Mình là Sơn, hôm nay chúng ta sẽ cùng thảo luận về một khái niệm hết sức cơ bản, cơ bản nhất khi bạn bước chân vào thế giới product. Đó là định nghĩa về một sản phẩm, “a holistic product”.
Thật ra chữ “sản phẩm” hay “product” rất rộng, mình là một người làm sản phẩm công nghệ, blog này cũng là nói về việc build sản phẩm công nghệ, vì thế chúng ta sẽ thu hẹp scope lại thành “a holistic technology-based product”. Facebook, Snapchat, Zalo, ZingMp3, Grab, Spotify… là những product mình muốn nói tới chứ không phải công nghệ rocket của anh Musk hay công nghệ sinh học của mấy anh Mỹ đâu.

Holistic Product?

Nếu bạn là một Product Executive, Product Owner, Product Specialist, Product Manager… ohh, nếu bạn chưa biết mấy cái title này thì đừng quá bận tâm, mình sẽ dành một bài để giải thích sau, đại ý là những vị trí này sẽ chịu trách nhiệm xây dựng sản phẩm cho các công ty. Phía sau Facebook là một đội ngũ Product Manager chịu trách nhiệm xây dựng, cải tiến sản phẩm, Zalo, Spotify cũng thế. Holistic Product là một khái niệm mà mọi product guy đều phải chú ý, nắm rõ nếu không muốn bỏ qua các khía cạnh quan trọng của việc xây dựng sản phẩm.

Product 1: Dòng xe Honda Civic.

Đầu tiên hãy xem xét một sản phẩm hơi không “công nghệ” một chút để nhận thấy rằng holistic product là khái niệm chung cho mọi loại sản phẩm.
Functionality: Công dụng của một sản phẩm, những giá trị to lớn, hữu ích mà nó đem lại cho người dùng (users, customers). Functionality là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất của một sản phẩm, trong case của Honda Civic thì functionality đã quá rõ, chiếc xe này giúp người dùng di chuyển.
Technology: Các công nghệ tạo nên functionality của sản phẩm là điều không thể bỏ qua, một công nghệ mới đột phá có thể thay đổi hoàn toàn một dòng sản phẩm.
User Experience (UX): Functionality là thứ cốt yếu, nhưng User Experience mới là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt của một sản phẩm. Mọi chiếc xe đều có thể di chuyển, nhưng Honda Civic đem lại TRẢI NGHIỆM NGƯỜI DÙNG mang hơi hướng thể thao, cảm giác lái như lái một chiếc siêu xe thể thao, hàng ghế rộng rãi tạo nên trải nghiệm thoải mái cho người ngồi, ghế ngồi bọc nỉ đem lại cảm giác sang trọng… Tất cả đều hướng tới “cảm giác, cảm xúc” của người dùng. Đó là điều tạo nên sự khác biệt của sản phẩm Honda Civic so với sản phẩm Honda City. Mặc dù cả 2 đều có mục đích giúp người dùng di chuyển.
Business: Dưới góc nhìn của người dùng, users thì Functionality, UX chính là thứ tạo nên một sản phẩm. Tuy nhiên dưới góc nhìn của bạn, một người làm sản phẩm thì sẽ chẳng ích gì nếu Functionality hiệu quả, UX tuyệt vời nhưng sản phẩm không bán được cái nào, chẳng kiếm được đồng nào. Business của một sản phẩm gồm 2 ý chính, thứ nhất là nó kiếm tiền như thế nào (thuật ngữ là monetize). Trong case của Honda Civic, công ty kiếm tiền từ sản phẩm này bằng cách bán xe, bán phụ kiện, bán các bản nâng cấp, chi phí bảo trì, sửa chữa, linh kiện…, là một người làm sản phẩm, bạn cần biết sản phẩm của bạn kiếm tiền như thế nào. Ý thứ 2, hơi hướng marketing hơn, sản phẩm đến với user, customer như thế nào, làm sao để họ biết đến sản phẩm của ta, làm sao để ta bán sản phẩm cho họ. Thuật ngữ là Customer (user) acquisition. Trong case của Honda Civic là quảng cáo, truyền miệng, show room…

Product 2: Tinder

Functionality: cho phép anh trai em gái tìm ra một nửa phù hợp của mình bằng cách “Swipe”, nếu 2 người dùng “Swipe phải” để chọn nhau thì được xem là “Match” và được Tinder kết nối đến nhau. Chuyện sau đó ra sao thì có trời mới biết.
Technology: Internet Technology, Mobile Application, AI…
User Experience: Tinder tạo ra một sự đột phá trong UX đối với các mobile application, tất cả những gì một anh trai FA cần làm là “quẹt trái” để không chọn, “quẹt phải” để chọn các bạn gái xinh đẹp. Hết sức đơn giản, hết sức gây nghiện. Đằng sau trải nghiệm gây nghiện này là vô số những thủ thuật tâm lý học.
Business: Tinder kiếm tiền bằng cách bán gói VIP cho user, thuật ngữ gọi là “Premium Model“. Có nghĩa là bạn được sử dụng miễn phí app ở một mức độ nhất định, muốn VIP hơn ngon hơn thì phải mua VIP hoặc mua vật phẩm trong app (In App Purchase). Trong case của Tinder thì họ cho user quẹt phải một số lượng lần nhất định, ông nào muốn quẹt nhiều em gái hơn thì phải mua VIP. Về User Acquisition, giai đoạn đầu Tinder chủ yếu tấn công vào các trường đại học ở Mỹ, họ rất thông minh khi tổ chức các buổi tiệc, mời các bạn gái hot nhất các trường tham gia, ai muốn tới đều phải cài Tinder. Sau khi các anh trai mở Tinder và thấy các bạn gái xinh đẹp này thì Tinder trở nên bùng nổ trong khuôn viên các trường đại học. Sau này họ sẽ sử dụng những chiến thuật cao siêu hơn và thống trị thế giới Dating Online.
Bạn đã hình dung sơ bộ được như thế nào là một Holistic Product chưa? Tất nhiên bạn – Product Executive, Owner, Specialist, bla bla sẽ không phải là người thực hiện hết những công việc để đảm bảo các yếu tố ở trên. Bạn sẽ có một TEAM, nơi bạn là trung tâm để cùng team của mình đạt được các yếu tố trên.

Holistic product
Tóm gọn lại theo một cách hơi văn vở, holistic product là một giải pháp công nghệ giải quyết được nhu cầu của người dùng, đi kèm với một trải nghiệm hết sức tuyệt vời và đem lại giá trị, tiền bạc, danh tiếng cho doanh nghiệp.

Product vs Project

Nếu bạn đang đọc những dòng này thì sure là bạn biết “Project” là cái gì, công ty phần mềm outsource thì có project outsource, freelancer thì có những project freelance, sinh viên thì có project môn học. Bạn có thể thắc mắc rằng 2 khái niệm Product vs Project thì liên quan gì đến nhau? Khác nhau rõ ràng thế cơ mà? Không đâu, thử đi hỏi 3 người bạn quen về 2 khái niệm này, mình cá là sẽ có người không phân biệt được. Thực ra đây là 2 khái niệm rất dễ nhầm lẫn với nhau, đặc biệt ở VN mình khi mà việc phát triển sản phẩm công nghệ mới chỉ nổi lên hơn chục năm nay thôi, đa phần ta vẫn quen với việc làm những project trong các công ty outsoursing hơn.
Thế thì làm một trang web bán sơn theo yêu cầu của khách hàng và xây dựng một sản phẩm thương mai điện tử bán sơn khác nhau như thế nào? Thử trả lời ở phần comment nhé.
Theo PMI, một project được định nghĩa:
“A project has a defined beginning and end in time and is unique in that it is not a routine operation, but a specific set of operations designed to accomplish a singular goal and often includes people who don’t usually work together. At the end of a project, the team is usually disbanded and assigned to new projects with new team members.”
Đại ý là thế này, ông đại tá thủy quân lục chiến Hoa Kỳ nhận một nhiệm vụ là chiếm đóng vùng tối của mặt trăng, ông đại tá liền tập hợp một đội gồm 10 chú lính thiện chiến đáp ứng được yêu cầu đặt ra ở các bộ phận khác nhau lại, lập kế hoạch chiếm đóng, đưa ra ngày bắt đầu và ngày kết thúc. Sau khi chiếm đóng xong, 10 chú lính ai về nhà nấy, đội này tan rã.
Ông project manager ở FPT nhận được một project là xây dựng một hệ thống phần mềm quản lý phim ảnh ở Nhật, ông project manager xin tập hợp một đội hồm 10 ông developer, designer đáp ứng được yêu cầu đặt ra, lập kế hoạch xây dựng phần mềm theo yêu cầu của bên Nhật, đưa ra yêu cầu, ngày bắt đầu, ngày kết thúc. Sau khi giao phần mềm xong, 10 ông developer, designer ai về nhà nấy, đội này tan rã.
Cơ bản product vs project khác nhau một vài điểm chính:

Kết

Như vậy là qua bài này chúng ta đã thảo luận xem như thế nào là một holistic product, product với project thì khác nhau như thế nào. Hy vọng bài viết giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về một sản phẩm công nghệ. Có thắc mắc hay ý gì hay ho thì để lại bình luận để cùng thảo luận thêm nhé. Bảo trọng!