I - Thành phố lớn.

Tôi nghĩ có quá nhiều lí do khiến những đứa trẻ vừa mới chân ướt chân ráo ra khỏi trường cấp 3 như chúng tôi chọn tới với những thành phố lớn hơn, trong đó có Sài Gòn. Đầu tiên, chúng tôi làm vậy là bởi vì "ai cũng làm như vậy". Nghe có vẻ buồn cười, nhưng đấy là một câu chuyện có thật. Sau 18 năm quay quẩn trong một tỉnh, một huyện, một xã, chúng tôi nhận ra rằng mình dường như đã hết nhiệm vụ ở chốn này, chúng tôi sẽ phải đi xa, để giống như mọi người. Có đứa thì là để đi học đại học, theo đuổi ngôi trường, ngành học hay ước mơ nghề nghiệp chúng mơ ước. Một số khác thì chọn để làm cái thứ gọi là "bước vào đời", nơi chúng gia nhập thị trường lao động, kiếm những đồng tiền bằng mồ hôi, sức lao động của mình. Nhưng không phải ai cũng có những định hướng rõ ràng như vậy ngay từ đầu. Không ít trong số chúng tôi mắc kẹt với thứ gọi là ước mơ, hay đúng hơn là mông lung trong việc đó. Không có một ước mơ cụ thể, chưa có định hướng, không có một nghề nghiệp thực sự thích thú hay đam mê. Hoặc thậm chí, nếu có, cũng không ít trong đó mới chỉ tìm hiểu qua về bề nổi, tới khi bước vào rồi mới ngỡ ra là không như mình mơ ước. Thế nhưng chúng vẫn bước tiếp, là để giống với bạn bè, giống với lời dạy của bố mẹ. Chọn một thành phố lớn hơn, một ngôi trường đại học, hoặc một công việc được ai đó giới thiệu. Thế là chúng tôi có mặt ở nơi này.
Nói vậy để thấy rằng, chuyện định hướng về nghề nghiệp, tương lai là rất quan trọng, đặc biệt là đối với học sinh cấp 3. Tôi rất tiếc phải thừa nhận rằng ở thế hệ chúng tôi (tôi dùng từ thế hệ nhưng xin chỉ áp dụng nó cho 5 năm, những người sinh từ năm 1998 tới 2002) điều này có lẽ chưa được quan tâm đúng mức. Hoặc là ở đâu đó, ở những thành phố lớn hơn, các bạn trong độ tuổi chúng tôi thì có, nhưng có lẽ, ở cái vùng quê nghèo này, điều đó đôi khi cũng là một thứ xa xỉ. Những đứa được định hướng rõ ràng thường là xuất thân từ gia đình tri thức, nơi ông bà, bố mẹ có đủ kiến thức, trải nghiệm để truyền đạt cho con mình. Đương nhiên là trong điều kiện chúng nó tiếp thu được những kiến thức ấy. Một số nhỏ nữa là được "truyền cảm hứng" từ anh chị, những người thành công khác mà chúng tôi thấy được. Song, trường hợp này khó hơn, thường là vỡ mộng sau khi bước vào con đường đó, hoặc kiến thức học lỏm "chưa đủ" để lựa chọn.
Lựa chọn tới thành phố lớn theo tôi là một lựa chọn dễ dàng. Nhưng tới đó để làm gì cụ thể hơn lại là một quyết định vô cùng khó khăn. Phải làm sao để định hướng cho bọn trẻ một con đường mà lại không quá áp đặt chúng vào những ước mơ của người đi trước. Điều ấy thực sự khó. Còn với những người chưa hoặc vừa trải qua giai đoạn này, tôi mong các bạn có thể can đảm đối diện với lựa chọn của mình. Chịu trách nhiệm với nó, dù dễ dàng hay khó khăn. Cuộc sống này là tập hợp của những vấn đề, vì vậy, than thở cũng được, thất bại cũng được, yếu đuối cũng được, nhưng tuyệt đối, không được bỏ cuộc.
Còn tôi, lý do của tôi khi đến Sài Gòn lại khá đặt biệt. Quê tôi khá xa Sài Gòn này, nên nó trở thành lựa chọn thứ 2 thậm chí thứ 3. Các bạn của tôi đa số chọn Hà Nội, Đà Nẵng hoặc ở lại thành phố Vinh. Việc vượt cả quãng đường hơn 1500km thực sự gian nan, vì vậy tôi vẫn thường tự hào rằng mình đi "du học" ở Sài Gòn. Thường thì lí do chính để chúng tôi vào đây là vì trong này có sự có mặt, đi trước của người thân, những người bố mẹ có thể yên tâm gửi gắm con cái mình. Tôi thì không thế, nhà tôi không quen biết ai đủ để mẹ tôi làm thế, bà ngăn cản quyết định này của tôi kịch liệt. Và khi tôi ở đây để nói về Sài Gòn, chắc bạn đã biết ai là người thắng trong cuộc tranh cãi ấy. Tôi chưa tới đây lần nào trước đó, nhưng những thông tin ít ỏi trên tivi đã truyền vào đầu tôi rằng đây là một môi trường tự do, thoải mái, tự do hơn. Đặc biệt, Sài Gòn chỉ có 2 mùa nắng, mưa mà không có mùa đông. Đúng vậy, tôi chọn Sài Gòn vì tôi sợ cái lạnh đến thấu da thấu thịt của miền bắc. Tất nhiên là sau đó tôi cũng vỡ mộng khá nhiều, dù thời tiết có dễ chịu hơn so với quê tôi, nhưng cũng không tránh khỏi những ngày nắng đến không muốn ra đường, những ngày mưa với những con đường bị ngập trong nước. Còn về môi trường sống, vào đây rồi, tôi mới thấy đúng là không đâu bằng quê tôi, thật đấy.

II - Bài học đầu tiên.

Điều khó khăn lớn nhất khi những đứa trẻ bắt đầu "hội nhập" là khác biệt văn hoá. Tuy là một vấn đề chung, nhưng mức độ chêch lệch thì lại hoàn toàn khác nhau, mỗi đứa mỗi kiểu. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng đa số sẽ phụ thuộc vào độ hiểu biết và xuất thân của mỗi đứa. Cụ thể, một đứa ưa tìm tòi, đã đọc, đã biết qua một vài điều ở thành phố nó sắp tới sẽ ít bỡ ngỡ hơn những đứa tới đây với một "tâm hồn vô tư trong sáng". Hoặc sự khác biệt sẽ đến từ quê quán, bạn tới với Sài Gòn từ một thành phố lớn hơn, một thị xã, một huyện hay một vùng quê thật quê, càng trở về vùng nghèo khó, sự "sốc văn hoá" này lại càng dễ dàng nhận ra.
Tôi nhận ra rằng, trước khi mạng xã hội và internet đưa thông tin, văn hoá vượt qua cách biệt về địa lý, có một sự thừa hưởng kí ức rất thú vị. Ví dụ, những trò chơi mà bọn trẻ thập niên 2000 ở vùng quê chúng tôi có ở tuổi thơ chính là tuổi thơ của những người thập niên 1990 ở thành phố nhỏ và là tuổi thơ của những người thập niêm 1980 ở thành phố lớn. Việc này đến từ việc hồi ấy, những phương tiện liên lạc còn khó khăn, những người rời quê để đi đến nơi đất khách cũng không nhiều như bây giờ.
Tôi, xuất thân từ một vùng quê nghèo, nơi mà từ đầu làng tới cuối làng, thậm chí qua cả làng bên cạnh, chỉ cần nói tên bố mẹ mình ra là có thể biết được nhau. Dù đã tìm hiểu từ trước, song ngay từ lúc vào Sài Gòn, tôi vẫn bị sốc trước sự xa hoa của nó. Trước đó, tôi đã được tham quan thị xã, tham quan thành phố của quê tôi, nhưng lấy đó để so sánh với Sài Gòn vẫn là một trời một vực. Những toà nhà cao tầng san sát nhau, quán xá có ở khắp nơi, những con đường 3,4 làn xe chạy nối đuôi nhau. Nhưng khoan hãy nói tới những bỡ ngỡ hay khó khăn gì cả, vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước, bây giờ là lúc một cậu trai 18 tuổi vừa thoát khỏi sự "trông chừng" của bố mẹ để sống tự lập.
Tôi còn không nhớ rõ được rằng tuần đầu tiên ở Sài Gòn tôi đã tốn bao nhiêu thời gian ở tiệm nét. Thật sự đấy, với một người có đam mê với "thể thao điện tử" như tôi thì khoảng thời gian này phải gọi là trong mơ. Chưa có lịch học, chưa biết đi đâu, tiệm nét lại rất gần, chỉ cần đi bộ mấy bước là tới (ở quê chúng tôi phải đi 5-6km). Lựa chọn an toàn này cướp đi của tôi nguyên thời gian của một ngày, trừ việc ăn ngủ và vệ sinh cá nhân, thậm chí, nó còn ăn bớt quỹ thời gian của một vài việc trên. Tôi chơi game quên ăn, quên ngủ. Và nếu không có chiếc cân vô tình ở sân trọ, tôi cũng không chắc mình sẽ kẹt ở đó bao lâu nữa. Chuyện là tôi nhảy lên và nhận ra mình sút 3kg cho một tuần ở Sài Gòn, đúng là một bài học nhớ đời.
Và thế là tôi đã có bài học đầu tiên. Quá nhiều thời gian rảnh cộng với sự thiếu kiểm soát chút nữa đã đưa tôi đi thật xa. Thật may mắn vì cuộc đời đã kéo tôi lại đúng lúc. Cám dỗ đôi khi thật khó từ chối dù chúng ta biết nó có hậu quả. Cũng đúng thôi, nếu không phải như thế, sao còn gọi là cám dỗ, nhỉ?
-c0nnect9r-