đại khái vẽ được quỹ đạo (trajectory) tư bản ở Việt Nam là như thế nào, và có những thay đổi phù hợp để xã hội đó được nhân bản (humane) hơn. Tốt hơn nữa, hãy hỏi rằng: Chúng ta có thực sự phải đi theo con đường đó hay không? Nếu không, thì lựa chọn của chúng ta là gì?
Trước khi xã hội thay đổi, thì chúng ta cũng phải thay đổi bản thân. Nếu chúng ta có thể ngừng tự so sánh chính mình với kẻ khác thông qua chiếc xe ta đi, số tiền trong tài khoản, đôi giày, cái áo, thì mới mong bớt đi được sự so sánh đối với con trẻ. Đáng tiếc, người Việt Nam đi sau trong việc xây dựng tư bản, cho nên tài sản tích lũy chưa nhiều lại mắc phải bệnh chủ nghĩa tiêu dùng. Điều này dẫn đến việc phân tầng giai cấp nặng nề, và việc người ở tầng lớp thấp hơn muốn cạnh tranh để vươn lên là không tránh khỏi. Bạn có tự ngăn được mình không ghen tị với ông đồng nghiệp vừa mua xe mới hay chưa? Bạn có đừng xem Jack Ma như là hình mẫu phấn đấu của mình được hay chưa? Nếu chưa, thì có lẽ bạn vẫn chưa sẵn sàng cho việc ngừng so sánh đâu.
Thứ nữa, vấn đề các bệnh về tâm lý như sang chấn tâm lý, trầm cảm v.v... rất ít được quan tâm ở Việt Nam. Thông tin không đầy đủ, nơi khám bệnh thiếu thốn, định kiến xã hội khiến cho người bệnh thì không có được sự hỗ trợ y khoa cần thiết, còn người khỏe mạnh thì tự chẩn đoán cho mình có bệnh. Đây là một vấn đề tôi rất mong thấy được sự thay đổi trong tương lai.
Cuối cùng, hãy thông cảm cho nhau. Thầy cô thông cảm cho học trò, và ngược lại. Cha mẹ thông cảm cho con cái, và ngược lại. Ai cũng có những cuộc chiến của riêng mình; nhưng có lẽ, xã hội sẽ tốt đẹp hơn biết nhường nào nếu chúng ta chỉ cần biết thông cảm cho nhau thêm một chút thôi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất