I - "Rap chậm thôi".
(Đùa đấy, chẳng có rap rủng gì đâu. Nhưng nói thì có đấy, nói chậm thôi.)
Mọi người thường hỏi tôi là đặc sản Nghệ An quê tôi là gì, câu trả lời ngoài những đồ ăn thức uống mà tôi biết ra, thì thường là tôi. Tôi không mang những đồ ăn thức uống kia vào Sài Gòn được, nhưng tôi mang theo một thứ đặc sản khác: giọng nói.
Người Nghệ An nói riêng và người miền Trung quê tôi nói riêng thường phát âm nặng hơn phát âm chuẩn phổ thông. Một đặc điểm dễ thấy nhất là mọi người có xu hướng chuyển dấu hỏi và dấu ngã thành dấu nặng. Đấy là còn chưa kể những từ vựng mang nặng tính địa phương, dễ nhất cũng là "mô - tê - răng - rứa". Nếu bạn nghĩ nó không phải là vấn đề lớn thì nhầm to, tôi nhận ra rằng, người dân quê tôi, dù chung một tỉnh, thậm chí là một huyện nhưng chuyện "không hiểu nhau đang nói ngôn ngữ" gì là chuyện không hiếm. Nói đâu xa xôi, tôi vẫn bị mấy đứa bạn cấp 3 của mình bảo rằng giọng tôi quá khó nghe, dù chúng tôi chung một huyện, lại ở khá gần nhau.
Thật sự là với một người sống bản năng như tôi,việc cố gắng sửa giọng nói của mình là cực hình. Tôi gặp khó khăn trong việc "nhận thức" giọng nói của mình. Ví dụ, tôi có thể phân biệt sự khác nhau của 2 giọng của người A và người B, nhưng lại khó có thể phân biệt giọng của mình với từng người. Nó đương nhiên là cản trở lớn nhất trong việc cố gắng học nói tiếng Sài Gòn của tôi. Và cái gì khó quá thì tôi bỏ cuộc, tôi tiếp tục giữ lại bản sắc quê hương này nơi đất khách tất nhiên là đi kèm với khá nhiều sự bất tiện:
- Chú ơi, con mua cái này ạ? - "Hả? Con nói chú không nghe rõ"
- Cho mình order abc xyz. - "Dạ ?"
- Dạ thưa thầy, chủ nghĩa Mac-Lenin ...bla bla. - "Em nói lại được không?"
Ban đầu thì tôi rất ngại chuyện đó, chuyện mình sẽ luôn phải nhắc lại câu nói của mình nhiều hơn một lần với sự khó hiểu hiện rõ trên mặt người đối diện. Thành ra, trong trường hợp có thể nhờ ai đó đủ thân thiết, tôi sẽ nhờ người đó nói hộ, đơn giản từ việc mua đồ hay khó khăn hơn như thắc mắc gì đó. Nhưng không phải lúc nào mình cũng có sẵn người giúp mình, đấy là lúc tôi nhận ra rằng mình cần phải nói chậm lại, rõ ràng từng từ nhất có thể.
Việc bắt bản thân nói chậm lại thực sự rất khó, ít nhất là đối với tôi. Nhưng đổi lại thì nó giúp tôi đỡ phải nói lại hai đến ba lần. Đương nhiên không phải lúc nào cũng đủ tỉnh táo để giữ mình trong khuôn khổ ấy, mãi tới tận bây giờ, khi nói chuyện với mấy đứa bạn thân, tôi vẫn "bon mồm" để tốc độ đi quá giới hạn. Vẫn thường xuyên nhận được lời nhắc "nói chậm thôi" của các bạn. Còn khi ngồi "tám" với hội Nghệ An, đâu lại vào đấy, tốc độ nói của tôi vẫn "đỉnh nóc,kịch trần", từ ngữ địa vẫn "bay phấp phới". À với lại, bây giờ tôi không còn tự ti về giọng nói của mình nữa rồi, ngược lại, rất tự hào. Giọng nói này giúp những người đồng hương rất dễ nhận ra, một sự thú vị đến tự hào khi nghe được câu "Cháu quê Nghệ An hả?" sau chỉ một câu nói của bản thân. Xa hơn, nó trở thành một vũ khí bí mật của tôi trong rất nhiều trường hợp. Tôi sẽ rất khó bị phát hiện đang nói xấu ai đó, nhất là khi dùng tốc độ và giọng nói đủ mạnh, cũng không sợ phải tham gia những cuộc hội thoại không muốn. Tóm lại, tôi yêu giọng nói của tôi.
II - Nhớ nhà, nhớ quê.
Ngoài những mốc thời gian cụ thể, nỗi nhớ cũng là một cách tôi dùng để làm mốc phân định những đoạn hành trình phát triển của bản thân. Trước 18 tuổi, nhớ nhà vẫn là một cái gì đó xa lạ, có thể là cả một chút buồn cười. Cũng phải thôi, tới lúc ấy tôi vẫn chưa đi đâu xa quá vài trăm km lâu hơn 1 tuần. Lúc ấy vẫn muốn nhanh lớn để có thể bay đi thật xa, thật lâu. 18 tuổi, cứ nghĩ rằng nhớ nhà là cảm xúc nhất thời lúc mình yếu đuối, nó sẽ qua nhanh thôi. Và trưởng thành là khi tôi nhận ra "nhớ nhà" rất bình thường. Đương nhiên, bài học nào cũng cần thời gian, phải đi xa thì mới có thể nhớ nhà. Tuy không xuất hiện thường xuyên nhưng tần suất cũng không quá hiếm. Nó có thể là cảm giác nhớ căn nhà, nhớ quê hương, nhớ bố mẹ, bạn bè... Với một người ham vui như tôi, nhớ nhà thường là những lúc đông vui nhất, vào các dịp cưới hỏi, đám giỗ nơi gia đình có thể tụ tập nhau. Hay những ngày lễ lớn trong năm, các bạn tôi được về quê chơi nhởi, họp lớp... Ban đầu, tôi thường sẽ cố tìm cách giấu nó đi, tự làm mình bận rộn để vượt qua (gọi là tránh né thì đúng hơn) cái cảm giác nhớ ấy. Sau này, bản thân mình cảm giác như nó không hiệu quả nữa, và mình có dịp tham gia những cuộc vui ấy bằng hình thức online. Gia đình thì lúc có lúc không, nhưng lũ bạn cấp 3 khốn nạn của tôi ấy, chúng chả tha thôi dịp nào. Ai bảo hồi xưa chơi thân nhau quá cơ (cười).
III - Chia tay.
"Chia tay, dù là ở bất cứ vai trò nào cũng thật cảm xúc."
Nếu bạn đọc đến đây và mong chờ tôi kể về kết thúc của một mối tình nào đó thì...chắc là hơi sớm rồi. Đây là chia tay của một mối quan hệ tay ba của tôi, Sài Gòn và bạn tôi.
Đa số bạn bè của tôi chọn Sài Gòn là nơi để "du học", để làm việc nhưng rất hiếm trong số đó chọn ở lại định cư ở Sài Gòn. Tôi chả hiểu cái nắng đến 40 độ, cái khô của gió Lào, cái mùa mưa bão, cái lạnh cắt da cắt thịt của Nghệ An có gì mà hấp dẫn đến vậy. Chúng tôi đều chọn "hồi hương" mặc dù thời điểm sẽ khác nhau rất nhiều. Có những đứa đã chia tay Sài Gòn sớm đến mức giữa chúng và Sài Gòn còn chưa đủ sâu đậm. Những đứa chọn Sài Gòn vì việc học thì ở lại lâu hơn, ít nhất là cho đến khi chúng nó ra trường, đồng nghĩa với việc có tận 4, 5 năm kỉ niệm ở đây. Thường thì người mở đường sẽ mang giới tính nữ, tất nhiên là không liên quan gì đến bài hát "cô gái mở đường", nếu có chắc là chỉ trùng hợp.
Có nhiều lí do dẫn đến việc đó, tôi chỉ được trải nghiệm một ít. Đầu tiên là hội con gái có xu hướng hoàn thành chương trình học trước lũ con trai chúng tôi. Phân tích sâu xa ra thì các bạn nữ thường tập trung vào việc hoàn thành chương trình học hơn con trai (chúng tôi bị hoàn cảnh xô đẩy). Lí do thường được phái mạnh đem ra để giải thích là quên đăng kí một môn nào đó, thiếu chứng chỉ ngoại ngữ, đi làm quên học...bla bla. Đại loại là khắc phục thì khó chứ tìm thêm một vài lí do là quá dễ đối với chúng tôi, thậm chí lí do bây giờ của thằng này có thể được thằng khác "mượn lại" để sử dụng trong tương lai. Thậm chí ngay cả khi hoàn thành việc học, con trai (cụ thể là tôi) vẫn có xu hướng ở lại Sài Gòn thêm, có thể để tìm kiếm cơ hội việc làm hoặc còn quá ham vui, muốn tranh thủ bay nhảy thêm trước khi đến với sự quy củ. Cá biệt hơn, các bạn về quê để lấy chồng, sinh con, ôi phận con gái thật là thiệt thòi.
Bạn tôi thì ngoan hiền hơn, nó về quê vì... nhớ nhà. Sau hơn 4 năm ở Sài Gòn, hoàn thành việc học, trải qua khoảng 365 mối tình, mập mờ với 366 thằng, bạn tôi chọn hồi hương theo tiếng gọi con tim. Đại loại là bỏ lại Sài Gòn xô bồ để về gần bố mẹ hơn, chấp nhận việc tìm việc khó khăn hơn. Ban đầu chúng tôi từng rất thân, nhất là khi mới chập chững vào nơi đất khách, chúng tôi vẫn thường gọi nhau đi khám phá Thành Phố, sau đó ai cũng bận thành ra ít cơ hội gặp nhau hơn, còn chưa kể có một thời gian chiến tranh với nhau rất ác liệt. Nhưng đến lúc cảm nhận được việc chia tay nhau, trong tôi lại có cảm giác buồn mang mác, tự nhiên thấy bạn mình cũng đẹp, cũng tốt... Nhưng thôi, mừng cho bạn, mừng cho quyết định đúng đắn đó của bạn. Dù sao thì Sài Gòn cũng sẽ nhớ bạn nhiều lắm.
Tôi và Sài Gòn tạm biệt bạn, Thuý Trần và CMH(tên nạn nhân đã được thay đổi, hoặc không) . Cảm ơn vì tất cả. Chúc bạn một hành trình mới sẽ nhẹ nhàng và thành công. Hẹn gặp lại ở Nghệ An.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất