Người nào nghiên cứu lịch sử nền văn minh thì người đó phải cố gắng cân bằng giữa thiên tài cá nhân và tình trạng đạo đức hoặc tinh thần của một xã hội. Dù có vẻ phi lý đến đâu, tôi vẫn tin vào thiên tài. Tôi tin rằng mọi thứ có giá trị xảy ra trên thế giới đều do các cá nhân. Tuy nhiên, người ta không thể không cảm thấy rằng những nhân vật vĩ đại tột bậc trong lịch sử – Dante, Michelangelo, Shakespeare, Newton, Goethe – ở một mức độ nào đó phải là sự tổng hòa của thời đại họ. Họ quá lớn lao, quá bao quát nên không thể phát triển một cách cô lập.
Kenneth Clark, trong Tập 8: “Ánh Sáng của Trải Nghiệm”
của Nền Văn Minh: Một Góc Nhìn Cá Nhân (1969)
Clark ở tuổi 15, ảnh do Herbert Lambert chụp vào năm 1918.
Clark ở tuổi 15, ảnh do Herbert Lambert chụp vào năm 1918.
Kenneth Clark (1903–83) là nhà giáo dục cộng đồng vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Khởi đầu sự nghiệp, ông là một sử gia nghệ thuật và đã được giao việc lập catalogue các bức vẽ của Leonardo da Vinci trong Bộ sưu tập Hoàng gia tại Lâu đài Windsor khi chỉ mới 25 tuổi. Nhưng học thuật hàn lâm không làm ông thỏa mãn: ông tin rằng tất cả mọi người nên được tiếp cận những gì tốt nhất trong nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc và văn học. Ông đã cống hiến cuộc đời mình cho niềm tin này.
Sự nghiệp quản lý của Clark hẳn là một huyền thoại: ở tuổi 30, ông đã điều hành Nhà Trưng bày Quốc gia ở London. Sau đó, ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật và là Chủ tịch đầu tiên của Cơ quan Truyền hình Độc lập. Nhưng tài năng thực sự của ông là ở khả năng giao tiếp.
Cuốn sách viết năm 1939 của Clark về Leonardo da Vinci vẫn là sách giới thiệu hay nhất, dễ tiếp cận nhất hiện có. Mọi cuốn sách của ông đều là giáo dục và kể cả bây giờ vẫn là sự học tập có thưởng. Dù vậy, có thể cho rằng danh tiếng lâu bền của ông là nhờ những thành tựu khi làm người dẫn chương trình: chưa ai từng đạt được thành công như Clark trong việc truyền đạt những niềm vui trong mỹ thuật và văn hóa cao cấp tới khán giả đại chúng. 
Clark ở tuổi 34, ảnh chụp bởi Howard Coster vào năm 1937.
Clark ở tuổi 34, ảnh chụp bởi Howard Coster vào năm 1937.
Vào tháng 2 năm 1969, BBC bắt đầu phát sóng bộ phim tài liệu truyền hình gồm 13 phần của Clark Nền Văn Minh: Một Góc Nhìn Cá Nhân. Đây là series quan trọng nhất trong lịch sử BBC, có tham vọng, phạm vi và ngân sách đáng kinh ngạc: nó thể hiện mục tiêu ban đầu của đài truyền hình là mang đến cho khán giả “tất cả những gì tốt nhất trong mọi lĩnh vực kiến thức, nỗ lực và thành tựu của nhân loại”.
Nền Văn Minh: Một Góc Nhìn Cá Nhân là một nỗ lực dí dỏm, xúc động, vô cùng uyên bác nhằm khám phá câu hỏi: “Nền văn minh là gì?” Khi ông đặt câu hỏi này cho chính mình trong tập đầu tiên, câu trả lời nổi tiếng của ông là: “Tôi không biết. Tôi chưa thể định nghĩa nó về mặt lý thuyết. Nhưng tôi nghĩ mình có thể nhận ra nó khi nhìn thấy nó.”
Thay vì đi tìm một định nghĩa nói, Clark cho người xem thấy nền văn minh trông như thế nào theo truyền thống phương Tây. Để kể một câu chuyện mạch lạc và gần như là hoàn thiện cho khán giả chủ yếu ở Anh,[1] truyện kể của ông tập trung vào sự phát triển của văn hóa ở Tây Âu, tính từ sự sụp đổ của Đế chế La Mã cho đến sự xuất hiện của máy tính và du hành vũ trụ. Ông đưa ra hết ví dụ này đến ví dụ khác về những thành tựu cao nhất trong hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, thơ ca, triết học, khoa học và kỹ thuật. Điều này không có nghĩa là Clark có một định nghĩa mơ hồ, lan man, không chính xác, không xác định hoặc có kết thúc mở về thuật ngữ này. Thực ra, phải mất 13 tập phim, mỗi tập dài 50 phút, để giải thích “nền văn minh” có nghĩa là gì đối với ông để lời ông không bị hiểu lầm.
Mái vòm của Nhà thờ Chính tòa Thánh Paul ở London, do Sir Christopher Wren thiết kế và được hoàn thiện bởi con trai ông vào năm 1708.
Mái vòm của Nhà thờ Chính tòa Thánh Paul ở London, do Sir Christopher Wren thiết kế và được hoàn thiện bởi con trai ông vào năm 1708.
Trong Tập 6 (“Biểu Tình và Giao Tiếp”), Clark đưa ra bốn điều kiện cần thiết của nền văn minh: năng lượng trí tuệ; tự do tâm trí; cảm nhận về cái đẹp; và nỗi khao khát sự bất tử. Khi nói về Shakespeare, ông thêm rằng: “một trong những lý do đầu tiên để tôi bênh vực cho nền văn minh đó là nó có thể tạo ra thiên tài ở tầm cỡ này.”
Nền văn minh dựa trên ý thức về sự trường tồn. Nhưng như Clark đã giải thích trong vài phút đầu tiên của Tập 1 (“Trong Gang Tấc”): “dù có vẻ phức tạp và vững chắc đến đâu, nền văn minh thực sự khá mong manh. Nó có thể bị phá hủy.”
Tại sao điều này lại quan trọng đối với những người theo chủ nghĩa Cổ điển? Đối với Clark, văn học Hy Lạp và Latinh, cũng như di sản của Athens Cổ điển và La Mã Cổ đại, là trái tim của nền văn minh. Việc sao chép và bảo tồn các thủ bản cổ không chỉ đơn thuần là một hành động 'văn minh'; nó là hành động giúp bảo đảm cho chính nền văn minh. Những thành tựu của Hy Lạp và La Mã có giá trị trường tồn; mọi thế hệ văn minh đều khám phá ra điều gì đó mới mẻ ở chúng.
Tác phẩm chưa hoàn thiện <i>Thánh Jerome nơi Hoang Dã </i>của Leonardo, 1480–90 (Bảo tàng Vatican, Vatican).
Tác phẩm chưa hoàn thiện Thánh Jerome nơi Hoang Dã của Leonardo, 1480–90 (Bảo tàng Vatican, Vatican).
Là một học giả về Leonardo da Vinci, Clark có vẻ hạnh phúc nhất khi chia sẻ những điều thú vị về Phục Hưng Ý với người xem của mình. Điều này lộ rõ khi ông thảo luận về Florence thế kỷ 15 (Tập 4, “Con Người: Thước Đo của Vạn Vật”) và Rome đầu thế kỷ 16 (Tập 5: “Người anh hùng là nghệ sĩ”). Ông tuyên bố rằng người Florence của thế kỷ 15 “yêu cái đẹp” giống như cách mà người Athen ở thế kỷ thứ 5 đã từng yêu; ông cũng có thể đã vô tình nói về chính mình.
Phần Clark tôn vinh Raphael là giới thiệu ngắn sáng tỏ nhất mà ta có về truyền thống Cổ điển và sức mạnh truyền cảm hứng cho thiên tài sáng tạo của nghệ thuật cổ đại. Ông tả bức bích họa fresco Chiến Thắng của Galatea (Villa Farnesina, Rome) vẽ năm 1512 của Raphael là “sự gợi nhắc về ngoại giáo vĩ đại nhất thời Phục Hưng”, và giải thích tại sao đây lại là một tác phẩm nghệ thuật kỳ diệu đến vậy:
Khi các nhà thơ Phục Hưng viết thơ Latinh (thơ Latinh rất hay), họ đã có rất nhiều thơ mẫu. Nhưng cần có nhãn quan sâu sắc sáng tạo tuyệt vời biết bao để Raphael tái tạo từ những mảnh vụn và mảnh vỡ của các chiếc quách đá một khung cảnh hẳn rất giống những bức tranh cổ đại vĩ đại đã bị thất lạc.
Raphael không phải nhãn quan sâu sắc sáng tạo duy nhất được thể hiện ở đây.
<i>Chiến Thắng của Galatea, </i>Raphael, 1512<i> </i>(Villa Farnesina, Rome, Ý).
Chiến Thắng của Galatea, Raphael, 1512 (Villa Farnesina, Rome, Ý).
Đối với Clark, nền văn minh không thể tách rời khỏi sự gắn kết với văn hóa Hy Lạp và La Mã. Trong Tập 10, “Nụ Cười của Lý Trí”, tập trung vào giai đoạn vẫn được gọi là 'Khai Sáng' của thế kỷ 18, Clark nhấn mạnh rằng Các Cuộc Đời của Plutarch và Lịch Sử La Mã của Livy cũng quan trọng trong tầm nhìn đạo đức của các nghệ sĩ không kém gì các triết gia; lý tưởng của các cuộc Cách mạng Pháp và Mỹ dựa trên hình mẫu Cộng hòa La Mã Cổ đại có đạo đức nghiêm khắc. Về sau, ngay cả Napoléon cũng được chứng minh là đã nhìn bản thân với những cân nhắc về lịch sử Hy-La (Tập 12, “Những Lầm Tưởng của Hy Vọng”). Châu Âu không thể thoát khỏi thế giới Cổ điển.
Nền Văn Minh: Một Góc Nhìn Cá Nhân đúng như những gì nó tuyên bố: một quan điểm cá nhân. Nhưng sau hơn nửa thế kỷ, không ai trong số những người chỉ trích nó thành công trong việc bác bỏ sức mạnh của nó. Rốt cuộc thì bạn chẳng thể cãi lại cái đẹp. Không có chương trình nào khai sáng hơn trong lịch sử truyền hình. Tất cả những bộ óc thực sự hiếu kỳ nên xem các tập từ đầu đến cuối khi họ rèn đúc cho mình một món đồ cực kỳ quan trọng: quan điểm cá nhân của chính họ. Trong khi đó, kết luận của chính Clark về series này (từ Tập 13, “Chủ Nghĩa Duy Vật Anh Hùng”) tiếp tục đồng vọng:
Hơn bất cứ điều gì khác, chính sự thiếu tự tin đã giết chết một nền văn minh. Chúng ta có thể tự hủy hoại mình bằng sự hoài nghi và vỡ mộng, cũng dễ dàng như bằng bom. 50 năm trước, W.B. Yeats, người giống thiên tài hơn bất kỳ ai mà tôi từng biết, đã viết một bài thơ tiên tri, và trong đó ông nói:
"Mọi thứ sụp đổ; trung tâm không thể giữ;
Thuần vô chính phủ được tự do trên thế giới,
Thủy triều đẫm máu tràn tới, và ở mọi nơi
Buổi lễ vô tội bị dìm chết;
Người tốt nhất thiếu mọi niềm tin, trong khi kẻ tệ nhất
Đầy đam mê mãnh liệt." [2]
Điều đó chắc chắn đúng giữa các cuộc chiến, và nó gần như đã hủy diệt ta.
Ngày nay điều đó có đúng không? Không hẳn, bởi vì người tốt thì có niềm tin – hơi quá nhiều niềm tin. Vấn đề là vẫn chưa có trung tâm. Sự thất bại về đạo đức và trí tuệ của chủ nghĩa Mác khiến ta không còn lựa chọn nào khác ngoài chủ nghĩa duy vật anh hùng, và thế vẫn chưa đủ. Một người có thể lạc quan, nhưng người đó không thể hoàn toàn vui mừng trước viễn cảnh trước mắt.

54 năm sau khi chương trình được phát sóng lần đầu, toàn bộ series hiện vẫn được chiếu đều và phổ biến trên YouTube:

Tập 1: Trong Gang Tấc (sự tồn tại của nghệ thuật châu Âu qua 'Thời kỳ Đen tối' đến thời Phục Hưng Carolingian) – đã có sub Việt
Tập 2: Sự Tan Giá Vĩ Đại (sự xuất hiện trở lại của nền văn minh châu Âu vào thế kỷ 12) – đã có sub Việt
Tập 3: Lãng Mạn và Thực Tại (Pháp và Ý vào cuối thời Trung Cổ) – đã có sub Việt
Các tập còn lại: sub Việt đang dịch và sẽ được update dần ở đây.

Ghi chú

[1] Nội dung của mỗi tập đã được xuất bản ở nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới khi series này được phát sóng; cuốn sách chứa phiên bản dài hơn một chút của phần nội dung này với cùng tiêu đề là một trong những tác phẩm phi hư cấu bán chạy nhất trong thế kỷ 20.
[2] Trích từ bài thơ The Second Coming, 1919.
Dịch từ bản gốc tiếng Anh: Antigone Journal