IV) Xuất gia tu hành hay bổn phận gia đình? Sư cô Giác Lệ Hiếu – ngọn cờ đầu tiêu biểu đại diện cho nữ giới GenZ giữ giới, thọ giới và xuất gia tu hành

Khi đã nói đến “bất cập” hay “mâu thuẫn”, đó có lẽ là để chỉ những thứ không phù hợp với cái chung. Và cả chỉ những người không có cùng quan điểm với số đông. Tất nhiên là không phải quá nặng nề như những thành phần chống phá mà là những người có đôi lúc không quá đồng tình với những điều mà xã hội vốn đặt nặng và coi là tất yếu, như: trở nên giàu có, lấy vợ gả chồng, sinh con, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó,... Chính vì thế, góc nhìn tiếp theo mình muốn đề cập đó là nếu những người phụ nữ thực sự trong lòng họ không muốn sinh con thì sẽ như thế nào? Đặc biệt là người muốn xuất gia, tu hành.
Tùy từng tôn giáo khác nhau, sẽ có những quy định, những điều lệnh cấm khác nhau. Trong đó, cụ thể hơn, đạo Phật có một điều kiện tiên quyết quan trọng, đó là những người muốn đi tu hoặc xuất gia thì tuyệt đối không được lập gia đình. Đây có lẽ là một điều hết sức bình thường mà chúng ta đã vốn biết từ lâu của đạo Phật. Theo thầy Thích Nhật Từ, Đức Phật cho rằng gánh nặng và bổn phận gia đình cũng như các mối quan hệ chăn gối của vợ chồng sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến người xuất gia và vấn đề tu hành.
Qua đó, người tu hành sẽ không tập trung hết mọi thứ cho việc thiền định cũng như tịnh tâm được. Bởi lẽ, việc ăn chay một phần cũng là nhằm làm giảm ham muốn của con người lại và giúp người xuất gia tăng khả năng tập trung tu hành nhiều hơn. Và tất nhiên, cả nam và nữ đều được phép xuất gia khi chưa lập gia đình. Đến đây, chúng ta ngay lập tức hiểu được vấn đề cốt lõi bên trong. Nhưng phải chăng, tôn giáo lại làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của một gia đình? Nhất là người ba người mẹ của họ đang ngày đêm mong chờ con mình lặp gia đình và sinh cháu ẵm bồng. Nhưng nếu thực sự chúng ta có một người con gái (theo khuôn khổ của bài viết) độ lượng, từ bi, muốn xuất gia để giảng đạo của Phật pháp cho các Phật tử nghe thì sao? Đến đây, chúng ta không thể quên được sư cô Giác Lệ Hiếu, người đã nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Phật học tại Trường đại học Dongguk – ngôi trường Phật giáo lớn nhất Hàn Quốc.
<i>Trường đại học Dongguk – ngôi trường Phật giáo lớn nhất Hàn Quốc. </i>
Trường đại học Dongguk – ngôi trường Phật giáo lớn nhất Hàn Quốc.
Điểm sơ qua về xuất thân, thì ta biết rằng cô được sinh ra trong một gia đình có truyền thống theo đạo Phật. Ngay từ nhỏ, cô đã được ba mẹ cho đi tham dự nhiều buổi Phật pháp nên có một niềm đam mê nhất định với Phật học và cô bắt đầu ăn chay trường từ lúc học lớp Tám. Năm 2010, cô tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Hàn Quốc ở Việt Nam và đi du học Hàn Quốc để đi theo đuổi đam mê của mình. Và khoảng đến năm 2018, cô đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Chuyên ngành Phật học ở bên Hàn Quốc. Cho đến hiện tại, cô là sư cô mang tầm ảnh hưởng một cách tích cực khá lớn đến nhiều thế hệ ở Việt Nam, đặc biệt là thế hệ GenZ và thời điểm sau đại dịch Covid19 chấn động toàn cầu.
Sư cô Giác Lệ Hiếu - Cô đã bảo vệ thành công <i>Luận án Tiến sĩ Chuyên ngành Phật học ở trường Dongguk Hàn Quốc</i>
Sư cô Giác Lệ Hiếu - Cô đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Chuyên ngành Phật học ở trường Dongguk Hàn Quốc
Bởi lẽ, sau đại dịch Covid19, người ta chỉ đành biết dựa vào đức tin hay tín ngưỡng để cầu bình an, vì chính sư cô Giác Lệ Hiếu cũng khẳng định:
“Sau đại dịch Covid19, người ta bất an nhiều hơn”.
Nhưng nếu sư cô đã quyết định theo chánh pháp của Phật là giảng đạo cho các Phật tử, là xuất gia và tu hành, nghĩa là cô quyết định từ bỏ việc lập gia đình, hay cụ thể hơn là vấn đề sinh con. Hiện tại, trên các trang báo vẫn chưa đề cập quá nhiều đến những bất cập giữa cô và gia đình về việc cô muốn đi theo ước mơ của mình. Thông tin mình tìm thấy được là cô từng chia sẻ là ý định xuất gia ban đầu của sư cô có nhận được một chút sự phản đối từ mẹ. Nhưng việc cô theo học chuyên ngành Hàn Quốc học ngay từ những năm đầu mới bước vô Đại học có lẽ đã là một ý định lâu dài cho tương lai sau này của mình trên con đường Phật pháp. Và chính nhờ gia đình có duyên với Phật pháp từ nhỏ, việc cô xuất gia đã là một vấn đề tất yếu mà ba mẹ cô đã chuẩn bị sẵn tinh thần hay hiểu rõ ý định của con gái mình từ rất lâu.
Quay lại vấn đề chính, khi nhìn vô thực tại, chúng thấy và hiểu rằng sư cô Giác Lệ Hiếu là một trong những người đầu tiên đã giơ cao ngọn cờ trong vấn đề học vấn của xuất gia tu hành. Khi cô là sư cô đầu tiên ở Việt Nam lấy được bằng Tiến sĩ ở trường Phật học Dongguk danh giá nhất Hàn Quốc. Không những thế, cô còn giúp đỡ các bậc cha mẹ, những người làm con, các quý Phật tử,… hiểu được các triết lí nhân sinh ở đời, giúp nhiều người tìm được sự thanh tịnh, nhìn nhận bản thân và xa rời những điều sai trái,... Và phải chăng, nếu thực sự sư cô không xuất gia thì cô đã không giảng pháp và giúp đỡ cho nhiều người như thế. Đối với chúng ta, đôi khi mình nhìn thấy đó là sự hy sinh của sư cô đối với người khác khi cô không lo nghĩ gì về hạnh phúc cho riêng mình (cụ thể là yên bề gia thất). Tuy nhiên, cô đã giúp các Phật tử sống thật an lạc và hạnh phúc, giúp họ không sân si hay khổ đau. Nhưng đối với sư cô, đó là một điều tự nguyện, là một niềm đam mê với chánh pháp của Phật giáo ngay từ khi còn bé chứ không phải là điều cưỡng cầu. Để giờ đây, cô đã dùng đam mê đó để đi giúp đỡ và giảng những giáo lí sâu sắc cho người khác.
Thế nên, qua cuộc đời của sư cô, ta cũng nhận thấy rằng ở một góc nhìn nào đó thì việc sinh con đẻ cái ở người phụ nữ không quá bị cưỡng ép, đặc biệt là đối với nữ giới là người xuất gia. Đâu đó trong xã hội, nhiều người không xem việc có con hay thiên chức làm mẹ của người phụ nữ là tất cả, mà họ và cả người thân xung quanh họ lại đặt những giá trị khác cũng cao cả không kém lên trên hàng đầu. Có thể, chúng ta gọi đó là sự hy sinh. Nhưng đối với họ đó là sự can đảm, bản lĩnh khi bản thân dám buông bỏ hết những thứ ở đời thường để xuất gia tu hành rồi có thể phổ độ chúng sanh, giảng pháp và hướng các Phật tử đến một cuộc sống thật an lành và bình yên, điển hình là sư cô Giác Lệ Hiếu và gia đình của cô đây.
Và cốt lõi theo triết lí Phật giáo, mối quan hệ của cha mẹ và con cái là thứ tình cảm thiêng liêng luôn được đề cao và coi trọng. Việc hiếu đạo của con cái đối với cha mẹ là một lẽ tất yếu mà bất kì ai cũng phải thực hiện, thậm chí Đức Phật còn đưa ra các giáo lí để cả cha mẹ và con cái có thể hiếu thuận và hiểu nhau hơn. Thậm chí, lúc sinh thời, các đệ tử của Đức Phật cũng dùng các phước đức do bản thân họ tu tập có được để ban phước cho các thai phụ, các thầy tỳ kheo mong rằng khi thai phụ hạ sanh ra một sinh linh thì sẽ được mẹ tròn con vuông. Ở thời đại này cũng vậy, khi con người ta vô sinh, họ cũng thường tìm đến tín ngưỡng để cầu khấn và nương tựa vào (một trong những tín ngưỡng ấy chắc chắn không thể thiếu đạo Phật). Họ hi vọng rằng sẽ sớm có một mụn con cho gia đình đề huề và ấm cúng. Và quan trọng nhất, việc có con của một cặp vợ chồng phải có duyên và hội đủ ba yếu tố: tinh cha, trứng mẹ và thần thức của đứa con (nghĩa là vong linh phải có duyên nghiệp tái sinh nhập vào, duyên nghiệp tái sinh này phụ thuộc vào kiếp trước vợ chồng có tu tập, làm điều thiện và tích đức hay không).
Theo kinh điển Phật giáo, Thái tử Tất-đạt-đa (tức Đức Phật Thích-ca sau này) đã lấy công chúa Ya-du-đà-la và con một người con trai là La-hầu-la (sau này ông là một trong 18 vị A La Hán).
Tượng La Hán trầm tư - Ông là một trong mười vị đại đệ tử của Đức Phật
Tượng La Hán trầm tư - Ông là một trong mười vị đại đệ tử của Đức Phật
Song, công chúa Ya-du-đà-la đã cầu nguyện các vị Chư thiên (hay Thần linh) ban cho mình một đứa con theo yêu cầu của Vua Tịnh Phạn (cha của Thái tử Tất-đạt-đa). Vì phải làm vậy, vua cha mới cho Thái tử xuất gia tu hành. Vì thế, do nhân duyên hội đủ cùng sự thành tâm cầu nguyện của công chúa, cuối cùng cô đã hạ sanh La-hầu-la. Điều này có nghĩa rằng, theo góc nhìn của tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, việc có con không chỉ phụ thuộc vào người vợ mà còn cần cả các nhân tố bên ngoài và duyên nghiệp người chồng. Chính những nghiệp thiện do mình tu hành hay nghiệp ác do mình gây ra của cặp vợ chồng sẽ là cái duyên để mình được phước báo hay hậu quả về việc có con hay không, hay con sinh ra có bình thường, lành lặn hay không.
Nói đến đây, để chúng ta thấy rằng Phật giáo khá nghiêm khắc trong vấn đề hôn nhân gia đình và sinh con đẻ cái, nhất là phụ nữ chỉ được thọ giới một lần duy nhất trong đời. Nhưng tuyệt nhiên ta không hiểu lầm rằng, Phật giáo bài xích hay không coi trọng việc có con, mà chỉ không cho phép những người xuất gia đã rời bỏ trần tục (hoặc tỳ kheo theo tên gọi người tu hành thời đó) lập gia đình và có con, hoặc ít nhất là phải hoàn thành xong nghĩa vụ của một công dân, một người làm cha làm mẹ đến khi con mình đủ trưởng thành rồi mới được xuất gia. Như ta đã nói ở trên, trách nhiệm gia đình sẽ không làm họ có thể tập trung hết tâm trí và sức lực để tu hành được. Và quan trọng hơn, giờ đây việc sinh con không phải là một thiên chức quá nặng nề của riêng người phụ nữ nữa mà còn liên quan đến sự tu tập, giữ giới của người đàn ông bên cạnh họ. Bởi lẽ, vợ chồng phải không dính hay tạo ác nghiệp thì mới sinh và đón con mình chào đời một cách hạnh phúc được.

V) Độ tuổi thích hợp nhất để có con của người phụ nữ và chính sách Nhà nước ở Việt Nam. Mặt đối lập của việc mong muốn có con ở những người phụ nữ và các dữ/số liệu liên quan.

Bên cạnh góc nhìn của Phật giáo, thì có lẽ vẫn còn có một áp lực khá lớn đặt lên vai người phụ nữ mang thiên hướng chung của cộng đồng, thậm chí là mang thiên hướng quy hoạch, tổ chức xã hội và chính sách nhà nước. Và thứ mình muốn nói tới đó chính là thời điểm nên có con và sinh con của người phụ nữ. Ngày 28/04/2020, Cựu Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành quyết định 588 liên quan đến việc phê duyệt chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Trong đó, có một nội dung rất quan trọng đó là Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ hai trước 35 tuổi.
Theo Bác sĩ CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cuộc sống của một người phụ nữ từ khi sinh ra đến khi qua giai đoạn mãn kinh là có từ 300.000 – 400.000 trứng, số lượng noãn nang cũng tương tự số lượng trứng. Sau đó, các noãn nang đó sẽ lớn lên từ từ theo thời gian cùng với người phụ nữ. Mỗi tháng sẽ có 1 – 2 noãn nang được rụng để phát triển thành noãn nang trưởng thành, nếu có quan hệ tình dục ở thời điểm đó thì người phụ nữ sẽ có thai. Và tất nhiên, các noan nãng sẽ giảm đi số lượng, chất lượng và rụng đi từ từ theo thời gian.
Song, theo các thống kê và nghiên cứu hiện tại, sau 35 tuổi trở đi, người phụ nữ sẽ tụt dốc và thoái triển trong vấn đề thụ thai của mình. Nên là, bác sĩ khuyên rằng nếu ai thực sự muốn có được thiên chức làm mẹ thì có thai trước độ tuổi 35 là độ tuổi trọn vẹn nhất. Vì sau 35 tuổi, người phụ nữ không những khó mang thai hơn các độ tuổi khác mà còn dễ mắc các bệnh nền liên quan đến việc sinh nở nói chung, và tỉ lệ con sinh ra bị mắc các dị tật bẩm sinh sẽ cao hơn so với các độ tuổi trẻ hơn. Chưa kể, nếu sinh con gặp trở ngại, người phụ nữ còn phải làm nhiều xét nghiệm lâm sàng mang tính rủi ro và tiền bạc khá cao.
<i>Bác sĩ CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ</i>
Bác sĩ CK2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ
Vậy vấn đề mình muốn nói chính là việc có con đã được nhà nước quan tâm hơn khá nhiều, vì nó có ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và tình hình dân số của một xã hội hay một đất nước. Tuy rằng, chính sách này chỉ mang tính chất khuyến khích và coi trọng sức khỏe của phụ nữ và thai phụ, nhưng rõ ràng thực tế cho thấy việc yên bề gia thất ở độ tuổi U30 đối với nhiều người vẫn là một thứ gì đó nó quá là xa xỉ, chứ đừng nói đến vấn đề sinh con rồi nuôi con.
Về phía phụ nữ, đây có lẽ luôn là bài toán khó nhằn của người vợ cùng với người chồng của mình. Không những phải chi li trong gánh nặng kinh tế, người vợ còn là người có nhiệm vụ chủ chốt trong việc xây dựng tổ ấm và chăm sóc cho gia đình của bản thân mình. Bên cạnh đó, việc có một căn nhà đúng nghĩa thực sự để con mình êm ấm cũng là một điều khó để thực hiện toàn tâm toàn ý được (trừ khi gia đình hai bên quá giàu có hoặc đã có cơ ngơi từ trước). Và đâu đó, chính chính sách khuyến khích này do Nhà nước ban hành vô tình lại trở thành một gánh nặng khác đè lên vai người phụ nữ nữa!
Tuy nhiên, đối với cuộc sống xung quanh và các mối quan hệ mình biết, vẫn có rất nhiều người sinh con sau 35 tuổi hoàn toàn bình thường và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của kể cả mẹ lẫn con. Đến đây, cũng có người bảo rằng: “Hồi xưa, chiến tranh triền miên như thế nhưng ông bà ta vẫn sinh đẻ bình thường, thậm chí là rất nhiều, một gia đình có thể lên tới 5; 6 con thậm chí là chục con mà có bị gì hay than thở gì đâu!”.
Nhưng, mỗi thời mỗi khác, chúng ta đều biết rằng cái gốc của đất nước ta phát triển lên là từ nghề nông và cần rất nhiều nguồn lao động chính, và đơn giản nhất là sinh con đẻ cái. Chưa kể, khi ấy là vào thời chiến, lực lượng ở tiền tuyến rất cần nguồn nhân lực dồi dào để bổ sung vào quân ngũ và đứng ra bảo vệ Tổ quốc. Hay là, khi xưa ông bà ta cũng có quan điểm trời sinh voi sinh cỏ, nghĩa là ta cứ sinh thoải mái rồi tự khắc nó cũng sẽ có cách để sống được thôi. Bên cạnh đó, chính sách nhà nước thời đó cũng chưa thực sự quá can thiệp sâu vào vấn đề sinh đẻ này vì dân số ta từ năm 1969 – 1975 chỉ dao động đâu đó từ trên 40 triệu – dưới 50 triệu dân mà thôi. Quan trọng nhất, đó là nhận thức trong việc kiểm soát số lượng sinh con của người dân nước ta vẫn còn hạn chế (mình sẽ nói thêm ở phần dưới).
Quay lại vấn đề, vậy thì việc nhanh chóng kết hôn ở độ tuổi trước 30 và có đứa con thứ hai ở độ tuổi trước 35 liệu rằng có phải là một điều gì đó có phần hơi bắt ép và khó khăn? Theo mình, thì nó không khó khăn; nhưng chỉ trừ phi các mối quan hệ của chúng ta được thực sự dung hòa từ hai bên gia đình cũng như cặp vợ chồng đều biết tính toán và lên kế hoạch dài hạn một cách hợp lý. Bởi vì, có lẽ một trong các vấn đề lớn nhất mà ảnh hưởng đến sự thành bại, hạnh phúc của một hôn nhân đó là vấn đề gia thế và tiền bạc. Nhưng thường khi chúng ta giải quyết được mâu thuẫn một trong hai, thì cái còn lại tự khắc sẽ giải quyết được dễ dàng. Bằng chứng là, anh Nguyễn Hữu Trí – một trong những diễn giả được yêu thích nhất Việt Nam cũng từng chia sẻ cách để làm sao giúp chúng ta mua nhà trong 2 năm, và bản thân mình thấy nó khả thi và thực tế.
Tất nhiên, những gì chúng ta chia sẻ và bàn luận ở trên cũng chỉ đơn thuần là lý thuyết. Nhưng ít nhất, chúng ta hiểu rằng ta không bất lực đến mức mù mờ và không thể hoạch định cho tương lai mình, hay thiên chức làm mẹ của bản thân nó quá xa vời tầm tay. Chính nhờ thế, vợ chồng và cả hai bên gia đình nội ngoại cũng dễ dàng san sẻ, thông cảm cho các khó khăn với nhau để cùng vượt qua. Và đó là khi nếu trong tâm mình thực sự mong muốn được đảm nhận chức trách thiêng liêng ấy, là làm một người phụ huynh nói chung hay làm một người mẹ nói riêng.
Vậy còn mặt đối lập của vấn đề này thì sao? Theo mình thấy, mâu thuẫn của nó cũng tương đối lớn. Bởi vì theo nhiều khảo sát cho thấy, vấn đề mong muốn không sinh con của nhiều người phụ nữ nói riêng hay các cặp vợ chồng nói chung cũng chiếm những con số không hề nhỏ. Điều này theo góc nhìn của mình, không phải là một điều tiêu cực, đơn giản nó chỉ là mong muốn của người dân của một đất nước và nó là mặt đối lập của vấn đề chính mình đang nói tới. Ít nhất, chúng ta cũng cần phải điểm qua cũng như xem sơ những lí do và khảo sát mình tìm thấy với đọc được. Để ta thấy, thông cảm và hiểu rằng bản chất của việc không muốn có con nó diễn ra như thế nào! Một số dữ/số liệu như sau:
1) Năm 2018, số trẻ sinh ở Mỹ đạt mức thấp nhất trong 32 năm và từ đó đến nay tiếp tục giảm. Theo các nhà nhân khẩu học và xã hội học, dù đại dịch Covid-19 khiến mọi người phải ở nhà nhiều, tỷ lệ sinh vẫn khó tăng lên.
2) Caroline Sten Hartnett, Phó Giáo sư nhân khẩu học và xã hội học tại Đại học South Carolina (Mỹ) nhận định: "Tôi nghĩ ngày nay, nhiều người ý thức được rằng có con kéo theo những thách thức". Các báo cáo của bà chỉ ra phụ nữ Mỹ muốn có trung bình 2,6 đứa trẻ nhưng chỉ đẻ 1,73. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí nuôi dưỡng trẻ quá cao, bấp bênh về tài chính và không được nghỉ phép có lương.
3) Trình độ học vấn cũng ảnh hưởng đến quyết định có con. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 7% phụ nữ chưa tốt nghiệp cấp ba không sinh con. Tỷ lệ này tăng gấp đôi ở nhóm phụ nữ đã tốt nghiệp cấp ba và có trải nghiệm đại học. Đối với nhóm phụ nữ tốt nghiệp cử nhân trở lên, khoảng 20% không sinh con. Bên cạnh đó, phim Idioracy (2006) cũng đã nói lên rằng phụ nữ càng có học thức cao càng không muốn có con, và ngược lại phụ nữ lao động thường sinh rất nhiều con nhưng kinh tế tài chính lại không đủ đáp ứng cho việc nuôi dạy con trẻ.
4) Beverly Yuen Thompson, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Siena (Ý) cũng cho biết: "Người học càng cao càng ít có con".
5) Một nghiên cứu năm 2018 chỉ ra ở Mỹ, phụ nữ đã kết hôn và có con ít hạnh phúc hơn phụ nữ đã kết hôn nhưng không có con. Các công trình cũng chỉ ra rằng phụ huynh Mỹ có cách biệt hạnh phúc lớn nhất so với người không có con do nước này thiếu các chính sách giúp đỡ như trợ cấp chăm sóc trẻ em, nghỉ phép có trả lương.
6) Tại Hàn Quốc theo công bố mới nhất tổng tỷ suất sinh (TFR - số con sinh ra trong suốt thời kỳ sinh đẻ của phụ nữ) chỉ còn 0,78 con mỗi phụ nữ - thấp nhất thế giới. Tại Trung Quốc năm 2022 lần đầu tiên ghi nhận dân số giảm sau 60 năm và TFR là 1,15 con mỗi phụ nữ.
7) Nghiên cứu Thế hệ trẻ Việt Nam năm 2020 của Hội đồng Anh chỉ ra giới trẻ Việt coi trọng sự nghiệp hơn gia đình, kết hôn (30%), kết hôn muộn, nhu cầu sinh con giảm.
8) Số liệu năm 2022 của Tổng cục thống kê cũng chỉ ra người Việt đang ngày càng ngại sinh đẻ, nhất là TP HCM chỉ đạt 1,39 con mỗi phụ nữ, trong khi mức sinh thay thế cần thiết là 2,1 con. Tỷ lệ sinh của Việt Nam năm 2022 là 2,01 con, thấp nhất kể từ 2018.
9) Tại Nhật Bản, 27% phụ nữ sinh năm 1970 chưa từng sinh con, theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đây là tỉ lệ lớn nhất trong số 17 quốc gia có dữ liệu so sánh, gần với Nhật Bản nhất là Phần Lan với 20,7%. Áo và Tây Ban Nha lần lượt xếp thứ ba và thứ tư. Dữ liệu của OECD không bao gồm Đức, nhưng số liệu thống kê chính thức của Đức cho thấy, 21% phụ nữ sinh năm 1969 vẫn chưa có con.
10) Rie Moriizumi, nhà nghiên cứu cấp cao người Nhật tại IPSS, nhận thấy phụ nữ Nhật Bản vẫn không có con do khó kết hôn, không muốn có con, trì hoãn việc có con hoặc do vô sinh hoặc vì lý do sức khỏe khác.
11) Một cuộc khảo sát của viện nghiên cứu quốc gia cho thấy tỷ lệ phụ nữ độc thân tin rằng những người đã kết hôn nên có con giảm gần một nửa so với năm 2015. Chỉ 36,6% phụ nữ độc thân trong độ tuổi từ 18 đến 34 tin rằng những người đã kết hôn nên có con, một cuộc khảo sát năm 2021 cho thấy, giảm gần một nửa so với 67,4% sáu năm trước đó. Con số tương ứng đối với nam giới được hỏi đã giảm xuống 55% từ 75,4% vào năm 2015, theo kết quả của Khảo sát khả năng sinh sản quốc gia do Viện nghiên cứu an sinh xã hội và dân số quốc gia công bố ngày 9 tháng 9.
12) Fujinami, một chuyên gia người Nhật về vấn đề tỷ lệ sinh giảm, cho biết: “Mong muốn kết hôn và sinh con giảm đáng kể, đặc biệt là ở phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ không tin rằng họ sẽ kết hôn trong đời cũng tăng nhiều hơn so với nam giới.”
13) Theo trang The Conversation, trong một nghiên cứu năm 2022, với 1.500 người trưởng thành ở Michigan (tiểu bang Hoa Kỳ), chúng tôi nhận thấy rằng 21,64% người lớn không muốn có con và do đó chọn cách không có con. Mặc dù cuộc khảo sát của chúng tôi không mang tính đại diện trên toàn quốc, nhưng Cuộc điều tra dân số năm 2021 cho thấy Michigan có đặc điểm nhân khẩu học tương tự như toàn bộ Hoa Kỳ về độ tuổi, chủng tộc, trình độ học vấn và thu nhập. Nếu mô hình mà chúng tôi đã quan sát thấy ở Michigan phản ánh xu hướng quốc gia, thì điều đó có nghĩa là 50 triệu đến 60 triệu người Mỹ trưởng thành không có con.
14) Theo thống kê của Bộ Y tế Nhật Bản, tỷ lệ sinh con ở Nhật đã bắt đầu giảm mạnh vào cuối những năm 1970.
Và quan trọng không kém, theo bài viết “1 in 4: Projecting Childlessness Among Today’s Young Women” của IFS (Viện Nghiên cứu gia đình của Mỹ) khẳng định mạnh mẽ rằng tình trạng không có con đang gia tăng ở Mỹ, đó là một sự gia tăng khó có thể dừng lại trong tương lai gần do tỷ lệ sinh con đầu lòng đang giảm và tỷ lệ độc thân đang gia tăng. Bên cạnh đó, tỷ lệ không có con gia tăng không phải vì những phụ nữ không có con thúc đẩy họ như một trào lưu của sự độc lập và không ràng buộc; vì rất ít phụ nữ muốn kết thúc cuộc đời của mình mà không có con cháu hay trẻ em xung quanh (điều này cũng dễ hiểu và có thể lí giải bằng thiên tính quan tâm, lo lắng cho con cháu của người mẹ, người bà).
Song, theo nghiên cứu, họ lí giải rằng việc phụ nữ không muốn có con là vì phụ nữ có ít con hơn họ mong muốn. Nghe có vẻ vô lí nhưng bài viết tiếp tục cho rằng đây không phải là vấn đề dân số, mà chính là vấn đề chủ chốt dẫn đến những sự bất thường trong đời sống gia đình của người phụ nữ và người đàn ông trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng ở Mỹ. Chính điều này đã dẫn đến việc họ dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, mà không chịu vun đắp cho nó và rời xa gia đình mà mình hằng mong ước. Ta cũng có thể tạm hiểu là việc có con sẽ không được “thực hiện” nếu đời sống vợ chồng của người đàn ông và phụ nữ không được đồng bộ với nhau.
Còn nữa...