Dịch từ bài phát biểu gốc trên ADL của Sacha Baron Cohen

Cảm ơn Jonathan vì những lời tử tế vừa rồi. Cảm ơn ADL đã công nhận điều này và vì đóng góp của các bạn trong đấu tranh phân biệt chủng tộc, thù hằn và ấu trĩ. Và để nói cho rõ hơn, khi nói “phân chủng, thù hằn và ấu trĩ” tôi không nói đến tên đám chó Labradoodle của Stephen Miller.
Tôi nhận thấy một vài người trong số các bạn có thể đang suy nghĩ rằng, một anh diễn viên hài thì phát biểu cái quái quỉ gì ở một hội nghị như thế này! Tôi cũng thấy vậy đó. Tôi đã dành gần hai thập kỷ qua đóng vai nhân vật. Quả tình, đây là lần đầu tiên tôi đứng lên và đưa ra một bài diễn văn trong tư cách cái nhân vật ít người biết về tôi nhất, Sacha Baron Cohen. Và phải thú thật rằng, nó hết sức đáng sợ.
Tôi nhận ra rằng còn một lý do nữa khiến sự hiện diện của tôi ở đây hôm nay thật khó ngờ tới. Từng có lúc một số nhà phê bình cho rằng hài của tôi dễ dãi hay củng cố những thứ mẫu số quy đồng cũ xưa.
Sự thật là, suốt đời mình tôi vẫn luôn nhiệt thành thách thức sự ấu trĩ và kém khoan dung. Khi còn là một đứa trẻ vị thành niên ở Anh Quốc, tôi đã xuống đường diễu hành chống lại Mặt trận dân tộc theo chủ nghĩa phát xít và bãi bỏ Apartheid. Khi học Đại học, tôi du lịch khắp nước Mỹ và viết khóa luận về phong trào dân quyền, với sự giúp đỡ từ kho lưu trữ của ADL. Và trong tư cách một diễn viên hài, tôi đã tìm cách sử dụng nhân vật của mình để khiến con người kém cảnh giác và hiển lộ điều mà họ thật sự tin tưởng, trong đó có cả thiên kiến.
Tôi không muốn nhận rằng tất cả những gì tôi từng thực hiện đều phụng sự một mục đích cao viễn nào đó. À thì, một số nào đó tác phẩm hài của tôi, OK, có lẽ một nửa trong số chúng hoàn toàn ngờ nghệch và nửa còn lại hoàn toàn trẻ con. Tôi phải thú nhận tôi hoàn toàn không có chút gì đĩnh ngộ - như Borat đến từ Kazakhstan, nhà báo tin giả đầu tiên – khi chạy ngang qua một hội nghị đầy những môi giới bất động sản trong trạng thái không mảnh vải che thân.
Nhưng khi Borat có thể khiến cho cả một quán bar ở Arizona đồng thanh “Ném người Do Thái xuống giếng,” điều đó quả thật đã cho thấy sự thờ ơ của con người trước thái độ Bài-Do Thái. Khi – trong vai Bruno, một phóng viên thời trang đồng tính người Áo – tôi hôn môi một người đàn ông giữa một trận đấu tại Arkansas, suýt nữa đã dấy lên một vụ hỗn chiến, điều này cho thấy tiềm tàng bạo lực của thói bài đồng tính. Và khi – đóng giả vai một nhà thầu vô cùng woke – tôi đề nghị xây một đền hồi giáo tại vùng nông thôn nọ, khiến một cư dân tự hào thú nhận rằng, “Tôi là kẻ phân chủng, bài trừ những ai theo Hồi giáo” – điều này cho ta thấy sự thừa nhận chủ nghĩa bài Hồi giáo.

Đó là lý do vì sao tôi cảm kích cơ hội được có mặt tại đây cùng với quý vị. Ngày nay trên khắp thế giới, những kẻ mị dân đang nuông chiều các bản năng tệ hại nhất trong chúng ta. Thuyết âm mưu ngày trước vốn chỉ bó hẹp ở ngoài rìa nay đang trở thành chính thống. Như thể Kỷ nguyên Lý trí – thời đại của luận cứ trong tranh luận – đang cáo chung, và hiện nay tri thức bị mất dần giá trị cũng như sự đồng thuận về khoa học bị bỏ xó. Nền dân chủ, thứ vốn tùy thuộc vào những chân lý cùng chia sẻ, hiện đang thoái lui, và chế độ chuyên quyền, vốn tùy thuộc vào những dối trá chung, đang giương oai giễu võ.  Tội ác từ thù hằn ngày càng gia tăng, và những cuộc tấn công giết người lên các thiểu số tôn giáo và sắc tộc cũng gia tăng.
Tất cả các khuynh hướng nguy hiểm này có điểm chung là gì? Tôi chỉ là một diễn viên hài, một diễn viên, nào phải là một học giả. Nhưng với tôi có một điều khá là rõ ràng. Tất cả sự thù ghét và bạo lực đang được dung túng bởi một nhóm những công ty Internet tạo nên cỗ máy tuyên truyền khủng khiếp nhất lịch sử loài người.
Cỗ máy tuyên truyền khủng khiếp nhất lịch sử loài người.
Cứ nghĩ mà coi. Facebook, Youtube cùng Google, Twitter và các công ty công nghệ khác vươn tới hàng tỉ con người. Thuật toán của các nền tảng này dựa trên sự chủ động khuếch đại loại nội dung tương tác lâu nhất với người dùng – những câu chuyện thu hút những bản năng sơ đẳng nhất và gây ra tức giận lẫn hoang mang. Đó là vì sao Youtube gợi ý các video của Alex Jones, một kẻ theo thuyết âm mưu, hàng tỉ lần. Đó là vì sao tin giả chiến thắng tin thật, bởi nghiên cứu chỉ ra rằng dối trá lan tỏa nhanh hơn sự thật. Và chẳng gì ngạc nhiên khi cỗ máy tuyên truyền khủng khiếp nhất lịch sử đã và đang lan tỏa thứ thuyết âm mưu lâu đời nhất lịch sử loài người – rằng người Do Thái nguy hiểm. Như một tít đã viết, “Hãy nghĩ thử Goebbels đã có thể làm gì nếu có Facebook.”
Trên Internet, mọi thứ thoạt trông đều có vẻ uy tín như nhau. Breibart giống BBC. Biên bản của Tổ phụ Do Thái hoàn toàn hư cấu trông cũng xác thực như một báo cáo của ADL. Và những lời thóa mạ của một kẻ điên trông cũng đáng tin như những kết quả nghiên cứu của một nhà khoa học đoạt giải Nobel. Dường như chúng ta đã đánh mất nhận thức về những sự thật cơ bản mà nền dân chủ cần có nó để vận hành.
Khi mà tôi, trong vai gã du đãng tập sự Ali G, hỏi phi hành gia Buzz Aldrin rằng “đi chên mặt chời xẽ ra xao nhỉ?”, câu đùa ấy có tác dụng, vì khán giả chúng ta tin chung sự thật. Nếu ta tin rằng đổ bộ lên mặt trăng là hoang đường, câu đùa kia chẳng còn gì vui nữa.
Khi Borat khiến cả quán bar ở Arizona đồng tình rằng “Người Do Thái kiểm soát tiền bạc của mọi người và không bao giờ trả lại,” câu đùa ấy có tác dụng vì khán giả có cùng sự thật rằng cách mô tả đáng thương ấy về người Do Thái là một thuyết âm mưu nảy nở từ thời Trung Cổ.
Nhưng khi mà, nhờ có mạng xã hội, các thuyết âm mưu có chỗ đứng, các nhóm thù hận dễ dàng tuyển dụng, các cơ quan tình báo nước ngoài dễ dàng can thiệp vào bầu cử, và một quốc gia như Myanmar dễ dàng tiến hành diệt chủng người Rohinya.
Càng sốc hơn khi thấy biến thuyết âm mưu thành bạo lực mới dễ dàng làm sao. Trong show gần đây nhất Who is America tôi thực hiện, tôi tìm thấy một người bình thường, có học thức và một công việc tử tế nhưng trên mạng xã hội lặp đi lặp lại rất nhiều thuyết âm mưu mà tổng thống Trump, bằng Twitter, đã lan tỏa hơn 1700 lần tới 67 triệu follower tài khoản của mình. Thậm chí Trump còn tweet đang tính tới việc xem Antifa – những người bài phát xít đấu tranh chống tư tưởng cực hữu – là một tổ chức khủng bố.
Vậy là, trong vai một chuyên gia chống khủng bố người Israel, Đại tá Erran Morad, tôi nói với nhân vật được phỏng vấn rằng, tại biểu tình Tháng Ba ủng hộ Phụ nữ tại San Francisco, Antifa đang có kế hoạch tiêm hormone vào tã trẻ em để “biến các em thành người chuyển giới”. Ông ta đã tin tôi.
Tôi lại hướng dẫn ông ấy cách cài thiết bị nhỏ vào ba người vô tội tại buổi biểu tình và giải thích rằng khi ấn nút, ông ấy sẽ kích hoạt một vụ nổ sát hại cả ba. Chúng chẳng phải thuốc nổ thật, dĩ nhiên, nhưng ông tin chúng là thật. Tôi muốn biết – liệu ông ta có thật sự ra tay hay không?
Câu trả lời là có. Ông ấy bấm nút và nghĩ rằng chính mình đã sát hại ba con người. Voltaire nói đúng, “những kẻ khiến ta tin vào điều quái đản có thể khiến ta phạm phải tội ác.” Và mạng xã hội khiến những kẻ theo chủ nghĩa toàn trị thúc đẩy những điều quái đản ấy lên hàng tỉ con người.
Nói đi thì cũng nói lại, các công ty mạng xã hội đã có một số biện pháp để giảm bớt thù hằn và thuyết âm mưu trên nền tảng của mình, nhưng chúng đa phần chỉ nằm ở bề mặt.
Hôm nay tôi lên tiếng vì tôi tin rằng các nền dân chủ đa đảng của chúng ta đang ở bên bờ vực và trong vòng mười hai tháng tới, vai trò của mạng xã hội có thể mang tính kiên quyết. Cử tri Anh Quốc sẽ bỏ phiếu giữa lúc những kẻ theo thuyết âm mưu trực tuyến cổ xúy cho lý thuyết “thay thế tuyệt vời” đáng kinh tởm cho rằng người Cơ Đốc da trắng đang chủ đích bị người nhập cư Hồi giáo thay thế. Người Mỹ sẽ bầu tổng thống giữa lúc những troll và bot tiếp diễn lời nói dối tởm lợm về “cuộc xâm lăng từ Nam Mỹ”. Và sau nhiều năm các video trên Youtube gọi biến đổi khí hậu là “giả hiệu”, nước Mỹ, trong một năm tới, đang trên đà rút chính thức ra khỏi Thỏa thuận chung Paris. Một cống rãnh của sự ấu trĩ và các thuyết âm mưu độc địa đe dọa nền dân chủ và hành tinh của chúng ta – điều này chắc chắn không phải thứ những người kiến tạo ra Internet muốn có.
Tôi tin rằng đã đến lúc cần phải suy nghĩ lại đến căn cốt về mạng xã hội và cách chúng lan tỏa hận thù, âm mưu và dối trá. Tuy nhiên, mới tháng trước, Mark Zuckerberg của Facebook đã có một diễn văn quan trọng, chẳng có gì ngạc nhiên, phản đối những quy định và luật lệ mới áp đặt lên những công ty như Facebook. Và, một số lập luận trong bài diễn văn đó hoàn toàn quái gở. Hãy cùng nghe qua.
Trước tiên, Zuckerberg tìm cách khắc họa toàn bộ vấn đề thuần túy chỉ là “lựa chọn… xoay quanh tự do biểu đạt.” Hoang đường. Ở đây chẳng một ai bị ngăn cản tự do phát ngôn cả. Mà là trao cho cho con người, kể cả những con người đáng khinh bỉ nhất trên trái đất, nền tảng lớn nhất trong lịch sử loài người để tiếp cận một phần ba dân số hành tinh này. Tự do ngôn luận nào có phải tự do tiếp cận. Rủi thay, luôn sẽ tồn tại những kẻ phân chủng, khinh thường phụ nữ, bài Do Thái và hành hạ trẻ em. Nhưng tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có thể đồng tình, rằng chúng ta không nên trao cho những kẻ ấu trĩ và ấu dâm một nền tảng miễn phí để lan tỏa rộng rãi quan điểm của chúng và để chúng tiếp cận nạn nhân của mình.
Thứ hai, Zuckerberg cho rằng những hạn chế mới áp dụng với những nội dung đăng tải trên mạng xã hội có thể “kéo ngược tự do biểu đạt.” Hoàn toàn vô nghĩa. Tu chính án thứ nhất của Mỹ cho rằng “Quốc hội không được làm luật” liên quan đến tự do biểu đạt, tuy nhiên lại không áp dụng với những công ty tư nhân như Facebook. Chúng ta không yêu cầu các công ty này phải định ra ranh giới tự do ngôn luận trên toàn xã hội. Chúng ta chỉ muốn họ chịu trách nhiệm trên nền tảng của chính mình.
Nếu một kẻ tân-Quốc xã diễu hành vào một nhà hàng và bắt đầu đe dọa thực khách, tuyên bố hắn muốn giết người Do Thái, liệu chủ nhà hàng có buộc phải phục vụ hắn một bữa ăn thịnh soạn tám món hay không? Dĩ nhiên là không bao giờ! Chủ nhà hàng có mọi quyền pháp lý lẫn bổn phận đạo đức để tống khứ hắn ta ra ngoài, và các công ty Internet cũng như vậy.
Thứ ba, Zuckerberg dường như đánh đồng quy định dành cho các công ty như Facebook với hành động của “những tổ chức bị đàn áp nặng nề nhất.” Thật khó tin. Thứ lập luận này, đến từ miệng một trong sáu con người quyết đoạt xem thông tin gì phần lớn thế giới sẽ được đọc. Zuckerberg ở Facebook, Sundar Pichai ở Google, Larry Page và Sergey Brin ở công ty mẹ Alphabet, chị dâu cũ của Brin là Susan Wojcicki ở Youtube và Jack Dorsey ở Twitter.
Silicon Six – tất cả đều là tỉ phú, đều là người Mỹ - quan tâm tới giá trị cổ phiếu trên thị trường nhiều hơn bảo vệ nền dân chủ. Đây là một thứ chủ nghĩa đế quốc về tư tưởng – chính cá nhân không hề qua bầu cử tại Thung lũng Silicon áp đặt nhãn quan của bọn họ lên phần còn lại của thế giới, không chịu trách nhiệm trước bất kỳ chính phủ nào và hành xử như thể họ đứng trên cả luật pháp. Như thể chúng ta đang sống giữa Đế chế La Mã, và Mark Zuckerberg là Caesar đại đế. Chí ít điều này sẽ giải thích được vì sao Mark có kiểu tóc đó.
Vậy thế này thì sao? Thay vì cho Silicon Six quyết đoạt vận mệnh của thế giới, hãy để những đại diện mà chính chúng ta đề đạt, do chúng ta bầu chọn, của mọi nền dân chủ trên thế giới, chí ít được đưa ra một quan điểm.
Thứ tư, Zuckerberg hoan nghênh “sự đa dạng của tư tưởng,” và năm ngoái anh ta đã cho chúng ta một ví dụ. Anh nói rằng anh thấy những post phản đối Diệt chủng Do Thái “vô cùng xúc phạm,” nhưng không cho rằng Facebook nên xóa bỏ bởi “tôi nghĩ rằng đó là những điều mà người khác hiểu sai.” Ngay trong thời điểm này, vẫn có những kẻ trên Facebook không tin Diệt chủng Do Thái từng xảy ra, và Google vẫn đưa chúng ta đến những địa chỉ phản đối Diệt chủng chỉ bằng một cú click chuột. Một trong những người đứng đầu Google từng cho tôi hay rằng, các website đó chỉ cho thấy “hai mặt” của vấn đề. Điên khùng.
Xin trích dẫn Edward R. Murrow, một người “không thể nào chấp nhận, với mỗi câu chuyện, đều có hai mặt đồng đẳng và hợp lý ngang nhau cho bất kỳ một tranh luận nào.” Chúng ta có hàng triệu bằng chứng về Diệt chủng Do Thái – đó là một thực tế lịch sử. Và từ chối một thực tế như vậy không thể là một quan điểm ngẫu nhiên nào cả. Những kẻ nào phản đối Diệt chủng chính là đang muốn khuyến khích một cuộc diệt chủng khác diễn ra.
Ấy vậy mà, Zuckerberg cho rằng “người ta nên tự quyết định điều gì họ tin tưởng, chứ không phải các công ty công nghệ.” Nhưng vào thời buổi mà hai phần ba thế hệ millenial cho rằng họ chưa từng nghe về trại tập trung Auschwitz, làm thế nào chúng biết cái gì gọi là “đáng tin”? Làm thế nào họ biết lời nói dối kia là dối trá?
Tồn tại một thứ gọi là chân lý khách quan. Thực tế hoàn toàn tồn tại. Và nếu như các công ty Internet thật sự muốn tạo nên khác biệt, họ nên thuê đủ người kiểm duyệt để thật sự tiến hành kiểm duyệt, làm việc chặt chẽ với những tổ chức như ADL, đòi hỏi thực tế và tống những dối trá và âm mưu kia ra khỏi nền tảng của mình.
Thứ năm, khi nói về khó khăn của việc xóa bỏ nội dung, Zuckerberg thắc mắc rằng, “chúng ta vạch ra đâu là biên giữa đúng và sai?” Đúng thế, vẽ ra đường biên có thể hết sức khó khăn. Nhưng đây mới đúng là điều anh ta thật sự đang nói: xóa sổ những dối trá và âm mưu chỉ là đắt đỏ quá mà thôi.
Đó là những công ty giàu có nhất thế giới, và họ có những kỹ sư tài ba nhất thế giới. Họ hoàn toàn có thể sửa chữa các vấn đề này nếu như họ muốn. Twitter có thể đưa ra một thuật toán xóa đi tuyên ngôn gieo rắc thông điệp da trắng thượng đẳng, nhưng chọn không làm bởi làm như thế cũng sẽ tống khứ một số chính trị gia quan trọng ra khỏi nền tảng này. Có lẽ điều này cũng không quá tệ! Sự thật là, các công ty này về cơ bản không muốn thay đổi bởi lẽ toàn bộ mô hình kinh doanh của họ dựa trên việc tạo ra thêm gắn bó, và không có gì làm tốt hơn điều này bằng dối trá, sợ hãi và tức giận.
Đã tới lúc chúng ta phải gọi các công ty này theo đúng bản chất của chúng – những nhà xuất bản vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Và đây là một suy nghĩ dành cho chúng: tuân thủ các quy chuẩn và quy cách cơ bản như báo chí, tạp chí, tin tức truyền hình vẫn làm theo hàng ngày. Chúng ta có quy chuẩn và quy cách dành cho truyền hình và phim ảnh; rõ ràng có những thứ chúng ta không thể nêu ra hoặc tiến hành. Ở Anh, người ta nói với tôi rằng Ali G không được phép nói tục vì xuất hiện trước khung 9 giờ tối. Ở Mỹ, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ quy định và đánh giá những gì chúng ta thưởng thức. Tôi chứng kiến các cảnh phim của tôi bị cắt hoặc rút gọn lại để tuân theo các quy chuẩn này. Nếu như tồn tại các quy chuẩn và quy cách áp dụng cho những gì được phép chiếu trên truyền hình và rạp chiếu phim, thì rõ ràng các công ty xuất bản nội dung tới hàng tỉ con người cũng nên noi gương và làm theo.
Chẳng hạn về quảng cáo chính trị. May thay, Twitter rốt cuộc cũng đã cấm chúng, và Google cũng đang có những thay đổi. Nhưng nếu chúng ta trả phí, Facebook sẽ chạy bất kỳ quảng cáo “chính trị” nào chúng ta muốn, kể cả khi nó là dối trá bịa đặt. Và họ thậm chí còn giúp chúng ta vi định vị những lời dối trá ấy tới người dùng nền tảng để có hiệu quả tối ưu. Chiếu theo cái logic méo mó này, nếu như Facebook xuất hiện vào thập niên 30, chắc hẳn nó cũng cho phép Hitler đăng các quảng cáo 30 giây về “giải pháp” “dành cho vấn đề Do Thái.” Do vậy đây là quy chuẩn và quy cách đúng đắn: Facebook, hãy kiểm chứng các quảng cáo chính trị trước khi chạy, dừng vi định vị các lời dối trá ngay lập tức, và khi các quảng cáo sai lạc, hãy trả tiền cho chủ nhân của chúng và đừng đăng.
Đây là một quy cách đúng đắn khác: hãy chậm lại. Mỗi post không cần phải xuất bản ngay tức thì. Oscar Wilde từng nói rằng “chúng ta sống trong một thời đại mà những thứ kém cần thiết là những nhu yếu duy nhất.” Nhưng có phải việc chia sẻ mỗi một ý nghĩ hay video ngay tức thời trực tuyến, kể cả khi nó phân chủng, phạm pháp hay giết chóc, là nhu yếu hay không? Chắc chắn là không!
Kẻ dùng súng sát hại người Hồi giáo ở New Zealand live-stream tội ác của hắn trên Facebook, nơi nó lan tỏa khắp Internet và được xem hàng triệu lần. Đó là một bộ phim giết hiếp kinh phí thấp, do mạng xã hội mang tới tay bạn. Tại sao chúng ta không thể hoãn lại để cái thứ rác rưởi gây đau thương kia có thể bị tóm và ngăn chặn trước khi nó được đăng chứ?
Cuối cùng, Zuckerberg cho rằng các công ty mạng xã hội nên “làm theo đúng trách nhiệm của mình,” nhưng lại hoàn toàn im hơi lặng tiếng trước những gì nên làm nếu điều ngược lại xảy ra. Hiện nay, khá rõ ràng là, khó mà tin tưởng các công ty này tự thân điều tiết. Như với Cách mạng Công nghiệp ngày trước, đã tới lúc cần tới luật lệ và luật pháp để ngăn chặn lòng tham của những nam tước cướp bóc công nghệ cao này.
Trong bất kỳ ngành công nghiệp nào khác, một công ty phải chịu trách nhiệm pháp lý khi sản phẩm hư hỏng hay sai sót. Khi động cơ phát nổ hay đai an toàn không hoạt động, các công ty kinh doanh xe phải thu hồi hàng vạn phương tiện, với thiệt hại hàng triệu đôla. Nói với Facebook, Youtube và Twitter rằng: sản phẩm của các người hư hỏng, các người buộc phải sửa chữa, bất luận tổn hao bao nhiêu và cần tới bao nhiêu quản trị viên nội dung.
Trong mỗi ngành công nghiệp khác, ta có thể bị kiện tụng vì thiệt hại gây ra. Nhà xuất bản có thể bị kiện vì phỉ báng, người ta có thể bị kiện vì nhục mạ. Tôi đã bị kiện rất nhiều lần! Ngay bây giờ tôi vẫn đang bị kiện bởi một người không tiện nêu tên vì hắn ta có thể kiện tôi tiếp tục! Nhưng các công ty mạng xã hội lại được bảo hộ khỏi trách nhiệm về nội dung mà người dùng đăng tải – bất kể chúng khiếm nhã tới đâu – căn cứ theo Điều 230 của, đoán ra chưa, Đạo luật Chuẩn mực truyền thông. Ngược đời làm sao!
May thay, các công ty Internet nay đã có thể chịu trách nhiệm về những kẻ ấu dâm sử dụng website để tấn công trẻ em. Theo tôi, chúng ta cũng hãy buộc các công ty này chịu trách nhiệm về những kẻ sử dụng website để cổ xúy thảm sát trẻ em nhân danh chủng tộc và tôn giáo. Và có lẽ phạt hành chính vẫn chưa đủ. Có lẽ đã tới lúc nói với Mark Zuckerberg và các CEO kia rằng: các người đã cho phép một thế lực nước ngoài can thiệp bầu cử của chúng ta, các người đã cho phép diệt chủng diễn ra tại Myanmar, nếu tái phạm hãy cùng nhau vào tù.
Cuối cùng thì, chung quy đều nằm ở cái thế giới nào mà chúng ta mong mỏi. Trong diễn văn, Zuckerberg nói rằng một trong những mục tiêu của anh ta là “duy trì một định nghĩa rộng nhất có thể về tự do biểu đạt.” Ấy vậy mà tự do không chỉ là mục đích, mà còn là phương tiện cho một mục đích khác – như ở Mỹ các bạn hay nói, quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Thế nhưng hiện nay những quyền này đang bị đe dọa bởi chính thù hận, âm mưu và dối trá.
Cho phép tôi gửi tới một gợi ý về một mục tiêu xã hội khác. Mục tiêu tối hậu của xã hội nên là bảo đảm rằng không một ai bị tấn công, bị xúc phạm và sát hại chỉ vì chính con người họ, nơi họ trú quán, người họ thương yêu, hay cách họ cầu nguyện.
Nếu chúng ta biến mục tiêu kia thành mục tiêu của chúng ta – nếu chúng ta ưu tiên chân lý trên dối trá, bao dung trên thiên kiến, trắc ẩn trên thờ ơ và các chuyên gia trên những kẻ ngu đần dốt nát – thì có lẽ, chỉ có lẽ thôi nhé, chúng ta có thể ngăn chặn cỗ máy tuyên truyền khủng khiếp nhất lịch sử loài người, có thể cứu nền dân chủ, chúng ta có thể có một nơi dành cho tự do ngôn luận và biểu đạt, và, quan trọng nhất, những câu đùa của tôi hãy còn khiến ai đó cười.
Xin cảm ơn.

k.