*tựa đề bài viết lấy cảm hứng từ tiểu thuyết "Nhật ký hoàn toàn có thật của một người da đỏ bán thời gian"(Sherman Alexie)
ảnh: Tracey Emin
ảnh: Tracey Emin
Tôi đã từng nghe một cô gái kể rằng cô cảm thấy nghi ngờ bản thân mình khi bị một đứa con trai đeo bám, cô bị ám ảnh, mất ăn mất ngủ khi hắn cứ liên tục gửi thư tỏ bày tấm chân tình bỏng cháy của mình. Cô không thích hắn. Hành động đeo bám đó làm cô sợ hãi. Nhưng cô không muốn nói công khai về điều đó, bởi cô lo sợ.
Những gì đang sẵn có, quy chuẩn và những common sense đều nghiêng về giới tính còn lại, chứ không phải là chúng tôi.
Có quá nhiều "vùng xám" được đặt ra để giới tính còn lại chen vào.
Phải khó thế nào để nói: "Tôi bị người đàn ông này quấy rối?"
Trong một bài đăng công khai nơi một cô gái khác, kể về trải nghiệm của mình với một kẻ lạm dụng tâm lý và thể xác cô, cô đã đớn đau tự hỏi: bạn muốn nạn nhân lên tiếng? Vậy khi nạn nhân lên tiếng, bạn có bảo vệ được nạn nhân không?
Chính tôi đây, trong lần hẹn hò đầu tiên với một tên đàn ông có cử chỉ khiếm nhã (điều mà tôi mất 12 tiếng sau mới nhận ra), tôi đã nói rõ mình không muốn gặp lại hắn. Hắn chất vấn và hỏi tôi vì sao, và đổ lỗi "con gái thật là khó hiểu". Tôi chỉ ra cho hắn những hành vi quá mức hắn đã làm. Và từ đó học được: im lặng không là đồng thuận. Hắn lẳng lặng unfriend tôi, và một thời gian sau hiện lên đeo bám trên trang cá nhân và trên mọi nền tảng mạng xã hội hắn sử dụng, xin lỗi hành động của hắn là vì "quá hấp tấp quá cô đơn". Hắn nói (một cách không xấu hổ): anh yêu em mà.
Từ khi nào tình yêu trở nên rẻ tiền như vậy, hả thằng khốn?
Tôi từng hẹn hò (và yêu) một kẻ tồi tệ chính hiệu. Hắn dựa vào những tổn thương tâm lý CỦA TÔI để nói rằng tôi không xứng đáng có được tình yêu CỦA HẮN.
Và dù tôi có cố chứng minh hắn đã sai, hắn luôn nói: "Anh vẫn thấy em không hề thay đổi."
Mối quan hệ ấy mập mờ và dối trá đến mức những gì thật lòng tôi tin hắn đã nói ra chính là:"Hãy coi chừng, không phải ai cũng là người đáng để em tin."
Hắn là người liên tục quay lại, nhắn tin hỏi thăm một cách có chu kỳ (cứ 3 tháng một lần). Hắn là kẻ nói:"Anh không thể hiểu được, em là đồ buồn bã và không thể cứu. Anh chỉ muốn làm người dưng."
Thứ khiến bạn có thể phân biệt một kẻ thao túng tâm lý? - Lời kẻ ấy nói luôn đi ngược với những hành động được làm.
(Bằng một cách ngây thơ) - tôi đã tin rằng vấn đề nằm Ở TÔI, và liên tục nói xin lỗi hắn. Những gì hắn đáp lại? Sự mỉa mai, khinh miệt, thái độ "Mi không xứng đáng có sự tha thứ của ta."
Tôi đã từng đau khổ vì điều đó.
Là một cô gái, tôi từng nghe:
Là một cô gái, tôi từng nghe:
-Phải giữ mình.
-Phải thông minh.
-Phải biết điều.
-Phải thùy mị, mặc quần ngắn (vì bạn trai cũ thích vậy), trang điểm (vì bạn trai cũ gợi ý).
-Phải không quá khó hiểu (vì như thế sẽ làm bạn trai phiền lòng).
-Phải thấy nhan nhản trên mạng xã hội những chủ đề "vì sao con gái ế".
-Phải băn khoăn liệu mình nên không chia tiền trong buổi hẹn để không làm mất mặt đàn ông? (tôi luôn tự trả tiền)
-Lo ngại thủ dâm có "mất nết quá không"?
-Lo ngại đàn ông sẽ nhìn mình ra sao "khi không còn trinh tiết"?
-Mặc áo ngực? Nên bỏ hay không?
Tôi không phải một người ủng hộ nữ quyền. Bởi vì tôi không muốn dùng một "quyền", để thay thế một "quyền" khác.
*chú thích: lấy cảm hứng từ ý tưởng của Toni Morission, một tác giả da đen, người đã viết trong tiểu luận "Playing in the Dark" một câu thế này: "I do not want to alter one hierarchy in order to institute another." - tôi không muốn thay đổi một thứ bậc, để rồi áp đặt lên một thứ bậc khác." (ngữ cảnh của câu, là khi bà viết về cách những người da đen được miêu tả bởi những tác giả da trắng trong các tiểu thuyết). Và cũng như vậy, tôi đồng ý với bà. Sở dĩ tôi không muốn chiến đấu cho một "quyền" để thay thế một "quyền" - bởi vì cá nhân tôi cho rằng nó không bền vững. Chúng ta từng thấy toxic masculinity, và cũng từng thấy toxic femininity. Từng thấy #metoo mang những tên tồi tệ quấy rối ra ánh sáng, cũng từng thấy #metoo bị biến tướng thành một cuộc chỉ trích tập thể.
Nữ quyền thay thế nam quyền? Bình đẳng giới thay thế cho bất bình đẳng giới? Có một sự thật - sinh ra là một người phụ nữ/bé gái/chuyển giới nữ/dị tính nữ/đồng tính nữ/vô tính nữ (bất kỳ giới tính và bất kỳ xu hướng tính dục nào): là một điều thiệt thòi - không phải là vì ta đang sống dưới chính giới tính của mình - mà là bởi vì: ta sống trong một xã hội nơi nam quyền được coi là hiển nhiên và "căn bản". Ngay cả nam quyền (hay androcentrism), cũng tự phản vệ lại nó trong chính nỗ lực áp đặt quyền lực giới lên cấu trúc xã hội.
Bao nhiêu người đàn ông từng bị quấy rối nhưng không dám nói ra? Bị trầm cảm? Có vấn đề tâm lý? Bị bạo hành? Từ chối hoa bạn gái tặng? Không dám có sở thích "trông nữ tính" - bởi vì xã hội không cho phép?
Với tôi, chỉ khi "giới tính" thôi được đưa ra như một đề tài luận bàn nhức nhối, thì chúng ta mới có thể bắt đầu nói đến "quyền" và bất cứ kết quả khả quan nào ta mong được nhận.
Bởi đau lòng thay, chúng ta chỉ chiến đấu cho thứ mình không có.
Cá nhân mình, tôi ủng hộ việc chúng ta trở thành người tốt. Có vô số cách sống, và chọn sống "như một người phụ nữ" hoặc "như một người đàn ông" làm gì khi có thể sống như một người tốt.
Sasha Alex Sloan - Until It Happens To You|https://youtu.be/WW-2bRM0Q7s