Chương 2: Khai thác khả năng thích nghi

Nếu bạn là một vận động viên thể hình chuyên nghiệp, hoặc đơn giản là tập tạ để có thêm cơ bắp, sẽ rất dễ dàng để theo dõi kết quả vì bạn đang tập cơ tay, bắp tay, cơ đùi, cơ ngực, cơ vai, cơ lưng.
Nhưng nếu thử thách của bạn thuộc về khía cạnh tinh thần – ví dụ, trở nên thành thạo trong việc tính toán, học cách chơi một nhạc cụ hoặc ngôn ngữ mới – thì lại khác. Không có cách nào dễ dàng để quan sát thấy những thay đổi trong não bộ của bạn khi nó thích nghi với các yêu cầu tăng dần đang được đặt ra.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng cả cấu trúc và chức năng của bộ não đều thay đổi như là một cách phản ứng trước nhiều loại hình luyện tập tinh thần khác nhau, tương tự như cách các cơ và hệ thống tim mạch của bạn phản ứng với việc tập thể dục.
Ví dụ như để đọc, người khiếm thị lướt ngón tay trên các chấm nổi tạo nên bảng chữ cái nổi. Khi các nhà nghiên cứu sử dụng máy cộng hưởng từ để xem bộ não của những người khiếm thị khi họ đọc chữ nổi, một trong những bộ phận của não sáng lên là vỏ não thị giác. Ở những người bình thường, vỏ não thị giác sẽ sáng lên khi phản ứng với tín hiệu từ mắt, nhưng ở người khiếm thị, vỏ não thị giác vẫn giúp họ giải nghĩa các cảm giác từ ngón tay thông qua việc lướt tay trên bảng chữ nổi.
Điều thú vị là việc tái điều chỉnh này không chỉ xảy ra ở những khu vực vốn không được sử dụng của não. Nếu bạn tập luyện một thứ gì đó đến mức độ nhất định, não bộ sẽ thay đổi mục đích sử dụng của các tế bào thần kinh nhằm hỗ trợ cho nhiệm vụ đó, ngay cả khi chúng đã có một nhiệm vụ cố định.
Những nghiên cứu này (về “sự dẻo dai” của bộ não ở những đối tượng khiếm thị) và các nghiên cứu tương tự với những người bị khiếm thính – cho chúng ta thấy rằng cấu trúc và chức năng của não không cố định. Chúng sẽ thay đổi để thích nghi với cách sử dụng. Chúng ta có thể định hình não – não của bạn, của tôi, hay của bất kỳ ai – theo những cách mà chúng ta mong muốn thông qua việc tập luyện có ý thức và có chủ ý.

THÁCH THỨC SỰ CÂN BẰNG NỘI MÔI

Trong não bộ, thường thách thức càng lớn thì thay đổi cũng càng nhiều – đến một mức độ nhất định. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, so với chỉ tập luyện một kỹ năng đã biết, thì việc học một kỹ năng mới có hiệu quả hơn nhiều trong việc tạo ra những thay đổi về mặt cấu trúc não bộ.
Mặt khác, việc cố gắng quá nhiều và quá lâu có thể dẫn đến kiệt sức và học không hiệu quả. Giống như cơ thể, bộ não thay đổi nhanh nhất khi bị đẩy ra ngoài vùng thoải mái của nó – nhưng không nên ở quá xa bên ngoài.

Chương 3: Hình dung trong đầu

Một hình dung trong đầu là một cấu trúc trong tâm trí tương ứng với một vật thể, một ý tưởng, một bộ sưu tập thông tin hoặc bất cứ điều gì khác mang tính cụ thể hoặc trừu tượng mà bộ não đang nghĩ đến.
Ví dụ, khi nhắc đến Mona Lisa, nhiều người sẽ ngay lập tức “nhìn” thấy hình ảnh bức tranh nổi tiếng trong tâm trí của mình; hình ảnh đó là hình dung trong đầu của họ về Mona Lisa.
Tập luyện có chủ ý liên quan nhiều đến việc phát triển các hình dung trong đầu hiệu quả hơn bao giờ hết mà bạn có thể sử dụng trong bất kỳ hoạt động tập luyện nào.
Ngay cả khi kỹ năng mà bạn đang tập chủ yếu liên quan đến thể chất, một yếu tố chính là sự phát triển của các hình dung thích hợp trong đầu.
Một thực tế quan trọng về những hình dung trong đầu này là chúng rất “đặc trưng theo vùng”, nghĩa là chúng chỉ áp dụng cho kỹ năng mà vì đó chúng được phát triển.
Hình dung trong đầu của một người chơi cờ vua sẽ không đem lại cho anh ta lợi thế nào trước những người khác trong các bài kiểm tra về khả năng không gian tượng hình, và những hình dung trong đầu của một thợ lặn sẽ là vô ích cho môn bóng rổ.
Bởi các chi tiết của những hình dung trong đầu có thể khác biệt theo từng lĩnh vực, nên thật khó để đưa ra một định nghĩa tổng thể mà không quá mơ hồ, nhưng về cơ bản, những hình dung này là các khuôn mẫu thông tin sẵn có từ trước – hình ảnh, quy tắc, mối quan hệ, v.v.. – mà được giữ trong bộ nhớ dài hạn và có thể được sử dụng để phản hồi một cách nhanh chóng và hiệu quả trong một số loại tình huống nhất định.
Điểm chung của tất cả các hình dung trong đầu là chúng giúp chúng ta xử lý nhanh chóng một lượng lớn thông tin, bất chấp những hạn chế của bộ nhớ ngắn hạn.
Bất cứ hoạt động tương đối phức tạp nào cũng đòi hỏi chúng ta phải nắm giữ trong đầu nhiều thông tin hơn so với bộ nhớ ngắn hạn cho phép, vì vậy chúng ta luôn xây dựng các hình dung trong đầu theo một dạng nào đó mà không hề ý thức. Thật vậy, nếu không có các hình dung trong đầu, chúng ta sẽ không thể đi lại được (quá nhiều chuyển động cơ phải phối hợp).
Như vậy, tất cả mọi người đều có và sử dụng những hình dung trong đầu. Yếu tố phân biệt những người thể hiện lão luyện với tất cả những người khác là chất lượng và số lượng các hình dung trong đầu của họ. Qua nhiều năm tập luyện, họ phát triển được những hình dung cực kỳ phức tạp và tinh vi về các tình huống khác nhau mà họ có thể gặp phải trong lĩnh vực của mình.

NHẬN BIẾT VÀ PHẢN ỨNG VỚI KHUÔN MẪU

Trong hầu hết mọi lĩnh vực, một điểm nổi bật của sự thể hiện lão luyện là khả năng nhận ra các khuôn mẫu trong một bộ sưu tập những thứ có vẻ ngẫu nhiên hoặc khó hiểu đối với những người có hình dung trong đầu kém phát triển. Nói cách khác, các chuyên gia nhìn thấy cả khu rừng, trong khi mọi người chỉ nhìn thấy cây.

HIỂU ĐƯỢC THÔNG TIN

Lợi ích chính của những hình dung trong đầu nằm ở cách chúng giúp chúng ta xử lý thông tin: hiểu và giải nghĩa, nắm giữ nó trong bộ nhớ, tổ chức, phân tích và đưa ra quyết định. Điều này cũng đúng cho tất cả các chuyên gia – và hầu hết chúng ta đều là chuyên gia về mặt nào đó, dù chúng ta có nhận ra hay không.

HÌNH DUNG TRONG ĐẦU KHI HỌC

Trong bất kỳ lĩnh vực nào, mối quan hệ giữa kỹ năng và hình dung trong đầu là một vòng tròn: bạn càng có nhiều kỹ năng hơn, hình dung trong đầu bạn càng tốt hơn, và hình dung trong đầu của bạn càng tốt hơn, bạn càng có thể tập luyện một cách hiệu quả hơn để mài giũa kỹ năng của mình.
Hãy lấy trượt băng nghệ thuật làm ví dụ: thật khó để có một hình dung trong đầu rõ ràng về một cú nhảy xoáy hai vòng cho đến khi bạn đã thực hiện nó, và cũng như vậy, rất khó để thực hiện cú nhảy đó mà không có một hình dung trong đầu tốt về nó. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng không hoàn toàn như vậy. Bạn từng bước tập cú nhảy, đồng thời thu thập các hình dung trong đầu trong quá trình đó.

Chương 4: Tiêu chuẩn vàng

CÁC NGUYÊN TẮC CỦA TẬP LUYỆN CÓ CHỦ Ý

1. Tập luyện có chủ ý phát triển các kỹ năng mà người khác đã tìm ra cách phát triển. Chế độ luyện tập phải được thiết kế và giám sát bởi một giáo viên hoặc huấn luyện viên hiểu rõ về năng lực của những người trình diễn lão luyện, cũng như về việc có thể phát triển tốt nhất những khả năng đó như thế nào.
2. Tập luyện có chủ ý diễn ra bên ngoài vùng an toàn của một người và đòi hỏi họ phải liên tục thử vượt quá khả năng hiện tại của mình. Vì vậy, nó yêu cầu nỗ lực gần như tối đa – nhìn chung điều này không dễ chịu.
3. Tập luyện có chủ ý bao gồm các mục tiêu cụ thể, được xác định rõ ràng và thường là cả việc cải thiện một số khía cạnh của màn trình diễn đích; nó không nhắm đến một sự cải thiện tổng thể mơ hồ.
4. Tập luyện có chủ ý bao gồm phản hồi và sửa đổi các nỗ lực để thích nghi với phản hồi đó. Từ đầu quá trình tập luyện, phần lớn phản hồi sẽ đến từ giáo viên hoặc huấn luyện viên – người sẽ theo dõi những tiến bộ, chỉ ra các vấn đề và đưa ra cách giải quyết.
5. Tập luyện có chủ ý sẽ tạo ra và cũng phụ thuộc vào các hình dung trong đầu hiệu quả. Việc cải thiện hiệu suất đi kèm với việc cải thiện các hình dung trong đầu; khi một người cải thiện màn trình diễn của mình, các hình dung trở nên chi tiết và hiệu quả hơn, từ đó giúp họ có thể cải thiện thêm nữa. Hình dung trong đầu giúp chúng ta có thể tự giám sát bản thân đang thể hiện như thế nào, cả trong tập luyện lẫn khi trình diễn thật.

Chương 5: Các nguyên tắc của tập luyện có chủ ý trong công việc

KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG

Sự phân biệt giữa kiến thức và kỹ năng chính là cốt lõi làm nên sự khác biệt giữa những cách tập luyện truyền thống hướng tới sự tinh thông và các cách tiếp cận theo hướng tập luyện có chủ ý. Theo truyền thống, sự tập trung hầu như luôn đặt vào kiến thức.
Ngay cả khi kết quả cuối cùng là khả năng có thể làm điều gì đó – ví dụ, giải một bài toán cụ thể, hoặc viết một bài luận hay – phương pháp tiếp cận truyền thống là cung cấp thông tin về cách đúng đắn để thực hiện và sau đó chủ yếu dựa vào việc chúng ta áp dụng kiến thức đó ra sao. Ngược lại, tập luyện có chủ ý chỉ tập trung vào việc thể hiện thực tế và làm thế nào để cải thiện nó.
Bởi vì trình bày kiến thức cho một nhóm đông người sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc thiết lập các điều kiện mà theo đó, từng cá nhân có thể phát triển kỹ năng thông qua tập luyện.
Giống như các tay vợt tennis nghiệp dư cố gắng tiến bộ bằng cách đọc tất cả các bài viết trên tạp chí quần vợt và xem video về quần vợt trên YouTube; có thể họ tin rằng mình đang học được một cái gì đó, nhưng thực tế là nó sẽ không giúp gì nhiều cho khả năng chơi của họ.

Chương 6: Những nguyên tắc của tập luyện có chủ ý trong cuộc sống hằng ngày

Chìa khóa để có được lợi ích tối đa từ bất kỳ loại hình tập luyện nào, từ các bài học riêng, học nhóm, tập luyện một mình hay thậm chí là các trò chơi hoặc những cuộc thi đấu: dù bạn đang làm gì, hãy hết mình với nó.
Khi nghiên cứu về những vận động viên chạy đường dài, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những vận động viên nghiệp dư có xu hướng nghĩ lan man hoặc nghĩ về những chủ đề dễ chịu hơn để tâm trí thoát khỏi sự mệt mỏi trong khi chạy, trong khi đó các vận động viên đỉnh cao vẫn giữ được sự hòa hợp với cơ thể của mình để đạt tới tốc độ tối ưu và điều chỉnh để duy trì nhịp độ tốt nhất trong suốt cuộc đua.
Sự tập trung là tối quan trọng, vậy nên các buổi tập ngắn với những mục tiêu rõ ràng là cách tốt nhất để phát triển các kỹ năng mới nhanh hơn. Tập với 100% nỗ lực trong thời gian ngắn vẫn tốt hơn là tập lâu mà chỉ cố gắng 70%.
Để luyện tập kỹ năng hiệu quả mà không cần giáo viên, hãy nhớ trong đầu ba từ: tập trung, phản hồi, sửa sai. Hãy chia nhỏ kỹ năng thành những thành phần mà bạn có thể làm lại nhiều lần và phân tích hiệu quả, xác định được điểm yếu của mình và tìm ra cách giải quyết chúng.
Và muốn luyện tập cái gì đó hiệu quả thì bước đầu phải sao chép cách làm của những người giỏi trước đã.

VƯỢT QUA TRẠNG THÁI CHỮNG

Khi bắt đầu học một điều gì đó mới mẻ, ban đầu bạn sẽ thấy một sự cải thiện nhanh (hoặc ít nhất là ổn định), và khi sự cải thiện này ngừng lại, bạn thường tin mình đã đạt đến giới hạn. Vì vậy, bạn có xu hướng ngừng cố gắng và bằng lòng với hiện tại. Đây là lý do chính khiến mọi người ngừng tiến bộ, bất kể ở lĩnh vực nào.
Cách tốt nhất để vượt qua nó là thách thức bộ não hoặc cơ thể của bạn theo một cách mới. Ví dụ, các vận động viên thể hình sẽ thay đổi loại bài tập mà họ đang làm, tăng hoặc giảm trọng lượng mà họ đang nâng hoặc số lần lặp lại, và thay đổi thói quen hằng tuần của họ.
Bất cứ kỹ năng phức tạp nào cũng bao gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó một số thành phần bạn sẽ làm tốt hơn so với một số thành phần khác. Do đó, khi đạt đến một điểm mà bạn gặp khó khăn trong việc tiến bộ hơn, đó sẽ chỉ là một đến hai trong những thành phần của kỹ năng đó, chứ không phải tất cả đang ngăn trở bạn.
Câu hỏi đặt ra là: Những thành phần nào?
Để trả lời câu hỏi này, bạn cần tìm ra cách tự thúc đẩy bản thân nhiều hơn bình thường một chút – không cần quá nhiều. Điều này thường sẽ giúp bạn tìm ra điểm bế tắc của mình ở đâu.

DUY TRÌ ĐỘNG LỰC

Nghiên cứu về những người thể hiện lão luyện đã chỉ ra rằng, sau khi bạn đã tập luyện được một thời gian và có thể thấy kết quả, bản thân kỹ năng đó có thể trở thành một phần của động lực của bạn. Bạn coi việc mình làm là niềm tự hào, bạn nhận được niềm vui từ lời khen của bạn bè, và cảm giác về “nhận dạng bản thân” của bạn thay đổi.
Chỉ cần coi nhận dạng mới này là kết quả từ hàng ngàn giờ tập luyện mà bạn đã dành cho việc phát triển kỹ năng, bạn sẽ thấy việc tiếp tục tập luyện giống như một sự đầu tư hơn là phí tổn.
Một yếu tố chính khác tạo nên động lực trong tập luyện có chủ ý là niềm tin rằng bạn có thể thành công. Để tự thúc ép bản thân khi bạn không thực sự muốn, bạn phải tin rằng mình có thể tiến bộ và có thể đứng cùng những người giỏi nhất. Nên nhớ rằng, sức mạnh của niềm tin này mạnh mẽ đến nỗi nó có thể thắng được thực tế.