Sinh con: Thiên chức của người mẹ hay Áp lực của xã hội đặt lên vai người phụ nữ? (Phần 1)
Bài viết thể hiện nhiều góc nhìn về việc sinh con ở phụ nữ
I) Lời nói đầu
Đây sẽ là bài đầu tiên của mình đăng lên Spiderum. Đọc tiêu đề mọi người cũng biết và hiểu rõ rằng đây là vấn đề không mới. Quan trọng hơn, có lẽ chính vì nó không mới và vẫn luôn âm ỉ tồn tại trong xã hội, thời đại đang thay đổi như vũ bão như thế này nên ít nhiều gì chủ đề này vẫn còn nhiều thứ bất cập cũng như có nhiều điều để chúng ta cần cùng ngồi xuống bàn luận với nhau. Mình cũng từng đọc vài bài tương tự, nhưng đa số họ đều bị nhận lại những ý kiến trái chiều khá nhiều. Và quan điểm trái chiều mà mạnh mẽ nhất đó là
“Cơ thể của mỗi người chúng ta thì chỉ riêng chính do mỗi người chúng ta có quyền tự quyết định mà thôi”.
Và nếu đã đề cập đến câu nói này, thì có lẽ những gì mình sắp viết dưới đây đều là vô nghĩa hết! Nhưng thực sự là có đúng như vậy không? Liệu rằng chỉ đơn giản bằng câu nói: “Tôi muốn sinh con hay không là quyền của tôi!!” thì có nêu lên được nhân quyền của người phụ nữ không? Hay có giải quyết được tất cả những bất cập, định kiến và mâu thuẫn giữa các mối quan hệ trong xã hội hiện tại đối với sự gượng ép ấy hay không?
Xã hội là nơi chúng ta dung hòa với nhiều mối quan hệ lại với nhau, từ đó sẽ có cách ứng xử và thể hiện sao cho phù hợp với từng mối quan hệ ấy, và gia đình là một trong những mối quan hệ để ta đáng lưu tâm nhất. Vì đó như là một “xã hội thu nhỏ”; và nhiều “xã hội thu nhỏ” như thế sẽ tạo thành một “xã hội lớn”. Song, “xã hội lớn” đó chính là một đất nước, hay chính là một nền văn hóa. Nhà nước cũng liên tục đặt ra các chính sách liên quan đến vấn đề sinh con và số lượng con sinh, chứ chưa bao giờ khuyến khích người dân không nên sinh con.
Vấn đề đặt ra là dường như chúng ta vẫn chưa thực sự làm chủ được các mối quan hệ giữa những người trong đình, và từ đó dẫn đến hệ lụy về vấn đề “sinh con”. Ai cũng có hai gia đình, một gia đình lớn (có cha mẹ, ông bà, cô chú và những người lớn nói chung) và một gia đình nhỏ (chỉ có chồng con). Chính điều này, đâu đó đã dẫn tới khái niệm gọi là “niềm vui tuổi già” ở một vài gia đình. Nghĩa là sự sinh con, sự chào đời của một sinh linh mới lại được một số người có tuổi (hay lớn tuổi) nói chung trong gia đình lấy làm niềm vui khi họ về già. Ngoài điều ấy ra có lẽ họ có rất ít những thú vui, niềm vui khác; nhất là những gia đình luôn hối thúc con cái của mình nhanh chóng tạo lập thành công ra một “gia đình nhỏ” mà mình đã nhắc ở trên.
Nhưng phải chăng “gia đình nhỏ” thực sự cần sinh “con” mới tạo ra được hạnh phúc cho chính bản thân họ không? Và bao dung hơn, họ nhất thiết phải có bổn phận tạo ra hạnh phúc cho “gia đình lớn” bằng cách sinh con không? Liệu rằng chính vì thế; có phải con cháu đích thị là niềm vui của ông bà, cha mẹ chúng ta? Sâu xa hơn, đó có phải là một hình thức duy trì nòi giống của con người hay duy trì dân số đất nước? Nhằm để con cháu mình sẽ chăm sóc mình lúc mình già yếu; hoặc chí ít để chúng biết mình là ai, biết nhớ về cái cội nguồn, biết người đã sinh ra chúng và thờ cúng nếu chúng ta mất sau này. Đó từ lâu luôn là truyền thống hiếu đạo của con người chúng ta!
Và khi đã nhắc đến vấn đề “duy trì nòi giống” với nuôi dạy con, nếu ai đó hỏi thì bản thân mình sẽ đánh giá đó là một hành động ý nghĩa và gắn kết với nhiều mặt trong xã hội để “tạo” ra một con người và nhân cách của con người (quan hệ vợ chồng, họ hàng, phụ huynh – thầy cô, sếp – nhân viên,...). Và tất nhiên, sau này đứa con đó trưởng thành (nếu được nuôi dạy tốt và đúng cách) thì sẽ là người có ích cho xã hội. Nói thế thì nghĩa là mình đang khuyên mọi người nếu đủ điều kiện nuôi con thì hãy nên và thậm chí là phải sinh con đúng không? Tất nhiên là không! Vì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh; đó là điều không thể tránh được trong xã hội hiện tại và hiện đại. Vì thế, trước khi đưa ra ý kiến để kết luận điều gì, cũng như để có những góc nhìn riêng cho chính mình thật đúng đắn; thì chúng ta hãy cùng điểm qua những vấn đề, những câu chuyện mà mình sắp chia sẻ dưới đây! Đó là những câu chuyện, vấn đề mà ít nhiều bản thân mình cũng được nghe, nhìn thấy, có tham khảo nhiều nguồn và thậm chí là đã từng chứng kiến, cùng trải qua với người thân, người quen hay họ hàng.
II) Cừu Dolly – Mối quan hệ giữa thiên chức làm mẹ và sinh sản vô tính
Ngày 05/7/1996, giới khoa học đã được một phen chấn động khi Nhà khoa học người Anh Ian Wilmut và Nhà sinh vật học người Anh Keith Campell đã nhân bản vô tính thành công một động vật có vú từ tế bào Soma. Đó là cừu Dolly.
Ở đây, mình sẽ không bàn đến quá trình nghiên cứu của hai người đó như thế nào. Song, vấn đề mình thực sự muốn đề cập đến đó là ý nghĩa về việc nhân bản vô tính ở động vật, và đặc biệt là ở người. Đây cũng không phải là một vấn đề mới, mà nó đã tồn tại từ lâu trong giới khoa học. Đi cùng đó là nhiều sự tranh cãi về vấn đề đạo đức của các thí nghiệm cũng như hệ quả của việc nhân bản này. Ở động vật, việc nhân bản vô tính thành công được hai nhà khoa học chia sẻ là chỉ từ 0,36%. Rồi khi thành công, tỉ lệ được họ công bố cũng chỉ tăng từ 10% đến 20% và số lần thí nghiệm thất bại của họ là gần ba trăm. Nhưng cái đáng nói là những tế bào, phôi thai được thí nghiệm trong quá trình nghiên cứu mà thất bại thì chúng sẽ không sống được. Chính vì lẽ đó, điều này đã bị Liên Hợp Quốc tuyệt nhiên cấm thử nghiệm trên con người. Vì theo lí thuyết nhân bản con người, chúng ta chỉ cần làm theo như nhân bản cừu Dolly là xong, nghĩa là người mang thai hộ (là phụ nữ) và tế bào nhân bản cũng phải chấp nhận rủi ro cao về tử vong. Lí do là vì một số phôi thai có thể bị hỏng trước khi được cấy ghép, hoặc bị sảy. Dù có sinh được ra đứa con thì đứa bé ấy cũng sẽ bị dị tật hay chết ngay sau đó. Nếu chỉ xét riêng về khía cạnh đạo đức, chúng ta không có gì phải bàn vì đây là thứ chắc chắn không thể chấp nhận được.
Giáo sư người Mỹ Jose Cibelli của chuyên ngành Công nghệ Sinh học động vật ở Đại học bang Michigan (Mỹ) từng lên tiếng về vấn này rằng:
“…Đứa trẻ và người mẹ mang phôi thai nhân bản vô tính chắc chắn ít nhiều sẽ bị tổn thương.”
Chốt lại quan điểm trên, chúng ta có thể hiểu rằng dù không phải con do chính cùng người chồng (bạn trai) của mình tạo ra nhưng người phụ nữ luôn có một sợi dây mãnh liệt để kết nối với phôi thai, hay con của mình. Và dù có hạ sanh thành công đứa con “nhân tạo” ấy thì có lẽ nó cũng sẽ từ giã người mẹ chỉ một thời gian ngắn ngủi sau đó. Những nỗi đau mất mát này, sao một người mẹ mang nặng đẻ đau có thể chịu đựng được! Cũng đơn giản như việc, nhiều cặp đôi đi quá giới hạn và dẫn đến việc người bạn nữ có thai trong một điều kiện kinh tế khó khăn của hai bên gia đình. Trong những hoàn cảnh khó đưa ra quyết định như thế, “phá thai” luôn là một ý nghĩ chắc chắn sẽ thoáng qua đâu đó trong đầu giữa cặp nam nữ. Ngay lúc ấy, có lẽ người muốn giữ lại sự sống cho đứa bé thường vẫn nghiêng về phía các bạn nữ vô tình “bị” mang thai nhiều hơn. Hành động đó như là chặt đứt phăng đi sợi xích tình cảm đã liên kết một cách bền chặt và linh thiêng giữa mẹ và con vậy! Đó là lí do vì sao sinh con luôn là thiên chức của người mẹ ở hầu hết các loài sinh vật, nhất là con người.
III) Vô sinh ở nữ - Thiên chức làm mẹ bị “tước đoạt” và các mâu thuẫn xã hội xoay quanh
Ở vấn đề thứ hai mình sắp chia sẻ sẽ liên quan ít nhiều đến vấn đề hôn nhân và cách chúng ta kiên định đối mặt với những bất cập của xã hội nhiều hơn, đó là câu chuyện “Vô sinh”. Tất nhiên, đây cũng là một vấn đề không mới, nó cũng là thứ khiến nhiều gia đình phải lời ra tiếng vào giữa hạnh phúc của các thành viên và gây nên sự buồn tủi của cặp vợ chồng. Nhưng với đúng tinh thần của bài viết là vấn đề có nên sinh con ở người phụ nữ, mình xin phép mọi người là sẽ chỉ bàn xoay quanh về vấn đề vô sinh ở nữ.
Bởi vì, việc vô sinh ở nam lại dẫn đến nhiều câu chuyện khác, và nó khiến những câu chuyện trong bài viết mà mình muốn chia sẻ đến người đọc nó không đi đúng hướng mình mong. Tiếp tục quay về vấn đề người phụ nữ, nguyên nhân lớn nhất đơn giản gây vô sinh ở họ là Buồng trứng và Tử cung có vấn đề, khiến họ không thể mang thai. Tuy nhiên, không phải ta nói miệng vài ba từ vậy là xong. Điều ta cần quan tâm ở đây đó là người chồng và hai bên gia đình của người phụ nữ đối mặt với chuyện ấy như thế nào. Bởi lẽ, giờ đây thứ chúng ta đang gọi là “thiên chức” ấy lại chính là một gánh nặng đầy đau đớn đè lên vai người phụ nữ.
Để dễ hình dung hơn vấn đề đau đớn ấy, câu chuyện sau đây sẽ giúp mọi người hiểu và cảm thông nhiều hơn. Ở thế kỉ V, trước Công Nguyên; vua Tịnh Phạn của thành Kapilatuv (thuộc tỉnh Lubini, miền nam Nepal ngày nay) mong muốn có một người con trai để nối dõi ngai vàng của mình. Nhưng ông lấy hoàng hậu Maya được hơn 20 năm lại chẳng hạ sanh được ai. Vì tuổi thân hoàn cảnh trớ trêu ấy của mình nên bà đã đề xuất với vua Tịnh Phạn rằng là hãy lấy em gái bà là Prajapati làm hoàng phi (vợ thứ), may ra mới có thể sinh được thái tử mà nối dõi tông đường. Ban đầu, ông có vẻ không đồng ý với đề xuất ấy vì ông rất thương yêu vợ mình. Nhưng vì hoàng hậu Maya yêu cầu ông nhiều lần; nên cũng vì thương vợ và nghĩ đến người nối dõi sau này, ông đã chấp nhận đề xuất ấy. Tuy nhiên, kể cả khi lấy em gái bà làm vợ, Prajapati cũng chẳng sinh được người con nào. Chính vì điều này, cả hai chị em hoàng hậu Maya đều trách bản thân mình quá vô dụng.
Chỉ vì một việc tất yếu này thôi nhưng mình cũng không làm chồng hài lòng được. Còn về phần vua Tịnh Phạn, ông cũng đau buồn khôn xiết, vì cả ngay người vợ thứ cũng không sinh con được cho mình thì ông nghĩ lỗi chắc chắn thuộc về bản thân. Mãi về sau, khi đến đúng thời điểm, thần linh mới cho hoàng hậu Maya hạ sinh một người con ở rừng Lubini (gần quê hương bà). Đó là Thái tử Tất-đạt-đa, là người đã lĩnh hội được Chánh đạo và trở thành Thích Ca Mâu ni Phật sau này.
Nhưng điều đáng nói là, lúc người hầu cận của hoàng hậu chạy về kinh đô Kapilatuv báo tin cho vua Tịnh Phạn nghe bà đã hạ sanh thái tử, ông đã vui mừng khôn xiết. Vui đến nỗi mà ông muốn mở tiệc ăn mừng khắp kinh đô ngay lập tức và ban thưởng cho người hậu cần ấy tất cả những gì ông ta muốn, KỂ CẢ NGÔI VỊ của mình, chỉ vì ông đã báo tin thái tử hạ sanh về kinh đô cho nhà vua nghe.
Khép lại trích đoạn truyện trên, chúng ta hiểu rằng vấn đề sinh đẻ nó quan trọng và ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề lớn khác trong xã hội đến nhường nào, nhất là các tầng lớp quý tộc xưa. Đó là ta chưa kể đến các vấn đề hôn nhân chính trị để tăng tình giao hữu giữa hai thế lực; Lưu Bị lấy em gái của Tôn Quyền để liên kết hai nhà Tôn Lưu chống Tào là một minh chứng. Quay lại vấn đề không thể sinh con, biết rằng xã hội ngày nay đã dần chấp nhận được vấn đề đó nhưng sự tuổi thân, lo lắng và thậm chí là mâu thuẫn giữa vợ chồng, hai bên nội ngoại vẫn còn xuất hiện đâu đó trong những góc khuất mà ta đôi khi không nhìn thấy được. Song, những điều ấy vẫn còn len lỏi đâu đó trong nội bộ gia đình, họ hàng ở những phút giây ban đầu; nhất là khi chúng ta bàng hoàng vì vừa biết được vấn đề khá sốc và đau buồn đó.
May mắn thay, phương pháp đơn giản nhất mà ta có thể giải quyết vấn đề này đó là nhận con nuôi. Đây có lẽ là một hành động cực kì nhân văn mà KHÔNG CÓ KHOA HỌC VÀ Y TẾ TÁC ĐỘNG VÀO, với lại theo mình nó giải quyết được ba vấn đề lớn của xã hội và nội bộ gia đình. Thứ nhất, là giúp đứa trẻ được nhận nuôi không bị tuổi thân với xã hội vì mang tiếng là không người thân hay không ai nương tựa. Thứ hai, là có thể khiến gia đình thật sự “tròn trịa” và hạnh phúc mỗi khi chúng ta đề cập; đơn giản chỉ là có đủ các thế hệ thành viên: ba mẹ, con cái hoặc có cả ông bà. Thứ ba, cũng là cái quan trọng nhất, là giảm thiểu tối đa bất cập giữa cha mẹ của vợ chồng và họ hàng. Như việc cứ đến bữa cơm, gia đình bên nội lại lấy vấn đề tế nhị này ra để chì chiết con dâu của họ. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, nếu chúng ta vẫn thực sự muốn có một đứa con ruột do bản thân mình sinh ra nhằm nối dõi tông đường và yên bề gia thất, thì hiện tại vẫn có cách. Mọi người cũng biết khoa học ngày càng phát triển, nên hiện tại chúng ta mới có một ngành nghề được gọi là “Bác sĩ hiếm muộn”; là nghề dùng khoa học, y tế nhằm can thiệp vào chuyện sinh lí con người để giúp những gia đình từ không thể sinh con một cách tự nhiên thành có thể sinh con.
Nhưng trên thực tế, vẫn là về phía vô sinh nữ, không phải 100% các ca “vô sinh” thì đều có thể giải quyết hoàn toàn bằng y học được và không phải lúc nào cũng có sẵn con nuôi để ta nhận, dù kể cả đó là số ít. Chưa kể có nhiều vấn đề về mặt pháp lý khiến ta không thể nhận đứa bé mà ta muốn về làm con nuôi (người nhận nuôi đang bị hạn chế quyền cha mẹ, đang chấp hành phạt tù, ngược đãi ông bà cha mẹ, hành hung trẻ em,…). Và đây đúng là một sự tuyệt vọng và gánh nặng đè “nát” luôn đôi vai người phụ nữ sau khi mình đã chạy chữa hay tốn tiền biết bao nhiêu cách. Đây chính là lúc bản thân mình muốn lên tiếng nhất.
Song; Thạc sĩ, Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, thành viên của Đơn vị hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức (IVFMD) cũng từng chia sẻ:
"Ở Việt Nam có gia đình gần như phải đồng nghĩa với chuyện có con. Tất cả gia đình chỉ còn là chuyện đứa con, nếu không có đứa con không tồn tại gia đình".
Mới nghe thôi là thấy mình đã áp lực vì ta đã không “vận hành” đúng cái định nghĩa chuẩn vốn có của “gia đình” rồi. Nhưng riêng bản thân mình thấy, sự hạnh phúc của một cặp vợ chồng không chỉ đến riêng từ niềm vui con cái hay tạo ra một sinh linh mới mà còn do chúng ta biết trân trọng đối phương và mang lại hạnh phúc cho nhau như thế nào. Điển hình nhất vẫn là cặp vợ chồng nghệ sĩ Trấn Thành – Hariwon.
Dù biết rõ trước khi cưới hỏi, vợ mình có khả năng sinh con là rất thấp nhưng cho đến hiện tại, hạnh phúc hôn nhân của cặp vợ chồng vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Thậm chí, mỗi lần giới báo chí “tấn công” anh về vấn đề sinh con này, anh đều tinh tế để lái qua chuyện khác và không trả lời thẳng thắn nhằm gây đau lòng vợ mình. Thế nên, cái quan trọng nhất vẫn là sự hạnh phúc của cặp vợ chồng dành cho nhau, nói thế không có nghĩa là việc có con không quan trọng đối với cuộc sống hôn nhân (bởi lẽ đây cũng là việc nhà nước cũng đốc thúc khá nhiều). Song, chúng ta có lẽ cần nên “nới lỏng” sự khó tính về việc đặt ra tiêu chuẩn xã hội trong việc “có con mới là hạnh phúc”; cũng như giảm thiểu tối đa những lời gièm pha, trách mắng đè “nát” luôn đôi vai của người phụ nữ. Đó mới thực sự là hạnh phúc và sự bao dung mà con người ta cần hướng tới.
Còn giờ, để chốt lại quan điểm trên, chúng ta hiểu rằng vấn đề không thể sinh con ở người nữ nếu xét theo hệ quy chiếu của tiêu đề mình đưa ra thì nó vẫn là một thứ “nhẹ nhàng”. “Nhẹ nhàng” ở đây không phải là mình coi thường việc khát khao có con của người làm cha làm mẹ hay gánh nặng sinh con đặt lên vai người phụ nữ; mà “nhẹ nhàng” ở đây nghĩa là dù đó là một áp lực vô hình khá lớn đè nặng lên vai người phụ nữ với các mối quan hệ ràng buộc (con gái, con dâu, cháu, em chồng,…) xung quanh, nhưng nó có nhiều cách giải quyết chứ không phải đến nỗi là ta bất lực không thể làm gì.
Giải quyết theo mặt pháp luật là nhận con nuôi hay theo mặt y tế, khoa học là chữa trị hiếm muộn, sử dụng thuốc nam/bắc; thậm chí là tu tập tích đức để mong thần linh phù hộ cho có con (mình sẽ nói thêm ở phần dưới). Vì thế, như đã nói ở trên, ở góc nhìn này mình đặt ra, không phải người nữ họ “không muốn có” mà họ “không thể có”. Bởi lẽ, cái bất cập và mâu thuẫn nhất trên đời là giữa ý muốn bản thân mình với các định kiến của gia đình, xã hội. Có thể, nó không vi phạm đạo đức hoặc pháp luật, nhưng nó lại đi ngược lại với tiêu chuẩn vốn có từ lâu mà chúng ta (xã hội) đã đặt ra. Và chỉ khi người phụ nữ bình tĩnh, suy nghĩ thật thấu đáo và sống cho chính mình; cũng như có sự hỗ trợ, an ủi hết mình từ phía người thân, đặc biệt là người chồng thì mới có thể dễ dàng vượt qua những thứ khó khăn, rào cản của xã hội giống như vậy được; dù cho đó là vấn đề “vô sinh”.
Còn nữa...
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất