Bài viết này dành cho những ai đã đọc 2 phần của bài ''2 cuộc cách mạng định hình đất nước Iraq thời hiện đại'' của nhóm mình.
Trên thế giới, việc các thành phố mang tên các lãnh tụ như Washington, Leningrad, Stalingrad hay đơn giản như Thành phố Hồ Chí Minh,…không phải là hiếm. Nhưng chuyện một thành phố 3 lần đổi tên và 2 lần mang tên các lãnh đạo thì khó có nơi nào như thành phố Sadr của Iraq.
Quan trọng hơn, câu chuyện về thành phố Sadr này có thể coi câu chuyện điển hình về bi kịch của đất nước Iraq hiện đại. Nhưng thường thì lịch sử Iraq hiện đại được kể hiện nay, chỉ được kể 1 phần 3 – cắt đoạn đầu, bỏ đoạn sau, giữ đoạn giữa – tức là chỉ xoay quanh Saddam Hussein.
Các bạn có biết người đàn ông trong hình? Hoặc các bạn có biết ai là lãnh tụ tinh thần thực sự ở đất nước Iraq hiện nay? Nếu không biết hoặc trả lời là thủ tướng Iraq, thì các bạn nên đọc qua bài này.
Bạn có biết nhân vật quyền lực nhất Iraq hiện nay?
1/ Thời kỳ cách mạng Cộng sản và sự hình thành thành phố Al-Thawra.
Về mặt chính thức ”thành phố Sadr” thực chất chỉ là một đơn vị hành chính trong thủ đô Baghdad của Iraq, tương đương đơn vị cấp quận. Điều này giống với Thị xã Sơn Tây thuộc thủ đô Hà Nội.
Vào năm 1958, đất nước Iraq đang ở năm cuối cùng của chế độ quân chủ. Tình hình kinh tế và xã hội đất nước lúc đó khá bi đát kể cả ở những đô thị lớn. Đầu năm 1959, thủ đô Baghdad có 930.000 dân nhưng có đến nửa triệu người vô gia cư. Họ phải sống trong điều kiện tồi tệ, không có nhà cửa, điện, nước, thức ăn,…trong khi nhà vua Iraq sống xa hoa trong cung điện trung tâm thủ đô. Ngay trong cộng đồng dân cư, những người Hồi giáo dòng Sunni cũng có nhiều đặc quyền nhà cửa hơn người Hồi giáo dòng Shia và các sắc dân thiểu số khác.
Khu ổ chuột điển hình ở Iraq những năm 1950s.
Vì sự mâu thuẫn đó, ngày 14/7/1958, nhằm ngày Cách mạng Pháp, các sĩ quan Cộng sản Iraq làm cuộc cách mạng lật đổ nhà vua Iraq, thiết lập nền Cộng hòa. Chính quyền mới do Đại tá Abdul Karim Qasim lãnh đạo, xây dựng một chính quyền Cộng sản thân Liên Xô. Chính quyền của Qasim đã tiến hành nhiều cải cách, một trong những việc đầu tiên là giải quyết vấn đề nhà ở cho một nửa dân số Baghdad đang trong cảnh vô gia cư.
Thủ tướng Qasim đi đầu trong việc này. Ông hiến toàn bộ 4 mảnh đất và tư gia của mình cho chính phủ, quyên góp tiền xây nhà cho người vô gia cư. Bản thân thủ tướng Qasim sau đó gần như lấy Bộ Quốc phòng làm nhà, ông thường xuyên nằm ngủ trên nền đất bộ Quốc phòng Iraq.
Kế hoạch của chính phủ Iraq là chọn một khu đất phía Đông hẻo lánh của Baghdad, nơi có một khu ổ chuột chừng 80.000 dân từ các vùng nông thôn xung quanh sinh sống để xây dựng thành phố mới. Chi phí sẽ được lấy từ những tài sản tịch thu của Hoàng gia Iraq và từ việc Quốc hữu hóa các công ty nước ngoài. Kế hoạch này thực ra được đề xuất bởi Naziha al-Dulaimi, một nhà nữ quyền hàng đầu của Iraq lúc đó. Naziha al-Dulaimi là người đồng sáng lập và là chủ tịch đầu tiên của Liên đoàn Phụ nữ Iraq, nữ bộ trưởng đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Iraq, cũng là đầu tiên trong thế giới Ả Rập. Vào lúc xây dựng thành phố Al-Thawra, Naziha al-Dulaimi đang là Bộ trưởng Đô thị Iraq.
Naziha al-Dulaimi - nhà nữ quyền Iraq, nữ bộ trưởng đầu tiên của thế giới Arab.
Vị trí thành phố Al-Thawra (nay là Sadr City) trong thủ đô Baghdad.
Việc thiết kế thành phố mới này có sự góp công của Apostolou Doxiadis Constantinos, một kiến trúc sư rất nổi tiếng người Hy Lạp. Nổi tiếng đến cỡ nào? Ông được coi là kiến trúc sư trưởng, ''cha đẻ'' của 2 thủ đô lớn trong thế giới Hồi giáo. Đó là 2 thủ đô của Pakistan và Arab Saudi – Islamabad và Riyadh. Công ty của Apostolou Doxiadis chuyên thiết kế đô thị cho rất nhiều thành phố trên thế giới, từ Brazil đến Bangladesh. Nếu có một dấu ấn của Apostolou Doxiadis ở Việt Nam, thì đó chính là thiết kế ban đầu của khu đô thị Thủ Thiêm ở Sài Gòn năm 1965.
Sau khi hoàn thành bước đầu, khu vực mới xây dựng đã giải quyết căn bản vấn đề nhà cửa cho gần nửa triệu người dân thủ đô Baghdad lúc đó. Dù diện tích chỉ có 13km2 trong 200km2 của thủ đô Baghdad, nhưng nó chiếm đến gần một nửa dân số thủ đô Baghdad, chủ yếu là dân nghèo. Để ghi nhận thành quả này của cuộc cách mạng, chính phủ thủ tướng Qasim đã đặt tên thành phố này là ”Al-Thawra” nghĩa là ”thành phố Cách mạng”. Ngày nay ở Syria, cũng có một thành phố ''Al-Thawra'' khác để kỷ niệm cách mạng ở Syria, và ngày nay vẫn còn giữ tên đó nên đôi lúc nó gây nhầm lẫn với thành phố Al-Thawra ở Iraq.
Trong những năm sau đó, dân số Al-Thawra không ngừng tăng, chủ yếu từ những người dân nông thôn đổ về thành phố. Năm 1963, khi dân số thủ đô Baghdad là 1,3 triệu người, dân số Al-Thawra là gần 800.000 người.
2/ Đổi tên thành Saddam City và sự phản kháng chế độ Saddam Hussein.
Năm 1963, đảng Ba’ath của những người theo đường lối XHCN dân tộc Arab tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền Cộng sản của thủ tướng Qasim. Thủ tướng Qasim bị hành quyết trên truyền hình.
Trong cuộc đảo chính ngày 8/2/1963 ở Baghdad, người dân ở thành phố Al-Thawra đã kháng cự quân đảo chính, ủng hộ Thủ tướng Qasim. Bằng cách nào đó, quân Ba’ath đã tiến hành chiến dịch lùng sục theo phương pháp “house-to-house search” (tìm từng nhà), tìm kiếm chính xác và sát hại hơn 1.500 người Cộng sản Iraq chỉ riêng ở thủ đô Baghdad. Trên toàn quốc, con số này là hơn 5.000 người Cộng sản bị sát hại. Người ta cho rằng điều này chỉ có thể giải thích do tình báo CIA của Mỹ đã có danh sách những người Cộng sản Iraq và bí mật chuyển nó cho quân Ba’ath, dù điều này chưa được chứng thực.
Đảng Ba’ath nắm quyền vào năm 1963. Năm 1979, Saddam Hussein trở thành Tổng thống Iraq. 3 năm sau, năm 1982, Saddam Hussein đổi tên thành phố Al-Thawra thành ”Saddam City”, nhằm xóa đi ký ức về thời kỳ Cộng sản của Qasim và cũng là một hình thức sùng bái cá nhân.
Cuộc tuần hành của những người ủng hộ đổi tên ''thành phố Al-Thawra'' thành ''Saddam City'' năm 1982.
Dưới thời kỳ Saddam Hussein, thành phố Saddam City nổi tiếng về đói nghèo và sự phản kháng. Do thành phố đã là thành trì kháng cự của những người Cộng sản từ cuộc đảo chính năm 1963, chính quyền đảng Ba’ath đã làm nhiều cách để dập tắt phong trào đấu tranh của họ. Do dân số quá lớn, khó có thể kiểm soát, nên Đảng Ba’ath thực hiện bao vây bên ngoài, đồng thời cắt giảm điện, nước, nhu yếu phẩm cung cấp cho các khu dân cư của Saddam City. Mọi kế hoạch xây dựng từ thời Thủ tướng Qasim bị hủy bỏ, dẫn đến số người vô gia cư lại tăng lên. Cư dân thành phố thường trực sống trong cảnh thiếu điện, nước, nhu yếu phẩm cơ bản,...
Trong những năm 1980s, Saddam City nổi tiếng khắp Iraq về sự đói nghèo và các tổ chức Cộng sản bất hợp pháp ngay trong lòng thủ đô Baghdad. Dù bị bao vây vòng ngoài, nhưng trong lòng thành phố các tổ chức cộng sản vẫn phát triển. Họ thường xuyên phát tán các tài liệu tuyên truyền chống Saddam Hussein trong các khu dân cư. Ở nhiều nơi, người dân đào hầm dưới lòng đất để sẵn sàng chiến đấu. Một trong những nguyên nhân khiến quân đội Iraq không thể đàn áp những người Cộng sản là do thiết kế thành phố của Kiến trúc sư Doxiadis khá hẹp, không thuận lợi cho xe bọc thép. Vì thế, Saddam City là một quả bom nổ chậm ngay sát Baghdad, sẵn sàng nổi dậy đe dọa chính quyền Saddam Hussein.
Năm 1991, một tháng sau Chiến tranh vùng Vịnh, một biến cố nổ ra làm rung chuyển đất nước Iraq. Toàn đất nước Iraq nổi dậy chống Saddam Hussein từ người Kurd ở phía Bắc đến người Hồi giáo dòng Shia ở miền Nam. Cùng với các cuộc nổi dậy ở hai đầu đất nước, những người chống đối ở Saddam City mà nòng cốt là những người Cộng sản đã nổi dậy ngay trong lòng Thủ đô Baghdad. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy này đã không đạt được quy mô mong đợi. Con trai Saddam Hussein, Qusay Hussein, chỉ huy lực lượng Vệ binh Iraq 7.000 người bao vây Saddam City, không cho cuộc nổi dậy lan vào nội đô Baghdad. Cuối cùng, cuộc nổi dậy ở thủ đô Baghdad thất bại. 
Trên cả nước, cuộc nổi dậy của người Shia ở miền Nam cũng chịu kết quả tương tự, chỉ có người Kurd ở phía Bắc là thành công, buộc Saddam Hussein phải công nhận quyền tự trị của người Kurd.
Đường phố Iraq (có vẻ là thành phố Karbala) trong cuộc nổi dậy năm 1991 ở Iraq.
3/ Giáo sĩ Mohammad Sadeq al-Sadr và ảnh hưởng của ông lên Iraq những năm 90s
Ngay từ trước những năm 1991, đã có một nhân vật nổi lên mạnh mẽ trong xã hội Iraq. Đó là giáo sĩ dòng Shia – Mohammad Sadeq al-Sadr.
Mohammad Sadeq al-Sadr sinh ra trong gia đình người Hồi giáo dòng Shia ở thành phố Najaf, miền Nam Iraq. Najaf là thành phố linh thiêng nhất của người Hồi giáo dòng Shia ở Iraq, và thứ 3 trong thế giới Hồi giáo sau 2 thánh địa Mecca và Medina ở Arab Saudi. Chính vì vậy, đây là nơi đào tạo những giáo sĩ có ảnh hưởng nhất của Iraq. 
Mohammad Sadeq al-Sadr trở thành giáo sĩ khi tốt nghiệp trường Hồi giáo, nhưng ông lại đến sống ở thủ đô Baghdad trong khu phố của dân lao động trong Saddam City, chung sống với những người dân nghèo đô thị. Cũng tại đây, giáo sĩ Mohammad Sadeq al-Sadr có liên hệ với các tổ chức Cộng sản bí mật chống đối Saddam Hussein, mặc dù ông không công khai liên minh với họ. Giáo sĩ Mohammad Sadeq al-Sadr ủng hộ Đảng Dawa, một đảng phái của người Hồi giáo Shia lớn nhất lúc đó, được nước láng giềng Iran hỗ trợ. Chính quyền Saddam Hussein coi đảng Dawa là kẻ thù cần đàn áp, nhưng do uy tín của giáo sĩ Sadr trong người dân lúc đó quá lớn, nên chính quyền không kiếm được cớ để bắt ông.
Năm 1991, trong sự kiện nổi dậy khắp Iraq, những Cộng sản ở Saddam City đã nổi dậy chống Saddam Hussein. Dù không chính thức như có thể nói, giáo sĩ Sadr ủng hộ cuộc nổi dậy này, hoặc ít nhất là không phản đối. Nhưng cuộc nổi dậy đã thất bại, và nó cho chính quyền Iraq một cái cớ hoàn hảo để chống lại giáo sĩ Sadr. Tháng 4 năm 1991, với cáo buộc hợp tác với Cộng sản, giáo sĩ Mohammad Sadeq al-Sadr chính quyền Iraq trục xuất khỏi thủ đô Baghdad, đưa về thành phố Najaf – quê nhà của ông và cũng là thánh địa linh thiêng của người hồi giáo Shia ở Iraq lẫn Iran.
Giáo sĩ Mohammad Sadeq al-Sadr - thủ lĩnh người Hồi giáo Shia ở Iraq những năm 90s.
Vào ngày 19/2/1999, một sự kiện chấn động xảy ra. Giáo sĩ Mohammad và 2 con trai là Muamal và Mustafa đã bất ngờ bị ám sát trên đường phố Najaf sau một buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu. Người ta cho rằng đảng Ba’ath của Saddam Hussein đứng sau nhưng không có bằng chứng nào. Hai con trai của giáo sĩ Sadr chết tại hiện trường, còn Giáo sĩ Mohammad Sadeq al-Sadr qua đời tại bệnh viện sau khi được nỗ lực cứu chữa. Cái chết đã biến ông trở thành một nhân vật ”tử vì đạo”, một biểu tượng của sự đấu tranh của người Hồi giáo dòng Shia. Vào ngày Mohammad qua đời, toàn bộ đất nước Iraq và nước láng giềng Iran để tang ông.
Cái chết của giáo sĩ Mohammad Sadeq al-Sadr châm ngòi cho một cuộc nổi dậy lớn thứ 2 ở Iraq sau lần đầu năm 1991. Tháng 2 năm 1999, các lãnh đạo đảng Dawa của người Shia lưu vong ở Iran lợi dụng vụ ám sát giáo sĩ Sadr đã kích động một cuộc nổi dậy lớn của người Shia ở miền Nam Iraq. Cuộc nổi dậy lan rộng nhiều thành phố miền Nam Iraq như Karbala, Nasiriyah, Kufa, Najaf và Basra. Nhưng quy mô lần này nhỏ hơn năm 1991, nên nó dễ dàng bị dập tắt chỉ sau 2 tháng. Phần lớn các lãnh đạo đảng Dawa sau sự kiện này đã chạy đến Iran tị nạn, chỉ còn rất ít người ở lại Iraq.
Trong số những người ở lại, có gia đình của giáo sĩ Sadr, mà điển hình là con trai Muqtada al-Sadr của ông. Sau cái chết của cha, giáo sĩ Muqtada al-Sadr được người Shia ở Iraq tôn làm lãnh tụ tinh thần mới. Tại đây, chỉ trích sự hèn yếu của những lãnh đạo đảng Dawa đã bỏ chạy đến Iran, giáo sĩ Muqtada al-Sadr tuyên bố tách khỏi đảng Dawa và đi theo con đường độc lập của mình.
Ngày 19/2/1999 - cái chết của giáo sĩ Mohammad Sadeq al-Sadr được công khai trên truyền hình châm ngòi cho cuộc nổi dậy của người Shia ở Iraq năm 1999.
4/ Cuộc xâm lược của Mỹ và đổi tên thành Sadr City – sự kháng cự của giáo sĩ Muqtada al-Sadr trong những năm 2004-2008.
Khu vực Saddam City vẫn là khu vực phản kháng Saddam Hussein dữ dội, vì thế mà khi quân đội Mỹ tấn công Baghdad năm 2003, đây là nơi đầu tiên rơi vào tay quân Mỹ. Lúc này dân số của Saddam City đã lên tới 1,5 triệu người trong khoảng 4 triệu dân Baghdad. Sau khi chính quyền Ba’ath sụp đổ, người dân ở khu vực này đã không chính thức đổi tên thành phố thành ''Sadr City''để tưởng nhớ giáo sĩ tử vì đạo Mohammad Sadeq al-Sadr. Quyết định này được chính phủ Iraq chấp thuận sau đó. Như vậy. thành phố đã có lần thứ 2 mang tên một lãnh tụ Iraq, sau khi mang tên tổng thống Saddam Hussein.
Tuy nhiên, những sự kiện sau đó mới thực sự đưa cái tên Sadr City nổi danh khắp thế giới.
Đó là từ con trai của giáo sĩ Mohammad Sadeq al-Sadr – Muqtada al-Sadr. Sau khi cha qua đời, Muqtada được tôn làm lãnh tụ tối cao của dòng hồi giáo Shia ở Iraq. Ông thành lập ”Quân đội Mahdi” lật đổ Saddam Hussein vào năm 2003. Người Mỹ tưởng chừng có thể bắt tay với quân đội Mahdi của Muqtada, nhưng ông đã dội nước lạnh vào họ.
Giáo sĩ Muqtada al-Sadr - lãnh tụ tinh thần Iraq sau năm 1999.
Các tay súng của Quân đội Mahdi - nhóm vũ trang chống Mỹ của giáo sĩ Muqtada al-Sadr.
Sau khi chính phủ mới của Iraq được Mỹ lập nên, quân đội Mahdi của Muqtada al-Sadr từ chối giải giáp. Với nòng cốt là các nhóm vũ trang dòng Shia, những người ủng hộ giáo sĩ Sadr nổi dậy khắp miền Nam Iraq. Tuy nhiên, giống như các thời kỳ trước đó, những khu phố chật hẹp của thành phố Sadr cung cấp một nơi lý tưởng nhất cho các cuộc nổi dậy. Vậy là cùng với thành phố Najaf ở miền Nam, thành phố Sadr City cũng nổi dậy chống sự chiếm đóng của quân đội Mỹ. Các cuộc phục kích diễn ra khiến hàng chục lính Mỹ thiệt mạng.
Suốt từ năm 2003 đến năm 2008, Sadr City hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của quân Mỹ và chính phủ Iraq. Mọi nỗ lực kiểm soát của Mỹ và Iraq đối với Sadr City đều thất bại, giống như Saddam Hussein ngày xưa. Trong thời gian đầu, quân đội Shia của giáo sĩ Muqtada al-Sadr thậm chí còn lập ra các ”đội tử thần”, có nhiệm vụ đi khắp Baghdad lùng sục người Hồi giáo dòng Sunni và sát hại. Những năm 2007, nhắc tới Muqtada al-Sadr và là nhắc tới sự kinh hoàng với các vụ sát hại người Sunni.
Sự tồn tại của Sadr City ngay sát Baghdad là nguyên nhân trực tiếp khiến người Mỹ phải xây nên ”Vùng xanh” (Green Zone), một vành đai biệt lập giữa Baghdad ngăn cách với vùng còn lại để đảm bảo an toàn cho lính Mỹ khỏi quân của giáo sĩ Sadr. Suốt 5 năm từ 2003 đến 2008 binh sĩ Mỹ ở Sadr City liên tục bị phục kích, làm hàng trăm người thiệt mạng. Riêng trong năm 2007, 852 lính Mỹ đã chết cho tới tháng 11. Điều này khiến tổng thống Mỹ quyết định tăng 20.000 quân đến Iraq vào năm 2007, với quyết tâm đẩy lùi quân của Giáo sĩ Sadr ra khỏi tất cả các khu vực chống đối.
Vị trí tương đối của ''Sadr City'' so với ''Vùng Xanh'' trên bản đồ vệ tinh Baghdad.
Quang cảnh thành phố Sadr hiện đại (khoảng năm 2005)
Tháng 5 năm 2008, sau một chiến dịch lớn của Mỹ và Iraq, dân quân Shia trong thành phố Sadr chấp nhận ngừng bắn, cho phép quân chính phủ Iraq được phép kiểm soát Sadr City. Thỏa thuận này cũng buộc giáo sĩ Muqtada al-Sadr phải giải tán các đội tử thần sát hại người Sunni. Sau thỏa thuận này, phái của giáo sĩ Muqtada al-Sadr chuyển từ một nhóm vũ trang sang một tổ chức chính trị.
Từ đó đến nay, Muqtada al-Sadr vẫn là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong chính trường Iraq, đặc biệt là với những người dòng Shia. Hiện giáo sĩ Sadr được coi là lãnh tụ tối cao của người Hồi giáo dòng Shia ở Iraq. Nhất là sau cuộc chiến chống Tổ chức nhà nước Hồi giáo IS năm 2018, vị thế của giáo sĩ Sadr tăng đáng kể và phe của ông đã giành chiến thắng vang dội trong quốc hội Iraq, buộc thủ tướng Iraq Haider al-Abadi phải liên minh với ông. Chiến thắng của giáo sĩ Sadr năm 2018 từng được coi là đánh dấu sự sụp đổ ảnh hưởng của Mỹ ở Iraq, và đã từng có đồn đoán giáo sĩ Sadr chuẩn bị vận động chấm dứt sự hiện diện của Mỹ ở nước này. 
Điều đáng chú ý trong cuộc bầu cử năm 2018, là giáo sĩ Muqtada al-Sadr đã liên minh với Đảng Cộng sản Iraq (ICP) trong ''Liên minh Cải cách'' (Marching Towards Reform), giúp ông có được sự ủng hộ lớn của tầng lớp lao động. Thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2018 được coi là thành công chính trị lớn nhất mà Đảng Cộng sản Iraq giành được kể từ năm 1959 đến nay.
4/ Những sự thật về chính trường Iraq hiện nay (phần chỉ này đọc thêm).
-Giáo sĩ Sadr tự nhận là một người người theo chủ nghĩa dân tộc Iraq, liên minh với cộng sản, hòa thuận với người Sunni và độc lập chính trị. Hiện nay Đảng Cộng sản Iraq (ICP) đã công khai Liên minh với giáo sĩ Sadr trong ”Liên minh Cải cách” Alliance Towards Reforms – phe giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử 2018.  Trên thực tế, giáo sĩ Sadr đã chủ trương liên minh với Đảng Cộng sản Iraq từ năm 2012. Người Iraq coi giáo sĩ Sadr là ”hiện thân của cải cách và hòa hợp dân tộc”. 
Nhưng về vấn đề Sadr City, thì Đảng Cộng sản Iraq cho rằng tên hiện nay của thành phố không phù hợp với ý nghĩa ban đầu của nó. Vì vậy hiện nay đang có một cuộc vận động để trả lại tên ban đầu cho thành phố này, tức ''thành phố Al-Thawra'' - thành phố Cách mạng. Theo những nhà vận động, một thành phố dành cho đa số người dân ''không nên mang tên của bất kỳ nhân vật lãnh đạo nào!''.
Cuộc tuần hành ngày Quốc tế Lao động năm 2013 của liên minh giữa giáo sĩ Sadr và Đảng Cộng sản Iraq.
-Giáo sĩ Sadr là một nhân vật chống cả Mỹ lần Iran. Thậm chí người ta coi sự lên ngôi của giáo sĩ Sadr là một đòn đau cho Iran hơn là của Mỹ. Trước kia, người Shia ở Iraq lãnh đạo bởi Đảng Dawa, nơi dòng họ của giáo sĩ Sadr cũng tham gia. Nhưng sau cuộc nổi dậy thất bại năm 1991, phần lớn các thành viên đảng Dawa đã chạy sang Iran, chỉ có gia đình giáo sĩ Sadr ở lại Iraq và bị Saddam Hussein bắt giữ. Vì điều đó mà sau này, giáo sĩ Sadr đã đi theo đường lối độc lập với đảng Dawa, giờ đây công khai chỉ trích đảng Dawa cùng các nhóm thân Iran. Trong cuộc bầu cử năm 2018, Dawa và phái thân Iran đã thất bại nặng nề. 
-Giáo sĩ Sadr vẫn luôn là một nhân vật chống Mỹ. Suốt từ năm 2004 tới nay dù quan điểm chính trị nhiều lần thay đổi, một điều nhất quán trong chính sách của ông luôn là việc đòi quân đội Mỹ rút đi. Giáo sĩ Sadr rất nhiều lần công khai lặp lại: ”Mỹ là nước xâm lược”, và còn gọi Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ là ”khủng bố”. Tháng 1 vừa qua, sau vụ ám sát tướng Iran của Mỹ ở Iraq, giáo sĩ Sadr đã kêu gọi một cuộc biểu tình 1 triệu người đòi trục xuất Mỹ khỏi Iraq, và quốc hội Iraq cũng ra quyết định này, dù Mỹ chưa chấp thuận. Tuy nhiên, sau vụ tấn công trả thù của Iran vào căn cứ Mỹ, giáo sĩ Sadr đã kêu gọi người Iraq không tấn công lính Mỹ. Người ta cho rằng giáo sĩ Sadr đánh gia cao sự nguy hiểm của các nhóm dân quân thân Iran hơn Mỹ.
-Người ta đánh giá rằng, IS là nguyên nhân lớn nhất trong sự thay đổi của giáo sĩ Sadr. Trước năm 2014, giáo sĩ Sadr và phe của ông vẫn được biết đến là phe cực đoan, sẵn sàng giết hại người Sunni, chỉ quan tâm tới lợi ích ích kỷ của mình. Nhưng vào năm 2014, sau khi IS gây tang thương cho đất nước Iraq, Sadr đã thay đổi quan điểm công khai. “Chúng ta đã thử chủ nghĩa Hồi giáo và đã thất bại một cách tồi tệ”, giáo sĩ Sadr tự lên án chính mình. “Vậy chúng ta hãy thử một cách khác mà trong đó, dù bạn theo giáo phái nào, chỉ cần làm việc hiệu quả thì bạn có thể đảm nhận vị trí lãnh đạo”. Ông còn thực hiện chính sách đối ngoại “Iraq trước tiên”, chỉ tập trung sự chống đối vào Mỹ như trước mà nay chỉ trích cả Iran, hai thế lực luôn muốn gây ảnh hưởng tại Iraq. Ông cũng xây dựng mối quan hệ gần gũi với các nhà đồng minh của Mỹ tại thế giới Arab.
Vì vậy năm 2014, Sadr tuyên bố tái lập quân đội Mahdi chống IS. Với chiến thắng trước IS năm 2018, phe của giáo sĩ Sadr đã chiến thắng vang dội trong bầu cử.