Như chúng ta đã thấy, siêu bão Yagi chính thức đổ bộ đến Việt Nam vào ngày 7/9. Chỉ trong vỏn vẹn 1 ngày: 70% cây xanh tại các đô thị bị gãy đổ, hơn 2.000 nhà bị tốc mái, 4 người chết và 157 người bị thương... Hải Phòng, Quảng Ninh bị YAGI bỏ lại một đống hoang tàn.
THẾ NHƯNG, ĐÓ MỚI CHỈ LÀ BẮT ĐẦU
1. Hoàn lưu sau bão
Trước hết chúng ta cần hiểu rằng, tâm bão có thể đã qua, nhưng mọi chuyện sẽ chưa dừng lại ngay. Hoàn lưu sau bão sẽ xảy ra ngay tức thì. Đây là giai đoạn mà hệ thống mưagió vẫn tiếp tục hoành hành. Trong thời gian này, khu vực chịu ảnh hưởng vẫn có thể gặp mưa lớn, gió mạnh và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Từ đó gây ra liên hoàn lũ lụt, sạt lở đất và các thiệt hại khác, đôi khi còn nghiêm trọng hơn cả tác động trực tiếp của bão.
Và đây là những gì xảy ra tiếp theo với các tỉnh miền núi phía Bắc. Những cảnh tượng đau lòng mà nhiều năm sau nhớ lại, chắc người trực tiếp đi qua cơn bão sẽ kể lại
Trước khi đến với những giải thích sâu hơn về nguyên nhân ngập lụt và hệ thống đê/đập, có một sự thật là...
2. Người cổ đại đã từng sống phụ thuộc... lũ lụt
Lấy ví dụ về đế chế Ai Cập. Phần lớn lãnh địa nước này nằm ở châu Phi nên khí hậu rất nóng. Nhưng thay vì phải đối mặt với nạn đói giống phần lớn các nước ở châu lục này, Ai cập lại phát triển thành một đế chế nhờ... SÔNG NILE. Và rất nhiều nền văn minh khác bắt nguồn từ những con sông.
Hàng năm, những trận lũ của sông Nile mang theo phù sa màu mỡ, tạo nên một nền nông nghiệp phát triển. Điều này cho phép họ tận hưởng sự trù phú tự nhiên của đất đai sau lũ lụt mà không cần can thiệp quá nhiều. Đó cũng là lý do, trong suốt thời kỳ Cổ Vương quốc (2686 TCN – 2181 TCN), họ không xây dựng đê điều, mà phụ thuộc vào lũ lụt.
Tuy nhiên, khi dân số tăng, cái giá phải trả sau khi mỗi cơn lũ đi qua ngày càng lớn, hoa màu và vật nuôi mất trắng, cư dân mất chỗ ở, kéo theo sau sẽ là nạn đói. Đối với 1 nền nông nghiệp mà nói, đó là thảm họa. Các cộng đồng cần ổn định để phát triển, thay vì chấp nhận làm lại từ đầu sau mỗi cơn lũ. Đây chính là lúc mà việc xây dựng đập và đê điều trở nên cấp thiết.
3. Nghịch lý của những con đê
Hãy nhìn vào Việt Nam và Trung Quốc, hai quốc gia có truyền thống lâu đời trong việc xây dựng đê đập. Từ xa xưa, người dân ở đây đã chọn cách đắp đê dọc theo hai bên bờ sông, kết hợp các cửa dẫn nước vào khu vực canh tác qua kênh mương. Điều này vẫn đảm bảo lượng nước cho tưới tiêu, mở rộng diện tích canh tác và sinh sống xuống những vùng đồng bằng thấp, mà không lo mất trắng nhà cửa và hoa màu.
Biết là vậy, nhưng việc đắp đê cũng mang lại mặt trái.
Một khi dòng sông bị khóa chặt trong dòng chảy, phù sa sẽ không thể tràn sang 2 bên, ra khắp đồng bằng mà chỉ đọng lại ở lòng sông, dần dần, làm đáy sông nâng cao. Lúc này, với cùng một lượng nước lũ dồn về, mực nước năm sau sẽ cao hơn năm trước. Điều này tạo ra một vòng lặp, đã chọn đắp để để có cuộc sống ổn định, thì phải liên tục nâng cao và củng cố đê, nếu không muốn gia tăng nguy cơ vỡ đê khi lũ lơn.
4. Chế ngự dòng chảy - Đập thủy điện
Như đã nói, sự phát triển của các nền văn minh luôn gắn liền với khả năng kiểm soát và tận dụng nguồn nước. Bắt đầu từ chấp nhận lũ lụt tự nhiên, đến đắp ĐÊ để tự bảo vệ mình, thậm chí là sự can thiệp trực tiếp vào sức chảy của những con sông. Chính là hệ thống Đập thủy điện.
Những con đập không chỉ góp phần tạo ra năng lượng, mà còn điều tiết sức nước. Nhất là trong mùa lũ, đập tích trữ một phần nước tại hồ, từ đó giảm lưu lượng chảy về hạ lưu. Nhưng điều gì xảy ra nếu áp lực nước lớn sau bão Yagi làm các con đập bị vỡ? Rất có thể, toàn bộ miền Bắc lúc này sẽ bị nước lũ ồ ạt ùa về, viễn cảnh vô cùng thảm khốc mà không kiểm soát nổi.
Đó là lúc các con đập cần phải xả nếu không muốn đứng trước nguy cơ vỡ. Vấn đề là, điều này vẫn khiến một lượng nước dồn về hạ nguồn, cho dù có tính toán, nhưng trong bối cảnh mực nước sông cao sẵn mấy ngày này, thì ngập lụt là không tránh khỏi.
5. Sau cơn lũ, sẽ là gì?
Quay lại thời cổ đại, ngay sau bão lũ vẫn luôn là một năm đói kém vì mất mùa. Như một cách tạo hóa reset lại game để làm lại một ván mới, tàn khốc, nhưng giúp bù đắp lại những màu mỡ đã cạn kiệt. Để đón một khởi đầu mới.
Chung quy lại, con người không ngừng tìm cách cân bằng giữa việc khai thác lợi ích từ sông, đồng thời bảo vệ mình khỏi những hiểm họa. Bởi sau mỗi cơn bão lũ sẽ đều là những cảnh tượng thương tâm, mất rất nhiều thời gian và công sức để phục hồi. Mất người, mất của đã đành, với riêng bà con làm nông và ngư nghiệp, họ còn có thể bị đóng băng kế sinh nhai cả năm sau đó.
Và cá nhân mình nghĩ, đó là lúc cần đến chính quyền, cần một ai đó đứng ra để quản lý và san sẻ bớt những khó khăn của một vài nhóm người đặc biệt, mà nếu để cho cơ chế thị trường tự do làm việc của nó, không biết đến khi nào, những người dân yếu thế mới có thể đứng dậy.