“Sao không rủ tao?” và Nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO - Fear of missing out)
Có một nỗi đau mang tên “ra rìa”. Những cuộc vui tưởng chừng không thể thiếu bạn, lại có vẻ vui hơn khi không có bạn ở đó. Và khi hội...
Có một nỗi đau mang tên “ra rìa”. Những cuộc vui tưởng chừng không thể thiếu bạn, lại có vẻ vui hơn khi không có bạn ở đó. Và khi hội bạn thân đăng ảnh chụp bữa tiệc đầy đủ tất cả mà bạn thậm chí còn không được mời đến, bạn bắt đầu có một cảm giác gọi là “tức tủi” (vừa tức giận vừa tủi thân).
Tâm trí ta luôn sợ bỏ lỡ. Bỏ lỡ phút giây bên cạnh người mình ngỡ như đã gắn bó, bỏ lỡ những câu chuyện “Dạo này…” của hội bạn đã lâu không gặp, bỏ lỡ niềm vui mà mình đáng ra có thể tự trải nghiệm thay vì nhìn từ xa mà thèm thuồng. Những ngày đặc biệt khi dòng người đổ xuống phố, ta hoà mình vào đó dù chẳng biết điều gì sẽ làm ta vui. Nhưng ta biết nếu không làm thế, sẽ lỡ mất thứ gì đó mà rất nhiều người ngoài kia đang có được.
Ngoài nỗi sợ bỏ lỡ của tâm trí, trái tim ta luôn sợ bị bỏ rơi. Vắng mặt trong một cuộc gặp gỡ bạn bè không chỉ là chuyện ai đó không rủ ai đó, mà còn là tín hiệu ai đó sắp bị lãng quên. “Sao không kể với tao?” cũng gần tương tự, khi bạn là người biết mọi chuyện sau cùng. Đằng sau sự mong chờ được tin tưởng và chia sẻ là nỗi lo người ta hết cần mình. Mà hết cần là hết dần kết nối.
Nhưng ai lại mang từng ấy nỗi sợ ra, mong cầu người khác đừng quên rủ rê mình để trở thành kẻ đáng thương bao giờ. Có trăm ngàn lý do cho việc ta quan tâm hay ngừng quan tâm ai đó. Nhưng chỉ có một lý do duy nhất để đòi hỏi người khác phải nhớ đến ta và kéo ta vào cuộc đời họ. Đó là vì cuộc sống của một người vốn là phép tổng của rất nhiều khoảnh khắc có mặt mình trong cuộc sống của người khác. Thiếu đi một số hạng là thêm một chút hụt hẫng.
Rốt cuộc thì, câu hỏi “Sao không rủ tao?” vừa cho người được hỏi cơ hội vá víu mảnh tình cảm sắp đứt, vừa là cách để người hỏi tự vỗ về mình nếu nhận được câu trả lời dù biết không thật. Đôi khi, nếu ai cũng đã biết lý do, kẻ vắng mặt cũng sẽ không cần hỏi nữa, chỉ cần đi tìm một số hạng lớn hơn, để bù vào con số vừa bị bỏ lỡ.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất