Vào trưa, tôi mở máy tính bảng lên thì thấy thông báo của hai bài báo liên quan đến giáo dục và học tập.
Một bài là về điều chỉnh phương thức xét tuyển đại học và bài thứ hai là về kết quả thi IELTS "đáng ngưỡng mộ" của một bạn học sinh cấp 3. Cả hai đều từ những trang báo có tiếng ở Việt Nam.
Tôi sẽ tóm tắt bài viết thứ nhất như sau:
Như tiêu đề bài viết: "Sĩ tử đổ xô học SAT vì ĐH Kinh tế quốc dân thay đổi cách xét tuyển". Trong bài này xoay quanh đến việc nhiều phụ huynh cũng như bản thân học sinh cấp 3 đặc biệt là các sĩ tử chuẩn bị bước vào đại học đang gấp rúp tìm kiếm cách để đạt điểm SAT cao chuẩn bị cho kì xét tuyển sắp tới của trường. Tuy nhiên, "cách" ở đây cơ bản là tìm "trung tâm luyện thi" với hy vọng sẽ đạt được mức điểm mong đợi đã đề ra. Bản thân tôi cũng từng trải qua "lò luyện" để có được tấm bằng IELTS với mục tiêu tranh suất đỗ xét tuyển sớm. Với những nỗ lực bỏ ra thì tấm bằng đó đã giúp tôi có 1 suất đậu vào một trường quốc tế có tiếng ở TP.HCM. Do đó, tôi cho rằng việc được đào tạo qua các trung tâm là một lợi thế bất công bằng. Một cách dễ hiểu hơn, đa phần các học sinh đều như nhau, nhưng nếu trong số đó được đào tạo trong môi trường học tập hiệu quả thì sẽ cho ra kết quả tốt hơn. Cứ hình dung, ta có một dây chuyền sản xuất - nơi mà nguồn sản phẩm đầu vào gần như tương tự nhau, nhưng trải qua các quá trình xử lý khác nhau - chúng lại cho ra sản phẩm cuối cùng khác biệt.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
Thật ra, bản thân môi trường sẽ không quyết định hoàn toàn đến kết quả cuối cùng. Cũng giống như bản chất của một sản phẩm đầu vào rất khó có thể biến đổi qua xử lý. Nói cách khác, trong số những học sinh cùng trải qua "lò luyện" ấy, những sản phẩm cuối cùng lại khác nhau nữa - mà điểm khác ấy đến chính từ bản thân họ.
Bài thứ hai nôm na cũng là về "flex" điểm, mục đích là để tạo động lực hoặc là áp lực để các bạn khác cố gắng. Nói chung là tôi thấy những bài này nhiều rồi. Công nhận các bạn ấy giỏi thiệt, nhưng mà đừng vì thế mà đánh mất sự tự tin nha các bác.
Quay trở lại với câu hỏi đặt ra ở tiêu đề "Sao người Việt Nam ngày càng giỏi vậy?". Tôi cảm thấy đây là một xu hướng tích cực mặc dù trên thực tế thì tôi cũng cảm thấy không vui lắm vì nhiều người giỏi thì thị trường lao động càng cạnh tranh. Tuy vậy, khi nhìn ở một góc độ khác thì càng nhiều người giỏi thì nguồn nhân lực của cả nước càng được nâng cao, tạo tiềm năng cho nền kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là giỏi cái gì, giỏi như thế nào, rồi giỏi có đóng góp được gì cho nền kinh tế của các nước không?
Khi đánh giá nền kinh tế chung ta có hàm sản xuất như sau:
Y = A. F(L, K, H, N),
Trong đó,
Y là sản lượng đầu ra (quantity of output)
L: số lượng lao động (quantity of labor)
K: Lượng vốn vật chất (quantity of physical capital)
H: Lượng vốn nhân lực (quantity of human capital)
N: Lượng nguồn tài nguyên thiên nhiên (quantity of natural resources)
Trong đó F ( ) là hàm cho biết cách kết hợp các đầu vào để tạo ra đầu ra. A là biến số phản ánh công nghệ sản xuất sẵn có. Khi công nghệ được cải thiện, A tăng lên, do đó nền kinh tế tạo ra nhiều sản lượng hơn từ bất kỳ sự kết hợp đầu vào nào.
Tôi dùng lý thuyết kinh tế học vĩ mô này mục đích là để chỉ ra việc "người Việt Nam" giỏi hơn nằm trong biến (H) của hàm sản xuất. Việc người Việt giỏi hơn nghĩa là (H) tăng lên, thúc đẩy sản lượng đầu ra tăng lên. Tuy nhiên, các biến L, K, H, N là các biến độc lập ảnh hưởng đến hàm F ( ) nói trên, nên khi H tăng lên các biến còn lại cần phải điều chỉnh để tối ưu hoá sự tăng trưởng. Hơn nữa, khác với A, H chính nó cũng không ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng đầu ra mà phụ thuộc vào hàm F ( ).
Hơn nữa H không chỉ về kiến thức, nghĩa là kể cả khi các sĩ tử đạt kết quả cao trong bài thi SAT hay IELTS, không có nghĩa là H sẽ tăng đáng kể, mà các kĩ năng khác cũng đóng vai trò quan trọng.
Mặc dù vậy, xét về góc nhìn vi mô. Nếu các bạn này giỏi hơn, thì các bạn ấy nắm nhiều lợi thế trên thị trường hơn, một cách dân dã là "giàu hơn". Từ đó có nhiều doanh nghiệp ra đời và phát triển hoặc lớn mạnh. Chẳng hạn như khi nhìn vào Hàn Quốc hay Nhật Bản. Bản thân các doanh nghiệp này càng mạnh thì chiếc "bánh kinh tế" càng lớn.
Còn rất nhiều khía cạnh có thể đào sâu trong vấn đề này, nhưng tôi tạm kết ở đây. Suy cho cùng, đây là môt xu hướng tích cực và nếu xu hướng này càng phát triển thì trí lực của Việt Nam ngày càng được nâng cao.