Sâu sắc như cơi đựng trầu
Đã qua ngày 20/10 nhưng đây là một bài để tôi ngợi ca tính nữ. (hy vọng không muộn màng)...
Đã qua ngày 20/10 nhưng đây là một bài để tôi ngợi ca tính nữ. (hy vọng không muộn màng)
Khi tôi nghĩ về ngày phụ nữ Việt Nam nói riêng và vẻ đẹp của phụ nữ nói chung, tôi nghĩ lung lắm, và hiện lên trong đầu là 2 nét đẹp đại diện chung cho từ khoá "riêng tư và nữ tính" từ 2 bộ phim tôi từng xem, một ở Chile, và một ở Việt Nam.
In her place. Độc lập, tự do, nữ tính.
In her place là một bộ phim từ Chile vừa lên Netflix cách đây không lâu, và đọc thông tin đâu đó thì phim nhận được cơn mưa lời khen, và thẳng tiến đến Oscar năm sau cho hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Tôi vẫn nghĩ hay bỏ quách hạng mục này cho rồi, chỉ có phim hay nhất thôi chứ tiếng nào thì cũng là phim mà ^^ nhưng vậy thì lại thiệt thòi cho những phim đến từ những nước không nói tiếng Anh.
2 nhân vật nữ trong phim liên kết với nhau bằng một vụ án (đó cũng sự kiện có thật ngoài đời). Một nữ nhà văn được yêu thích thời đó bắn chết tình nhân của mình ngay tại sảnh khách sạn sang trọng nhất của thành phố, và người còn lại, là thư kí cho chánh án vụ án đó, tất bật đứng sau một thế giới đoàn đàn ông, nơi công sở, và ở nhà với 1 chồng 2 con trai.
Cô thư kí mượn tạm căn hộ của cô nhà văn và "sống tạm" cuộc sống trái ngược hoàn toàn với cuộc sống thực tại của mình, nơi cô rũ bỏ nồi niêu xoong chảo, chiếc giường ọp ẹp, sự "ngán tận cổ" khi một người đàn ông nào trong thế giới của cô "nhìn thấy cô". Cô đến "nơi chốn" của người phụ nữ trái ngược mình về lối sống và tính cách, nhưng chính nơi đó, cô lại tìm được chính mình, chính những phù phiếm của son đỏ, phấn hồng, váy đầm thời thượng, ngủ gục trong bồn tắm hay thong thả đọc sách ở ban công đầy nắng, cô khám phá được người phụ nữ rất đàn bà ngủ quên bên trong vai trò người vợ, người mẹ, "người trợ giúp", chưa bao giờ là nhân vật chính, chưa bao giờ là tâm điểm, và chưa bao giờ được tự do làm những gì mình muốn. Ngày cô thú nhận với người chồng thô lậu của mình trong căn hộ "mượn tạm" đẹp đẽ, trong nước mắt, cô nói, ở "đó" tức ngôi nhà của chính họ, quá ồn ào, tiếng ồn làm cô ngạt thở.
Trong phim không chỉ có 2 người phụ nữ, tôi dường như thấy hình bóng của cả một thế hệ, à không, nhiều thế hệ, nhiều người tôi biết, tôi quen trong ấy, những người phụ nữ mang trong mình màu sắc rất riêng, rất nổi bật, rất nhu nhã, rất mong manh, rất dữ dội, nhưng vì một lý do nào đó, hoàn cảnh nào đó, họ chọn nhuộm mình thành một màu trung tính, để hoà lẫn với định kiến hay tiêu chuẩn của xã hội mong muốn họ trở thành, để chìm vào phông nền phía sau để những người mặc suit, vét, đội nón, có râu đứng trước ánh đèn flash của mọi thành tựu. Nếu một ngày họ vùng dậy, thì ngay lập tức bị gán cho nhiều tội danh hay nhãn mác chống đối, ngay lập tức, như người mẹ cắt họng con rể sau bao lần chứng kiến hắn đánh con gái mình tơi tả, như cô nhà văn ăn vận thời trang nhất bắn chết nhân tình vì hắn chia tay cô vì cô không thể trở thành một người vợ nội trợ, như cô thư kí bỏ đi vì trong nhà không có vị trí dành cho cô.
Và đó là tính nữ đậm đà làm tôi yêu thích ở phim, họ không góp phần phóng tàu vũ trụ thành công, họ cũng không được tán dương vì nuôi dạy ra được những đứa con thiên tài. Họ, trong phim, trang điểm, mặc đẹp, giết người, đọc sách, và sống tiếp cuộc đời của mình sau một chương đời khó nhọc và mệt mỏi, trong phim có một cảnh "trong mơ" là những người phụ nữ ấy đều ăn diện lên mình các bộ cánh rực rỡ nhất - xanh đỏ tím vàng - trái ngược với những bộ quần áo xám xịt thường ngày, cùng ngồi trên chiếc xe buýt rực nắng và cùng đung đưa theo nhịp, đọc sách, ngân nga - cảnh đó - làm tôi muốn khóc, vào ngày phụ nữ, chúng tôi luôn được chúc xinh đẹp, khoẻ mạnh, được ca ngợi là đảm đương nhiều vai trò cùng lúc (và thành công), nhưng thực sự tôi nghĩ điều chúng tôi cần, luôn cần, khao khát cần, là
Chúng tôi được là chính chúng tôi muốn, có thể được lười nhác ăn sáng trong giường với bộ độ mặc từ đêm qua, có thể thoải mái nói với người yêu của mình răng, em không muốn làm nội trợ, có thể được đắm chìm trong những phù phiếm đẹp đẽ phấn son, có thể được an toàn và tôn trọng ở bất cứ môi trường nào, dù có hay không có đàn ông, mà, không cần phải giải thích, phải tranh cãi, phải giành giật, phải đấu tranh, phải hy sinh...có thể vẫn đẹp trong "lớp da" /the skin/ của chính mình, chúng tôi đẹp khi đầu bù tóc rối với cuốn sách đang viết dở và cũng khi lộng lẫy son đỏ khoác tay người mình yêu dạo phố.
Hãy cho giúp chúng tôi tin như vậy, vì nhiều thế kỷ qua chúng tôi đã được dạy, được bảo, được gán vào vẻ đẹp qua lăng kính của đàn ông, của xã hội mất rồi.
Thưa mẹ con đi. Bao dung, sâu lắng. mạnh mẽ
Trái với 2 chàng trai cặp đôi nhân vật chính của phim, tôi lại yêu thích nhân vật người mẹ do cô Hồng Đào thủ vai quá đỗi, tôi nghĩ, phim này là về cô, không phải về chủ đề boy love hay come-out của cặp đôi kia. Đây là hành trình của cô đối diện với một sự kiện "thay da đổi thịt" của đời mình. Người mẹ goá phụ từ sớm đã hy sinh đời mình cho gia đình chồng, cho đứa con trai duy nhất, giờ đối diện với viễn cảnh "mất con mình vào tay thằng bé khác", lại tìm thấy được một con đường mới, bước sang một chương mới cho chính đời mình .
Xem cô, xem người mẹ trong phim, tôi như được tưới tắm trong một dòng suối an lành nhưng sâu sắc. Dù cô một tay quán xuyến việc làm ăn của gia đình, nhưng khi về đến nhà, hình ảnh của cô gắn liền với gian bếp nhỏ, với tấm rèm tre khi cô lặng lẽ quan sát con mình cùng "bạn trai", và khi được thoải mái trong căn phòng giản dị của mình, tôi thấy cô sao mà buồn, sao mà đơn độc.
Tôi còn nhớ có lần nghe bạn Tạ Quốc Kỳ Nam chia sẻ trên một phỏng vấn, rằng có lần mẹ bạn kể việc mỗi chiều hay có 1 chú cóc nhảy vào bếp nhà cô ấy, cô ấy cứ xem nó như bạn, đến một ngày nó đi đâu mất không ghé nữa, cô buồn. Lúc đó, bạn chợt nhận ra rằng mẹ mình cô đơn biết nhường nào...
Cũng như cô thư kí ở tít Chile xa xôi kia, phía sau một người phụ nữ sừng sững đầu đội trời chân đạp đất tay thì thoăn thoắt nấu ăn chăm sóc gia đình, sẽ là vời vợi biết bao nỗi niềm không thể chia sẻ bằng lời, chỉ biết gửi gắm vào một điều gì đó mênh mang như trời đất "chiều chiều ra đứng ngõ sau" hay vùi trong một con vật bé nhỏ ngẫu nhiên như con cóc sau nhà, con mèo bệ cửa....Người mẹ trong phim, cô Hồng Đào trong phim, gói ghém trăn trở, dằn vặt, buồn thương, thất vọng của mình vào trong ánh mắt khuất lất khi buông rèm, vào trong giọt nước mắt lặng lẽ khi biết được sự thật mà con mình vẫn che giấu. Sẽ cần nhiêu tài năng diễn xuất, kinh nghiệm đời sống để khắc hoạ được một hình ảnh người mẹ như trong phim, nhưng phải thấu hiểu nhiều lắm, yêu thương nhiều, trải qua nhiều lắm với vai trò là người vợ, người mẹ Việt Nam thì mới chuyển tải được một cách rất ý nhị, tinh tế như cô đã làm được với vai diễn này.
Nếu hình tượng của những người phụ nữ của In her place làm tôi thấy thích thú, khoái trá, thoả mãn, thì, người mẹ của cô Đào làm tôi thấy thương yêu biết bao những người phụ nữ Việt tôi đã có dịp gặp, tiếp xúc, hoặc lướt qua trong đời, thấy bao dung với chính tôi của những ngày gồng mình với những vai trò hiện tại, thấy thông cảm cho mọi vụn vặn tủn mủn đàn bà đời thường này.
Và cuối cùng, thấy hy vọng cho một chương sắp đến của đời mình, dù hiện tại có đang mắc kẹt ở 1 chương khó khăn, ngột ngạt, phân cảnh người mẹ sợ hãi nhưng phấn khích tập lái chiếc xe bán tải, đôi mắt ầng ậng nước nhìn về con đường trước mặt trong phim khiến tôi thấy được an ủi, và truyền cảm hứng biết bao.
Kết bài, tôi không mong điều gì xa xôi cho bản thân trong ngày này, tôi chỉ mong, mỗi một ngày trôi qua tôi vẫn có thể có thời gian hiểu chính mình, tha thứ cho chính mình, nhìn về tương lai với những ấp ủ hy vọng "sẽ khác", và tự hào vì mình là phụ nữ, có thể nheo mắt cười mỉm khi ai đó nói vu vơ "sao mà khó hiểu, phức tạp" - ừ, vì chúng tôi "sâu sắc như cơi đựng trầu", được chưa?
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất