VI) LGBT+ và tổng hòa của các mâu thuẫn.

Hiện tại, LGBT+ đã dần được cả xã hội cũng như Nhà nước chấp nhận, tuy nhiên kéo theo đó vẫn còn là những hệ lụy mà ta không thể nào mà kiểm soát hoàn toàn hết được, trong đó chắc chắn không thể không nhắc đến vấn đề sinh con ở người phụ nữ. Và có lẽ, vấn đề của LGBT+ được mình đặt ở gần cuối bài viết sẽ hợp lí hơn là đặt ở đầu hay ở giữa. Bởi vì, những vấn đề, tình trạng hay các khó khăn mình chia sẻ ở các mục trước của người phụ nữ thì người nữ thuộc cộng đồng LGBT+ ít nhiều gì cũng đều gặp phải tương tự vậy. Vì thế nên, chúng ta cũng chia sẻ sơ qua các khó khăn ấy về tình trạng sinh con ở những cộng đồng của họ.
Kể từ ngày 15/7/1990, cộng đồng LGBT+ đã được Liên Hợp Quốc công nhận đó không phải là một loại bệnh tâm thần và họ được sống tự do như những người bình thường. Còn ở Việt Nam, trong Khoản 5, Điều 10, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Ngoài ra, theo Điểm e, Khoản 1, Điều 8, Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001, việc kết hôn giữa những người cùng giới tính sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 500.000 đồng. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế xã hội, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” nhưng tại Khoản 2, Điều 8 quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020, những người đồng giới kết hôn với nhau không còn bị phạt. Bên cạnh đó, điều 37 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng đã cho phép những người chuyển giới có quyền và nghĩa vụ đăng kí hộ tịch.
Tuy nhiên, hiện tại Nhà nước Việt Nam vẫn chưa hợp pháp hóa cũng như công nhận về vấn đề hôn nhân đồng tính ở Việt Nam. Châu Âu là châu lục tiên phong cho hôn nhân đồng tính (đầu tiên là ở Hà Lan), sau đó lan rộng và phát triển mạnh mẽ sang Châu Mỹ,Trung Quốc là nước đầu tiên ủng hộ cho vấn đề này ở Châu Á. Và vấn đề có lẽ mâu thuẫn từ đây! Hôn nhân đồng tính chắc chắn không thể sinh con được, điều đó là tất nhiên, chưa kể đó là khi họ lại càng không có nhu cầu có con. Nhưng nếu thực sự họ muốn có thì sao? (và cũng theo như khuôn khổ bài viết, mình cũng chỉ bàn về những cặp đôi đồng tính nữ và một chút ít về vấn đề chuyển giới).
Thực ra, như mình đã nói, khi bàn đến vấn đề sinh con của cộng đồng LGBT+, đặc biệt là ở nữ thì chúng ta lại quay lại các vấn đề của mình đã chia sẻ ở mục trước. Có lẽ, vấn đề lớn nhất của đứa con được nhận nuôi đó là không thể mang huyết thống của cả hai người mẹ, và không nhận được trọn vẹn tình yêu thương từ hai đặc trưng giới tính khác nhau là từ ba và từ mẹ. Nếu thế thì, phụ nữ thuộc cộng đồng LGBT+ có nên có con không? Đó thực sự vẫn là vấn đề nan giải. Bởi lẽ, việc sinh con của cả nam và nữ LGBT+ (theo lý thuyết) là hoàn toàn có thể và cũng nhiều cặp đôi đã có và sinh con thành công. Và nếu là cặp nam đồng tính thì họ cần trứng hay người mang thai hộ để thụ tinh, còn nữ thì sẽ cần người hiến tặng tinh trùng hoặc xin ngân hàng tinh trùng để có thể mang thai. Nhưng như mình đã nói, đứa con được sinh ra từ việc mang thai ở nữ chỉ có huyết thống từ một người mẹ. Có thể, họ sẽ giải quyết bằng cách từng người mẹ sẽ lần lượt mang thai và sinh ra hai đứa.
Tuy nhiên, theo mình, nếu chấp nhận điều đó họ cũng sẽ phải chấp nhận nhiều khó khăn của xã hội đi kèm theo. Không chỉ đơn giản về mặt tình cảm mà ta có thể đem trao cho đứa con, mà còn về mặt pháp lí trên các giấy tờ pháp luật, nhất là hiện tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển mình với thế giới để hợp thức hóa các mối quan hệ ràng buộc của cộng đồng LGBT+ trên các giấy tờ pháp luật. Nhưng thực ra, việc họ dám sống đúng với bản thân và công khai cho mọi người biết thì đã là một khó khăn khá lớn rồi. Đó là một điều đáng khen và ghi nhận, khi mà xã hội chúng ta đang dần chuyển mình theo xu hướng cho mỗi cá nhân tự tỏa sáng hơn.
Song song đó, chúng ta sẽ nói riêng về người chuyển giới (Transgender). Trên thực tế, có không ít bài viết và bài báo đã nói về người chuyển giới ở cộng đồng người đồng tính, thậm chí từ dạng giới chuyển giới họ cũng chia thành nhiều nhóm khác nhau. Nhưng ở đây, mình cũng chỉ sẽ bàn về vấn đề có con và sinh con ở họ. Bởi vì, dù chuyển giới nữ sang nam, hay nam sang nữ đi nữ thì họ chắc chắn không thể mang con; đặc biệt là chuyển từ nữ sang nam họ phải chịu mất đi buồng trứng cũng như khả năng sinh con. Đó là thiên chức của một người phụ nữ thực sự. Nhưng theo mình, mình vẫn ủng hộ việc chuyển giới nếu thực sự người đó mong muốn và có điều kiện. Trải qua phẫu thuật, các hóa chất và dao kéo, cái họ phải đánh đổi là sức khỏe, bệnh tật và tuổi thọ của bản thân sau này. Dù tuổi thọ bị giảm 20 năm hay thậm chí thêm các rủi ro khác; nhưng nếu họ không chuyển giới, thì phần tâm hồn sâu thẳm bên trong của họ đã thực sự chết từ lâu rồi. Nên là, sinh con đẻ cái không phải là một chuyện gì quá to tát đối với họ, ít nhất là thế.
Chúng ta sống vì bản thân, vì những người thân, người nuôi nấng và người sinh ra mình. Và họ cũng vậy, họ cũng có quyền sống vì bản thân, vì chính bản chất, con người tồn tại bên trong họ. Trên sóng truyền hình, mình cũng bắt gặp có những câu chuyện ba mẹ rất yêu thương con và ủng hộ con việc chuyển giới, và đồng thời cũng rất lo lắng cho con về các hệ quả của chuyển giới sau này. Nhưng chung quy lại, họ vẫn là ba là mẹ, là những người luôn quan tâm, chở che và ủng hộ con cái của mình nhất (dù không phải là tất cả ba mẹ nào cũng đều tốt hết). Hơn thế nữa, xã hội đang càng ngày càng cởi mở hơn và bình thường hóa hơn những vấn đề liên quan đến giới tính như của cộng đồng LGBT+.

VII) Tổng kết

Vậy thì chung quy lại, sinh con là THIÊN CHỨC hay ÁP LỰC của người phụ nữ? Qua nhiều dẫn chứng, nhiều câu chuyện khác nhau ta cũng hiểu rằng sinh con không đến nỗi là một điều gì đó quá bó buộc hay là bổn phận đối với con người chúng ta. Theo quan niệm của những người đi trước, thì họ lại thường bảo là trai lớn gả vợ, gái lớn theo chồng, yên bề gia thất, sinh con đẻ cái. Nhưng đó là thời xưa, còn xã hội thay đổi sẽ gắn liền với những quan niệm thay đổi một cách cởi mở và hiện đại hơn. Ta cũng hiểu rằng, việc một vài gia đình không sinh con không thể khiến dân số đất nước giảm mạnh hay khiến đất nước bị già hóa dân số. Điển hình như ở Nhật, theo số liệu năm 2021, Nhật Bản có dân số già nhất thế giới khi mà tới hơn 29% dân số trên 65 tuổi.
Khi ấy, Nhà nước liên tục có những chính sách liên quan để nhanh chóng giảm thiểu sự già hóa dân số này, trong đó có cả việc hối thúc cho người dân kết hôn cũng như sinh con. Nhưng đó là khi Nhật Bản trải qua một quá trình dài và những chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho người lớn tuổi quá tốt; khiến tuổi thọ của họ tăng rất cao, có người còn có thể sống đến gần 100 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Điều đó nói lên rằng, không phải việc sinh con không quan trọng mà ta cần thực sự xem xét các trường hợp, các mối quan hệ xung quanh mình với nhau. Và cũng không phải tự nhiên mà hầu hết các công ty, xí nghiệp hiện giờ đều có các đãi ngộ nhất định dành cho phụ nữ nghỉ thai sản.
Còn về riêng góc nhìn của các mối quan hệ xã hội, mình nghĩ quyền tự do mang thai hay không đối với bản thân, cơ thể mình nó không quan trọng bằng việc thay đổi cách nhìn của xã hội đối với bổn phận, trách nhiệm tất yếu của người phụ nữ. Nghĩa rằng, ta quan niệm khi xưa phụ nữ công dung ngôn hạnh, tam tòng tứ đức, giữ trinh tiết đến khi về nhà chồng,… nhưng dần những định kiến xưa cũ đó đã được thay đổi bằng những tư tưởng hiện đại hơn.
Và việc mang thai cũng vậy, thay vì chúng ta cứ chứng minh với mọi người rằng mang thai hay không là tự bản thân tôi quyết định, hay chứng minh rằng tôi không mang thai nhưng tôi vẫn ổn định được hạnh phúc trong đời sống vợ chồng qua các hình ảnh khăng khít bên nhau, vui vẻ, thư giãn của vợ chồng hậu hôn nhân. Điều đó không sai, nhưng có lẽ không cần thiết, cái ta cần là giúp người thân và họ hàng xung quanh chúng ta hiểu đó là một sự lựa chọn, đó là một lối sống bình thường. Chứ không phải khiến họ ngoài mặt ậm ừ và bắt buộc đồng ý với quan niệm hôn nhân của mình nhưng trong lòng họ lại buồn bã và cay cú vì không có cháu nối dõi, ẳm bồng và cái thứ mang tên “hôn nhân không con”.
Dù sao đi nữa, vấn đề sinh con có lẽ dù tranh luận nhau như thế nào đi nữa thì nó cũng rất quan trọng đối với việc duy trì dân số của một đất nước hay cũng có thể ít nhiều duy trì niềm hạnh phúc của một gia đình. Và chúng ta có bàn luận nhiều như thế nào nữa thì đâu đó nó vẫn còn nhiều bất cập chưa thể giải quyết hoàn toàn được. Điều tốt nhất hiện tại mà chúng ta có thể làm là đừng quá thần thánh hay quan trọng hóa một quan điểm, một lối sống nào đó mà cần tự nhìn lại hoàn cảnh của bản thân mình rồi tự điều chỉnh cho nó thật hòa hợp và chỉn chu. Khi ấy, không chỉ là vấn đề sinh con có phải áp lực hay không mà bất kì vấn đề hay trở ngại nào trong cuộc sống ta đều có thể sáng suốt tự đưa ra các phương án và cách giải quyết hợp lí, ổn thỏa nhất!
Hết.
Các nguồn tham khảo:
1) Tin Tức, Thông tấn xã Việt Nam (11/07/2016). Cừu Dolly và hành trình 20 năm của nhân bản vô tính – Kỳ 1 | Trần Hồng.
2) Kênh Youtube: Báo KHPT (04/08/2020). Vì sao chúng ta chưa nhân bản vô tính con người?
3) Kênh Youtube: VTV24 (20/12/2018). Nhân bản vô tính - Là tiềm năng hay nguy cơ | VTV24.
4) Tâm Anh Hospital (02/6/2022). Vô sinh nữ: Nguyên nhân, cách chẩn đoán và phòng ngừa.
5) Wikipedia – Bách khoa toàn thư mở. Thích-ca Mâu-ni.
6) Niệm Phật – Xin thưởng niệm A Di Đà Phật. Phim cuộc đời Đức Phật Thích-ca Mâu-ni: Tập 1, Tập 2.
7) Kênh Youtube: Thích Nhật Từ Official (06/4/2019). Vấn đáp: Vì sao tu sĩ không lập gia đình ? | Thích Nhật Từ.
8) Thuyết giảng Phật pháp – Giảng sư – Ni cô, Sư cô (10/5/2023). Tiểu sử sư cô Giác Lệ Hiếu sinh năm bao nhiêu? Ở chùa nào, bao nhiêu tuổi?
9) Báo Thanh niên, Diễn Đàn của Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam (12/4/2023). Sư cô Giác Lệ Hiếu: “Sau đại dịch, nhiều người tìm chỗ dựa đức tin vì chơi vơi, vô thường.”. | Vũ Phượng
10) Giác Ngộ Online – Nguyên San Giác Ngộ (07/9/2018). Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái theo Phật giáo.
11) Kênh Youtube: Chua Ba Vang (14/12/2020). Hiếm muộn, khó có con do nghiệp gì? (Sư phụ Thích Trúc Thái Minh).
12) Kênh Youtube: Bệnh viện Từ Dũ (08/5/2020). VÌ SAO PHỤ NỮ NÊN SINH CON THỨ 2 TRƯỚC 35 TUỔI? - Bệnh viện Từ Dũ.
13) The Asashi Shimbun – National Report (26/9/2022). Of single women, only 36% want to have children after marriage | By RYUICHI HISANAGA/ Staff Writer.
14) VNEXPRESS – Đời sống – Tổ ấm (10/5/2023). Những gia đình quyết không có con | Phan Dương.
15) Kênh Youtube: Nguyễn Hứu Trí (26/8/2022). Lương 8 triệu/tháng, làm sao để MUA NHÀ TRONG 2 NĂM? | Nguyễn Hữu Trí.
16) VNEXPRESS – Đời sống – Tổ ẩm (31/5/2023). Vì sao ngày càng nhiều phụ nữ không muốn có con? | Thu Nguyệt (Theo HuffPost).
17) LAO ĐỘNG – Cơ Quan Của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (16/1/2023). Nhật Bản dẫn đầu thế giới về phụ nữ trung niên không có con | Thanh Hà.
18) THE CONVERSATION – Academic rigour, journalistic flair (03/8/2022). More than 1 in 5 US adults don’t want children | Jo Adetunji (Editor, The Conversation UK).
19) IFS [Institute for Family Studies] (07/12/2022) - 1 in 4: Projecting Childlessness Among Today’s Young Women | Lyman Stone.
20) Báo Thanh niên, Diễn Đàn của Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam (29/8/2022). Hôn nhân đồng giới tại Việt Nam: Góc nhìn luật sư, chuyên gia công tác xã hội | Cao An Biên.
21) VNEXPRESS – Vô sinh hiếm muộn (24/8/2022). Các đôi đồng giới mang thai như thế nào? | Phương Ngọc.
22) VNEXPRESS – Sức khỏe – Tin tức (26/11/2015). Người phẫu thuật chuyển giới sẽ giảm 20 năm tuổi thọ | Nam Phương.
23) ACC – Kiến thức khác về đời sống, xã hội. Sự già hóa dân số Nhật Bản | Hoàng Linh.