Năm vừa rồi, bà nội mình mất. Bà đột quỵ ở quê, lên viện vài ngày thì bệnh viện đưa về. Mình theo xe cấp cứu chở bà từ viện Bạch Mai về. Thoi thóp, giật cục, lạnh, tím tái là những gì mình còn nhớ về hình ảnh của bà những giờ phút cuối. Kết thúc 6 năm ròng rã bà và gia đình mình tranh đấu với ung thư. Cuộc sống nhiều mảng màu, không có đen hẳn, cũng chẳng trắng xanh, có cả triệu màu phối trộn. Và tất nhiên, thế giới thì phức tạp hơn mình nghĩ, mình biết vậy. Nhưng mình nghiệm ra, lùi lại một bước, hít sâu thở đều thì sẽ nhìn ra những màu chủ đạo của bức tranh. Mình nghĩ lại bức tranh ngày cuối bên bà mà mình là một nhân vật trong đó, vừa là người quan sát. Mình tìm đến mảng màu chủ đạo, mảng màu sống chết, xoay quanh câu hỏi:
SAU CÙNG, THỨ GÌ CÒN LẠI? và SAU CÙNG, THỨ CHÚNG TA CẦN LÀ GÌ?
Hai câu hỏi chủ đạo.
Các bạn nghĩ sao? Riêng việc các bạn nghĩ về hai câu hỏi đó có lẽ đã là một thành công của mình trong bài viết này rồi. Cách hỏi đôi khi quan trọng còn hơn cả câu trả lời, hoặc có những câu hỏi cũng không cần câu trả lời rõ ràng, hoặc thậm chí hỏi chỉ để người ta nghĩ về điều đó, không cần người được hỏi nói ra. Trong bức tranh mình miêu tả phía trên, với bối cảnh lúc đó, mình nghĩ đó là một câu hỏi quan trọng mà bà mình ở những hơi thở yếu đuối cuối đời đã đặt ra cho con cháu đứng bên. Và giờ, câu trả lời cho câu hỏi trên của mình lúc đó là:
SAU CÙNG, THỨ CÒN LẠI CHỈ LÀ MỘT HƠI THỞ. SAU CÙNG, THỨ CHÚNG TA CẦN CHỈ LÀ MỘT HƠI THỞ.
Tết vừa rồi, mình uống rượu - nhưng ít hơn Tết trước. Mình thấy mọi người nâng chén rượu lên và chúc nhau sức khoẻ, sau đó là mong người kia uống, hoặc là ép uống. Việc này đúng về bối cảnh, tốt về ý nghĩa, nhưng sai về logic. Rõ ràng, rượu đâu có tốt cho sức khoẻ, sao lại mời người thân uống một thứ độc hại rồi mong người được mời khoẻ hơn nhỉ? Cũng giống như hình phạt tử hình, pháp luật muốn dạy xã hội là không được giết người bằng cách giết một ai đó sao? Những tư duy như vậy, mình biết là trẻ con, nhưng nó đúng với mình, nó tốt cho mình, giúp mình khoẻ hơn, bao dung hơn - chỉ bằng cách tự đặt câu hỏi. Khó mà thay đổi được cả một thế hệ với một hệ tư tưởng, suy nghĩ, sống nhiều năm trong một bối cảnh khác, với những sự kiện và thăng trầm hoàn toàn khác, chưa kể mỗi người lại có nhiều trải nghiệm khác nhau. Nhưng cũng mong rằng người lớn nhận ra logic này, hoặc ít nhất thoáng nghĩ tới những câu hỏi trên. Quả thật, người lớn biết nhiều, nhưng không biết tất cả. Ngoài ra, mình còn nhớ tới một câu nói rất hay đó là:
CHÚNG TA KHÔNG BIẾT NHỮNG GÌ MÌNH KHÔNG BIẾT.
Với mindset trên có hai điều mình liên tưởng tới sau những ngày nghỉ Tết vừa rồi:
Chúng ta không biết rằng bố mẹ già đi nhanh hơn chúng ta nghĩ, và cả chính chúng ta nữa. Chúng ta không hề khoẻ như chúng ta tưởng.
Bạn có tính thử năm 2022 đã bỏ ra bao nhiêu tiền hoặc thời gian cho hoạt động giữ gìn sức khoẻ, bao gồm tập gym, thiền, yoga, bơi, hay chạy bộ... Mình tin là ít có ai bỏ ra trên được 5% tổng thu nhập. Trong cuốn sách tâm lý học về tiền của tác giả Morgan Housel có viết rằng: "Có hai thứ luôn ảnh hưởng tới bất cứ ai: Sức khoẻ và tiền bạc". Chủ đề tiền bạc thì có lẽ đã có đủ sự quan tâm nên mình không bàn tới ở bài viết này. Còn về sức khoẻ thì thực sự ai cũng biết, ai cũng hiểu là cần phải giữ gìn. Nhưng nếu không có đủ góc nhìn thấu đáo và đủ chín chắn, hoặc chăng chưa thực sự trải qua thì khó mà quan tâm sức khoẻ bản thân như bản thân cần. Cái thứ quan trọng nhất mà mình nghĩ là cần phải nói là làm không phải là "Tao uống 3 chén, Việt Nam nói là làm", mà là "Bản thân à, tao sẽ chăm sóc mày, Việt Nam nói là làm". Cách thể hiện bản thân tốt nhất nên chỉ là thể hiện với chính mình thôi... Có chi đâu cần phải hơn nhau một hai chén rượu thiệt hơn, một hai câu buông lời cãi vã. Người trẻ muốn được tôn trọng, thể hiện bản thân nên uống để chứng tỏ mình, càng lớn thì càng điềm tĩnh và uống ít đi, khi già thì chỉ mong sức khoẻ. Mình nghĩ có nhiều cách để thể hiện bản thân, bỏ đi cách này còn nhiều cách khác. Còn chăm lo về sức khoẻ thì chỉ có một cách là rèn luyện thói quen sống tốt, sống bao dung, mỉm cười, thì nhất định sẽ có một hơi thở an yên, điềm nhiên, hạnh phúc. Sức khoẻ và trí tuệ là hai loại hình đầu tư lãi nhất. Mình tin là việc uống thêm vài ba chén rượu ở tuổi 20 chính là tự lấy đi 1 2h để sống sau tuổi 70. Còn chạy bộ, thiền, đi bộ... sống cảm thông, tôn trọng, biết ơn thì ngược lại, sẽ giúp mình sống lâu hơn, ít nhất là lâu hơn trong trí nhớ của người khác.
Vũ trụ đã hình thành được vài tỉ năm, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam rơi vào 72-75 tuổi. Rõ ràng, thời gian chúng ta sống chỉ như cái chớp mắt của vũ trụ mà thôi.
Cuộc sống có bao lâu, mà hững hờ.
Trích nhạc Trịnh Công Sơn.
Năm 2022, bạn mèo nhà mình ra đi.
Năm 2022, bạn mèo nhà mình ra đi.
Trong cuốn sách Bomber Mafia của Malcom Gladwell có viết:
Người thắng cả cuộc chiến thì luôn vinh quang hơn chỉ thắng một vài trận đánh.
Trích Bomber Mafia - Malcom Gladwell
Việc thua trên bàn nhậu chỉ như thua một trận đánh để giữ cục diện cả trận chiến. Người sống khoẻ, minh mẫn và lâu nhất mới là người thắng cả cuộc chiến. Mong rằng, Việt Nam sớm có góc nhìn sức khoẻ tốt hơn, uống ít rượu hơn.
Cuối cùng, quá khứ thì đã qua, tương lai thì chưa tới, sống ở hiện tại là cách tốt nhất để sống trọn với chính mình. Hít sâu thở đều, biết ơn, yêu thương, mỉm cười, thiền, chơi game điều độ, đọc sách... Chúc mọi người có một hơi thở an yên, hạnh phúc. 8:06 PM, 26/01/2023, mùng 5 Tết Quý Mão - Khai ngón đầu xuân. Cảm ơn mọi người vì đã đọc bài viết.