Còn nhớ tại sự kiện Gamescom 2014, "đạo diễn game tài ba" Hideo Kojima đã kết hợp cùng "đạo diễn phim tài ba" Guillermo Del Toro để ra mắt game thủ siêu phẩm mới mang tên Silent Hills và một bản demo ngắn có tên P.T. Khỏi phải nói, bản Silent Hills này dù được làm dưới góc nhìn thứ nhất nhưng lại làm tôi nhớ rất nhiều đến Silent Hill 2.

Chỉ sau vài ngày, Silent Hills đã tạo nên sự cuồng khát trong cộng đồng game thủ, nhất là những game thủ đam mê thể loại game kinh dị. Đoạn gameplay dài 20 phút đã khiến hàng trăm ngàn gamer trên thế giới phải hét lên kinh hoàng và không ít trong số đó đã tè ra quần. Có phải sự kết hợp của hai đạo diễn tài ba cùng sự diễn xuất của sao phim “Xác sống” – Norman Reedus đã tạo nên làn sóng cuồng nộ mạnh mẽ trên ?
Câu trả lời ở đây đó là: Không hoàn toàn như vậy, đúng là chúng ta không thể phủ nhận tài năng của Kojima và Guillermo trong việc dựng kịch bản và dẫn dắt người xem (mà ở đây là người chơi) đi qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, đan xen lẫn lộn. Nhưng một trong những điều mà Silent Hills đem đến cho game thủ lần này đó chính là sự “KÌ DỊ”.

Yếu tố “Kì dị” chính là yếu tố làm nên sự thành công cho dòng game Silent Hill kể từ lần đầu tiên ra mắt cho đến khi Silent Hill 2 ra đời được coi là đỉnh điểm của sự thành công cho series này. Đến phiên bản Silent Hill 3, game vẫn còn đủ kinh dị để dọa dẫm gamer, tuy nhiên yếu tố kinh dị đã bắt đầu mờ nhạt dần.
Và hầu như tất cả các phiên bản Silent Hill về sau này đã không còn đủ sức thuyết phục để các fan có thể bám trụ lâu dài như trước nữa, những sự xào nấu, lặp đi lặp lại của các yếu tố đã quá quen thuộc từ các phiên bản trước khiến game thủ ngày càng chán nản, trong khi yếu tố “kì dị” thì lại biến mất hoàn toàn cho đến khi Silent Hills được công bố tại Gamescom năm 2014. Vậy yếu tố “Kì dị” đã được những người đi trước khai thác như thế nào trong Silent Hill 2?
That awkward moment when you realize . . .
Trong Silent Hill 2 có một cái kết ẩn mà bạn chỉ có thể đạt được khi bạn hoàn thành tất cả những hậu tố quan trọng từ những nhiệm vụ hay hành động trước đó trong một file save duy nhất. Bạn sẽ được đưa đến một cái kết đầy đau khổ và kinh hoàng của James Sunderland, anh chàng ngã quỵ trước những cơn ác mộng cứ lặp đi lặp lặp lại trước mắt anh. Vì anh kinh hoàng nhận ra, tất cả những nỗi sợ hãi mà bản thân gặp phải... còn người chơi thì khóc thét, đều xuất phát từ một con CÚN!!!
Một trong những sự “kì dị” khác đã khiến tôi SỢ PHẢI ĐI GIẢI QUYẾT NỖI BUỒN dẫu là trong những lúc bức bối nhất. Silent Hill có quá nhiều nhà vệ sinh cực kì bẩn thỉu. Những nhà vệ sinh này đã mang lại rất nhiều nỗi ám ảnh cho game thủ trong một thời gian dài. Bạn không những trở nên dị ứng với những nhà vệ sinh thiếu vệ sinh, tối tăm ở khắp nơi. Ngay chính cả căn phòng vệ sinh sạch sẽ của nhà bạn, bạn cũng không dám bước vào dù trong lòng rất bức bối mỗi buổi tối.
Nỗi ám ảnh mang tên William Cường
Một yếu tố được nhà sản xuất khai thác triệt để vào thời điểm đó đó chính là diễn biến tâm lý nhân vật chính, James Sunderland. Bạn chạy quanh để tìm kiếm chìa khóa, đạn dược, thuốc hồi máu. Bạn đập lũ quái vật đến chết, chạy khỏi chúng, tìm cách giải câu đố. Tất cả những điều đó chỉ là phần nổi trên bề mặt của tảng băng trôi, còn phần chìm sâu phía dưới lại mang đến những nỗi sợ hãi, sự cắn xé trong suy nghĩ, sự lạc lõng và kinh hoàng tột độ đối với người chơi.
Bạn không kịp nhận ra bản thân bạn đang bị cuốn vào một cuộc thí nghiệm tâm lý, mà BẠN - những người chơi đang trở thành những vật thí nghiệm bất đắc dĩ như những chú chuột bạch trong phòng thí nghiệm vậy. Nhân vật chính James lang thang khắp góc phố của thị trấn Silent Hill, tìm kiếm một sự giải thoát chỉ vì anh đã giết người vợ đáng thương của mình.

Điều đáng nói ở đây là, James giết vợ mình vì lòng nhân từ, vì không muốn Mary chịu thêm những nỗi đau đớn nào nữa về thể xác nào nữa, vốn dĩ Mary đã nhiễm căn bệnh ung thư vào thời kì cuối và không còn có thể sống lâu hơn được nữa. Nhưng dù việc James ra tay giết vợ của mình là hoàn toàn nhân đạo, James vẫn cảm thấy mặc cảm tội lỗi với những gì anh đã làm và rồi lạc lõng vào Silent Hill, bản thân James cứ mãi tự lừa dối bản thân rằng mình là kẻ có tội. Bạn chỉ có thể nhận ra được điều này cho đến cuối game, đúng hơn là cho đến tận khi Silent Hill 2 kết thúc.

Mặc dù game sở hữu đến 6 cái kết khác nhau mà trong đó có 2 cái kết khá hài hước. Nhưng 4 cái kết còn lại đều khiến người chơi phải suy ngẫm rất nhiều. Nghĩ về tương lai của James, liệu anh có bỏ lại được quá khứ đeo bám và tiếp tục sống hay anh cứ mãi mặc cảm về tội lỗi và kẹt lại vĩnh viễn trong thế giới Silent Hill? Và sau đó là tràn ngập những câu hỏi về những nhân vật, những sự kiện diễn ra trong game. Người chơi cảm thấy hiểu mà không hiểu, họ lạc lõng như chính James khi đó vậy. Nỗi kinh hoàng khi hoàn thành tựa game cứ mãi ám ảnh game thủ cả một quãng thời gian dài.
Never forget...
Cứ như thế, một thời gian dài, rất dài về sau. Silent Hill 3 rồi 4 . . . rồi 6 ra mắt. Nhưng những ám ảnh về Silent Hill 2 cùng những dư âm của phiên bản này cứ vọng lại mãi. Đối với những fan ruột của Silent Hill, họ luôn luôn tỏ ra chán nản với những phiên bản ra mắt gần đây cho đến khi Silent Hills được công bố.
Thật đáng tiếc khi một tựa game tiềm năng như Silent Hills lại bị hủy bỏ, có lẽ trong tương lai, chúng ta sẽ khó có thể được chạm tay vào một phiên bản Silent Hill để đời não nữa chăng?
fr0st