Xui vãi đúng dịp thu xếp vào Sài Gòn intern 3 tháng thì cái nhà thờ này bị phủ bạt để tu sửa...
(Tiếp tục series throwback về những dòng văn ngây thơ của năm 2017 lol)
Đã lâu lắm rồi tôi mới viết về Sài Gòn, dù đã tự hứa hẹn đủ kiểu.
Thế nhưng hôm rồi tôi nhận được tin nhắn của một chị người Đà Nẵng, bảo là em ơi cuối cùng chị cũng tìm được việc ở Sài Gòn rồi. Và trùng hợp là hôm nay tôi đọc được status của một chị, chia sẻ là cuối cùng gia đình cũng đồng ý cho chị rời quê hương Sài Gòn để vào Đà Nẵng sinh sống.
Thế nên tôi bỗng dưng muốn viết.

Sài Gòn là quê nhà hay chốn ở?
Cái khái niệm quê nhà (hometown) khá hiếm với thế hệ 7x ở Sài Gòn, vì thời bấy giờ Sài Gòn là nơi quy tụ của dân nhập cư miền Tây lên tìm việc làm ăn. Dần dần ông bà đẻ ra bố mẹ rồi bố mẹ đẻ ra thế hệ 9x 10x bây giờ, cái khái niệm "quê tao ở Sài Gòn quận tư” mới chính thức ra đời.
Tôi ở Sài Gòn 3 ngày, mỗi ngày nói chuyện với một chú xe ôm. Ở Hà Nội tôi hơi ngại vụ hỏi đường nhưng ở Sài Gòn thì tôi đặc biệt hứng thú với chuyện cứ thấy chỗ nào lạ lạ là hỏi, phần vì không có Internet tra Google Map, phần vì nghiện giọng Sài Gòn quá. Các chú chứ “Bình thường tau chạy xe đi đường lớn nhưng bây đi bộ thì đi bên nè nè cho gần nè” với “Ủa con lộn rồi Phúc Long phải quay ngược lại bên kia đường kìa con”, nghe chỉ muốn xỉu vì quá đáng yêu. Mà đáng yêu quá nên tôi cứ phải buôn lê la câu chuyện cho ngày thêm đẹp.
“Người ta nghèo 1 tỉ chứ đâu có ai nghèo gì 1 2 điếu thuốc đâu con.”
Chú ngày 1 quê ở Vũng Tàu, giọng lai lái giọng Bắc, chú bỏ nhà máy dầu lên đây kiếm đồng ra đồng vô gửi về quê hỗ trợ vợ con. Chú ngày 2 quê Phú Yên, giọng trầm ấm dễ nghe, đang tiết kiệm tiền để đón con gái lên Sài Gòn sinh sống. Chú ngày 3 khiến tôi nhớ nhất vì chú quê Bến Tre, nghe vừa đanh đá vừa xởi lởi, trùng hợp hơn chú lại còn là ba của một người bạn tôi quen. Nghe mãi bảo sao nhiều người bạn Sài Gòn của tôi cứ buồn buồn là lái xe đi dạo, ra đầu ngõ nói chuyện với bác bán vé số, ra bên kia đường buôn chuyện với chị bán bánh mỳ, nghe đủ các câu chuyện từ trên trời xuống mặt đất xong về ăn cơm nhà là kết thúc một ngày đẹp trời.
Sài Gòn với tôi rất lạ. Rõ ràng không khí ở Sài Gòn rất "quê”, nhưng không quê theo kiểu ruộng lúa thẳng cánh cò bay, mà quê theo kiểu ngõ hẻm chăng đầy dây điện. Sài Gòn nhiều người ”quê” lắm, người thành phố may ra có lũ 9x 10x là nhiều chứ các thế hệ trước đấy hầu như toàn dân tha hương lam lũ lên Sài Gòn cầu thực. Bởi vậy, người sống ở Sài Gòn không coi Sài Gòn là quê hương, nhưng lại mang ơn Sài Gòn không thua nơi chôn rau cắt rốn. Giữa ngã tư tấp nập xe máy xe ô tô đủ loại vẫn nghe thấy cái sự ”quê” của Sài Gòn cũng bởi vì thế. Bởi người Sài Gòn "quê” mới đúng là người Sài Gòn.
Nhưng mà ở Sài Gòn, có ai coi ai là người nhà quê bao giờ đâu?
Sài Gòn là nơi một con ngõ nhỏ có thể chứa đựng nhiều mảnh đời từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Nhớ có lần tôi đọc truyện dài "Khóc giữa Sài Gòn” của Nguyễn Ngọc Thạch, nhân vật chính gặp đủ chuyện buồn ở Sài Gòn, từ mất tiền cho đến thất tình, nhưng sau tất cả anh vẫn chọn quay lại thành phố này để sinh sống, chỉ bởi anh bị "nghiện” không khí Sài Gòn. Hồi đấy tôi chưa đến Sài Gòn nên chưa hiểu lắm, mãi về sau tôi mới hiểu vì sao Nguyễn Ngọc Thạch lại viết về Sài Gòn hay đến thế. Dù là người từ đâu đến, Sài Gòn chấp hết. Chưa có nơi đâu tôi thấy người ta lại bao dung với người lạ như ở Sài Gòn. Không kì thị, không tự ti, không phân biệt đối xử. Người Sài Gòn ai cũng tự hào về quê hương gốc gác của mình, thỉnh thoảng đi taxi trên đường tôi lại liếc thấy mấy biển hiệu như “Hội đồng hương Nghệ Tĩnh” hay "quán nước bà béo Bến Tre”. Người ta đến Sài Gòn và quyết định sống ở Sài Gòn nhanh như một nốt nhạc, vì bà con ở đây tốt quá, vừa ồn ào vừa dễ mến. Đặc trưng của dân nhập cư là hào phóng giúp đỡ lẫn nhau. Cứ dăm bữa lướt kenh14 lại thấy một mẩu tin về lòng tốt của người Sài Gòn, cứ đi vài cây số là lại thấy nước miễn phí với bánh mỳ 1.000Đ, đều do bà con quận Năm quận Hai bàn nhau lập ra chứ ai.
Bảo Sài Gòn là quê nhà thì không hẳn, nhưng bảo là chốn ở thì nghe cũng sai. Sài Gòn nhộn nhịp cũng có mà xô bồ hiểm nguy thì cũng đầy rẫy, hôm nay được một thím xa lạ cho ở nhờ đang cảm động chưa hết thì ngay hôm sau xách túi ra đường bị hai thanh niên giật mất sạch. Rõ ràng Sài Gòn không phải là nơi chốn kiểu "đất lành chim đậu”. Nhưng người ta vẫn muốn đến Sài Gòn mãi.
Vì đơn giản Sài Gòn là ân nhân cưu mang biết bao mảnh đời lam lũ, đơn giản vậy thôi.
Sài Gòn không rộng nhưng bao dung vừa đủ để tiếp nhận biết bao câu chuyện không tên (con chó này xinh nên nhét ảnh vô thôi chứ không liên quan đâu).
"Đặc sản của Sài Gòn là gì mày biết không?”
Lúc lượn phố ở Bùi Viện, một anh bạn tôi quen hỏi tôi, tôi ngờ nghệch trả lời: “Kẹt xe hả ba?” thì anh đập vai tôi lắc đầu:
– “Mày ngu quá, đặc sản của Sài Gòn là Bê Đê.” 
Hồi Hà Nội mới mở phố đi bộ, cứ thứ Bảy Chủ Nhật hằng tuần là sẽ có riêng một góc dành riêng cho giới LGBT. Tôi vẫn nhớ mãi có lần một bạn gái giơ biển “Hug me to support me” với vẻ mặt rất nghiêm trọng, tôi chạy tới ôm một cái, thế là cả vòng tròn người xung quanh nhìn tôi như kiểu sinh vật lạ. Rõ ràng, ở Hà Nội việc come out khó khăn hơn nhiều ở Sài Gòn hay Nhật Bản, nơi tôi đang sinh sống. Bởi vậy, ở Hà Nội, đừng có dại lôi mấy chủ đề kiểu này ra để cợt nhả, chẳng vui chút nào đâu.
Bởi vậy, tôi hơi sững sờ khi một anh trai không quen biết ở quán bia cười xuề xòa: “Ở đây Bê Đê tụi anh nhiều lắm cưng ơi, khu này phải hơn dăm ba chục thím lận đó.”
Chắc do ngôn ngữ nhưng hình như với Sài Gòn Bê Đê là nghĩa A còn với Hà Nội Bê Đê lại là nghĩa B. Nói chung nói Bê Đê ở Sài Gòn sẽ rất khác so với nói Bê Đê ở Hà Nội.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nơi hai chữ "Bê Đê” mang tính mỉa mai liếc xéo, nên khi mới sang tới Sài Gòn, lúc anh em bạn bè lôi "Bê Đê” ra làm chủ đề nói chuyện xàm le tôi có phần không tiếp nhận nổi. Mấy hôm lên Bùi Viện hay mấy khu xôm xôm ở quận 1 chơi, thấy cảnh các ‘Bê Đê’ ôm eo nắm tay nhau giữa đường, tôi thấy vừa hạnh phúc vừa buồn, vì ở ngoài Bắc mà làm thế là bị dằn mặt xét nét thôi rồi. Mà ở Sài Gòn, có nói thì cũng nói kiểu “Nó là Bê Đê chứ nó có ăn cướp vàng nhà mày đâu mày quan tâm chi?”.
 Sài Gòn đúng là ân nhân thiệt.
Nhiều Bê Đê là người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, cũng có nhiều Bê Đê chọn Sài Gòn làm nơi để sinh sống. Sài Gòn không rộng, nhiều phòng trọ nhỏ cho thuê, nhiều nơi cần mướn người làm nên đủ để người ta kết bạn xây dựng của cải rồi sống hết một đời. Cái chính là tính người Sài Gòn hay thương người, vào mấy quán lẩu Bê Đê tôi nghe cũng quen câu “Khổ thân tụi nhỏ là Bê Đê nên chắc ở quê bị ba má chửi dữ lắm mới phải lên đây”. Nhiều khi Sài Gòn bận rộn không hẳn là có quá nhiều cơ hội để giàu, nhưng tôi tin, cơ hội để sống một cuộc đời tử tế ngẩng cao đầu ở thành phố này chắc chắn không hề thiếu. Cũng bởi thế, Sài Gòn là thành phố có tỉ lệ người đồng tính cao nhất cả nước. Vì không ai muốn tốn công giấu diếm làm gì, nếu muốn giấu đã không đến Sài Gòn, và người Sài Gòn cũng không mấy ai đủ rảnh để bận tâm xem "Thằng Bê Đê kia có tán con nhà mình không”.
Nói gì thì nói, ở đâu cũng có loại người A loại người B, Sài Gòn cũng chẳng thiếu mấy vụ gái thẳng đánh nhau với Bê Đê xong miệt thị cả giới loạn một khu phố. Nhưng mà nhìn chung thì với tôi Sài Gòn như vậy là quá đủ đáng yêu rồi.
Nhưng mà tôi vẫn không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng theo cỡ ‘đặc sản’ của Kẹt-Xe với Đi-Xe-Số-Giật-Đồ với Nước-Lọc-Miễn-Phí của Sài Gòn. Thôi cho Bê Đê làm đặc sản top 4!

"Sài Gòn”
Tôi nhớ có 1 blogger từng viết: “Sài Gòn không phải là một địa danh, Sài Gòn là phong cách, là lối sống”. 
Ở Sài Gòn có mấy lúc tôi thấy nhớ Hà Nội, ít ra Hà Nội không nắng nóng quanh năm với mùa thu thì có mùi hoa sữa thơm thôi rồi, đã thế lại còn có bún riêu và kem Tràng Tiền không đâu sánh nổi. Tôi thích văn hóa Hà Nội, từ nhỏ đã được dạy “người Tràng An điềm đạm thanh lịch”, không khí Hà Nội cũng yên tĩnh hơn hẳn Sài Gòn ồn ào náo nhiệt. 
Bởi thế nên tôi cũng có chút buồn khi đi đâu mà nói giọng Bắc, thi thoảng mấy chị bán hàng cũng bớt xởi lởi hẳn.
Tai tiếng về người Bắc trong Sài Gòn thì đủ xuất bản vài cuốn tiểu thuyết 300 tập. Người Sài Gòn dễ thân dễ quen, nhưng cũng nổi tiếng vì cái sự bảo vệ đùm bọc nhau. Giả sử có mấy bà cô người Bắc bán hàng mà thái độ với khách là đâm ra cả khu phố cũng ghét lây. Nghe cũng buồn thật nhưng tôi biết thế nào được, ở đâu thì cũng có người này người kia cả.
Thời trẻ nhiều người mơ American Dream, nhưng mà tôi thấy về mặt văn hóa thì Saigon Dream cũng đáng để mơ lắm chứ. Sài Gòn có văn hóa trà đá, ông giám đốc với chú xe ôm vô tình ngồi trúng hai cái ghế đặt cạnh nhau, thế là đâm ra lại thành thân quen. Sài Gòn có văn hóa lôi bản thân mình ra đặt cọc, một câu “Em đảm bảo với các bác là thằng đệ của em được việc” đủ sức cân hết đủ loại phỏng vấn sơ tuyển. Sài Gòn có văn hóa tụ tập, bà con quê nào thì quê, lên Sài Gòn là không sợ cô đơn vì hội đồng hương đủ vùng miền hoạt động xuyên suốt từ quận 1 đến quận Tân Bình.
Tôi yêu cái sự chân thật của người Sài Gòn. Mình từ đâu đến, mình làm nghề gì là nói ra luôn chứ không có ngại gì hết, miễn là sống tử tế thì chẳng ai khinh ai cả. Nghe đâu bảo người Sài Gòn hời hợt, không mấy khi nghĩ sâu, nhưng tôi thấy người Sài Gòn cũng ”sâu” đâu kém các anh em vùng miền khác. Căn bản Sài Gòn ồn ào, người Sài Gòn lại ưa buôn chuyện. Một cái ghế nhựa với ly trà đá là đủ để gác chân ngồi nguyên ngày khơi ra đủ thứ chuyện trên đời. Bởi thế người Sài Gòn nghe chuyện của nhau nhiều, hiểu đời nhau nhiều, nên cũng chẳng phán xét nhau bao giờ. Hơn ai hết, người Sài Gòn hiểu ai đến mảnh đất này cũng đều mang trong mình những câu chuyện riêng, những nỗi lòng riêng.
"Sài Gòn ồn thấy mẹ!”, đúng, Sài Gòn ồn ào. Nhưng cũng bởi thế tôi mới nghe thấy chất Sài Gòn lan tỏa. 
Note chút xíu:
  1. Bài viết này dựa trên cảm nhận cá nhân (vào 3 năm trước, 2017), đừng vì cả tin mà nghĩ Sài Gòn ai cũng tốt, nhưng cũng đừng vì bị giật đồ mà nghĩ Sài Gòn ai cũng xấu.
  2. Đi xe ôm hay Taxi ở Sài Gòn thì cứ giơ cái bản đồ ra, tài xế nếu đủ tốt sẽ không lái bạn đi lòng vòng. (nẫu!)
  3. Đi bộ ở Sài Gòn sắm cái ba lô mà đeo, tung tẩy túi xách khả năng cao thể nào cũng bị làm sao đấy (thời đấy thì thế, nhưng gần đây tôi vào thực tập thì thấy khá an toàn, hoặc có thể cũng do tôi luôn loanh quanh ở quận 1...).
  4. Equal role giờ cũng phổ biến nhưng ở Sài Gòn mà phân biệt được đâu là Bê Đê vợ đâu là Bê Đê chồng thể nào cũng được mời cơm.
  5. Nguồn ảnh: Unsplash.