Giữa hàng vạn content creator trên các nền tảng ngày nay, đâu mới là một sự sáng tạo?
Bài viết này là chia sẻ quan điểm cá nhân của tôi về việc sáng tạo, nó sẽ gồm có cả những định kiến của từ ngữ này.

1, Định nghĩa: 

Tôi không tìm thấy được định nghĩa nào mình tâm đắc trên Google nên đã nhờ ChatGPT hỗ trợ về phần này: 
Từ "sáng tạo" có nguồn gốc từ tiếng Latin. Nó xuất phát từ từ Latin "creare," có nghĩa là "tạo ra" hoặc "sản xuất." Từ "creare" cũng liên quan đến khái niệm của việc tạo ra một thứ gì đó từ không gian trống hoặc sự tồn tại của một ý tưởng từ trước đó. Trong văn hóa La Mã cổ đại, khái niệm này có một liên hệ mật thiết với các đức tin tôn thờ việc sáng tạo của các vị thần.
Từ "sáng tạo" sau đó được sử dụng rộng rãi trong các ngôn ngữ khác, và nó đã trở thành một khía cạnh quan trọng trong nền văn hóa và nghệ thuật. Sáng tạo không chỉ liên quan đến việc tạo ra nghệ thuật mà còn đến việc giải quyết vấn đề, phát triển công nghệ, và nhiều khía cạnh khác của cuộc sống con người.

2, Sáng tạo nên hay không nên có giới hạn?

Trong thế giới hiện đại và phát triển ngày nay, tôi thấy chẳng có thứ gì là tuyệt đối trong mắt của một con người, khi cả kiến thức của nhân loại chỉ nằm vỏn vẹn trong chiếc điện thoại. Ai cũng sẽ cho mình một định nghĩa về sự sáng tạo riêng mà chẳng ai là giống ai.
Đối với tôi, sáng tạo khá đơn giản, nó là một thứ suy nghĩ bay bổng, một ý tưởng bộc phát mà khi tôi nằm ngủ hay khó ngủ, ăn, thậm chí đi nặng, tắm, hay làm tình, đi đường nhìn mây bay, cây cỏ hoặc bất cứ lúc nào cũng có thể sản xuất ra ý tưởng sáng tạo.
Sáng tạo nó chẳng có một hệ thống nào cả, nó bắt nguồn từ cảm hứng, sau đó đến ý tưởng, rồi phân tích ý tưởng đó, triển khai và biến ý tưởng đó trở thành sự thật theo chủ đề hoặc yêu cầu được đưa ra.
Sáng tạo cũng chẳng có ngày đêm, chẳng có khung thời gian cố định, đặc biệt hơn sáng tạo có thể đến từ một tập thể, sáng tạo có thể đến từ cá nhân độc lập.
Trong Kinh Thánh phần sử lược thì Chúa là đấng tối cao được gọi là Đấng Tạo Hoá cũng mất 7 ngày để sáng tạo ra ngày đêm, trời đất, núi non, biển cả, sông ngòi.
Tôi thấy sáng tạo với tôi khá điên rồ, nó chẳng giống ai, thậm chí nó sẽ được coi là phản động hoặc đi ngược lại hoàn toàn giá trị đạo đức được răn dạy. Vì nếu không dùng sự kích thích điên rồ trong thần kinh, thì chẳng thể nào mình có những ý tưởng đột phá.
Hồi trước khi đi làm công ty cũ, tôi chỉ buồn cười khi bị đặt vào trong một trường hợp là Marketing Manager thuê tôi về làm sáng tạo, nhưng lại chẳng cho tôi cái thứ sức mạnh đấy, nó bị rập khuôn bó hẹp trong một phạm vi của thương hiệu. Nên cảm giác, người ta đưa thanh kiếm cho tôi, nhưng mà là một thanh kiếm bị cùn không cắt lát được sáng tạo vậy.
Sáng tạo đôi khi còn là chấp nhận những sự non nớt của những người trẻ, những mớ suy nghĩ rùm béng rối rém của họ khi thiết kế ra những ấn phẩm thô sơ, những câu cú lủng củng, hay thậm chí là chấp nhận họ thụ động reup/repost nhiều hơn là sáng tạo. Nhưng đối với tôi sáng tạo là một thứ khá vô hình, bản chất họ cũng đang là người đi tìm sự sáng tạo cho riêng mình.
Sáng tạo với tôi nên vượt qua giới hạn, đặc biệt là trong lĩnh vực mà tôi đang rèn luyện đó là “Viết”.

3, Sự sáng tạo nên vượt lên trên định kiến

Trong mắt một người làm sáng tạo, tôi luôn thấy mọi thứ thú vị và đẹp đẽ, kể cả hình ảnh nào nhỏ bé tôi cũng chú ý rõ ràng và tận dụng nó thành những chất liệu để thực hành việc miêu tả.
Viết ở Spiderum là một hình thức tôi thực hành công khai việc viết của mình. Nên có rất nhiều bài viết tôi cũng nhận được sự chỉ trích khá lớn. Nó còn bị âm điểm trên Spiderum. 
Nhưng viết mà, nó là không gian khiến tôi vui và sáng tạo nhất. Nên thường tôi sẽ viết và bộc lộ quan điểm sáng tác của mình. 
Nhiều khi làm cái nghề này lăn lộn nhiều năm, nhưng thú thật tôi dường như chẳng biết gì nhiều về những điều sáng tạo mình đã làm. 
Mỗi giai đoạn nó lại có những sự phát triển khác trong con người của tôi. Sự sáng tạo khác trong phần bản ngã mà tôi chưa bao giờ khai phá. Sáng tạo và khác biệt thì nếu gặp phải người không hiểu những thứ vô hình này như mẹ tôi, chắc chắn là mẹ tôi chửi tôi to đầu bằng câu: “Mày dị lắm, mày điên lắm…” mỗi ngày.

Kết luận:

Đọc lại mấy bài viết này, tôi thấy như là những cuốn sách self-help mà tôi đang đọc vậy, tôi là người rất thích đọc sách self-help nhưng mà để đạt tới sự sáng tạo, tôi nghĩ bản thân vẫn cần đọc nhiều sách văn học hơn. 
Viết bài viết này tôi cũng chẳng thấy có sự sáng tạo gì cho cam, chỉ là muốn viết để lưu lại xem, thời gian qua đi văn phong hay lối hành văn của tôi đã phát triển đến đâu, tôi có quyết tâm theo đuổi con chữ này cho đến cùng hay không. 
Nên việc viết vẫn là viết, sách thì vẫn sưu tầm và gối đầu giường, sáng tạo thì vẫn phải mài giũa mỗi ngày. 
Nhưng ít ra tôi thấy việc viết sáng tạo là một kỹ năng rất khó mà tôi đang rèn luyện để đi trên con đường trở thành một người viết chuyên nghiệp. Và với tôi, sáng tạo cũng đơn giản như việc ăn uống mỗi ngày.
VP Timebooming - 4:22pm - 31/10/2023