Sài Gòn trong cơn mưa là đoạn chuyện của hai người trẻ, một từ Hà Nội, một từ Phú Yên, tại Sài Gòn. Họ gặp, rồi yêu nhau, rồi chia xa và hội ngộ.
Trước khi xem phim, mình không đặt quá nhiều kỳ vọng. Bản thân câu chuyện về những người xứ lạ ở một thành phố mới là chủ đề không lạ. Song, khi màn hình credit bắt đầu chạy, mình ngả người ra sau, vui vẻ và hài lòng.
Phim đã làm tốt một điều mình không hề kỳ vọng: khắc họa tuyệt vời gương mặt của một Sài Gòn hiện đại.
Hồi mới học viết, mình được nghe rằng insight là những điều luôn ở trong tâm thức của khán giả, nhưng họ không biết nó ở đó, hoặc thể gọi tên.
Ngồi trong rạp, mình thấy từng đoạn phim cứ lần lượt điểm những hình ảnh thân thuộc của Sài Gòn – không phải theo cái cách thành phố vẫn được diễn tả với bánh mì, cơm tấm, Bitexco hay những điều cụ thể mà len lỏi, dịu dàng như một làn hương, thoang thoảng mang hoài niệm.
Phim bắt đắt đầu với mùa Noel (không phải mùa đông), Sài Gòn biến hình cùng những con hẻm nhỏ giăng đèn màu thành hình mái nhà, kéo dài rực rỡ. Phân đoạn Mây đôi co với cô chủ nhà trọ, phía sau còn lấp ló một hang đá nhỏ dựng bằng giấy bạt. Người trong khu xóm tràn ra không gian chung, đám con nít được người lớn bế trên tay, thích thú nhìn vào vòm tròn nhỏ có hài nhi nằm giang tay và đám bò lừa vây quanh.
Đó là ký ức về Sài Gòn Giáng Sinh của mình, mà các bạn ở Quận 8, hay bất kỳ khu xóm đạo nào, cũng có thể chia sẻ.
Phim tả, mồng một Tết, hai đứa nhỏ đứng ca hát ở vòng xoay Lăng Cha cả. Đường sá vắng tanh. Một chiếc xe máy dừng lại, người ngồi trên xe hồ hởi xòe bao lì xì ”vì hai đứa dễ thương quá”.  Người bạn ngồi cạnh mình quay sang “Ngoài đời cũng nhiều người y chang vậy”.
Rồi mùa cưới, mùa mưa, mùa nóng. Thoát ly khỏi tựa phim, Sài Gòn không xuất hiện như nhân vật chính lúc nào cũng phải được ca tụng mà hoàn thành tốt vai trò của một vai phụ: duyên dáng và cảm xúc.   
Xin đổ lỗi cho những shot quay step print trong phim, sau khi ra khỏi rạp, mình lại bất giác liên tưởng tới chuyện tình trong phim Vương Gia Vệ.
Lần đầu xem Tâm trạng khi yêu, mình thấy nặng nề. Những nhân vật của Vương Gia Vệ được khắc họa trầy trật và cô độc giữa Hongkong. Thành phố cũng vì chuyện tình buồn mà trầm mặc đi. Con người phải trốn tránh, tiết chế để biến mất trong một cộng đồng không dành cho mình, và chắc chắn không thuộc về mình.
Ngược lại, Đồng Mây và Vũ trong phim cũng là những “cánh chim” xứ lạ, nhưng được thành phố ôm trọn vào lòng. Sài Gòn phóng khoáng đến độ bất cứ ai đi vào cũng có thể trở thành một phần của nó, có chăng chỉ cần chút lệ phí là biết nói giọng miền Nam.
Có lúc, nhân vật thẳng thừng nói ra bản chất của thành phố. Mây nhận xét Sài Gòn là nơi giúp người ta kiếm tiền, làm sao mà ghét nó được. Nhưng rồi vượt qua những hấp dẫn vật chất, Mây và Vũ đều trưởng thành với đam mê của mình, khi dung dưỡng nó trong thành phố.
Xem In the mood for love, mình cảm nhận sự cầm giữ. Xem Sài Gòn trong mưa, đó là tự do. Tự do yêu đương, tự do lựa chọn, tự do là chính mình. Thành phố sẽ đồng cảm.
Có phần mơ hồ, nhưng mình nghĩ điều người xem có được sau khi xem Sài Gòn trong cơn mưa, hơn cả câu chuyện/hình ảnh/âm thanh, là cảm giác. Cái ngả người ra sau bao hàm cả sự thích thú, đánh động, gần gũi và xúc động. Đây hoàn toàn là Sài Gòn của mình.