Sáng tạo là gì? Cùng mình đi tìm thế giới trong mơ.
Sáng tạo chính là cây cầu liên kết giữa những ý tưởng trong tâm trí bạn với thế giới vật chất mà chúng ta đang sống.
Nếu có ai đó hỏi mình rằng:
“Tom ơi, mày thích cái gì nhất?”
Thì có lẽ mình sẽ không ngần ngại mà trả lời ngay:
“Sáng tạo. Tao thích sáng tạo nhất.”
Nếu các bạn đã theo dõi kênh blog của mình một thời gian rồi, thì có thể các bạn đã biết rằng blog của mình được cập nhật hằng ngày. Điều đó có nghĩa là mỗi ngày mình đều viết blog, đăng blog và đều chia sẻ những gì mình cho là bổ ích và mới lạ đến với các bạn đọc của mình.
Ngoài ra, thì mình cũng đang theo nghề Graphic Designer, một ngành nghề cũng yêu cầu kha khá sự sáng tạo trong quá trình làm việc.
Khác với câu hỏi giả định ở trên, câu hỏi mà mình thường hay được hỏi nhiều nhất lại là:
"Mày lấy đâu ra thời gian mà làm lắm việc thế?"
Để trả lời cho câu hỏi này thì cũng không có gì đặc biệt hết. Bí quyết của mình chỉ đơn giản là các phương pháp quản lý thời gian, loại bỏ trì hoãn và tăng cường sự tập trung mà mình đều đã có các bài viết cụ thể chia sẻ với các bạn rồi.
Câu hỏi thứ hai mà mình thường nhận được đó là:
"Ở đâu ra mà mày có lắm ý tưởng thế?"
Câu hỏi này thì đúng là khó trả lời hơn nhiều, bởi lẽ mình ước gì mình cũng có một cái “hộp ý tưởng” để lôi ra dùng khi cần. Và nếu như thực sự có một thứ công cụ nào tiện dụng được tới vậy, thì có lẽ mình cũng đã thành danh từ lâu rồi, haha.
Đôi khi mình cũng không rõ là do mình mê sáng tạo nên mới tìm đến các nghề làm sáng tạo, hay là do làm nghề sáng tạo nên mình mới mê sáng tạo đến thế.
Để giải thích lý do tại sao mình lại mê sự sáng tạo, mình muốn chia sẻ với các bạn cách hiểu về hai chữ “sáng tạo” mà mình vẫn luôn giữ niềm tin vào bấy lâu nay.
Cách hiểu này bắt nguồn từ một vài câu nói của anh rapper Đen mà sau đây mình xin phép được trích nguyên văn:
Đen nghĩ những giấc mơ nó mới chính là thứ tạo nên thế giới này. Mơ được bay như chim, người ta tạo ra máy bay. Mơ được đi nhanh như con hổ, người ta tạo ra xe hơi. Mơ được ngắm cung trăng kia, người ta tạo ra phi thuyền đúng không. Tội gì không mơ đúng không ạ?
Mình biết rằng những câu nói này không hề có chữ “sáng tạo” nào hết, nhưng đây lại là những câu đã giúp mình nhận ra một sự thật rằng: Chúng ta đang sống trong thế giới của những giấc mơ.
Mọi sản phẩm và thành quả mà chúng ta đã, đang và sẽ sử dụng; từ quá khứ tới tương lai, từ vô hình đến hữu hình, từ vật chất tới tinh thần; đều sẽ là những sản phẩm và thành quả xuất phát từ một giấc mơ (dream), khao khát (desire) hoặc tầm nhìn (vision) của một ai đó.
Đúng. Không phải tìm đâu xa nữa. Chúng ta đã và đang sống trong thế giới của những giấc mơ rồi. Nhưng phần lớn chúng ta đều không nhận thức được điều đó, bởi lẽ thế giới này đang được cấu thành từ giấc mơ của người khác, chứ không phải và/hoặc chưa phải giấc mơ của chúng ta.
Vậy những người đi trước đã làm thế nào để có thể biến ước mơ của họ thành hiện thực?
Có lẽ bạn cũng đã đoán ra được câu trả lời rồi, họ sáng tạo.
Cá nhân mình tin rằng quá trình sáng tạo chính là quá trình biến một ước mơ, hay một tầm nhìn của bạn thành hiện thực. Đó là quá trình “vật chất hóa” hay cụ thể hóa (materialize) những ý tưởng mà bạn có ở trong đầu.
Sáng tạo chính là cây cầu liên kết giữa những ý tưởng trong tâm trí bạn với thế giới vật chất mà chúng ta đang sống.
Khi mình dùng những từ như "giấc mơ", "ước mơ" hay "tầm nhìn", có lẽ nhiều bạn đọc sẽ hiểu nhầm rằng sáng tạo là cứ phải gắn với những công trình to lớn, sự nghiệp vĩ đại, danh tiếng lẫy lừng thì mới gọi là sáng tạo.
Mình không hề có ý như vậy, và mình cũng khẳng định là mình không tin như vậy.
Quá trình mình thiết kế ra một sản phẩm, như một cái logo chẳng hạn, thường bắt đầu bằng việc nghiên cứu, hỏi đáp, sau đó lên ý tưởng và phác thảo bản nháp.
Ngay cái khoảnh khắc mình đặt bút và thước lên trang giấy để vẽ nên những ý tưởng mà mình có trong đầu thì cũng là lúc mình đang bắt đầu phần việc sáng tạo của mình rồi. Mình vừa hiện thực hóa một thứ vốn dĩ chỉ tồn tại trong đầu mình, và mình tin rằng cách hiểu tương tự cũng sẽ có thể áp dụng với mọi khía cạnh khác trong cuộc sống có liên quan tới sáng tạo.
Mình không có ý muốn xem nhẹ bước lên ý tưởng, đó cũng là một phần rất quan trọng của quá trình sáng tạo. Tuy nhiên, chỉ có ý tưởng, có ước mơ, có hoài bão, có tầm nhìn không thôi mà lại không hành động gì để hiện thức hóa nó thì mình tin rằng dù cái ý tưởng đó có sáng tạo tới đâu, thì cũng chẳng có ý nghĩa gì với cuộc sống hết.
Có thể bạn đang có một ý tưởng kinh doanh tuyệt vời, nhưng bạn lại không lên kế hoạch để bắt tay vào thực hiện nó. Có thể bạn đang hình dung ra một bức họa rất đẹp, nhưng bạn lại không buồn cầm cọ lên. Có thể bạn đã nảy ra một giai điệu rất bắt tai, nhưng bạn vẫn để mặc cho cây đàn nằm đó.
Mỗi khi nhớ lại những khoảnh khắc tương tự ở bản thân, hoặc quan sát được từ đời sống người khác, mình lại tự hỏi không biết có bao nhiêu thành tựu quan trọng có thể đã xảy ra, mà chúng ta đang vô tình cướp đi của bản thân, của cộng đồng, và cả của nhân loại.
Bằng cách đặt ra ranh giới rõ ràng giữa tâm trí và hiện thực, giữa ý tưởng và thực hành, mình đã có thể tìm được phương hướng thực sự để đến được những vạch đích mà mình mong muốn, và cái ranh giới đó, mình gọi tên nó là "sáng tạo".
Mình mong rằng các bạn đọc sẽ không bị những lời nói nghe có vẻ dễ dãi của mình đánh lạc hướng.
Dù cho có suy nghĩ tích cực tới đâu, mình tin rằng khó có giấc mơ nào có thể dễ dàng được biến thành hiện thực các bạn à. Vậy nên sáng tạo cũng là một quá trình phức tạp, nó đòi hỏi ở con người ta sự chăm chỉ, tính cam kết, tính kỷ luật, tính kiên nhẫn, tính tò mò, sự tâm huyết, khả năng phối hợp, khả năng lên kế hoạch, tình cảm, công sức và đặc biệt nhất chính là thời gian.
Hãy hỏi bất cứ người làm sáng tạo nào mà các bạn biết, những người dày dặn kinh nghiệm có thể sẽ còn liệt kê ra những danh sách dài hơn nhiều so với những gì mà mình vừa nêu ra ở trên.
Một yếu tố nữa luôn khiến cho chúng ta gặp rắc rối với quá trình sáng tạo đó là vấn đề về "những chiếc hộp."
Không phải ngẫu nhiên mà người ta thường dùng câu "Thinking outside the box" để miêu tả về những ý tưởng sáng tạo và đột phá các bạn ạ.
Trong video Ted Talk mang tên How to be a more creative person, diễn giả Bill Stainton chia sẻ rằng:
"Sáng tạo và cơ hội đều nằm ở bên ngoài vòng an toàn của bạn."
Để bắt được những loài cá mới, bạn sẽ buộc phải tiến vào vùng biển mới và lạ lẫm với bạn. Tư duy tương tự cũng có thể được áp dụng trong đại dương tâm trí của chúng ta, nơi mà để tìm kiếm những ý tưởng mới, chúng ta không được gói mình vào trong những chiếc hộp tinh thần.
Có thể sau khi đọc đến đây, các bạn sẽ cảm thấy hoài nghi về tiềm năng sáng tạo của bản thân.
Nhưng các bạn cũng đừng lo lắng quá, ở các câu trên mình dùng từ “phức tạp” để mô tả về sáng tạo cũng là có chủ đích.
Bởi lẽ mình tin rằng đó cũng chính là bản chất của sự sáng tạo, đúng là nó phức tạp, nhưng nó không hề khó.
Giống như trong cuốn sách It's Not Complicated: The Art and Science of Complexity in Business, tác giả Rick Nason có viết:
“Tư duy phức tạp thực ra không hề khó.”
Mình nói sáng tạo không hề khó bởi lẽ mình tin rằng sáng tạo chính là một phần mềm mặc định mà tất cả chúng ta đều sở hữu. Rằng sáng tạo chính là bản chất của chúng ta. Đó là lợi thế tiến hóa đã giúp con người phát triển cho đến được như ngày hôm nay.
Từ những công cụ bằng đá, cho tới những công cụ bằng kim loại. Từ những bộ lạc cho tới những nền văn minh. Từ những phát minh khoa học cho tới những loại hình nghệ thuật. Tất cả những giá trị tạo nên loài người chúng ta ngày nay đều là sản phẩm của sự sáng tạo, hoặc có sự đóng góp rất lớn của sáng tạo.
Một trong những bài học thú vị nhất mà mình rút ra được từ cuốn sách Getting Things Done, được viết bởi tác giả David Allen, đó là:
“Your brain is great for having ideas, not storing them.”
Vậy nên mình cũng tin rằng sáng tạo là một kỹ năng, chứ không phải là một tài năng thiên bẩm.
Rằng chúng ta đều có thể học hỏi và luyện tập để trở nên thành thạo trong việc áp dụng kỹ năng này vào đời sống, học tập và làm việc.
Mình tin rằng với những chủ đề mở như là về sáng tạo thì mỗi người sẽ có những cách hiểu và góc nhìn khác nhau. Trên đây mình vừa chia sẻ với các bạn góc nhìn của mình, và mình hiểu rằng có thể đang có rất nhiều bạn đọc không đồng tình với cách hiểu nghe có vẻ "quá non nớt" hoặc "quá ngây thơ" của mình.
Dù vậy, mình vẫn muốn được chia sẻ góc nhìn nghe có vẻ "non nớt và ngây thơ" này, bởi lẽ mình hy vọng rằng những lời này sẽ có thể truyền cảm hứng cho các bạn theo đuổi ước mơ, khao khát và tầm nhìn của các bạn. Để các bạn có thể thử một lần nhìn lại, lấy thêm động lực để trở nên tự tin hơn với những ý tưởng các bạn đang có trong đầu và cân nhắc chuyện cho nó một cơ hội.
Một trong những bài học lớn nhất mà đại dịch Covid-19 đã dạy cho mình đó là sự thật rằng đời sống thường ngày của chúng ta thực ra lại rất mong manh dễ vỡ. Để vượt qua được những khó khăn thử thách tương tự như vậy trong tương lai, mình tin rằng xã hội chúng ta đã, đang và sẽ cần nhiều hơn bao giờ hết những người có khả năng sáng tạo, những bộ óc có thể tư duy vượt ra ngoài những chiếc hộp.
Đương nhiên, khi nghĩ đến câu hỏi "Mình có thể làm gì?" thì mình khuyên các bạn cũng hãy cân nhắc chuyện "Mình không nên làm gì?"
Đây là hai câu hỏi mà luôn luôn được đặt song song với nhau trong tâm trí mình.
Bởi lẽ nếu xét rằng sáng tạo là quá trình biến giấc mơ, khao khát, tầm nhìn và ý tưởng thành hiện thực; thì có nghĩa là những điều xấu xa và tàn độc, những điều có thể gây phương hại đến người khác cũng sẽ nhờ đó mà được đưa đến thế giới này.
Để có thể trở thành những người sáng tạo tốt, mình tin rằng chúng ta cần trở thành những người tốt trước đã.
“Keep Moving Forward.”
Chấp bút: Tom.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất