Cái title cho bài viết này, thật ra, cũng chính là một trong những câu hỏi mà mình vẫn đang miệt mài tìm kiếm câu trả lời. Không hẳn là “miệt mài”, nhưng mà cứ cho là vậy đi. Bởi, những gì mình viết sau đây chỉ đơn thuần là chia sẻ từ góc nhìn của bản thân đúc kết được sau ngót nghét hơn 1 năm đi làm, có lẽ. Mình vốn cũng như các bạn sinh viên mới ra trường gần đây thôi, vẫn còn loay hoay với nhiều thứ lắm, nào là ước mơ, đam mê, sự nghiệp,... đủ các kiểu.
Cơ mà trộm vía ông trời có vẻ không phụ cái sự cần cù của mình. Loay hoay vậy đó nhưng không có nghĩa là mình không xoay sở được. Như cái kết có hậu của Tinker Bell trên hành trình chứng minh chính mình vậy (Tinker Bell movie 2008, FYI), mình không phải là “nàng tiên” nhưng mà chí ít, mình biết được mình có khả năng gì, và muốn làm gì sau khi ra trường. Một định hướng kiên định trong đầu giúp mình đủ ổn để “tìm đường vẽ lối” cho cánh cửa sự nghiệp trước mắt. Và cuối cùng, may mắn thay, mình đã nhận được công việc đầu tay với mức lương “khá ổn áp” (so với mặt bằng chung).
Vậy một đứa sinh viên “chiếu mới ít trải” như mình đã làm gì để được nhận được công việc với mức offer lý tưởng? Không phải dạng khuyên nhủ gì, mình kể ra một chút kinh nghiệm và trải nghiệm mà bản thân có được để có thể deal lương thành công, khi vừa mới ra trường, mà thôi.

Deal lương khi mới vào nghề ra sao?

À quên chưa giới thiệu, mình làm nghề Content - cái nghề bị không ít người chê lên chê xuống vì đồng lương “bèo bọt” giữa thị trường cạnh tranh, người người nhà nhà ai muốn làm content mà chẳng được, viết tốt là được, đoại loại vậy. Cơ mà ấy là người ta bảo thế, còn mình vẫn muốn thử “lăn lộn, chật vật”, cố sống với cái nghề này xem như nào, vẫn là đang lạc quan lắm.
Quay trở lại với chuyện deal lương, thì ắt mọi người cũng biết rồi đó: sinh viên mới ra trường muốn kiếm được công việc ổn định với mức lương tốt đã là một bài toán nan giải; dân mới vào nghề lại chọn theo content như mình lại có đôi phần thêm thử thách hơn. 
Vì sao ư? Nhìn hàng loạt các bài đăng tuyển dụng thị trường cũng đủ khiến một cô sinh viên năm cuối như mình đủ để “khóc ròng”. Nào là tuyển content marketing lương 5 triệu, yêu cầu biết cả thiết kế và edit video thành thạo, chạy từ social media cho tới website content. Rồi nào là tuyển CTV viết bài, giá 10k/3000 chữ, vân vân và mây mây. 
Tuy nhiên, có cung thì mới có cầu. Điều này cũng có nghĩa các phân khúc khác nhau thì sẽ có nhu cầu khác nhau. Vậy nên, mình chọn cách tập trung nâng cao giá trị bản thân và kỹ năng chuyên môn trong nghề để “nâng giá” tốt hơn.

Giải bài toán: Giá trị bản thân và chi phí tuyển dụng của doanh nghiệp

Đi tìm việc, ai cũng như ai, cũng mong muốn khoảng lương xứng đáng dành cho bản thân mình. Vậy câu hỏi đầu tiên đặt ra ở đây là: Thế nào là mức lương xứng đáng?
Chúng ta có hệ quy chiếu từ hai phía cho định nghĩa “mức lương xứng đáng”. Hệ quy chiếu đầu tiên là ở bản thân mình a.k.a tự mình cảm thấy như thế nào là mức lương mình đáng nhận được?
Lúc này, mình sẽ soi lại background bản thân để tự xác định lấy, nào là: Kiến thức chuyên ngành, các kỹ năng mình có được, các hoạt động thực tiễn mình đã tham gia, và cả các kinh nghiệm đi làm thực chiến của bản thân,... Thêm vào đó, mức lương này cũng phải giúp mình chi trả cho các chi phí sinh hoạt ở mức cơ bản nữa.
Biết được con số mình muốn thì việc tiếp đến mình cần làm là “tìm hiểu con số nhà tuyển dụng muốn chi”.
Mỗi một vị trí công việc được có một mức lương trung bình tương đối trên thị trường. Tại các công ty, chi phí tuyển dụng của họ dành cho từng vị trí, level công việc đều được xác định gia giảm hợp lý dựa vào con số này.
Để dự tính được con số này, mình có thể tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau: các bài đăng tuyển trên thị trường, hỏi quan điểm của người trong nghề, đọc các bài báo cáo thị trường về lương,... Nói chung cũng nhiều lắm, không biết thì cũng chỉ sợ mình tìm hiểu chưa sâu mà thôi.
Vì vậy, bài toán “cân não” cuối cùng đưa ra là: Tìm điểm giao thoa giữa mức lương mà NTD cho là “xứng đáng” và mức lương mà cảm thấy tương xứng với năng lực của mình.
Thật ra, cái bài toán mức lương tương xứng mà mình viết nãy giờ là tham khảo được từ bài viết Podcast Nhâm Nhi Chuyện Nghề của anh Trần Phước Trí, một người anh dày dặn kinh nghiệm trong giới headhunter mà mình hay theo dõi trên LinkedIn. 

Deal lương tại buổi phỏng vấn sao cho khéo?

Sau khi tính tới tính lui mức lương mà bản thân cảm thấy hài lòng, thì bước kế tiếp để deal được mức lương đó chính là thuyết phục nhà tuyển dụng.
Chân ướt chân ráo mới vào nghề khi chưa có quá nhiều kinh nghiệm làm việc, mình cũng may mắn đi tới chặng đường cuối cùng của vòng phỏng vấn trong công ty đang ứng tuyển – vòng offer. Nghiên cứu sẵn về mức lương trung bình trên thị trường và quy chiếu lại năng lực cũng như kiến thức hiện có, mình đưa ra range lương cụ thể - có phần nhỉnh hơn so với mặt bằng chung cho một vị trí fresher. Trông có vẻ là hơi bị đánh giá cao bản thân, vì thực chất con số ban đầu của mình cũng chỉ nằm giữa range này, mình có tính gia giảm để deal không bị “hớ”.
Trước khi đợi nhà tuyển dụng xem xét, mình đã nêu lên các lý do giải thích cụ thể liên quan tới yêu cầu công việc, khả năng hoàn thành nhiệm vụ, đạt được thành tích các kiểu, cũng như đam mê và niềm tin của mình với nghề. Quan trọng hơn hết, các buổi phỏng vấn và làm bài test trước đó, mình cũng được đánh giá khá tích cực.
Thú thật thì nghe suôn sẻ vậy thôi, chứ đôi bên cũng có hỏi đáp qua lại cũng nhiều (làm mình hơi ngại). Và tất nhiên, theo ý kiến của nhà tuyển dụng thì range lương mình có hơi cao so với kinh nghiệm làm việc của mình. Lúc ấy cũng có hơi xanh mặt đó, nhưng mình cũng tự tin lấy lại bình tĩnh, nêu rõ lợi thế của bản thân với nhà tuyển dụng để có thể chốt deal “hơi hơi” thành công (tức là không được mức lương max, nhưng cũng xấp xỉ nằm ở giữa như mình tính ban đầu).
Ngẫm lại thì nếu như ngày đó mình tự tin, quyết liệt hơn thì không biết mức lương deal được sẽ đi về đâu, chắc cao hơn có lẽ nhỉ :)
Kinh nghiệm rút ra từ mình (và sẽ cần rút ra nhiều hơn trong tương lai) khi deal lương, ấy là:
- Nắm rõ công việc và mức lương thị trường (kiểu biết người biết ta, trăm trận trăm thắng).
- Tự tin chứng minh lợi thế cá nhân, năng lực chuyên môn. (Back lại bài toán giá trị phía trên nhé)
- Tự tin nhưng mà lịch sự, điềm tĩnh. Khéo ăn, khéo nói lấy lòng thiên hạ ấy mà.
Ngoài ra, có thể cân nhắc thêm về các yếu tố phúc lợi kèm theo từ phía công ty để xem xét điều chỉnh range lương phù hợp.

Deal tăng lương sau một thời gian làm việc?

Một khía cạnh khác của việc deal lương, nhưng mà chắc cần thêm một part nữa để mình chia sẻ thêm chi tiết. Biết sao không? Viết dài quá không ai đọc, viết thêm bài nữa tăng tương tác hehe.
Song, về cơ bản thì kỹ năng deal lương cũng như các mục trên thôi:
- Hiểu rõ giá trị năng lực bản thân và tự định giá
- Đảm bảo được bài toán: Chi phí tìm nhân sự thay thế > Chi phí công ty trả thêm lương cho bạn (Theo bài post FB của chị Thái Hà).
- So sánh lại mức lương thị trường, xem xét liệu range lương của mình có bị “tụt” đi hay không? 
Nhận thêm nhiệm vụ/trách nhiệm mới trong công việc và thương lượng lại với sếp/quản lý.
Ví dụ như tại Singapore, các ứng viên thuộc hàng nhân sự cấp cao (mid-senior với senior các kiểu) thường có một “văn hóa rải đơn phỏng vấn” tại các công ty khác để thăm dò mức lương trên thị trường, khoảng tầm 3-4 lần/năm hoặc ít nhất 1 lần/năm. Điều này để đảm bảo mức lương bản thân họ nhận được vẫn đang tương xứng với chính năng lực, trình độ, và kinh nghiệm hiện tại.
Về cụ thể vào phần how-to, mình recommend các bạn có thể tìm hiểu qua bài viết deal lương của anh Trí (như nãy mình có pr ở trên hihi). 
Bài viết của mình cũng chỉ chia sẻ đến đây thôi. Nếu mà có thêm kiến thức/insights gì thú vị về chuyện deal lương, phỏng vấn các kiểu con đà điểu thì mình sẽ viết tiếp.
Hy vọng chút chia sẻ ngắn ngủi (nhưng dài hơn 1500 chữ này lol) sẽ giúp các bạn sinh viên mới/sắp ra trường chuẩn bị tốt hơn trên hành trình tìm việc. Chúc mọi người deal lương thành công!