Hiểu Sài Gòn không dễ, nhưng muốn biết Sài Gòn thì hãy đọc Sài Gòn hay ta!
Để hiểu một thành phố, bạn phải sống ở đó, phải khóc cười ở đó, phải yêu ghét ở đó. Nhưng sẽ dễ dàng và sâu sắc hơn nếu bạn nghe về thành phố ấy qua những lăng kính tâm hồn của nhiều người khác nhau. Tìm nghe ai chi bằng ngồi xuống làm một tách trà với cuốn Sài Gòn Hay Ta. Đó chính là cách lắng nghe một người khác- một người yêu Sài Gòn tình yêu chân tình đằm thắm kể về Sài Gòn dưới ngòi bút hài hước, sâu sắc.

Một Sài Gòn lạ mà hình như đã gặp đôi … ba chục lần

Trong Sài Gòn hay ta, tác giả đã lột tả một chân dung Sài Gòn rất đời thường, rất thực tế. Những câu chuyện, những nhân vật, những sự kiện rất bình thường đã bước vào trang sách thật còn hơn cả thực. Và chính những nhân vật tưởng chừng rất thường ấy lại mới là yếu tố quan trọng khiến Sài Gòn ấm áp, khiến con người thiết tha, yêu đời, yêu Sài Gòn.
Bạn đừng bất ngờ khi bỗng gặp chú bán bánh mà bạn quen, hay anh xe ôm mà bạn nhớ, hoặc chủ một quán ăn mà bạn vẫn thường ghé sau mỗi trang Sài Gòn hay ta. Bởi có khi bạn và tác giả đều đang nghĩ và nhớ về cùng một người. Như chú bán bánh đánh đồng bát bánh cuốn 30k với bát bánh ướt 15k mời chú xe ôm- người luôn chỉ gọi một bát bánh ướt giá 15k cho mỗi bữa. Hay như anh taxi đi làm vì đam mê -bo ngược lại vị khách vừa xui dại anh chạy nhanh nhanh cho kịp chuyến bay.
Hay anh chủ quán hủ Tíu Nam Lợi có giao diện rất “anh chị” và chị chủ quán cơm Tấm “bãi rác” nấu ngon nuốt lưỡi- có năng lực “cắt cổ người” ngọt sắc như dao. Ấy vậy mà hai chiếc quán ấy xưa nay vẫn nườm nượp người tới giơ cổ ra để cho họ cắt. Ấy là bởi vì sao? Đọc Sài Gòn hay ta đi sẽ rõ. 

Sài Gòn tình và nghệ - như câu chuyện bên lề của những nghệ sĩ rất Sài Gòn

Bên cạnh những câu chuyện không dễ gì thấy được của những con người bình thường, tác giả còn kể những câu chuyện rất thường của những nghệ sĩ đình đám. Tên tuổi của họ gắn đã liền với những thăng trầm của hòn ngọc Viễn Đông. Đó là những cái tên đình đám trong làng nghệ sĩ Việt. Là Trịnh Công Sơn với những bản tình ca bất hủ, là Lệ Thu là Thái Thanh với giọng ca triệu người mê, là Phạm Duy, là Nguyễn Văn Đông những con người tài hoa với những ca khúc đầy tính nhân bản.
Là Sài Gòn đã làm nên chất nghệ trong họ hay chính họ đã tô sắc chất nghệ lên thành phố dễ thương mà thương không dễ này. 
Nhưng bạn có thể sẽ có một cảm nhận giống tôi, là qua những câu chuyện bên lề ấy, ta như thấy giữa những người nghệ sĩ gắn cái tên mình với Sài Gòn có một điểm chung gì đó rất Sài Gòn. Họ có đầy đủ tố chất của sự lãng mạn, phóng khoáng nhưng họ cũng rất đời thường và yêu ghét khó đoán. Và bạn có thể sẽ nhận ra, những nghệ sĩ này và các tác phẩm của họ đã sống và đồng hành cùng bạn suốt những năm tháng tuổi thơ. Họ cùng tác phẩm của họ đã góp phần tô điểm cho tuổi thơ bạn nhiều màu sắc hơn, đáng nhớ hơn. Nó hình thành trong bạn nột niềm yêu với điều gì đó vượt lên cả họ và chính tác phẩm của họ - điều gì đó có thể là Sài Gòn.

Đọc Sài Gòn hay ta rồi sẽ thấy Sài Gòn quen ta, Sài Gòn lạ ta

*Hay ta, lạ ta, quen ta sẽ có nghĩa như một câu cảm thán mà người mình (đặc biệt là người miền Trung đổ vào hay dùng. Người miền Bắc sẽ hay dùng kiểu hay nhờ, hay thế. Nhưng dùng hậu tố "ta" nó sẽ thể hiện được sự tâm đắc sảng khoái một cách Sài Gòn hơn.
Hàng me trên những con phố Sài Gòn là hình ảnh rất quen thuộc với con người sinh sống nơi đây. Nhưng liệu có ai biết hàng me Sài Gòn đã đi vào trong các tác phẩm bất hủ. Và khi tác giả kể ra, bạn sẽ thấy hàng me thường ngày vốn bình thường là thế mà đi vào thơ ca nhạc văn lại trở nên tình và thân thương đến lạ.
- Em đi đâu về, mà tóc đầy me, Thành phố trẻ, bác Trần Tiến
- Ngoài kia có cô bé trèo cành me mắt xoe tròn lắng nghe - Mặt trời bé con, bác Trần Tiến
Cụ Bình Nguyên Lộc: "Me vốn đã đẹp với thân cây đều đặn, không cao lỏng khỏng như dầu, không lùn tịt như sanh, đẹp với vỏ cây cằn cỗi gợi nhớ những cội tùng già bên chùa cổ trên một sườn non, với rêu xanh non mởn bám trên vỏ sạm đen, đẹp như non bộ dày sương dạn gió, với tàn không thưa, không xơ rơ như tàn sầu riêng, không dày mịt như măng cụt, vốn nó đã đẹp ở ngoài thiên nhiên rồi mà trồng trên vỉa hè đá, bên cạnh những ngôi nhà ximăng cốt sắt khô, nóng và buồn thì còn đẹp hơn biết bao! A... ha, những cây me vui, những cây me rắn mắc, thỉnh thoảng sau một trận mưa lại đánh rơi xuống áo đẹp của ai những hột nước làm cho ai nhăn mày..."
Và nếu như ngày mai có đi ra đường, qua những Trương Định, Võ Văn Tần, Nguyễn Du... bạn liệu có nhẹ ga một chút để thấy hàng me đã mang đến cho bạn những mát mẻ thơm tho trước khi bắt đầu một ngày dài lao động.
Không chỉ những hàng me chạy dài con phố, tác giả còn nhắc đến những quán xá tuổi đời quá tuổi mình, những tiếng rao khi gần khi xa khi thanh khi trầm - tất cả đều tạo nên một không khí rất Sài Gòn, rất quen thuộc nhưng lại khoác lên cái vẻ ngoài đầy hoài niệm và thân thương.

Sài Gòn của những nỗi niềm riêng

Sài Gòn không là của riêng ai nhưng người Sài Gòn lại luôn có những nỗi niềm riêng với thành phố này. Riêng trong ước mơ của mẹ tác giả, riêng trong những kỷ niệm của tác giả với bạn bè, với những người rẽ ngang đời anh. Và cũng rất riêng tư trong những nỗi đau và niềm vui đã đi qua đời anh và để lại nỗi niềm khôn nguôi. Nhưng trong cái riêng ấy, ta lại thấy được mình - một cách kín đáo và cẩn thận, ta đồng cảm.
Cuốn sách là tổng hợp nhiều câu chuyện về những con người rất thật, rất Sài Gòn. Những người ấy có thể tôi biết, bạn biết, có thể chúng ta đều không biết. Nhưng nghe cứ thấy thân thuộc. Nghe kể đã thấy ước ao giá như mình được gặp những con người ấy, giá như đời người ai cũng toàn gặp những người như vậy để biết tha thiết yêu đời.
Cuốn sách mang đến những câu chuyện rất Sài Gòn, nên khi đọc ta như đang đọc một chân dung của một thành phố. Biết về chân dung ấy có hình dạng ra sao, tính tình thế nào. Biết rồi ta sẽ muốn hiểu.

Nghe một người khác nữa kể về Sài Gòn

Đọc Sài Gòn hay ta xong, mình lại nghĩ về tình cảm mâu thuẫn mà mình dành cho thành phố đầy duyên nợ ấy.
Mình là một người không hiểu Sài Gòn, cũng không biết Sài Gòn. Cái nhìn của mình về thành phố ấy chỉ qua hai khoảnh khắc rất trái ngược. Một khoảnh khắc khiến mình thấy Sài Gòn hay ta, Sài Gòn thân thương quá đỗi
Lúc ấy đang dừng đèn xanh đèn đỏ trên con đường từ Sài Gòn về Thủ Đức. Phía trước mé trái mình có một cặp vợ chồng, người vợ bồng con ngồi phía sau, em bé chắc mới được mấy tháng tuổi, người được che kín chỉ lộ mỗi bàn chân bé xíu. Rồi có một bà già đội chiếc nón lá đang qua đường, sắp sang tới bờ bên kia bà lại rẽ ngang qua đôi vợ chồng ấy, lấy tay dém chiếc khăn che phủ đôi bàn chân của em bé rồi cất giọng
- Đi đường xa phải che kín cho nó không tội!
Người vợ chưa kịp nói hết câu cảm ơn bà đã quày quả đi. Chỉ là một khoảnh khắc, mà mình đã nhận thấy nó rất Sài Gòn, rất đời, rất người nà cũng rất thân thương. Lúc ấy mình ưng Sài Gòn lắm lắm.
Khoảnh khắc còn lại có chút khác biệt. Từ một con hẻm ở Bình Trị Đông, mình đi ra con đường to số 1 để lên quận 1. Lúc ấy đứng ở ngay đầu con hẻm, mình nhìn dòng người vùn vụt qua lại mà bỗng thấy bơ vơ lạc lõng quá chừng. Lúc ấy Sài Gòn với mình vội vàng quá, xa lạ quá, ngợp quá. Mình thấy như một kẻ lạc giữa thành phố hoa lệ này. Mình không có chỗ đứng ở nơi đây, không thể chen chân vào dòng người vội vã trước mặt.
Hai trải nghiệm ấy mang đến cho mình những suy nghĩ rất khác về Sài Gòn. Một bên là Sài Gòn rất chậm, rất tình, còn một bên lại là Sài Gòn rất nhanh, rất chớp nhoáng. Lúc ấy mình không hiểu vì sao một thành phố lại mang hai sắc thái khác biệt đến vậy, một thành phố lại có thể khiến mình yêu nhưng không muốn sống và gắn bó.
Vậy mình có yêu Sài Gòn không? Sài Gòn hay ta đã giúp mình nhận ra tình yêu của mình với Sài Gòn, một tình yêu của kẻ lạc loài, đứng từ xa mà yêu trong hạnh phúc, và không muốn đến quá gần.
Bạn nghĩ gì về Sài Gòn? Bạn đã biết thành phố này tới đâu? Bạn có yêu thành phố này không ? Và bạn có muốn biết những câu chuyện thường ở Sài Gòn khi được kể lại bởi một người yêu thành phố ấy bằng cả trái tim chân thật sẽ khiến bạn rung động đến nhường nào? Nếu muốn, hãy đọc Sài Gòn hay ta nhé!