Kỉ niệm, đó là tất cả những gì mình có, là tài sản mà mình được sở hữu từ ngôi nhà có tên ba mẹ trong sổ đỏ. Số nhà 160 QL1A, tổ 3, khu 8, Thị trấn Gia Ray, Xuân Lộc, Đồng Nai, căn nhà này đã biết quá rõ về mình suốt 18 năm mình đã ở đây. Đến năm mình 19, tự dưng đến cái ngày mà từ Thủ Đức về, xe bỏ mình xuống ngay bên lề đường phía bên kia nhà nhưng mình không vào, rằng cái khoảnh khắc đó, cái giây phút mình đứng bên này lề đường nhìn vào ngôi nhà mà mình ngỡ mình thấy được một hành trình dài mình đã lớn lên như thế nào trong chính ngôi nhà đó và mình nhận ra, mình đã 18 tuổi.
Inside Out
Inside Out
Ba mẹ cất căn nhà này từ trước khi mình ra đời 6 năm, mình không biết liệu ngày đó mình có bỏ sót ngóc ngách nào hay không nhưng suốt 18 năm mình ở đây, ngôi nhà này - cũng như mọi thứ xung quanh đã thay đổi diện mạo rất rất nhiều lần. Nhiều đến nỗi cứ thoáng chốc kí ức của mình về ngôi nhà đôi khi nó không trùng khớp về mặt địa lí, nó làm mình ngờ ngợ: hay là mình dường như chưa đủ đầy yêu thương và niềm quan tâm với nơi mình lớn lên nhỉ ?
Để nói về những ngày bé của mình thì chắc sẽ không có gì nhiều để nói nếu như ngày bé của mình không có anh mình, là anh giữa chứ không phải anh lớn của mình. Vì khi mà hai anh em nhỏ của mình còn đi rong ruổi trong trời nắng chang chang, cưỡi lên hết cây điều này đến cây điều khác thì anh lớn mình đã ăn no và phải tranh thủ ngủ ngấu nghiến cái buổi trưa ngắn ngủi để học tiếp buổi chiều. Mình không thể nói chắc nhưng mình biết anh lớn mình có một cái trọng trách rất lớn, một cái trọng trách mà khiến cho anh em nhỏ mình có đủ niềm tin rằng mọi chuyện không có gì quá khó khăn với anh cả, mọi việc đều có thể xong xuôi mà không cần đến nỗi lo lắng và sợ hãi của hai đứa em đằng sau.
Với mình, một điều mà mình rất ngại nói ra rằng mình cảm thấy mình là người may mắn nhất trên đời vì mình có đến tận hai anh trai. Chẳng hạn những lúc bố mẹ có bực bội mắng chửi thì hai anh mình là người sẽ chịu trận đầu tiên; nếu có xây này xây kia thì hai anh sẽ là người làm cùng với ba, trong khi mình chỉ có nhiệm vụ bưng mấy viên gạch từ chỗ này sang chỗ khác, lon ton cầm bên này sợi dây để ba gióng hàng gạch xây cho thật thẳng; đi pha nước chanh hoặc chỉ đơn giản là muốn mình đứng ở đấy nói nhăng nói cuội cho vui nhà vui cửa rồi quên đi cái nắng bể đầu. Rồi có một lần mình đã tận lớp 11 vẫn được ba nhờ đứng bên này sợi dây mà quấn vô cục gạch để nó không di lệch đi đâu, lóng nga lóng ngóng ba nhờ làm nhiều thứ tuy đơn giản nhưng mãi lúc đó mình không biết cách để làm như thế nào. Có những thứ đến bây giờ vẫn vậy, dù đến giai đoạn về sau mình đã lớn như thế nào, thì mình mãi chỉ là con mèo luôn nhỏ với ba mẹ, thích kể chuyện ngày xưa với ba với mẹ.
Có những thứ vẫn vậy, có những bến bờ vẫn luôn như cũ, như bảo mình rằng đấy bám víu vào đây này. Cho dù có mệt mỏi, sợ hãi như thế nào, cho dù có chênh vênh và lo lắng về tương lai, buồn phiền vì bị bỏ lại đằng sau, thì vẫn còn những điều ở đấy để mình nhớ về bản ngã và cố gắng đi tiếp. Vẫn còn những điều đồng hành với mình cho tới những giây phút cuối cùng.
Inside Out
Inside Out
Khi mà mình đã qua hết cái giai đoạn "ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi" rồi thì cũng là lúc mình là một người bạn đủ tầm để anh mình cho thử biết bao nhiêu là trò nghịch ngợm. Cũng từ đó người mình bắt đầu có thẹo, mình được tập chạy xe đạp, hay thỉnh thoảng được đi tiệm net để chơi biết bao nhiêu là trò công chúa, may vá. Anh mình cho mình cái cảm giác trong cái thế giới rất nhiều thứ hay ho mà không phải chỉ ngồi nhấp nháp xí muội trong bộ váy hiền dịu và thẳng tắp một cách hoàn hảo mà biết được. Cái cảm giác rằng mình được thử, mình được phép sai, được phép ngã thật đau nhưng vẫn không tha thiết cần đến ai kéo đứng dậy. Mình được trải nghiệm ở một cuộc sống tuy là của con gái nhưng có một tí trải nghiệm ở cái hệ vận hành của con trai.
Ở thế giới của con trai họ được thử rất nhiều, họ vấp ngã không phải nhiều lần mà là thực sự nhiều, họ được dạy là phải "đàn ông lên" và nếu không có gì quá khó khăn thì tuyệt đối không nói lời nhờ vả. Tất cả những điều đó đã làm cho mình có được cái tính liều. Mình đã lắm lần có những suy nghĩ (với mình) thật sự điên, mình có ảo tưởng rằng mình thực sự có thể làm điều phi thường. Một việc can đảm phi thường mà dường như mình cũng có thể cảm nhận được là hai anh mình cũng thế.
Những ngày cuối năm vừa rồi kí ức của mình càng dữ dội hơn về những đêm giao thừa của những những năm trước ở nhà. Cứ 30 Tết là trong mình có một cảm xúc gì đó là lạ, một thứ cảm giác nhè nhẹ yên ắng giống như những đoạn đường buổi đêm không một bóng xe đang mong ngóng chờ đợi điều gì đó tới, một cách dè dặt. Những anh chị cùng xóm tất thảy đều là những người bạn mà tụi mình đã có cùng nhau một tuổi thơ, là kí ức về những buổi đêm chơi đủ thứ trò trên đời và (chắc chỉ còn mình) mãi nhớ về một đêm yên ắng đêm 30 cả đám cùng ngồi trên cái tầng được sắp lên từ những cái bi cống dài, lành lạnh được xếp ngay ngắn theo hình kim tự tháp chờ một ngày được đưa vào sử dụng. Cái khung cảnh lúc đấy như thể cả đám nhận ra dường như mình cũng cần nên hòa vào cái yên ắng của đường xá đêm 30 mà dành cho nó chút gì đó lắng đọng và tự mình khoảng khắc đó thấy sợ sự thay đổi.
The one thing that never changes is "change".
Mình sợ thay đổi, sợ mọi thứ sẽ chẳng còn theo cái trật tự cũ, sợ mình và những người bạn của mình sẽ chẳng còn đơn sơ và chịu dành thời gian cho nhau nhiều như đã từng. Sự vận hành trong cuộc sống cũng giống như trong vật lý, quan trọng là mình lấy vật mốc ở đâu, ở vỉa hè thì nghĩa là xe buýt đang chạy, còn ở trên xe buýt thì nghĩa là nhà cửa đang đi. Nếu mình lấy chính mình làm vật mốc, mình là người chẳng thay đổi, luôn cố gắng như cũ, thì mình buồn vì những sự thay đổi của người khác. Còn nếu mình lấy những thứ bất biến khác làm cột mốc thì mình nhận ra bản thân đã lớn lên chừng nào và lúc đấy cũng dần quên những điều đã cũ.
Nhưng có một nhiều thứ vẫn vậy, câu này đã được mình viết lại đến tận ba lần trong bài vì mình có ý thức được rằng việc giữ lại những thứ đơn sơ, thói quen ngày cũ khi còn có thể là một trách nhiệm và sẽ là cảm giác áy náy và đụng tới lương tâm của mình nếu như phá vỡ. Năm nào cũng vậy, dù năm nay có đón giao thừa ở nhà mới chứ không phải ở nhà cũ nữa thì mọi thứ vẫn không có gì thay đổi nhiều. Ba vẫn thịt heo luộc, mình vẫn cuốn bánh tráng chấm nước mắm, ba con mình vẫn ngồi trong yên ắng của 30 Tết mà nghe vang vọng đâu đó là những tiếng động háo hức của một năm mới sắp đến, ở trong lòng và cả trong tim.
Và dù có đi đâu, ngôi nhà cũ của mình vẫn luôn là hiểu mình nhất, chứng kiến mọi chuyện diễn ra suốt hơn 24 năm, đã thuộc lòng lòng những nơi mình ngồi thơ thẩn mỗi buổi chiều lúc năm giờ rưỡi. Một buổi chiều mà mình ngồi đó với một cái mặt chưng hửng, ngước lên mà nhìn vào cái khoảng không, mường tượng về những thứ thay đổi khi mình lớn lên. Nhưng một điều mà mãi hết mọi buổi chiều ngồi thơ thẫn mình cũng không nghĩ được là việc mình của năm sáu năm sau sẽ ngồi đây mà viết lại những thứ cảm xúc nguệch ngoạc, cỏn con của hồi bé và mình lại ước, ước thật nhiều...