Suy xét cho cùng trong mỗi cá thể riêng biệt, ta suy nghĩ gì về nỗi khó và nỗi khổ. Bắt đầu cuốn sách bằng dòng chữ ‘cuộc đời đầy gai góc’. Trong cuộc đời này, đôi khi chúng ta nói với nhau  câu nói bông đùa ‘còn sống là còn khổ, hết khổ là hết đời’. Vậy ta nhìn nhận về sự khổ trong cuộc đời này như thế nào?
Nhìn thẳng vào chính cuộc sống của mình, liệu bạn có thể trả lời được câu hỏi ấy? Đôi lúc là chấp nhận nhưng cũng nhiều lần là sự than thở. Sự khó là thứ để ta có thể trưởng thành khi ta vượt qua và chấp nhận những điều ấy.
Benjamin Franklin đã nói: “Those things that hurt, instruct” (những gì gây đau đớn cho ta đều giúp dạy khôn ta). 
Nhưng hãy thú thật với tâm hồn, tôi thật sự chẳng muốn sự đau khổ. Bản năng có vẻ hiểu điều đó để bao lần ta trốn tránh những điều làm đau ta. À rồi, mọi thứ sẽ qua thôi, à rồi nó chẳng tác động đến ta nhiều. Lừa dối chính bản thân mà không nhận ra rằng lấp liếm điều ấy không khiến sự khổ ấy qua đi hay biến mất. Chỉ khiến ta mãi ở đó trong sự sợ hãi và tâm hồn ta mắc kẹt. Hãy đối diện, vì nỗi đau, dù cấp mấy, khi đối diện và chấp nhận nó sẽ không còn đau như ta đã biết nữa.
Cuốn sách: Con đường chẳng mấy ai đi
Cuốn sách: Con đường chẳng mấy ai đi
Quy phạm mà cuốn sách ‘Con đường chẳng mấy ai đi’ sẽ là nền tảng quy tắc trao ta đường đi để giúp ta nhìn thẳng vào chính ta.
M. Scott Peck đã truyền tải cho chúng ta bốn điều như sau: 1) Biết đình hoãn khoái cảm; 2) Biết nhận lãnh trách nhiệm; 3) Phụng sự cho sự thật và 4) Biết quân bình.

HÃY BẮT ĐẦU TÌM HIỂU VỀ NHỮNG ĐIỀU SÁCH MÀ TÁC GIẢ M. Scott Peck MUỐN NHẮN GỬI CHÚNG TA.

1) Biết đình hoãn khoái cảm.
Hãy cùng nhau tới một vài ví dụ. Đặt trường hợp là một nhân viên văn phòng, chúng ta có 8-10 tiếng ở văn phòng từ 8h-18h mỗi ngày tùy vào tính chất công việc khác nhau. Sau đó ta có khoảng 4-6 tiếng để ta có thể gọi là sinh hoạt tại nhà. Trong 4-6 tiếng này, thời gian nào là thời gian bạn thích nhất? Có thể là thời gian được nằm phà xuống nệm lướt tiktok, xem youtube, một số người khác yêu thích thời gian đọc sách, vẽ vời trên trang giấy hay một số anh chàng chỉ muốn ngồi thưởng thức ly Whisky sau ngày dài…
Song với thời gian yêu thích thì đó là những khoảng thời gian ta không mấy mặn mà. Nó là một điều hiển nhiên. Khi ta đi học cũng sẽ có một số môn ta thích học và một số môn khi ngồi với môn ấy cứ như là cực hình vậy.
Việc đình hoãn khoái cảm của một người có tốt hay không phụ thuộc vào rất nhiều trong quá trình hình thành và lớn lên và tôi sẽ đặt nó ở đây. Nhưng có một điều tôi nhận ra rằng nếu ta cứ làm những điều ta cảm thấy thoải mái xong và tránh né những điều nặng nề thì những điều ấy vẫn sẽ ở đấy làm ta lê thê hơn thôi. Nếu vừa về đến nhà ta nằm xuống và lướt tiktok trong căn phòng lộn xộn, toilet thì dơ, chén bát chưa rửa thì nó vẫn sẽ ở đấy chứ chẳng biết mất được.
Ta hoàn toàn có thể giải quyết chúng trong 45’ đến 90’ bằng việc không trốn tránh những thứ khó chịu ấy thì ta sẽ đón nhận được thời gian còn lại một cách thoải mái nhất. Mà không dồn nén sự mệt mỏi trong tâm hồn mình.
Khi ta lớn, chẳng ai có thể giải quyết vấn đề chúng ta ngoài ta. Càng đối mặt sớm thì càng tốt. Nên hãy nhủ lòng mình rằng đừng trốn tránh. Đừng lựa chọn là để ngày mai, ngày mai, ngày mai, và khi ta nhìn lại vấn đề thì có lẽ vấn đề không còn nhỏ nữa đâu.
Hãy xử lý chúng, nếu không thì vấn đề sẽ còn mãi. Đình hoãn khoái cảm một chút và đối diện xử lý sự khó khăn. Kết quả trong lòng ta sẽ không lê thê nữa.
2) Biết nhận lãnh trách nhiệm
Hãy coi chúng ta nhìn nhận sự đau khổ như thế nào trong đời này. Ta là người đa mang hay là người tách trách. Có thể hiểu đơn giản rằng người đa mang là người nhìn đâu cũng thấy trách nhiệm của mình, còn người tách trách là người không nhìn nhận đủ phần trách nhiệm của mình.
Ở trong mỗi khía cạnh cuộc sống, tôi và bạn vừa có thể là người đa mang trách móc bản thân mình. Đáng lẽ ra mình phải làm tốt hơn, mình phải lao động nhiều hơn, làm việc thật nhiều, mình không nên quên điều ấy, mình thật tệ, mình thật là có lỗi. Ta tự dày xé chính mình.
Đôi khi, chúng ta đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh mình, cho rằng chính những thứ đó đã làm cho tâm hồn ta trở nên tan nát. Ta cho rằng, tất cả mọi lỗi lầm đều đến từ bên ngoài, không phải lỗi của bản thân. Ta cho rằng, môi trường sống đã tạo nên con người ta ngày hôm nay. Ta đổ hết lỗi lầm cho mọi thứ xung quanh.
Dù sao đi nữa, sau tất cả, kết quả là gì? Tâm hồn ta có vui vẻ không? Tôi đoán là không, cho cả tôi và bạn.
Nhưng có một điều quan trọng mà tôi muốn nói với bạn. Chúng ta cần nhận ra rằng, dù quy tắc hay công thức có tốt đến mấy, thậm chí là một thứ tuyệt vời, thì điều quan trọng nhất vẫn là chính bản thân chúng ta.
Chỉ khi trong tâm trí ta quyết định muốn có sự thay đổi, chỉ khi ta xác định rõ ràng chỉ khi bản thân muốn thì ta mới có thể hành động được. Hãy nhớ rằng, chỉ khi chúng ta muốn thì mới có thể vượt qua và đối mặt với nỗi đau mà không tránh né. Nếu không, quy tắc để xử lý vấn đề chỉ là nước đổ lá khoai.
Chúng ta gặp khó khăn khi nhận trách nhiệm về cách sống của mình bởi vì chúng ta muốn tránh né nỗi khổ sở gây ra bởi cách sống ấy. Nhưng đừng chạy trốn hay giao quyền quyết định vào tay ai khác, chính chúng ta mới là người sẽ xử lý khó khăn ấy khi ta nhận ra vấn đề của bản thân.
Ví dụ bạn không thích một môn học A. Bạn chê bai đủ điều về cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, tài liệu học tập... Điều ấy khiến bạn có một điểm số tệ trong khóa học. Nhưng đừng lừa dối chính mình, nếu bạn muốn học tốt môn ấy, bạn hoàn toàn có thể nắm trong tay thế chủ động để đi đến mục tiêu với tất cả những gì bạn có thể và bước đi.
Dù thể nào khi ta biết nhận lãnh trách nhiệm đó là vấn đề của ta. Thì khi đó chính là bước chân đầu tiên ta tiến đế sự trưởng thành hơn trong con người của chính mình.
3) Phụng sự cho sự thật
Càng nhìn nhận bản thân, ta càng rõ ràng bao nhiêu trên đời sống lại càng có thêm nhiều dữ liệu và điều kiện để có thể giải quyết các vấn đề. Sự mù mờ chỉ làm thực tại và suy nghĩ bị những ảo tưởng ngăn cản ta đưa ra một quyết định khôn ngoan.
Bản đồ là từ ngữ mà sách đã miêu tả nhận thức trong mỗi con người chúng ta. Chúng ta sẽ phải vẽ lên vùng đất chính mình, vượt qua các rào cản để tìm kiếm thêm điều mới. Chính chúng ta phải vẽ bản đồ riêng cho cuộc đời chúng ta.
Rồi một ngày, ta phải chấp nhận sự thật về cái tôi của bản thân. Rằng mình còn quá ngu dốt, quá khờ dại, quá yếu đuối. Để có thể nhận lãnh những điều mới, chấp nhận và phát triển. Khi càng lớn, nếu ta quá cố chấp và bài xích những điều khác với lý tưởng của mình. Thì điều đó sẽ là một rào cản sẽ ngăn ta lại.
Ví dụ, một người nọ họ xem quả Lê là quả Táo trong suốt thời gian sống của mình. Sự sai lầm ấy được tạo nên từ tuổi thơ bất hạnh, từ môi trường lớn lên, từ những suy nghĩ tiêu cực trong cuộc đời đầy đau khổ. Khi đó, một ngày có một người đến và nói rằng bạn đã sai, quả Táo của bạn chắc như đinh đóng cột ấy thật ra là một quả Lê. Thật khó để chấp nhận. Nhưng nếu không chấp nhận sự đau đớn ấy một lần để xóa bỏ đi nhận thức sai lầm, ta sẽ giữ nó mãi, điều đáng buồn hơn có thể ta sẽ truyền sự sai lầm ấy cho người mà ta yêu quý nhất.
Thành thật với chính mình là bản thân có vấn đề. Ấy là điều tiên quyết để giải quyết và mở rộng tấm bản đồ đã quá đát của chính mình. Lắng nghe sự phê phán, trước khi bài xích chúng hãy suy ngẫm chúng. Đó là một việc thật sự thách đố.  Việc suy ngẫm và ngừng lừa dối bản thân sẽ giúp ta sẽ nhận thức được sự thật của vấn đề.
Lời nói dối dù có hoa mỹ đến đâu. Dù lời nói dối đưa ra với lý do để tốt cho hoàn cảnh ấy thì cũng chỉ là một cách ta biện minh cho sự tránh né của bản thân về vấn đề ta mắc phải.
Hãy cởi mở, thật lòng cả cho chính mình và chính những người xung quanh, trái ngọt từ sự thật lúc nào cũng sẽ tốt hơn cả.
4) Biết quân bình
Sự vững vàng về mặt tâm thần đòi hỏi một khả năng phi thường để không ngừng điều hợp thế quân bình uyển chuyển giữa các nhu cầu, mục đích, bổn phận, trách nhiệm luôn xung đột nhau.
Trong cuộc đời, ta cần phải hiểu về sự cân bằng, không quá nghiêng về một điều gì và xóa bỏ một điều gì ngay cả trong những cảm xúc của con người: Tham vọng, tức giận, bình tĩnh, chịu đựng, chống trả hay cả năng lượng yêu thích một điều gì đó trên đời…
Để có sự uyển chuyển ấy, ta cần giữ thăng bằng thật tốt để tránh việc cố chấp trong quyết định nhận thức trước một sự vật, sự việc. Ta quá tức giận để rồi gây ra sự việc gây nên nỗi buồn sau việc ấy, có vẻ ta cần một chút bình tĩnh. Ta quá bình tĩnh trước sự đau khổ của người ta yêu quý, có vẻ ta cần một chút tức giận để đứng lên bảo vệ người ta yêu.
Như một ví dụ trong sách, người bố khi ông nhận ra rằng vì sự tham vọng từ bản thân đã đẩy người con gái từ việc yêu thích chơi cờ với bố sang việc tạo ra áp lực khiến cô bé khóc òa lên . Vì sự mong thắng thua đã gây tổn thương cho cô bé và bỏ sót đi sự khó chịu, bất an, khổ sở trong việc quá giờ mà cô bé đã chia sẻ. Cứ bắt cô con gái chơi cho đến khi kết thúc trận. Đến khi người bố nhận ra, ông ấy chấp nhận phải bỏ đi sự khao khát thắng thua để đưa đến những hành động tốt hơn cho cô con gái. Chấp nhận bỏ đi một phần của bản thân đã đồng hành bấy lâu để trở nên tốt lên trong việc yêu thương cô con gái của mình.
Trong con đường dài, ta cần giữ thăng bằng (hay quân bình) năng lượng cho cả cuộc hành trình, đừng như cậu bé mới biết chạy xe xả dốc vì sự khoái cảm trong mong muốn mà không nhận ra tốc độ của chính mình để rồi khi tay không giữ được tay lái và ngã té.

NHỮNG ĐIỀU SÁCH LIỆT KỂ ĐỂ TA TỪ BỎ VÀ HƯỚNG TỚI SỰ TRƯỞNG THÀNH VÀ LỚN LÊN:

+ Tình trạng ấu trĩ trẻ con, cho rằng không cần phải đáp ứng sự đòi hỏi nào từ bên ngoài.
+ Sự ảo tưởng rằng mình có mọi khả năng.
+ Khao khát chiếm hữu cha (mẹ) mình một cách toàn diện (kể cả chiếm hữu dục tính).
+ Sự lệ thuộc của thuở thiếu thời.
+ Những hình ảnh lệch lạc về cha mẹ.
+ Tính cách bất cần của tuổi mới lớn.
+ Sự “tự do” của lối sống phóng túng.
+ Tính cách hiếu động của tuổi thanh niên.
+ Hấp lực dục tính và (hoặc) sinh lực cương cường của tuổi trẻ.
+ Ảo tưởng về bất tử.
+ Quyền bính trên con cái.
+ Những dạng quyền lực nay còn mai mất ở đời.
+ Tính độc lập của sự khỏe mạnh thể lý.
+ Và, cuối cùng, chính cái tôi và ngay cả sự sống

KẾT THÚC SỰ SUY NGẪM

Nhận ra cái tôi và biết mình đang sai chẳng dễ dàng gì. Vì chính tôi dù nhận biết có những sự khổ. Nhưng chính tôi cũng đã luôn trốn tránh và che lấp chúng bằng những sự hoa mỹ tôi tạo ra.
Rồi tôi cũng sẽ nhận ra rằng nếu không chấp nhận đau thì ta mãi vẫn sợ hãi chúng. Có lẽ để trưởng thành ta cần nên thành thật với chính mình và nhìn nhận vấn đề ta đang đau khổ ở đâu để rồi ta có thể dùng cách mà  ‘Con đường chẳng mấy ai đi’ muốn truyền tải như là một cây gậy giúp bước đi trên con đường trưởng thành.
Trong cuộc đời có thể người khác không quý trọng bạn, thậm chí người thân cũng không quý trọng bạn. Nhưng chí ít bạn hãy quý trọng chính mình nhé.
Cuốn sách : Con đường chẳng mấy ai đi. Đưa tôi đến sự nhìn nhận trong tâm trí. Những sai lầm, những ảo tưởng, những điều cứ ngỡ là đúng ấy vậy lại là sai. Nếu bạn đang trải qua những ngày rối rắm trong tâm trí. Mình nghĩ 'Con đường chẳng mấy ai đi' sẽ trao ta ánh nhìn về một con đường cho chính mỗi chúng ta.