Mình di truyền nhiều thứ từ mẹ mình, đa số là những cái không tốt. Những điều tốt thì mẹ để dành lại và tự mẹ phát huy hết rồi, kiểu như chăm chỉ vì chồng vì con.
Một trong những cái không tốt đó là chứng say xe.
Vâng, sau đây là tuyển tập những câu chuyện gồm 2 câu chuyện về say xe.

1. Mẹ mình

là người phụ nữ say xe nhiều nhất mọi thời đại (đứng xếp sau là mình). Ngày xưa, mẹ chỉ cần mở cánh cửa ô tô của bác để lấy đồ thôi là buổi chiều đó đã hưởng trọn một cơn say xe nồng nhiệt và đắm đuối, nằm bẹp trên giường. (Trong khi mẹ lại ít bị ốm, ơn trời). 
4 năm trước, bà ngoại bệnh nặng. Mẹ rất buồn vì bác sĩ chẩn đoán bà chỉ còn được mấy tháng. Nghỉ hết tất cả các công việc ở trường, Mẹ muốn dành hết thời gian còn lại bên bà.
Duy nhất là những lần mẹ đưa bà đi khám. Lúc hai mẹ con lên xe là lúc cơn say xe của mẹ ập đến. Mẹ bảo "thôi, những lúc đấy thì mẹ đường mẹ, con đường con, không biết trời đất chi nữa hết".
Mấy tháng sau bà mất. Mẹ vẫn hay kể lại những câu chuyện về bà những ngày cuối, và nhắc nhiều về những chuyến đi khám này, với tông giọng hài hước.
Nhưng mình đoán rằng mẹ buồn và tiếc, vì đó là khoảng thời gian hiếm hoi mà mẹ không thể "bên" bà.
Nhưng biết sao được. 
Cuối cùng thì cuộc đời vốn là vậy. Mẹ đường mẹ và con đường con. Nhưng chúng ta vẫn "bên nhau" đấy thôi, đâu cần phải ở không gian ngôi nhà hay chiếc xe nào chứ.

2. Mình

thừa hường và phát huy truyền thống tốt đẹp say xe của mẹ: Mình say xe đến điên người.
Hồi cấp 3, mỗi lần ra quét cổng trường, thấy chiếc xe buýt đi ngang qua thôi là sống lưng mình đã có một luồng lạnh chạy xẹt, đầu đau nhức và như có mùi xe/ xăng thoang thoảng quanh đây.
Cấp 3 mình học xa nhà 50 km, ở nhà bác. Thi thoảng mình đi xe buýt về quê. Và đương nhiên mỗi lần đi buýt là một lần thảm họa.
Hãy tưởng tượng sau khi lên xe chừng 5 phút, mình sẽ buông bỏ hết tham sân si, buông bỏ tất cả mọi ước mơ hoài bão dù le lói hay thiết tha. Nói sao nhỉ? Kiểu như có ai đến xách balo hay lấy chiếc điện thoại trong tay đi thì mình vẫn không buồn ngước dậy để phản kháng hay hỏi lại. Mong là không tên trộm nào đọc bài này rồi được truyền cảm hứng thử hành nghề trên xe buýt.
Nhớ một lần từ Vinh về, mình say xe (đương nhiên rồi) và ngồi cạnh một anh chắc hơn 3,4 tuổi. Mình nhớ là trả lời lấy lệ mấy câu thôi rồi ngủ (chập chờn), nhưng anh ngồi cạnh rất chu đáo. Kiểu anh trông đồ giúp mình, giúp mình làm mấy việc lúc trên xe, trả lời thay mình lúc chú tài xế hỏi... Mình nhớ là anh vỗ vai nhắc mình xuống trạm. Và dù chưa tới bến của mình, anh cũng xuống luôn. Ảnh giúp mình xách đồ các thứ (dù mình không hề nhờ). Rồi dắt mình đến chỗ bố mình đang chờ. Thế mà mình cúi đầu chào cho có rồi cắm mặt lên xe máy bố đi luôn. 
Chuyện tưởng đã dừng lại, cho đến khi vài tháng sau mình gặp lại anh ở trong thành phố. Anh nhận ra mình và đến chào, tươi vui và nhiệt tình như cách anh đã từng. Mình thì ngơ ngác nhìn với ánh mắt Anh là ai từ đâu bước đến nơi đây dịu dàng chân phương... Lúc anh giải thích rằng anh gặp em ở chuyến xe buýt đó đó, em say xe đó đó, mình mới vỡ òa: Ồ thảo nào. Rồi mình cảm ơn anh, đưa số điện thoại (mô típ làm quen của cách đây hơn 10 năm).
Nếu là một bộ phim tình cảm thì đó là một chi tiết thú vị để mở đầu cho một cuộc tình đấy.
Nhưng đời không như phim, hoặc mình không giỏi đóng phim. Vì tệ hơn cả việc say xe mà không tiếp chuyện, mình là đứa nhắn tin 5 ngày sau mới trả lời. 
Bài học rút ra ở đây là, để có một mối tình từ việc đi xe buýt hay tàu lửa, chúng ta cần không say xe,
và phải say người.

Say xe là chuyện nhỏ, "say người" đó mới là quan trọng và quyết định, Mẹ nha.