I - Kiếm việc.

Kiếm việc làm thêm thời sinh viên - câu chuyện muôn thủa, không cũ không mới nhưng luôn phong phú. Thực ra, tôi được kể về việc các anh chị đi làm thêm từ trước đó, ai cũng bảo "lên đại học nhàn lắm, học có xíu ấy mà". Nhàn hay không thì "hạ hồi phân giải", nhưng phải công nhận là chúng tôi có nhiều thời gian rảnh hơn. Không phải là học đủ từ đầu tuần tới cuối tuần như hồi cấp 2, cấp 3 nữa. Một tuần có khi học chỉ 3-4 buổi và thế là tôi có cơ hội dùng quỹ thời gian dư giả ấy để đi kiếm việc làm thêm.
Câu chuyện rất đơn giản thế này, có hai cách để kiếm việc làm thêm, offline và online. Offline là dựa trên những biển quảng cáo tuyển người được viết (hoặc in) lên những tấm bảng và treo lên đâu đó dễ thấy. Phương pháp này khá an toàn, đổi lại, bạn sẽ phải tìm được chỗ có hỗ trợ sinh viên làm part-time, phải thương lượng mức lương và đôi lúc là phải chạy ra ngoài. Online thì dễ hơn, chỉ cần ở bất cứ đâu có internet, vào bất cứ một group việc làm nào đó trên facebook. Tất nhiên là có an toàn hay không thì còn tuỳ. Và một ám ảnh rất lớn đối với sinh viên là đa cấp hoặc bị lừa.
Đa cấp thì tôi chưa có kinh nghiệm nhưng cũng không tránh được việc bị lừa khi đi xin việc online. Chuyện bắt đầu cũng y hệt như những lần khác, đọc một tin tuyển sinh viên làm part-time trên mạng, với mức lương a, công việc b, địa chỉ c, hỗ trợ sinh viên xoay ca bla bla. Sau một khoảng thời gian nhắn tin hỏi thăm, tôi tìm tới địa chỉ trước đó nhưng khá ngạc nhiên vì nó không giống tôi nghĩ. Một toà nhà không có vẻ gì giống chỗ làm như người ta đã nói, được chào đón bởi các anh chị ăn mặc rất công sở. Bước dạo đầu sẽ là các câu hỏi đơn giản gây nhiễu như: tên tuổi, quê quán, học ở đâu, trọ ở đâu... bla bla. Nói tóm lại là gây thiện cảm và đánh lạc hướng. Sau đó có thể là các câu hỏi nâng cao hơn như: em có nghĩ em phù hợp với công việc này không? em có thể làm vị trí a, vị trí b này không? Khi đã say mồi, sẽ là câu hỏi đi vào vấn đề: "Em đóng tiền hồ sơ, tiền đồng phục cho anh/chị trước khi nhận việc nhé" "Rồi chị có tên em rồi, bao giờ nhận việc được chị sẽ liên hệ lại em nhé". Bùm, sau đó chị biến mất, như cô tiên, ông bụt trong chuyện cổ tích vậy.
Ở một khu vực khác của Sài Gòn, bạn tôi (nó không học đại học) được chị nó dẫn vào làm chung công ty. Hai tháng sau, nó nhảy việc và tiếp tục đi theo sự chỉ dẫn của ông anh để vào một công ty khác. Yên ổn được chừng 6 tháng, bạn tôi lại nhảy việc, lần này nó về quê, học tiếng, đi xuất khẩu lao động, lần này không phải ở Sài Gòn nữa mà là một nơi xa hơn, nơi người ta nói thứ ngôn ngữ khác, ăn loại đồ ăn khác với một nên văn hoá khác. Thế là "Sài Gòn của tôi" lại vắng đi một người.

II - Leo lề.

Giao thông của Sài Gòn thực sự là một bước tiến xa rất xa đối với quê tôi, không chỉ về cơ sở vật chất mà còn là cách người ta tham gia giao thông. Tôi lần đầu tiên biết đến đường một chiều, nơi mà những sai lầm không thể quay đầu ngay lập tức, biết đến những con đường còn có thời gian quy định cho từng loại xe. Đấy là còn chưa kể đến hình ảnh người ta chen chúc cứ như có thể đè lên nhau để vượt lên trên những cung đường ấy, cảnh tượng ấy với tôi, những lần đầu thật sự huy hoàng. Tôi chưa bao giờ từng thấy nó trước đây, nhất là ở nơi quê hương "chó ăn đá gà ăn sỏi". Đường ở quê tôi còn chẳng bằng một phần ba, phần tư của đường Sài Gòn nhưng với dân số của một xã vùng núi hẻo lánh bị các con đường quốc lộ bỏ quên là quá ít để có thể lấp đầy những con đường ấy. Vả lại, ở đấy, người ta ra đường không nhất thiết phải tuân theo quy luật thời gian đi làm hay tan ca.
Ảnh minh hoa (AI)
Ảnh minh hoa (AI)
Nhưng rồi, thời gian qua đi và tôi nhận ra mình không thích tắc đường đến thế. Cũng phải thôi, làm gì có ai đủ kiên nhẫn đứng yên trong vòng 5-10 phút trên đường trong cái nắng nóng, cái mưa gió của Sài Gòn này chứ. Đấy là còn chưa kể đến khói bụi, tiếng còi, tiếng động cơ xe. Và đấy chính là lý do tôi gia nhập môn "thể thao mạo hiểm" leo lề . Lần đầu, vẫn còn im đậm trong đầu tôi, trên đường từ Quận 10 về Gò Vấp, đường Lý Chính Thắng, tôi sắp muộn một cuộc hẹn quan trọng trong khi đã ở đây 30 phút mà chỉ nhích được vài trăm mét. Tới lúc này, "bản năng sinh tồn" của tôi lên tiếng, đúng lúc tôi cần nó nhất, lách gần vào lề, về số, leo lên và vượt qua những chướng ngại nho nhỏ. Tuy không chạy được với tốc độ bình thường, song vẫn là một cảm xúc hạnh phúc ngập tràn khi được di chuyển. Có lẽ vì thế mà có một câu nói được lan truyền ở Sài Gòn rằng: "Trong một cung đường tắc nghẹt, những người về đích theo thứ tự sẽ là người leo lề, xe cứu thương và cuối cùng là người bình thường".
Tôi kể vậy là để nói rằng đó chính là trải nghiệm của bản thân, còn về việc ủng hộ hay phản đối việc leo lề, tôi xin không ý kiến. Thực ra, không có gì là tuyệt đối tốt, leo lề cũng vậy. Xét ra, nó chính là một một thể thao mạo hiểm đến cực độ. Đầu tiên, phải nhắc cho bạn nhớ rằng leo lề là một hành động vi phạm luật giao thông, có nghĩa là về lý, đấy là một việc làm sai và đương nhiên sẽ bị phạt tiền nếu bạn bị csgt tóm. Thứ hai, leo lề không thực sự dễ đến thế, không phải cứ chỗ nào tắc cũng có thể leo lề và trên cung đường ấy cũng không thiếu các chướng ngại vật. Nào là gạch đá, người ta để xe, lấn chiếm bán hàng...và đấy là còn chưa kể kiếp nạn quan trọng, nguy hiểm nhất: xuống lại đường. Không ít lần tôi đã thấy ai đó té xe khi xuống lề và tin tôi đi, dù đã trải qua nhiều chuyện xấu hổ, nhưng tôi không nghĩ có nhiều thứ có thể đánh bại nó, nghĩ mà xem, bạn làm việc xấu, bạn chịu hậu quả một cách công khai, và sẽ có nhiều, rất nhiều người hả hê. Thế đấy, tin tôi đi, cảm giác đó không thú vị lắm đâu.
Bây giờ, tôi đã hạn chế tối đa việc leo lề, không phải vì tôi là nhân vật chính của cuộc tai nạn trên. Nếu được, tôi sẽ xin dời cuộc hẹn sau đó lại một chút, chịu khó hơn một chút, mình nhẹ nhàng hơn nên tắc đường đôi khi cũng thú vị hơn, tôi có thể chầm chậm quan sát nhiều thứ hơn. Một cái nữa là tôi không muốn bản thân mình lấn quá sâu vào văn hoá giao thông kiểu "điền vào chỗ trống" ấy. Xét cho cùng, dù Sài Gòn này có kẹt xe thế nào, dù giao thông Việt Nam mình có tệ cỡ nào, tôi cũng rất yêu nơi này.
-c0nnect9r-