Trước đây, khi chưa lập gia đình, tôi thường có thói quen “xả hơi” sau một tuần làm việc. Chẳng hạn, tối thứ 6 (hoặc tối thứ 7), trên đường đi làm về tôi sẽ mua món gì đó ngon ngon. Về nhà dọn dẹp, tắm rửa và sau đó vừa thưởng thức bữa tối vừa xem phim hoặc xem một chương trình tôi yêu thích. Đến sáng thứ 7, tôi sẽ ngủ dậy muộn hơn, và lúc tỉnh dậy, việc đầu tiên tôi làm đó là mở hết cửa để cho không khí ngày mới vào phòng. Cảm giác cực kỳ dễ chịu.
Bây giờ, khi đã lấy chồng, tôi vẫn vậy. Chỉ có điều một số hoạt động đã thay đổi. Vì không phải làm việc vào ngày thứ 7 nên tối thứ 6, tôi thường nấu một món gì đó “cầu kỳ” hơn và sau khi tắm xong, sẽ lên giường đọc sách hoặc xem phim. Vào sáng thứ 7, tôi thường dậy sớm đi chợ, mua thức ăn cho cả tuần, đặc biệt là các loại hoa quả tôi thích, dọn dẹp nhà cửa, bỏ đi những đồ dùng không cần thiết (nếu có), chăm sóc cây của tôi, cắm hoa, viết lách và làm một số thứ khác. Vì chồng tôi vẫn đi làm vào sáng thứ 7 nên tôi có khá nhiều thời gian dành cho bản thân mình. Tối thứ 7, một thói quen của chúng tôi đó là đi ăn ở bên ngoài, dạo quanh bờ hồ hoặc đôi khi chỉ là lượn đường và nói chuyện.
Thói quen này mang lại cho tôi cảm giác rất tuyệt vời, thoải mái và gần như loại bỏ được mọi căng thẳng. Chúng tôi cũng có thời gian để hiểu nhau và chia sẻ những vấn đề cả hai gặp phải.
Mãi cho tới khi xem 1 video trên kênh Lavendaire, tôi mới biết rằng hóa ra mình đã rèn luyện được một thói quen tốt: Self-care (chăm sóc bản thân). Tôi vô cùng bất ngờ về điều này và càng tìm hiểu sâu hơn, tôi càng nhận thấy Self-care có lợi vô cùng, không chỉ với sức khỏe tinh thần mà còn cả sức khỏe thể chất.

Self-care Date: Hẹn hò với bản thân và những lợi ích tuyệt vời

Bạn làm gì những lúc căng thẳng? Chỉ muốn dừng lại tất cả để trở về nhà nghỉ ngơi và ngủ một giấc thật “đã”? Tôi biết có nhiều người sẽ lựa chọn ăn những món mình yêu thích, ngủ, xem phim, đi du lịch hoặc đơn giản là trở về bên gia đình… Tất cả những hoạt động đều này đều có thể được coi là Self-care nhưng có một lưu ý nhỏ là: Self-care liên quan trực tiếp tới chính bản thân bạn. Bạn dành thời gian cho chính mình, bạn làm hoặc tiêu xài vào thứ gì đó để mang đến cảm giác hạnh phúc, thoải mái cho bản thân. Sau cùng, nó mang đến cho bạn một sự tươi mới, năng lượng phục hồi và tâm thế sẵn sàng trở lại với guồng quay của cuộc sống.
Self-care Date” đơn giản là “ngày hẹn hò với bản thân”, nghĩa là bạn tách mình ra khỏi công việc và những thứ bạn lo âu để dành thời gian chăm sóc cho chính mình. Không quan tâm có bao nhiêu deadline cần phải hoàn thành, không quan tâm bao nhiêu hồ sơ cần phải xử lý, không quan tâm ngày mai bạn phải đi công tác ở đâu, không quan tâm bao nhiêu email cần trả lời, bài báo phải viết hay làm thế nào để bán được thật nhiều sản phẩm trong tuần tới… Thậm chí, bạn cũng không cần để ý tới những người khác, kể cả chồng, con cái, gia đình hay bạn bè, chỉ dành cho chính bạn.
Đừng hiểu nhầm nhé. Ở đây ý tôi không phải là bạn bỏ bê việc nhà, chăm sóc con hay các việc khác trong gia đình mà đúng hơn, bạn sắp xếp sao cho có một khoảng thời gian thích hợp để dành riêng cho chính bạn. Cho dù chỉ là 15 phút, 30 phút, 1 tiếng, nửa ngày hay một ngày, miễn rằng bạn biết cách tận dụng khoảng thời gian đó để quan tâm tới bản thân, để thực hành “Self-care Date” thì nó đều mang đến cho bạn rất nhiều thứ ý nghĩa.
Một số lợi ích của Self-care đã được chứng minh bởi khoa học:
  • Self-care giúp bạn ngăn chặn tình trạng quá tải (Overload)
Cuộc sống bận rộn với việc nhà, việc cơ quan ngập đầu. Thế nên, một chút thời gian nghỉ ngơi dường như là điều xa xỉ. Thậm chí, tôi còn biết nhiều người có thói quen “ôm” vào mình hàng đống việc tới mức mà họ tự đẩy bản thân tới điểm họ không thiểu chịu đựng thêm được nữa ngoài việc từ bỏ. Tuy nhiên, nếu dành thời gian chăm sóc bản thân thì bạn sẽ ngăn chặn được việc đưa bản thân vào tình huống đó.
  • Self-care giúp làm giảm những tác động tiêu cực của căng thẳng
Căng thẳng một chút xíu có thể có lợi (good stress) vì nó hoạt động như một hệ thống cảnh báo làm tăng sự tập trung, khiến bạn nhận ra tình huống nguy hiểm hay thúc đẩy bạn nỗ lực đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, khi căng thẳng vượt qua một mức độ nhất định, nó sẽ trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe tinh thần và thể chất. Lúc này, một chút nghỉ ngơi và quan tâm nhiều hơn bản thân sẽ là “liều thuốc” quý giá giúp bạn giành lại quyền kiểm soát chính mình khỏi căng thẳng.
  • Self-care giúp bạn tập trung trở lại
Đây là một trong những lợi ích rất rõ rệt. Nếu bạn dừng đọc bài viết này và/hoặc tạm dừng công việc hiện tại để uống một cốc nước, thở sâu hoặc đi ra ngoài, bạn sẽ thấy tâm trí tỉnh táo hẳn. Đừng quá dồn ép mình vào mọi thứ đó là bài học giá trị mà tôi đã học được.
  • Self-care giúp bạn tìm lại cảm hứng
Có nhiều lúc tôi cảm thấy mất phương hướng ở những gì mình đang làm. Không rõ mục tiêu của mình có đạt được không? Tại sao mình lại phải cố gắng như vậy? Những lúc ấy, tôi chẳng buồn để ý tới mục tiêu nữa. Thay vào đó, tôi làm những việc tôi thích, thay đổi không khí bằng cách làm việc nhà, đi chợ mua đồ… Tôi rất thích dọn dẹp phòng vì tôi thích cảm giác mọi thứ gọn gàng, sạch sẽ. Không gian thoáng hơn và mọi lo lắng đều được xoa dịu.
My Checklist for Self-care Date
Để giúp bạn dễ dàng hình dung về Self-care Date, tôi sẽ liệt kê ra những gì tôi làm vào “ngày hẹn hò với bản thân” nhé. Một số hoạt động ở đây đôi khi có thể thay đổi tùy thuộc vào tâm trạng (thứ tôi thích làm vào ngày đó), thời gian, “mức độ” bận rộn và một số sự kiện khác.
Thời gian: Tối thứ 6 + sáng thứ 7 hàng tuần. (Các hoạt động dưới đây được sắp xếp theo thứ tự ngẫu nhiên.)

Self-care Date Q&A

1. Self-care Date chỉ dành cho con gái đúng không?
Không. Con trai hay con gái, đàn ông hay phụ nữ đều cần đến.
Nghe đến chăm sóc bản thân, nhiều người thường nghĩ chỉ dành cho con gái hoặc “kiểu” của con gái. Nhưng thực tế là bất kể đàn ông hay phụ nữ thì chẳng ai có đú khả năng để chống chọi với căng thẳng tột cùng cả. Ai cũng cần nghỉ ngơi và hồi phục lại năng lượng.
2. Dọn dẹp nhà cửa, đi chợ… không phải là Self-care Date?
Không hẳn. Nếu cả tuần bạn bận rộn với công việc, không có thời gian dành cho gia đình thì đặt việc nhà, nấu nướng… vào danh sách Self-care đều được, miễn là bạn cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Còn nếu như việc nhà khiến bạn bị “ngập” thì hãy tách mình ra khỏi chúng một lúc và tìm một số hoạt động khác dành riêng cho mình như thiền, tập yoga, massage cơ thể bằng tinh dầu…
3. Self-care Date có nhất thiết phải vào cuối tuần?
Không. Bạn có thể thực hiện bất cứ lúc nào bạn muốn.
4. Lựa chọn online hay shopping… vào ngày Self-care Date có ổn không?
Được. Nhưng không nên quá nhiều. Bạn nên dành Self-care để chăm sóc bản thân về mặt tinh thần nhiều hơn là vật chất vì bằng cách đó, căng thẳng hay lo lắng mới dễ dàng được loại bỏ và hiệu ứng cũng lâu dài hơn.
Ngoài ra, bạn có thể đặt ra giới hạn sử dụng Internet. Chẳng hạn, chỉ online 30 phút đến 1 tiếng để chat với những người bạn muốn, sau đó, offline hoàn toàn. Bởi vì cả tuần liền đã ngồi trước máy tính và dùng Internet nên sẽ rất tốt nếu hình thành thói quen để bản thân sống trọn vẹn trong thế giới thực.
5. Làm thế nào để biến Self-care Date thành thói quen?
Có một cách đơn giản và tôi cũng đang áp dụng đó là cố định thời gian “hẹn hò” với chính mình. Như tôi hiện tại thường sẽ vào sáng thứ 7. Thêm nữa, bạn hãy chọn một vài hoạt động yêu thích nhất để làm vào thời gian này. Nhờ đó, bạn sẽ có động lực và “dễ nhớ” ngày “Self-care Date” hơn. Với tôi, tôi luôn háo hức tới ngày cuối tuần vì đó là ngày mang đến cho tôi nhiều điều tuyệt vời nhất.
Self-care Date thực sự đã giúp tôi rất nhiều, không chỉ về mặt tinh thần mà còn cả những lợi ích về sức khỏe. Hiển nhiên, mỗi người sẽ có một cách riêng để chăm sóc cho bản thân mình nhưng nếu bạn chưa tìm ra được một cách nào hiệu quả thì hãy thử “hẹn hò” với bản thân vào cuối tuần này xem nhé.