Hôm nay tôi lại thức giậy muộn, đã gần giữa trưa, bình thường tôi cũng hay ngủ ngày nhưng không đến mức bê tha như thế này đâu, dạo gần đây thì lại khác, không chỉ tôi mà hầu như ai cũng thức dậy muộn, chẳng phải là do điều ước ngủ nướng toàn dân thành hiện thực mà bởi vì chúng tôi đang ở trong giai đoan chiến tranh … chiến tranh với virus.
Độ dăm ba ngày trước mọi người vẫn còn đang vui vẻ đếm ngày nghỉ tết thứ mấy chục, nhưng kể từ khi lệnh giới nghiêm toàn thành phố (hay toàn nước?) được đưa ra, nụ cười đã tắt trên hầu hết mọi người, hay ít nhất là đã tắt trên hầu hết những người mà kế sinh nhai của họ đang bị ảnh hưởng trầm trọng.
Tâm trạng tôi sáng nay không thực sự tốt, không phải vì lo sợ dịch bệnh đang hoành hành (sinh viên như tôi thực ra chả mấy bị ảnh hưởng) mà do cuộc nói chuyện với crush đêm qua không được thành công lắm, và cũng có lẽ việc phải giam mình mấy tuần trong nhà cũng khiến lượng cortisol trong người tôi tăng cao. Tôi uể oải bước xuống nhà rửa ráy qua loa rồi lại ngồi đờ đẫn nhìn ra ngoài cửa sổ, được độ năm phút thì tôi thấy lạ, ơ hay bình thường giờ này không ít thì nhiều cũng có đôi ba tiếng dao, tiếng thớt, tiếng các bà các mẹ mắng nhau lanh lảnh ở cái chợ sát nách nhà tôi cơ mà? Đâu rồi ta? Tôi hiếu kỳ dòm ngó qua khung cửa để chắc rằng mình đang không bỏ lỡ một sự kiện gì đó ngoài kia. Nhưng không, chả có sự kiện gì cả, đúng hơn là chả có gì ngoài đường cả, theo nghĩa đen. Ngẫm một lúc, tôi chợt nhớ hôm nay là bắt đầu ngày giới nghiêm toàn thành phố, nhưng mà độ đôi ba ngày trước cũng phong thanh chuyện giới nghiệm rồi mà có mấy ai bỏ được cái phong tục ngồi lê đôi mách, tụ họp chợ búa của người mình đâu. Càng nghĩ tôi càng thấy tò mò, rồi tôi quyết định sẽ ra đường hóng gió một chút, có bị cán bộ hỏi han thì lấy lý do là đi mua thức ăn vậy – mà đúng là tôi đang cần thức ăn thật.
Bước chân đầu ra khỏi nhà tôi đã thấy một bầu trời tương đối âm u và … lạnh, đúng là lạnh thật, đầu tháng 4 rồi mà nhiệt độ sáng lại tầm 20 21, vừa quay lại vào nhà lấy cái áo khoác gió tôi vừa nhớ lại từng có nhà khoa học nào đó tuyên bố tầm tháng 4 tháng 5 là dịch sẽ đỡ vì trời nắng lên, ái chà tình hình này xem ra trời không có thương chúng tôi rồi.
Mặc dù tôi khá chắc là mấy quán ăn bình dân, cơm rang phở giò cạnh nhà nhất định đã đóng cửa, nhưng khi tận mắt thấy 2 cánh cửa cuốn đóng im lìm một cách vô tình, không một thông báo ngày trở lại, tôi cứ thấy xót lòng. Bước xa thêm ra khỏi con ngõ nhỏ cũng là nơi có thể nhìn thấy cái chợ cóc gần nhà, chẳng còn lại mấy người nữa, chỉ còn hai ba cô hàng rau cùng một hàng hoa quả đang vừa bán vừa sốt sắng dọn hàng lại, xem ra họ cũng  đang chuẩn bị đóng thùng ra về. Người mua vẫn có đấy, nhưng trong tâm trạng ai cũng hối hả, chẳng mấy ai đi bộ, họ vừa ngồi trên xe máy, áo quần khẩu trang bận kín mít, vừa sốt ruột thúc giục người bán cho họ mớ rau nhanh để còn về. Tôi để ý thì cả người mua lẫn người bán chả còn chi li mấy đến mớ rau tốt hay rau sâu như trước nữa, cứ lụm được một mớ là trả tiền, trả được mấy thì trả, không có lèo nhèo lôi thôi. Tôi không có ý định mua rau, nhưng vừa tạt qua chỗ cô hàng rau ế hơn hàng bên cạnh thì nghe cô chép miệng than đổng rằng đáng lẽ cổ nên về quê từ hôm qua, ở nhà có mảnh vườn ăn rau ăn trứng qua ngày, nhưng vì tiếc rẻ đôi ba đồng bạc mà ở lại phố để rồi quá lệnh giới nghiệm không về được nữa. Chạnh lành tôi đành lại ủng hộ cô mớ rau muống.
Gió lại nổi lên kéo đống rác kèm lá cây khô bay xào xạc dọc theo con chợ, tôi co ro tiến bước thêm để ra đường lớn, định bụng sẽ ngó thử các hàng quán trên đường lớn bây giờ như nào. Ôi đường phố Hà Nội hôm nay vắng đến lạ thường, bản thân tôi đã sống ở đây ngót 5 năm, ngoại trừ tầm 12h 1h đêm đi chơi khuya ra, chả mấy dịp tôi thấy phố xá quạnh hiu như thế này. Vả rồi cái lạnh, cái bầu trời kém sắc kia lại làm không khí thủ đô những ngày này trở lên u ám hơn bao giờ hết. Tôi ngó một dọc các hàng quán, từ tòa Lotte đến quán sửa xe máy, vi tính đến các hàng ăn, tất thảy đều sập cửa, ngồi vắt vẻo ở góc ngã tư và trước cửa một vài quán vẫn còn cố bán thêm là các anh xe ôm, shipper đang chờ hàng, điệu bộ ai cũng sốt ruột, nhưng cái sốt sắng này nó khác thường ngày lắm, nó không mang dáng vẻ bực mình khó chịu mà mang nặng sự lo âu, bồn chồn vì một lo sợ một cái gì đó vô hình là nhiều hơn, có thể không chỉ là nỗi sợ nhiễm virus mà họ tưởng, họ còn lo âu những cái khác …
Tôi cho tay vào túi áo, rảo bước nhanh hơn, ngoài dăm ba ô tô xe máy lưu thông trên đường chính và các anh shipper dặt dẹo bên vệ đường ra, chẳng còn ai nữa, đặc biệt là đi bộ thì đúng là một mình tôi thật. Tôi có cảm giác mình giống như một anh thanh niên đói ăn đang thết thểu đi cầu thực, lại có cảm giác mọi người đang soi mói mình làm tôi thấy khó chịu hơn, tôi kiểm tra xem mình đã thực sự đeo khẩu trang chưa, khi đã yên trí là mình đã nai nịt gọn ghẽ rồi thì tôi vẫn mạnh dạn bước tiếp. Tôi tính sẽ dạo ra đến hàng bánh mì tôi hay ăn để làm 1 2 cái cầm hơi đến tối thì nhận ngay một tin buồn, nhưng không mấy đáng ngạc nhiên, là nó đã đóng cửa nốt. Thật bực mình, rõ ràng hàng bánh mì này là take away và nó thực sự cần thiết cho việc tồn tại, hà cớ sao phải đóng cửa. Có lẽ tôi đã biểu lộ sự bực bội quá mức cần thiết hay sao ấy mà có mấy người đang chờ đèn đỏ gần đấy trố mắt nhìn tôi như thằng dở. Xem ra hành trình dạo phố của tôi đành kết thúc với cái bụng đói meo.  
May mắn thay, tôi chợt thấy hàng tạp hóa quen vẫn còn đang mở cửa, tuy nhiên bà cô chủ quán, với vẻ hớt hả, có vẻ đang … xây một cái lô cốt nhằm ngăn ngừa khách hàng tiếp cận quán mình. Quá đỗi hiếu kỳ và cũng quá đỗi đói bụng, tôi mạnh dạn tiến lại hỏi mua vài gói mì. Đúng là lô cốt thật, một dãy hình vòng cung trước cửa quán là các thùng các tông, thùng bìa xếp cao tầm 1 mét, trên treo một tấm bảng ghi vội  “vui lòng không bước vào, đưa thực đơn cần mua cho chủ quán”, và đúng đó là bà chủ quán nai nịt từ đầu đến chân, găng tay khẩu trang có đủ cả. Lúc tôi hắng giọng hỏi mua mì gói thì bả hẵng còn xịt khử trùng tùm lum lên mấy cánh cửa. May mắn là bà có đồng ý bán mì cho tôi (dạo này mì gói hiếm lắm) nhưng khi tôi cố gặng hỏi có những loại xúc xích nào để tôi còn mua thì bà lại nhìn tôi từ đầu đến đít, có vẻ như đang đánh giá thằng này có đáng để mình đánh đổi vài phút trao đổi với nó (kèm theo nguy cơ lây nhiễm) và số tiền nó sẽ bỏ ra để mua hàng không. Sau cùng bả chỉ cộc lốc ném đại một gói xúc xích kèm theo số tiền, có vẻ như mong tôi biến gấp. Tôi lẳng lặng trả tiền và lấy hàng, cảm thấy hơi bị xúc phạm, ngày thường tôi vào đây mua đồ bả hơi bị đon đả, sa cơ lỡ vận một tí đúng biết nhau ngay.  
Trên đường quay về ngõ tôi không còn thấy các cô hàng rau đâu nữa, có lẽ họ đã dọn về rồi, dọn về vào cái giờ mà thông thường họ đang bán được hàng nhất. Nhớ lại câu nói không biết tối nay ăn gì của cô hàng rau tôi lại thấy buồn thay, đã gần một tháng cuộc chiến với dịch bệnh diễn ra rồi, những người làm kinh doanh thực đều lâm vào khánh kiệt, người làm to thì vỡ nợ, người làm nhỏ thì có khi đến miếng ăn cũng chẳng còn. Tôi lại nhớ về những câu chuyện thời chiến tranh mà bố mẹ tôi hay kể, tình hình bây giờ quả thực có khác chiến tranh là mấy đâu, chúng tôi ngồi im trong nhà như chỉ chực chờ tiếng còi báo máy bay ném bom là xuống hầm lánh nạn vậy. Kinh tế thì suy tàn dần và tâm trạng mọi người thì hết thảy là lo âu và phiền muộn, tôi tự hỏi liệu rằng chuyện này sẽ kéo dài trong bao lâu, liệu những bi kịch như chiến tranh thời ba má tôi có xảy đến với cuộc chiến tranh “virus” như hiện tại không? Và rồi những con người sinh ra trong thời bình như chúng tôi sẽ đối xử với nhau như thế nào trong thời chiến và có thích nghi được với nó? Quả thực làm tôi rối bời.
Đang quay cuồng trong những suy nghĩ tiêu cực thì tôi bị cắt ngang bởi một người đàn ông đi xe gắn máy. Định thần một lúc tôi mới nhận ra là anh chủ hàng cơm rang cạnh nhà. Anh và tôi vui vẻ chào hỏi nhau, và anh chịu khó lắng nghe những bực dọc này giờ của tôi, sau cùng anh bảo tôi cứ yên tâm, khi nào đói cứ gọi cho anh anh vẫn sẽ nấu cơm rang ship đến cho. Tôi chú ý qua thì đúng là anh cũng đang đi ship đồ ăn thật, hỏi lại thì nghe đâu anh ship được mấy chục suất cơm trưa rồi. Ship đồ thì tôi cũng chẳng lạ gì, ngoài đường nãy tôi thấy cũng đầy ra, nhưng tôi lại hơi ngạc nhiên trước cái thái độ lạc quan của anh giữa những ngày ai cũng muốn né xa người khác này. Đem lòng hỏi thì anh trả lời thực là sợ thì tất nhiên là sợ nhưng mình đâu thể “hãi” nó mà chết dí ở nhà được, đem lại cái bụng no cho người khác là phận sự của anh và anh sẽ làm thế dẫu dịch bệnh có xấu thế nào nữa. Những lời nói của anh mặc dù không biết bao nhiêu là thật nhưng không hiểu sao nó làm tôi thoát li được nỗi u uất bực dọc nãy giờ, tôi cho rằng mình đã hơi quá khi nghĩ xấu về cô hàng tạp hóa, hay là quá lo lắng cho cuộc sống của những cô hàng rau, họ thực vẫn đang an toàn và đang làm tròn nhiệm vụ của họ. Cái viễn cảnh này làm tôi nhớ về bài báo của anh Nikolai người Serbia được đăng trên Vnexpress, về cuộc sống của người dân quê anh thuở khói lửa chiến tranh, hay bài phân tích thái độ của người dân Anh sống trong chiến tranh thế giới thứ 2 trong Davil & Goliath của tác giả Gladwell. Có lẽ với những người dân đã quen sống trong hòa bình thì cái viễn cảnh chiến tranh (theo nghĩa đen hay nghĩa bóng) đều sẽ bước đầu làm thay đổi tiêu cực đến thái độ và cuộc sống của họ, nhưng theo thời gian, họ sẽ vượt qua được nỗi sợ vô hình đó, sẽ để cho lý trí làm việc một cách logic hơn, sẽ tích hơn trong hoàn cảnh dẫu thật nghặt nghèo.
Hài lòng với những suy nghĩ vừa nhen nhóm đó, tôi huýt sáo đi vào nhà, nấu cho mình một phần mì trứng xúc xích kèm rau thiệt đầy đặn, ăn cảm giác ngon hơn bình thường. Tôi tin rằng dẫu có là mì trứng cả tuần hay cả tháng thì nó vẫn sẽ ngon thôi, và tôi sẽ cố hết sức học tập làm việc, vì ít nhất thì tôi vẫn đang hết sức an toàn, gia đình tôi vẫn đang an toàn, vì tôi biết con người đất nước tôi kiên cường và lạc quan, và vì tôi biết chúng ta, là con người, mà con người thì không tiến lên bằng cách gặm nhấm nỗi sợ hãi được.