Silence (2016), Covid-19 và Thượng Đế: Người đừng lặng im đến thế
Trần nhà nguyện Sistine. Khi con người stay unconnected thì lại cần "nối line" đến Thượng Đế. Nếu bạn vô tình thấy bài này và chưa...
Nếu bạn vô tình thấy bài này và chưa từng xem Silence (2016) của đạo diễn Martin Scorsese, tôi xin tha thiết mời bạn thử thưởng thức bộ phim đẹp đẽ này trước khi đọc tiếp những dòng bên dưới.
Martin Scorsese vốn quen mặt với những phim đánh đấm xã hội đen, nên khi bắt thấy một bộ phim của đạo diễn này làm về thứ-gì-đó-không-giật-gân, tôi cũng lấy làm hứng thú lắm. Hấp dẫn hơn nữa khi nội dung của nó còn xoay quanh một phần lịch sử Giáo hội Công Giáo La Mã - chủ đề tôi ưa tìm hiểu.
Tóm tắt ở đây nhé
Truyện phim bắt đầu ở Bồ Đào Nha thời kỳ thám hiểm, khi những cánh buồm bắt đầu giương khỏi lục địa già. Bên cạnh văn hoá và hàng buôn bán, người châu Âu cũng "xuất khẩu" Thiên Chúa của họ đến những vùng đất mới.
Trong số những thừa sai, có Rodrigues vừa thụ phong linh mục, rời bỏ quê hương để đến Nhật Bản. Thời kỳ Edo là giai đoạn đen tối với Ki-tô Giáo ở đất nước mặt trời mọc khi những chính sách của Nhật Hoàng đều nhằm tận diệt sự tồn tại của tôn giáo này.
Những người Nhật không muốn chối bỏ đức tin Ki-tô Giáo bắt đầu tử vì đạo. Số khác tìm cách tồn tại trong xã hội bằng cách hoà nhập giáo lý của mình vào các hình tượng Phật Giáo, tạo nên một hình thái thờ phượng độc đáo chỉ có tại Nhật Bản. Tôi xin không nói thêm vào phần này, chỉ tập trung câu chuyện truy đuổi và xử tử những Ki-tô Hữu thời kỳ đầu.
Cảnh tử đạo trong Silence: Các tín hữu bị đóng đanh ngoài biển, người chết khi mang hoả thiêu phải vài ngày mới cháy hết vì thấm quá nhiều nước.
Là một linh mục, một người có uy tín, Rodrigues được chính quyền Nhật Hoàng đề nghị giẫm đạp lên ảnh Thánh để tỏ sự khinh bỉ với Chúa (Quái lạ, đây cũng là yêu cầu mà Minh Mạng, Thiệu Trị muốn giáo dân Việt Nam thực hiện trong thời kỳ bắt đạo) , sau đó được yêu cầu lấy vợ, sinh con, sống như một Phật Tử trung thành để cứu lấy mạng sống của những Ki-tô hữu khác đang bị nhốt cùng ngục.
Nếu chối Chúa, anh có tội. Nếu không cứu những giáo dân đang chịu đau khổ, anh cũng có tội. Rodrigues tiến thoái lưỡng nan. Rodrigues cầu nguyện tha thiết.
Và Chúa im lặng, bạn biết đấy.
Bạn có thể tưởng tượng Rodrigues như một đứa trẻ đứng giữa bố và mẹ, mà người bố thì đáng sợ hơn. Người mẹ lên tiếng yêu cầu đứa trẻ thực thi một điều gì đó mà nó không muốn. Đứa trẻ chạy đến bên bố nhờ bênh vực, nhưng bố nó chẳng nói lời nào.
Giẫm đi
Ta đến thế gian để gánh chung nỗi đau với ngươi
Giẫm đi
Khi đang bập bênh trong tâm tưởng, Rodrigues nghe loáng thoáng thấy những tiếng trên. À, Chúa đây rồi. Người đã cho phép.
Rodrigues dành phần đời còn lại của mình sống (bình yên?) với một người vợ ở Nhật Bản. Cơ bản Chúa đã trả lời anh như thế, một sự cho phép, anh cứ việc sống cho hết những tháng ngày cuộc đời.
Chưa đến đỉnh khổ đau, Chúa sẽ không hồi đáp
Tôi xem lại Silence khoảng 3 lần, thêm cả những lúc hiếu kỳ mở lại những đoạn nhỏ vì cần thêm thông tin. Lần xem đầu tiên, tôi viết thế này để giải thích cho câu trả lời của Chúa dành cho Rodrigues:
" Gương mặt của Rodrigues trong quan tài, với cây thánh giá trong tay, chính là bình yên. Đức tin của anh lớn, nhưng khả năng của thân xác và tinh thần không đủ mạnh mẽ để chứng kiến nỗi đau của người khác. Anh chọn chứng minh đức tin của mình không phải bằng cái chết, mà bằng những dằn vặt anh phải mang đến hết đời. Chỉ khi nhắm mắt, Rodrigues mới cảm thấy hạnh phúc.
Và cũng theo Kinh Thánh, Peter người chối Chúa sau này nhận được sự thứ tha, và trở thành người giữ chìa khoá vào Thiên Đàng. Rodrigues, dù không nói, nhưng có lẽ cũng đã nhận được sự thứ tha vì dù sao, anh vẫn tin.
Tận cùng của đức tin chính là hạnh phúc, nhưng đích đến đó không nhất thiết phải đi trên cùng một con đường và cũng không có một mốc cố định. Mỗi người lại có cách khác nhau để đi đến bình yên."
Tôi cho rằng lời nói của Chúa lúc Rodrigues lâm cơn cùng cực thực sự là do Đấng Tối Cao truyền xuống. Và Chúa không im lặng, Người lên tiếng khi con người thực sự muốn.
Bất cứ sự im lặng nào cũng có giới hạn, và sẽ bật thành lời khi đến một hạn mức nào đó. Thiên Chúa luôn can dự vào những khoảnh khắc cùng cực của con người, theo cách Thiên Chúa ngăn con dao của Abraham đâm xuống người con Isaac mà sách Cựu ước thuật lại.
Tôi vẫn giữ quan điểm đó trong thời gian dài. Cơ bản, là một người có đạo, tôi cũng tự hỏi vì sao Chúa không hồi đáp những lời chia sẻ của mình. Tôi nghĩ là mình chưa đến lúc, và chưa đến thời điểm Chúa phải trả lời.
Song vào đêm lễ Phục Sinh vừa qua, khi xem lễ cùng gia đình tại nhà, tôi lại nghe thấy bài giảng lễ của Tổng Giám mục Sài Gòn. Ngài đặt vấn đề vì sao giữa hàng nghìn lời thống thiết tuyệt vọng của loài người trong dịch Covid-19, những lời cầu nguyện, khóc than, ai oán, mà Thiên Chúa vẫn không hồi đáp.
Ngài nói Thiên Chúa thực ra luôn luôn im lặng.
Ý còn, nhưng bài đã dài. Sợ viết thêm, các bạn sẽ bỏ mà đi mất :(
Hẹn gặp các bạn một đêm gió mát nào đó.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất