Một trong những ước mơ lâu đời nhất của con người đó là có thể chinh phục được bầu trời. Với nền khoa học hiện đại và tân tiến như ngày nay, ước mơ chinh phục bầu trời, bay lượn cùng những đàn chim về cơ bản là đã thực hiện được. Nhưng, đối với con người, liệu như thế đã là đủ? Tôi nghĩ là chưa đâu. Chúng ta vẫn luôn muốn khả năng được bay lượn tự do mà không cần máy móc, không một thiết bị hỗ trợ. Chúng ta thể hiện ước mơ ấy qua những trang giấy, những bộ phim viễn tưởng.Tác giả truyện tranh sáng tạo ra những nhân vật với khả năng bay lượn. Thậm chí sức mạnh này nổi tiếng đến mức khi nhắc đến một siêu anh hùng, người ta sẽ ngay lập tức nghĩ đến một người có khả năng bay lượn trên bầu trời, với những chú chim là bạn đồng hành trên con đường giải cứu thế giới. Bay lượn rất tuyệt đúng không. Bây giờ hãy cùng tôi tìm hiểu: chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta có thể bay trên bầu trời?
Khả năng bay lượn là gì?
Còn gọi là Human Flight Potential. Đây là một khả năng giúp con người có thể chống lại trọng lực, lơ lửng hoặc di chuyển bản thân tới mọi hướng trong không khí, có thể bao gồm khả năng di chuyển vượt quá tốc độ âm thanh (theo wiki heroes). Hai yêu cầu cơ bản của năng lực này đó là khả năng thích ứng với độ cao và kĩ năng của một phi hành gia (thứ mà cần hàng năm trời khổ luyện). Bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu những hạn chế của việc bay lượn.
Bạn không thể bay quá cao.
Điều gì sẽ xảy ra khi bạn bay trên cao? Bầu khí quyển của trái đất không có  một ranh giới rõ ràng. Chúng ta ước lượng được chiều cao tính từ mặt đất lên tới hết bầu khí quyển khoảng chừng 100 km và từ đường Karman (The Karman Line) trở ra được tính là phần không gian. Khi bạn lên càng cao, mật độ không khí càng giảm. Không khí chỉ chiếm gần 80% bầu khí quyển của trái đất, và hầu như tất cả chỉ tồn tại bên trong 10 km đầu tiên tính từ mặt đất. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới lượng oxy mà bạn có thể hấp thụ được. Hãy xét về giới hạn độ cao đầu tiên: trên những tầng mây (trên 19km). Để có thể bay được ở độ cao này, bạn sẽ cần một bộ đồ bảo hộ như những phi hành gia. Bay trên độ cao khoảng 12km, bạn sẽ phải mang theo bình oxy để thở. Thậm chí bay trên độ cao 4km, bạn vẫn cần dùng đến bình oxy. Cách duy nhất để bạn có thể thở được mà không cần bình oxy là bay ở độ cao dưới 4km. Bạn có thể quên đi việc bay lên đỉnh Everest rồi đấy, thay vào đó, tôi nghĩ lên được đỉnh Fansipan cũng không tệ. Bay quá cao rồi bạn sẽ ngất đi. Một ví dụ về tầm quan trọng của oxy: bạn có biết tại sao khi máy bay giảm độ cao đột ngột (vì lí do như hỏng động cơ), họ thường yêu cầu phải đeo mặt nạ dưỡng khí cho bản thân trước, rồi mới giúp người khác không? Bởi vì nếu như cơ thể ta phải giảm độ cao đột ngột, lượng oxy hấp thụ được sẽ cực kì ít. Ngay lúc này, bạn chỉ có vài giây trước khi cả cơ thể bạn rơi vào trạng thái vô thức, lúc đó bạn sẽ không thể giúp nổi ai. Quay trở lại với việc bay bằng siêu năng lực mà bị thiếu oxy, bạn không thể vừa bay vừa ngất được, ngã từ một độ cao như vậy thì cuộc đời của bạn sẽ kết thúc ngay khi chạm đất.
Vấn đề với nhiệt độ.
Số nhiệt lượng trong một hệ thống trực tiếp liên quan tới số khối lượng trong hệ thống đó. Như vậy, bạn lên càng cao, khối lượng trên mỗi đơn vị mật độ không khí sẽ giảm xuống, từ đó, nhiệt lượng sẽ giảm theo. Vậy, độ cao nào sẽ sơ hữu nhiệt độ thích hợp? Trước khi bạn chạm tới 10km trên không trung, nhiệt độ đã là -50'C, cả cơ thể bạn sẽ đóng băng. Bạn không muốn bay qua 4km để có thể hít thở bình thường? Bạn sẽ càng không muốn bay quá 3km để khỏi chết cóng. 
Những lí do mà bạn sẽ không muốn bay nhanh.
Bạn có thể bay với tốc độ siêu âm? Tôi chắc chắn bạn sẽ không làm như thế. Tôi sẽ không bàn về việc bạn bốc cháy khi bay nhanh như vậy (tôi đã giải thích về vấn đề này trong P2). Thêm một lí do nữa mà bạn sẽ tê cóng: hiện tượng frostbite. Nếu như bạn bay với vận tốc 100km/h, làn da bạn sẽ bị frostbite nghiêm trọng chỉ trong 2 phút.
Nếu như windchill không làm chậm bạn, Mid-air Collision sẽ làm điều đó. "Một vụ va chạm giữa không trung (hay Mid-air Collision) là một tai nạn hàng không, trong đó hai hoặc nhiều máy bay tiếp xúc ngoài ý muốn trong suốt chuyến bay. Do vận tốc tương đối cao và khả năng tác động tiếp theo với mặt đất hoặc biển, thiệt hại rất nghiêm trọng". Nhưng tôi sẽ không nói về vụ va chạm giữa 2 máy bay. Hãy xem bức ảnh này:
Bạn nghĩ chiếc máy bay này đã va chạm với thứ gì? Thiên thạch, tên lửa, hay bị ném đá trước khi cất cánh? Sự thật là một con chim xấu số đã va phải mũi máy bay. Ước tính mỗi năm ở Anh có 13.000 vụ chim đâm vào mặt như thế này. Mặc dù là so với kích cỡ của máy bay, chim vô cùng bé, và trọng lượng cũng ít hơn máy bay vài trăm nghìn lần, nhưng sự thay đổi về động lượng đã khiến lực tác động trở nên cực kì lớn. Máy bay được làm từ kim loại, nhưng nó vẫn bị như hình trên. Liệu bạn có thể chịu được việc đâm phải một con chim khi đang bay?
Cách để bay an toàn?
Nếu không muốn hứng chịu những thứ tôi kể trên, bạn sẽ phải bay vừa chậm, vừa thấp. Điều này cũng ổn thôi, nếu như bạn không bị bắt gặp. Người ta sợ những gì người ta không thể hiểu. Nếu bạn bị phát hiện, cuộc đời bạn sẽ thay đổi. Cả phần đời còn lại bạn sẽ bị cả thế giới săn lùng. Bạn nghĩ mình sẽ được mời lên truyền hình hay bắt tay với tổng thống? Không. Bạn sẽ bị mổ xẻ, họ sẽ nghiên cứu cơ thể bạn để tìm câu trả lời. Tồi tệ hơn là họ sẽ sử dụng sức mạnh của bạn để phục vụ cho quân sự.
Cách thứ 2 để bay an toàn đó là có một bộ giáp như của Iron Man. Bạn sẽ được bảo vệ khỏi lũ chim, được cung cấp nhiệt độ và oxy để sống sót. Nhưng lúc này, việc bạn sở hữu khả năng bay sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
Siêu năng lực này có đáng sở hữu? 
Cá nhân tôi thì nghĩ bay lượn là một trong những năng lực rất đáng sở hữu. Chỉ cần chúng ta sử dụng khả năng này một cách kín đáo và cẩn thận là được, và luôn phải biết giới hạn của bản thân. Với sức mạnh này, tôi có thể sẽ không phải leo cầu thang nữa, cứ bay lên là được mà.